Mình Máu Thánh Chúa Kitô, Amen!

Bạn đang đói ư? Hãy đến xin Chúa cho của ăn. Bạn đang khát ư? Hãy đến với Chúa xin của uống. Đói khát thể xác cần được đáp ứng, đói khát tinh thần cũng cần được cung cấp kịp thời. Tôi đang nói đến một Bí Tích mà Thiên Chúa có thể trao của ăn và thức uống cho mỗi người: Bí Tích Thánh Thể.

1. Lời tuyên bố gây sốc

Tưởng tượng bạn có mặt lúc này với Đức Giêsu. Ngài đang rao giảng về bánh hằng sống từ trời. Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, dân chúng mừng rỡ vì được ăn no nê (Ga 6,1–15). Họ ước sao Đức Giêsu tiếp tục nuôi họ bằng thứ bánh này. Tuy vậy, Đức Giêsu nói chính Ngài là thứ bánh trường sinh. Đây là lời rao giảng gây sốc cho nhiều người: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.” (Ga 6,51). Với những lời chướng tai này, dân chúng liền bàn tán xôn xao. Họ tưởng Đức Giêsu lấy thịt và máu Ngài cho người khác ăn. Điều ấy là không thể. Do đó, nhiều người bỏ đi, các môn đệ cũng hồ nghi về bài giảng vừa rồi của Thầy. Chắc tôi và bạn cũng ngạc nhiên về những lời này!

Giáo Hội chỉ có thể hiểu lời rao giảng trên sau cuộc khổ nạn và sự phục sinh của Đức Giêsu. Nơi đó, Con Một Thiên Chúa đã hiến tế chính mình để cứu độ con người. Vả lại trước đó trong bữa Tiệc Ly, chính Ngài đã sáng kiến thiết lập Bí Tích Thánh Thể để hiện diện cụ thể với con người trong mỗi thánh lễ. Chúng ta hoàn toàn hiểu được vì sao lúc ấy dân chúng khó đón nhận những lời này. Tuy nhiên càng về sau, Giáo Hội càng nhận ra việc cử hành lễ bẻ bánh (thánh lễ), là nguồn sống cho các tín hữu ở mọi nơi và mọi thời. Vì Giáo Hội xác tín rằng, lời rao giảng năm xưa của Thầy Giêsu được cụ thể hóa nơi tấm bánh và chén rượu đang được linh mục cử hành trong thánh lễ.

Thực ra nội dung lời tuyên bố trên có thể vẫn gây sốc cho con người thời đại hôm nay. Tại sao các tín hữu nói: khi rước lễ là tôi ăn thịt và uống máu Chúa Giêsu? Bằng cách nào[1]? Sao lại ăn thịt và uống máu con người. Nhìn từ bên ngoài, người Công Giáo lên rước lễ là đón nhận một tấm bánh trắng. Thi thoảng họ cũng được nhận chút rượu từ chén lễ của linh mục. Bánh rượu ấy làm thế nào biến nên thịt và máu của Chúa Giêsu được? Với lý luận như thế, chắc nhiều người vẫn khó tin vào những gì Giáo Lý dạy về bí tích thánh thể.

Trong câu hỏi trên, tôi rất thích cách lý giải của Đức Bênêđictô XVI: “Làm thế nào Chúa Giêsu có thể ban Mình và Máu Người? Bằng cách biến đổi bánh thành Thân xác Người và rượu thành Máu Người, và Người ban Mình Máu Người trước khi chịu chết, Người đón nhận cái chết tự nội tâm Người và biến nó thành một cử chỉ yêu thương. Xem bề ngoài đó là chuyện tàn bạo dữ dội – việc đóng đinh vào thập giá – nhưng bên trong là hành vi yêu thương tận hiến toàn vẹn.”[2] (bài giảng 21–8–2005).

Trong lịch sử đã luôn có những người hồ nghi về việc bánh rượu hóa nên Mình Máu Chúa. Thậm chí nhiều người lên rước lễ cũng chẳng thể nào tin mình đang ăn thịt và uống máu Đức Giêsu. Thú vị là nhiều phép lạ đã xảy ra ở nhiều nơi quanh bí tích Thánh Thể này. Người ta đã chứng kiến bánh rượu hóa nên thịt và máu thật của một con người. Khoa học y khoa đã vào cuộc để phân tích ngọn ngành. Ngạc nhiên hơn nữa là nhóm máu của những phép lạ ấy đều giống nhau (nhóm máu AB)[3].

Với người đạo hạnh, chắc lời tuyên bố trên không gây sốc lắm; nhưng đó là một lời hứa chan chứa tình yêu[4]. Đức Giêsu đã hiến tế mạng sống mình để nuôi sống con người. Với họ, Bí Tích Thánh Thể thực sự là nguồn an ủi và thỏa lòng trong cơn đói khát. Bởi vậy, Bí Tích này luôn là trung tâm đời sống của Giáo Hội và cho các tín hữu. 

2. Mình Máu Thánh Chúa Kitô

Thánh Gioan Vianney nhắn nhủ rằng: “Không rước lễ thì giống như chết khát bên dòng suối.” Hình ảnh thật đẹp biết bao khi dòng người lên đón nhận Mình Máu Thánh Chúa Kitô trong mỗi thánh lễ. Còn nhớ thời Covid–19, nhiều người không được đến nhà thờ tham dự thánh lễ. Họ phải rước lễ thiêng liêng. Đó cũng là kinh nghiệm cho thấy những ngày thiếu đi nguồn lương thực thần linh này. Rồi sau đại dịch, chúng ta lại thấy dòng người đón nhận Mình Máu Thánh Chúa Kitô.  

Với Mình Máu Thánh Chúa Kitô, Giáo Hội còn gọi thánh lễ là bữa tiệc vui mừng. Đây là bữa tiệc của Chúa Giêsu với mỗi người tham dự. Nơi đó, Chúa Giêsu tiếp tục hiến tế chính mình Ngài trên bàn thờ. Ngoài việc tưởng niệm cuộc khổ nạn của Đức Giêsu trong thánh lễ, Giáo Hội còn cho thấy đây là phụng vụ thần linh, mầu nhiệm thánh. Nghĩa là việc cử hành Thánh Thể là thời gian hoan hỷ giữa Hội Thánh trên trời và dưới đất trong một thánh lễ. Đây là bí tích cực thánh vì trong các lễ vật được dâng lên có Chúa Giêsu hiện diện.

Kinh nghiệm của Giáo Hội và cá nhân mỗi người nhận ra Mình Máu Thánh Chúa là lương thực thần linh. Giáo Hội vẫn luôn nhắn nhủ với con cái mình cần đón nhận bánh hằng sống này. Nếu không, chúng ta sẽ chết đói, sẽ sống èo uột bên nguồn lương thực mà Chúa đang trao cho nhưng không!

Chẳng hạn nhiều lần Mẹ Têrêsa Calcutta nhắn nhủ với các sơ (với mỗi người): “Chúng ta không được để đời mình xa lìa Thánh Thể. Làm như thế, ta sẽ suy nhược. Người ta hỏi: “Các Sơ tìm đâu ra sức mạnh và niềm vui để phục vụ?” – Trong Thánh lễ không phải chỉ có việc rước lễ, mà thánh lễ còn làm dịu đi cơn đói của Chúa Giêsu. Người nói: “Hãy đến với Ta”. Người đói linh hồn ta.” (x. Youcat 212).

Ước gì trong ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô hôm nay cũng là dịp để mỗi người chân quý món của Đức Giêsu. Đây là điều sống còn dành cho các tín hữu, bởi trên đường dương thế, chúng ta sẽ chẳng đủ sức nếu không đón nhận của ăn thần linh này. Lời Đức Giêsu hằng đảm bảo cho mỗi người: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết.” (Ga 6,54).

3. Amen, một lời xác tín

Khi linh mục nói: Mình Máu Thánh Chúa Kitô, người rước lễ thưa: Amen. Amen trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là: “Đúng như thế, thật vậy”. Đây là một lời tuyên bố xác nhận điều gì đó. Trong Cựu Ước, Amen còn mang nghĩa: “mong được như thế”, để làm cho mong ước hoạt động của Thiên Chúa mạnh mẽ hơn, hoặc để liên kết với lời ca tụng Thiên Chúa. Amen còn biểu lộ sự đồng tình với một lời nói (x. Gr 28,6), hoặc chấp nhận một sứ mạng (Gr 11,5). Trong Tân Ước, Amen được dùng để tăng cường cho kết luận của lời cầu nguyện. Chính Đức Giêsu cũng là Amen của Thiên Chúa, vì Ngài thực hiện mọi lời hứa của Thiên Chúa. (2 Cr 1,19–20).

Với những ý nghĩa trên, chúng ta thấy lời tuyên xưng Amen khi đón nhận Mình Máu Thánh Chúa Kitô thật đẹp biết bao. Khi đó, người rước lễ cùng với người cho rước lễ[5] xác tín mình đón nhận cả “con người” Đức Giêsu. Về mặt vật lý, dù họ chỉ nhận một tấm bánh, một chút rượu, nhưng về mặt bí tích, họ xác tín mình đang rước trọn vẹn Đức Giêsu vào tâm hồn. Khi đó, họ được nên một cùng với Đức Giêsu (x. Ga 6,56). Hoặc nói như thánh Phanxicô Salêsiô: “Trong Thánh Thể ta nên một với Thiên Chúa, như lương thực nên một với thân xác.”

Chắc hẳn lời Amen ấy cũng được các tín hữu nối dài trong cuộc sống hằng ngày. Khi đón nhận thức ăn thần linh, họ cũng được mời gọi chia sẻ nguồn sức sống ấy cho những người xung quanh. Hy vọng nhiều người để Mình Máu Thánh Chúa làm nên sức sống. Nơi đó, họ không còn đói khát, cô đơn hoặc suy nhược.  

Lạy Chúa Giêsu, con tạ ơn Chúa đã trao ban Mình Máu Ngài cho con nơi Bí Tích Thánh Thể. Ngài đã trở nên thần linh nuôi sống con trên cuộc đời dương thế. Con mời Chúa vào tâm hồn con lúc này. Nhờ đó, Mình Máu Thánh Chúa thánh hóa cuộc đời con nên nhân chứng giữa đời. Amen.

Mừng Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, 14-6-2020

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

————————————————-

[1] “Biến thể, các nhà thần học dùng từ này để cắt nghĩa làm thế nào Chúa Giêsu có thể hiện diện trong bí tích Thánh Thể dưới hình bánh hình rượu: bánh rượu vẫn có “hình” bề ngoài không thay đổi, nhưng cái “bản thể” hoặc bản tính của bánh và rượu đã biến thành Mình và Máu Chúa Kitô, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần lúc đọc các lời truyền phép.” (x. Youcat số 214).

[2] Youcat 210.

[3] http://conggiao.info/4-phep-la-thanh-the-ky-dieu-nhat-trong-20-nam-qua-d-44511

[4] Thầy Giêsu hy sinh mạng sống để cho con người được sống. “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. No one has greater love than this, to lay down one’s life for one’s friends.” (Ga 15,13). Như thế, Thánh Gioan tinh tế định nghĩa chính xác về tình yêu. Một tình yêu cao thượng là “lay down – đặt để” mạng sống của mình trên bàn thờ để hiến tế vì bạn hữu của mình.

[5] Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận nhắn với các linh mục rằng: „Mỗi khi trao Chúa Giêsu Thánh Thể cho giáo dân, con hãy ý thức trao cả đời con, thời giờ của con, sức khỏe, tài năng, tiền của, nghĩa là máu thịt con cùng với Mình Máu Thánh Chúa làm của nuôi mọi người và mỗi người không phân biệt ai.” (Đường Hy Vọng 376.)

Kiểm tra tương tự

Danh Thánh Chúa Giêsu và Ơn Hoán Cải của Thánh Phaolô

  Hãy suy nghĩ về vai trò quan trọng nhất của Thánh Danh Chúa Giêsu …

“Tết Con Kể Mẹ Nghe” – Trở về với Tình Thương

Tết này, bạn đã có một nơi để trở về, nơi mà có người vẫn …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *