Ngài Đến Đây Làm Gì?


III. NGÀI ĐẾN CỨU CHUỘC LỊCH SỬ

Công cuộc chinh phục vật chất diễn ra trong lịch sử: lịch sử của loài người. Loài người lớn lên và vươn tới thành toàn ngang qua cuộc chinh phục vật chất, làm cho nó trở thành thế giới của loài người. Trong kế hoạch của Thiên Chúa, con người là hình ảnh của Thiên Chúa, giống như Thiên Chúa ngay ở điểm con người được thông dự vào quyền năng tạo dựng của Thiên Chúa. Càng chinh phục được thế giới vật chất, con người càng là hình ảnh của Thiên Chúa, càng giống Thiên Chúa. Chung cục của Lịch sử sẽ là lúc con người đã hoàn toàn làm chủ được vật chất, hoàn thành sứ mạng Thiên Chúa trao. Lúc ấy, con người được thể hiện trọn vẹn, triển khai được hết mọi tiềm năng Chúa trao cho. Lúc ấy vinh quang của con cái Thiên Chúa sẽ bừng lên, cả loài người tụ họp trong cuộc liên hoan vĩnh của của Thiên Chúa.

Tội lỗi cắt ngang Lịch sử

Nhưng tội lỗi đã vào trong thế gian. Nó đã tạo nên một khúc quanh tàn khốc cho Lịch sử, vì nó đảo lộn hết tương quan và đẩy Ađam-Eva vào số phận “trở về bụi đất”. Tội lỗi là sức ly tâm đẩy con người xa Thiên Chúa và xa nhau, gây nên một sự tan rã vô phương cứu chữa. Vật chất phục vụ cuộc tiến hóa của con người cũng bị kéo vào cuộc tan rã ấy. Cuộc tiến hóa của vạn vật thành một cái nhà không nóc, một lâu đài trên cát, vươn lên mãi để chẳng tới đâu cả. Tất cả chỉ vì Ađam-Eva từ chối thân phận làm người, đã đánh mất điểm tới cho lịch sử. Cuộc tan rã ấy vô phương cứu chữa, vì con người không thể nào kéo Tình Thương Tuyệt Đối trở lại với mình để làm điểm tới cho Lịch sử. Lịch sử như một bản hòa tấu bị cắt ngang, những cung đàn cứ vang lên để chẳng đi tới một kết thúc nào cả. Cả lịch sử cũng trở về đất với con người. Trong nhãn giới đó, nhà thơ Qohelet trong Thánh Kinh đã phải kêu lên: “Phù vân rất mực phù vân, mọi sự là phù vân”.

Tội lỗi đi vào Lịch sử đã trở thành sức mạnh thống trị con người, bắt con người làm nô lệ nó để đưa con người tới sự chết, tới diệt vong. Thánh Phaolô đã diễn tả cái bi đát ấy của thân phận con người trong Thư gửi tín hữu Rôma: “Tôi bị bán làm nô lệ cho tội lỗi. Thực vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét thì tôi lại cứ làm… Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (7,14-15.18.19). Sự ác là sự ác không phải vì Chúa cấm, nhưng vì nó là sự ác mà Chúa cấm, nó tiêu diệt con người, phá hủy kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa về con người. Sách Sáng Thế diễn tả ý nghĩa giới răn của chúa bằng hình ảnh trái cấm. Chúa bảo rằng “ăn trái ấy thì chết”. Giới răn vạch cho Ađam-Eva thấy giới hạn của mình, thấy con đường phải đi. Vượt giới hạn ấy, ra khỏi con đường ấy là tự sát. Ta thường dễ chú ý tới khía cạnh tiêu cực này mà sao lãng khía cạnh tích cực trên. Nếu chỉ nhìn giới răn theo khía cạnh cấm đoán thì nhất định con người phải nổi loạn. Và con người đã nổi loạn thật. Nhưng khi đã nổi loạn, ra khỏi con đường đưa tới sự sống, tới thành tựu, thì Ađam-Eva đã rước sự ác, sức phá hủy vào trong thế giới của mình và không thể nào đuổi nó ra được nữa. Sự ác làm chủ trong lòng con người. Nó dứt khoát kéo con người tới chỗ diệt vong. Sự ác được con người rước vào Lịch sử đã trở thành lãnh chúa của Lịch sử, và nó biến Lịch sử thành một cuộc chạy đến tan rã với gia tốc kinh hồn. Muốn cứu được Lịch sử, cần cho nó một điểm tới và giải trừ được sức thống trị của tội lỗi.

Con Thiên Chúa đã đến xoay lại dòng Lịch sử

Kết thúc suy niệm về sức mạnh của tội lỗi, thánh Phaolô kêu lên: “Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này?” (Rm 7,24). Và thánh Phaolô đã tìm ra câu trả lời. Ngài kêu lên trong niềm vui cảm tạ: “Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”(7,28). Sự giải thoát ấy đã đến nhờ Đức Giêsu Kitô: “Luật của Thần Khí ban sự sống trong Đức Kitô Giêsu đã giải thoát tôi khỏi luật của tội lỗi và sự chết”(8,2). (Luật ở đây nghĩa là sức mạnh, sức tác động, quyền lực). Thiên Chúa đã làm cách nào để giải trừ sức mạnh của tội lỗi ? Thánh Phaolô giải thích thế này: “Điều mà Lề Luật [Môsê] không thể làm được, vì bị tính xác thịt làm cho ra suy yếu, thì Thiên Chúa đã làm khi sai chính Con mình đến mang thân xác giống như thân xác tội lỗi của chúng ta, để đền tội chúng ta, Thiên Chúa đã lên án tội trong thân xác con mình” (Rm 8,3). Kết quả là chúng ta không còn sống dưới ách thống trị của tội lỗi nữa, nhưng sống trong quyền năng tác động của Thần Khí, “Thần Khí vươn tới sự sống và bình an” (8,6). Xác tín của thánh Phaolô đáp lại lời Chúa Giêsu tuyên bố: “Thủ lãnh thế gian đã bị ném ra ngoài” (Ga 12,31); “Hãy tin tưởng, Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33).

Đối với thánh Phaolô, Đức Giêsu Kitô đã phục hồi hướng đi của lịch sử, chuyển nó từ con đường đi tới diệt vong trở thành con đường đưa tới sự sống, sự thành tựu tuyệt đối. Toàn thể Mầu nhiệm Nhập thể thực hiện cuộc giải phóng này. Chúa Giêsu đã nhân danh cả loài người mà chiến thắng tội lỗi bằng cách sống cuộc đời như chúng ta, nhưng không phạm tội, không bao giờ để cho tội lỗi, sự ác làm chủ được Ngài (x. Hr 4,15). Ngài đã hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa, hoàn toàn để cho Thần khí dẫn đưa, nghĩa là Ngài đã đem trọn thân phận con người đặt dưới sự hướng dẫn của Thần Khí. Hành động cuối cùng của Ngài là tự nộp mình đón lấy những đòn khốc liệt nhất của sự ác bằng cái chết trên thập giá, chính là tột đỉnh sự vâng phục của Ngài: “Vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên cây thập tự” (Ph 2,8). Sự ác và cái chết đã trút hết nọc độc của nó trên Ngài nên nó đã bị tiêu diệt: sự chết đã bị nuốt trửng trong chiến thắng của Đức Kitô (x.1Cr 15,55). Thánh Phaolô đã làm nổi bật sức mạnh cứu chuộc của Đức Giêsu Kitô bằng cách so sánh với Ađam (Rm 5,12-21): một người bất tuân làm cho cả nhân loại phải chết, vì mọi người phạm tội. Một người vâng phục làm cho cả nhân loại được sống. Ađam phạm tội là nguyên lý sự chết, Đức Giêsu vâng phục là nguyên lý sự sống. Theo Đức Kitô thì sẽ được sống (1Cr 15,21-22). Đức Kitô trở thành khởi điểm Alpha của Lịch sử. Mọi sự khởi đi từ Ngài, vì Ngài xoay lại dòng Lịch sử và chuyển thông vào Lịch sử sức mạnh Thánh Thần để giải trừ sức mạnh của tội lỗi.

Ngài là điểm tới và là người điều khiển lịch sử

Trong kế hoạch cứu chuộc của Thiên Chúa thì chính Đức Kitô cũng là điểm tới Omega của Lịch sử, như thánh Phaolô diễn ta trong Thư Êphêsô: “Kế hoạch yêu thương Thiên Chúa đã tự mình định trước trong Đức Kitô, đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn, là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô!” (Ep 1,9-10). Trong sách Khải Huyền, Đức Kitô tự xưng là Alpha và Omega (1,17). Đức Kitô chính là Con Người mà Thiên Chúa đã đặt làm Chúa mọi loài, và Lịch sử trở thành con đường đưa muôn loài quy về Chúa Kitô. Khi mọi sự quy phục Ngài, thì Lịch sử hoàn tất. Bởi vậy Lịch sử là tương lai của Đức Kitô. Chính Ngài đang điều khiển tương lai của Ngài. Ngài được Thiên Chúa đặt làm Chúa và trao cho quyền cai quản mọi loài. Thánh Matthêu khẳng định điều ấy bằng một lời của Chúa Giêsu phục sinh: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất… Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (18,18.20). Còn thánh Luca lại diễn tả chân lý ấy bằng cảnh Chúa Giêsu lên trời, ngự trên đám mây (Lc 24,50-51 và Cv 1,9-11). Cuối cùng, sách Khải Huyền trình bày sứ mạng hiện tại này của Đức Kitô bằng hình ảnh Con Chiên tiến lên nhận cuốn sách niêm phong, do Đấng Ngự trên ngai trao cho. Mỗi lần con Chiên mở một dấu niêm phong thì một loạt biến cố diễn ra (chương 5-8). Ý nghĩa của hình ảnh đầy kịch tính này là Chúa Giêsu nhận quyền điều khiển dòng lịch sử. Ngài thoát ra khỏi giới hạn của thời gian, nhưng Ngài vẫn hiện diện trong Lịch sử để dẫn đưa tất cả đến với Ngài, hoàn tất kế hoạch của Chúa Cha: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,30). Ngài là Alpha và Omega của Lịch sử, đồng thời Ngài cũng là Đấng điều khiển Lịch sử.

Nội dung của lịch sử là giao tranh giữa thiện và ác

Thánh Phaolô và thánh Gioan đều trình bày cho chúng ta cuộc chiến thắng của Chúa Giêsu và ơn giải thoát Ngài đem cho chúng ta. Nhưng cả hai vị đều cho thấy rằng câu chuyện chưa kết thúc. Cuộc giao tranh giữa thiện và ác, giữa Chúa Kitô và Satan còn đang diễn ra trong cuộc sống mỗi người và trong lịch sự của cả nhân loại. Chúa Giêsu tác động bằng Thần Khí Ngài gửi đến, Satan tác động bằng sự ác vẫn con đang có mặt trong con người và trong Lịch sử. Chúa Kitô và Satan vẫn giao chiến với nhau để giành lấy nhân loại. Chúa Kitô muốn đưa nhân loại tới sự sống, Satan muốn đưa tới diệt vong. Trong cuộc chiến này, con người vừa là đối tượng tranh giành, vừa là chủ động chiến đấu: chính con người phải lựa chọn sự thiện hay sự ác, sự sống hay sự chết và theo con đường dẫn tới mỗi đích điểm. Đó là nội dung của Lịch sử trong nhãn giới Đức Tin.

Ngay trong chương 8 của Thư gửi tín hữu Rôma, sau khi nói rằng chúng ta đã được nguyên lý của sự sống thành tựu là Thánh Thần, Thánh Phaolô nêu lên hiện trạng một cuộc giao tranh: “Nếu anh em sống theo tính xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ, thì anh em sẽ được sống” (8,13). Tin Mừng theo Thánh Gioan kể lại những lời Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ, loan báo cho họ biết rằng họ sẽ phải đương đầu với sự ác (16,1-24). Chúa Giêsu đã chiến thắng, đã quật ngã lãnh chúa của sự ác, nhưng không phải Ngài làm thay cho nhân loại, mà để nhân loại có thể cùng với Ngài quật ngã nó. Ngài quật ngã nó là để đảm bảo cho nhân loại rằng nếu đi cùng với Ngài, nhân loại sẽ thắng được sự ác: “Hãy tin tưởng, Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33). Trong Thư thứ nhất của Ngài, thánh Gioan cho thấy cuộc chiến ấy diễn ra ngay trong mỗi người và trong cộng đoàn môn đệ (2,12-28)

Dù cuộc chiến diễn ra ở cá nhân hay trong tập thể nhân loại, thì sức mạnh mà Chúa Kitô trương ra để vật lộn với sự ác vẫn là Thần Khí mà Ngài gửi đến từ trong lòng Cha. Thần Khí là quyền năng của Đức Kitô hiện diện trong Lịch sử. Cũng như Chúa đã nói về mình: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,6), thì ai sống theo Thần Khí của Đức Kitô là đem được Thần Khí vào trong con người, trong Lịch sử để Thần Khí lần hồi xâm nhập và biến đổi tất cả nên thân thể của Đức Kitô. Vì thế mà trong bữa Tiệc Ly, Ngài nói với môn đệ: “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng BảoTrợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em” (Ga 16,7). Thánh Thần sẽ hoàn tất cuộc chiến thắng và sẽ thông cho môn đệ tất cả những gì thuộc về Đức Kitô, nghĩa là mọi sự thuộc về Thiên Chúa, vì “mọi sự của Cha là của Con” (Ga 17,10).

Sách Khải Huyền trình bày cuộc chiến giữa Chúa Kitô và Satan như một tấn bi hùng kịch, trong đó cả nhân loại và vũ trụ bị kéo vào cuộc chiến. Mỗi bên đều tung hết lực lượng của mình ra trong một cuộc giao tranh ngày càng quyết liệt. Có những lúc tưởng chừng sự ác đã thắng, đã tiêu diệt được cả nhân loại, nhưng quyền năng của Đức Kitô vẫn luôn luôn đổi mới, và cuối cùng sự ác hoàn toàn bị tiêu diệt, bị loại trừ khỏi vũ trụ của loài người. Loài người không còn bị một khoảng không nào ngăn cách với Thiên Chúa nữa. Sự ác không còn đe dọa loài người nữa vì trời mới đất mới đã xuất hiện, trong đó không còn nơi cho sự ác cư ngụ, “không còn biển” và cũng không còn nơi cho quyền lực nào ngoài Thiên Chúa tác động nữa “không còn khoảng không trung”. Chỉ còn Thiên Chúa ở với loài người và loài người ở với Thiên Chúa trong ánh sáng vô cùng tuyệt diệu. (x. Kh 21)

Thánh Phaolô cũng diễn tả sự hiện diện hoàn toàn trong suốt của Thiên Chúa giữa loài người và của loài người trong Thiên Chúa, như là điểm tới của Lịch sử: “Đức Kitô phải nắm vương quyền cho tới khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người. Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết… Lúc muôn loài đã quy phục Đức Kitô, thì chính Người, vì là Con, cũng sẽ quy phục Đấng bắt muôn loài phải quy phục Người; và như vậy, Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài”. (1Cr 15, 25-28). Như vậy, Chúa Kitô là khởi điểm mới của Lịch sử vì Ngài mở đường và bảo đảm cho Lịch sử đi tới thành tựu; Ngài đã xoay lại dòng Lịch sử và đích thân đưa Lịch sử đi tới bằng Thần Khí mà Ngài không ngừng thổi vào nhân loại. Ngài dẫn đưa dòng Lịch sử không phải bằng cưỡng ép các biến cố, nhưng bằng cách làm cho mọi biến cố dù có vẻ đen tối, dù như muốn tiêu diệt tất cả thì cũng đều góp phần đưa Lịch sử tới kết thúc tốt đẹp, vì điểm tới cũng chính là Ngài; Ngài viết thẳng bằng những nét cong mà Lịch sử loài người cung cấp cho Ngài. Đây là chỗ chúng ta hiểu được ý nghĩa tước hiệu “Chúa trên các chúa! Vua trên các vua” mà sách Khải Huyền nói về Đức Giêsu (17,14). Ngài làm Vua[5] không phải để hưởng thụ, nhưng để dẫn loài người và muôn vật tới sự sống vĩnh cữu của Thiên Chúa. Những điều thánh Phaolô diễn tả trừu tượng trong chương 15 của Thư gửi tín hữu Côrintô, tác giả sách Khải Huyền diễn tả bằng những cảnh, những hình ảnh của một tấn bi hùng kịch. Cả hai đều cho thấy Đức Kitô vừa là Alpha và Omega, vừa là người điều khiển và sức mạnh đưa Lịch sử vươn tới; và nội dung của Lịch sử là một cuộc giao tranh giữa Chúa Kitô và sự ác để giải phóng loài người khỏi tội lỗi và sự chết cuối cùng, ngõ hầu đưa loài người đến cuộc sống vô cùng của Thiên Chúa và với Thiên Chúa[6].

 

Kiểm tra tương tự

Thông báo: Thánh lễ Tạ ơn mừng 50 năm Hồng Ân

  Trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, TỈNH DÒNG TÊN VIỆT NAM HÂN HOAN …

Các Thánh và hành trình chữa lành từ nỗi đau

  Vì Con Chiên đang ngự ở giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *