Người hát rong

Sau nhiều lần đi lướt qua, chiều nay mình quyết định ngồi lại nói chuyện với ông lão. Ông lão đang ôm cây vĩ cầm, co mình trong chiếc áo măng tô dày cộm. Trời vào Thu, thời tiết đã bắt đầu chuyển lạnh.

Đằng sau cái dáng dấp mệt mỏi và khuôn mặt buồn buồn, ông lão vẫn còn giữ lại nơi mình dáng dấp của một người nghệ sĩ. Kiểu cười nửa miệng. Mái tóc dài xõa tới vai. Đôi mắt sâu đầy thần sắc…

Ông lão chọn một góc nhỏ trong quảng trường. Nhỏ đủ để ông đặt chiếc ghế ngồi và chiếc hộp đựng vĩ cầm, và đủ để tầm nhìn của ông có thể quan sát những gì đang diễn ra trên quảng trường.

Có những ngày ông lão chỉ ngồi bần thần. Cây vĩ cầm nằm lặng yên trong hộp. Đôi mắt ông như đang dõi về một cõi xa xăm nào đấy. Tâm hồn ông đang mơ về một khoảng trời xa xăm nào đấy… Cũng có những chiều ông lặng lẽ lôi chiếc vĩ cầm ra khỏi hộp. Những ngón tay gầy run run lướt nhẹ trên cần đàn. Tiếng vĩ cầm lạc lõng mất hút trong bầu khí xô bồ náo nhiệt của cả quảng trường.

Ông kể rằng quảng trường ấy đã từng được mệnh danh là đất của giới nghệ sĩ. Chính nơi này ông đã từng có nhiều bạn bè, từng gặp được nhiều tâm hồn đồng điệu. Hồi ấy ông còn là một chàng trai trẻ, ông chơi nhạc với tất cả niềm đam mê của một người trẻ. Hồi ấy… nghĩa là đã gần năm mươi năm qua rồi!

Hồi ấy có những người hát rong, nhưng không có những người hát rong như bây giờ. Hồi ấy, âm nhạc là ngôn ngữ của con tim. Hồi ấy, âm nhạc kéo con người ta đến với nhau tự nhiên và chân thật lắm.

Bây giờ…

Âm nhạc được dùng như phương tiện kiếm tiền.

Người ta vẫn giữ lại cái danh đất nghệ sĩ cho quảng trường, như một cái nhãn hiệu cần thiết để câu khách. Quảng trường trở nên nơi cạnh tranh cho các nghệ sĩ đường phố. Ngày lại ngày, người ta thêm vào nhiều màn đặc sắc, kể cả những kiểu lắc mông, múa bụng, và đủ thứ trò quản bá khác. Người ta vừa chơi nhạc vừa chào mời khách qua đường, vừa niềm nở cám ơn những đồng bạc lẻ mà du khách quẳng vào giỏ của mình.

Chẳng biết tự bao giờ, quảng trường ấy đã biến thành một kiểu chợ trời.

Ông lão buồn cho cái nghệ thuật mà ông theo đuổi suốt đời bị lạm dụng bêu rếu, buồn cho cái danh nghệ sĩ bị đem rao bán giữa chốn chợ đời.

Ông lão vui khi biết mình là một tu sĩ. Mỗi tu sĩ là một kẻ hát rong, ông nói. Những kẻ sống cuộc đời như mình sẽ mang nhiều lắm những tâm tình, những ước nguyện, những khát mong làm được một điều gì đó cho cuộc đời này. Nhưng rất nhiều lần, tất cả chỉ là những tiếng rao yếu ớt giữa cuộc đời tạp âm và đa sắc!

Tôi là một nghệ sĩ già lỡ thời rồi – ông lão cười buồn – Cuộc đời tôi đã đi qua nhiều thăng trầm sóng gió, vui cũng có mà buồn cũng có. Tôi hiểu giá trị và giá trả của việc đem gieo tiếng hát vào giữa dòng đời. Dù trên sân khấu hay giữa đường phố, nói cho cùng, mình chỉ là một kẻ hát rong, cậu ạ

Tạm biệt, ông lão hát tặng mình một bài hát tiếng Tây Ban Nha, dường như được dệt nhạc từ một bài thơ cổ: 

Trời lung linh
nhờ ngàn tia sáng
lấp lánh trong ánh mắt

Vũ trụ lung linh
từ những tia sáng
thẳm sâu trong mỗi con tim

Trần gian rộn vui
nhờ những người ôm đàn ngồi hát

Thả hồn mình
vào giữa cõi mênh mông…!

Cao Gia An, S.J.

Kiểm tra tương tự

Năm mới, tâm hồn mới: Cảm hứng từ Giáo lý Hội thánh Công giáo

Ký ức là một phần không thể thiếu đối với bản sắc con người. Sách …

Giáo hội và Thuyết Tiến hóa: Câu chuyện về cuốn sách bị lên án

  Trong loạt bài về Giáo hội và Khoa học, chúng ta sẽ xem xét …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *