“Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi” (20.4.2019 – Đêm canh thức vượt qua)

“Người không còn đây nữa,
nhưng đã trỗi dậy rồi”
(Lc 24, 1 – 12)

 

1 Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng sáng, các bà đi ra mộ, mang theo dầu thơm đã chuẩn bị sẵn.2 Họ thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ.3 Nhưng khi bước vào, họ không thấy thi hài Chúa Giê-su đâu cả.4 Họ còn đang phân vân, thì bỗng có hai người đàn ông y phục sáng chói, đứng bên họ.5 Đang lúc các bà sợ hãi, cúi gầm xuống đất, thì hai người kia nói: “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết?6 Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi. Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Ga-li-lê,7 là Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại.” 8 Bấy giờ các bà nhớ lại những điều Đức Giê-su đã nói.

9 Khi từ mộ trở về, các bà kể cho Nhóm Mười Một và mọi người khác biết tất cả những sự việc ấy.10 Mấy bà nói đây là bà Ma-ri-a Mác-đa-la, bà Gio-an-na, và bà Ma-ri-a, mẹ ông Gia-cô-bê. Các bà khác cùng đi với mấy bà này cũng nói với các Tông Đồ như vậy.11 Nhưng các ông cho là chuyện vớ vẩn, nên chẳng tin.

12 Dầu vậy, ông Phê-rô cũng đứng lên chạy ra mộ. Nhưng khi cúi nhìn, ông thấy chỉ còn có những khăn liệm thôi. Ông trở về nhà, rất đỗi ngạc nhiên về sự việc đã xảy ra.

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKVP)

  1. Các phụ nữ và mầu nhiệm Phục Sinh

Sự hiện diện của các phụ nữ đi theo Đức Giê-su không được nhắc tới nhiều trong giai đoạn rao giảng Tin Mừng của Đức Giêsu ; chỉ có mỗi một lần, các bà được nhắc đến một cách long trọng trong Tin Mừng theo thánh Luca: “Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Ma-ri-a gọi là Ma-ri-a Mác-đa-la, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, bà Gio-an-na, vợ ông Khu-da quản lý của vua Hê-rô-đê, bà Su-san-na và nhiều bà khác nữa” (Lc 8, 1-3).

Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu tiên của biến cố Phục Sinh, sự hiện của các bà được đặc biệt nhấn mạnh, như bài Tin Mừng theo thánh Luca, được long trọng công bố trong Đêm Canh Thức Vượt Qua, kể lại.

  • Ba bà được nêu đích danh, chứ không phải được gọi bằng danh từ “các bà” chung chung. Đó là bà Gioanna, bà Maria mẹ ông Gia-cô-bê và bà Maria Magdala, vị thánh nữ nổi danh. Ngoài ra còn “các bà khác” nữa (c. 10).
  • Các bà gắn bó với Đức Giê-su một cách vô vị lợi. Thật vậy, các bà vẫn hướng về Ngài vào những lúc thử thách nhất, bi đát nhất và đen tối nhất trong cuộc Thương Khó; và các bà vẫn một lòng gắn bó với Ngài, khi Ngài chẳng còn là gì hơn là một thân xác nát tan, đã được chôn cất.

Và chính khi đi tìm Đức Giê-su đã chết và muốn chăm sóc cho thân xác đã chết của Đức Giê-su, các bà được nghe loan báo Tin Mừng Phục Sinh của Ngài, không phải của người phàm, nhưng là của thiên sứ, và không phải của một nhưng là của hai vị:

Hai người kia nói: “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết? Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi.”

(c. 5-6)

Vẫn chưa hết sự ưu ái Thiên Chúa dành cho các bà, vì theo lời kể của thánh sử Mác-cô và cả thánh sử Gioan nữa, các bà là những người đầu tiên được trao cho sứ mạng loan báo Tin Mừng phục sinh, không phải cho các dân tộc xa xôi, nhưng cho chính các Tông Đồ, nghĩa là cho “những trụ cột” của Giáo Hội:

Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phê-rô rằng Người sẽ đến Ga-li-lê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người như Người đã nói với các ông.

(Mc 16, 7)

Trong lời trao sứ mạng này, ông Phê-rô được nêu tên cách đặc biệt, tách khỏi nhóm các môn đệ. Ông Phê-rô là Đá Tảng, trên đó Đức Ki-tô phục sinh sẽ xây dựng Giáo Hội của Ngài; nhưng ở điểm khởi đầu trọng đại này, Đá Tảng Phê-rô được mời gọi mở lòng ra để lắng nghe lời loan báo Tin Mừng của các phụ nữ. Và không phải một Tin Mừng nói về các bà cách đặc biệt vào thời điểm hệ trọng này, nhưng cả bốn Tin Mừng đều nói và nói theo những cách khác nhau, như Giáo Hội sẽ cho chúng ta nghe lại trong Mùa Phục Sinh (x. Mt 28, 1-10; Mc 16, 1-8; Lc 24, 1-7 và Ga 20, 1-2. 11-18).

Như thế, hình ảnh người phụ nữ được đưa lên hàng đầu trong thời điểm trọng đại : khởi đầu mới của Đức Kitô, của các môn đệ và Giáo Hội, của toàn lịch sử và nhân loại. Vai trò của các phụ nữ được ưu tiên trong giai đoạn mới của lịch sử cứu độ. Nhưng đây không phải là lần đầu, hay là điều bất thường, nhưng là sự ưu ái xuyên suốt của Thiên Chúa dành cho các phụ nữ, trong sáng tạo và lịch sử: bà Evà, bà Sara, bốn người phụ nữ được nêu danh trong chính gia phả của Đức Giê-su (Tama, Ra-kháp, Rút và Batseva), trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu (Mt 1, 1-17), và nhất là Đức Maria.

Ngày nay, sự lựa chọn ưu ái này của Thiên Chúa dành cho nữ giới vẫn còn được duy trì, ngang qua đức tin, hoạt động mục vụ và nhất là ơn gọi thánh hiến rất phong phú trong Giáo Hội, để loan báo sự sống mới của Đức Ki-tô Phục Sinh bằng chính “Hương Thơm” đời mình.

2. Dấu chỉ Sự Sống Mới

Các bà đi tìm Đức Giê-su đã chết và muốn chăm sóc cho thân xác đã chết của Ngài. Điều này diễn tả tình yêu vô vị lợi của các bà dành cho Đức Giê-su. Vậy, bởi đâu các bà có tình yêu vô điều kiện như thế dành cho Đức Giê-su, nếu không phải là kinh nghiệm sâu đậm về ơn huệ, ơn huệ tha thứ và chữa lành. Đó cũng phải là hành trình đi theo Đức Ki-tô của chúng ta trong ơn gọi Chúa ban cho chúng ta.

Các bà gắn bó với Thầy đã chết; tuy nhiên, toàn bộ khung cảnh, toàn bộ thế giới nhỏ bé bao quanh các bà, tràn ngập dấu chỉ Sự Sống Mới của Đấng Phục Sinh.

a. Trước hết, đó là dấu chỉ thiên nhiên: “Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng sáng”.

  • “Ngày thứ nhất trong tuần”, nghĩa là tuần cũ đã qua, hình ảnh của mọi tuần, khởi đi từ tuần đầu tiên được sáng tạo, mà chúng ta đã nghe trong bài đọc 1, trích sách Sáng Thế (x. St 1, 3). Hình ảnh này loan báo tuần mới và sáng tạo mới, đã bắt đầu rồi. Và Đức Ki-tô phục sinh chính là Ngôi Lời ánh sáng, theo Ga 1, 9.
  • “Vừa tảng sáng”, nghĩa là vào lúc ánh sáng đẩy lui bóng tối của đêm đen. Hình ảnh thiên nhiên này diễn tả sự chiến thắng trên sự chết của Đức Ki-tô phục sinh.

Những dấu chỉ thiên nhiên này, nói về sự sống của Đức Ki-tô phục sinh và loan báo sự sống mới của chúng ta trong Đức Ki-tô, vẫn được ban cho chúng ta mỗi ngày.

b. Tiếp đến là dấu chỉ “ngôi mộ trống”. Chúng ta nên gọi là « ngôi mộ mở » thì hay hơn. Đó là dấu chỉ mà cả bốn Tin Mừng đều kể lại, vì có tầm quan trọng mặc khải đặc biệt. Vì thế, Giáo Hội luôn đón nhận đó như là dấu chỉ hàng đầu của Mầu Nhiệm Phục Sinh:

Họ thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ. Nhưng khi bước vào, họ không thấy thi hài Chúa Giê-su đâu cả.

(c. 2-3)

Ông Phê-rô cũng đứng lên chạy ra mộ. Nhưng khi cúi nhìn, ông thấy chỉ còn có những khăn liệm thôi.

(c. 12)

Mộ phần, tượng trưng cho sự chết, vốn là sức mạnh tột đỉnh của sự dữ, không giam hãm được Đức Ki-tô và đã bị Đức Kitô vượt qua. Hình ảnh « ngôi mộ trống » nghiêng về ý nghĩa tiêu cực nhiều hơn, vì « trống » có nghĩa là người chết bị lấy đi hay biến mất tiêu, như bà Maria nói với các Tông Đồ : « Người ta đem Chúa đi khỏi mộ ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu » (Ga 19, 2). Bà nhìn thấy « ngôi mộ mở », nhưng lại nghĩ rằng đó là « ngôi mộ trống »!

c. Và sau cùng, đó là dấu chỉ “sứ điệp thần linh”, bởi vì Tin Mừng Phục Sinh được chính sứ thần Thiên Chúa công bố:

Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết? Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi. Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Ga-li-lê, là Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại.

(c. 5-7)

Bởi vì chiến thắng sự chết chỉ có thể là quyền năng của Thiên Chúa và chỉ có thể được chính sứ thần của Thiên Chúa công bố mà thôi. Và như chúng ta đều biết và có kinh nghiệm, để đón nhận Tin Mừng Phục Sinh, đó cũng vẫn là công trình của Thiên Chúa thực hiện nơi tâm hồn và cuộc đời của chúng ta.

 3. Sự cứng tin

Chúng ta hãy lắng nghe các chứng nhân chia sẻ kinh nghiệm gặp gỡ Đức Ki-tô phục sinh, trong sự sợ hãi nhưng chắc chắn với niềm hi vọng, nhất là khi nhớ lại những gì Người nói về mầu nhiệm Vượt Qua, khởi đi từ Kinh Thánh:

Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Ga-li-lê, là Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại.” Bấy giờ các bà nhớ lại những điều Đức Giê-su đã nói.

(c. 6-8)

Nhưng rốt cuộc, các bà hẳng đã « hụt hẫng » như thế nào, khi Nhóm Mười Một không tin:

Khi từ mộ trở về, các bà kể cho Nhóm Mười Một và mọi người khác biết tất cả những sự việc ấy… Nhưng các ông cho là chuyện vớ vẩn, nên chẳng tin.

(c. 9 và 11)

Theo lời kể của thánh sử Gioan, các môn đệ đóng kín cửa phòng (x. Ga 20, 19), hình ảnh của việc đóng kín tâm hồn, không chịu ra khỏi mình để nhớ lại lời loan báo của Đức Ki-tô, và nhất là lời loan báo của Kinh Thánh, và đọc các biến cố Đức Ki-tô và những biến cố liên quan đến đời mình dưới ánh sáng của lời Kinh Thánh. Đức tin và ơn gọi của chúng ta dựa trên lời chứng của Giáo Hội và của rất nhiều người xa gần. Chúng ta đã từng ở trong tình trạng không tin như thế chưa ?

Chính vì thế, khi đích thân tỏ mình ra cho các Tông Đồ, Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, đối với các chứng nhân (x. Mc 16, 14). Như thế, Chúa coi trọng việc chúng ta làm chứng cho nhau như thế nào : lời của của người khác dành cho chúng ta, lời chứng của chúng ta dành cho người khác.

*  *  *

Như thế, Đức Ki-tô mời gọi chúng ta, trước khi trở thành chứng nhân, chúng ta được mời gọi mở lòng ra để lắng nghe các chứng nhân. Và điều này phải làm chúng ta ngặc nhiên : kinh nghiệm này cũng phải có, ngay cả đối với các tông đồ, vốn là các chứng nhân ưu tuyển !

Thật vậy, trước khi trở thành chứng nhân, chính các tông đồ cũng đã phải trải qua kinh nghiệm lắng nghe các chứng nhân khác, vốn đã được chính các thiên sứ công bố Tin Mừng Phục Sinh: “Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi” (x. 6), thậm chí họ được ban ơn gặp gỡ Đức Ki-tô phục sinh trước (x. Mt 28, 9-10; Mc 16, 11 và Ga 20, 18). Xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta mối phúc mà Đức Ki-tô mời gọi chúng ta đón nhận hôm nay:

 

Phúc cho những ai không thấy mà tin.

 

Đêm Canh Thức Vượt Qua 2016
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Kiểm tra tương tự

Tông Đồ Cầu Nguyện, 14-09-2024

  TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 14/09/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG Tình yêu Thánh …

Cùng Chúa chăm sóc và thăng tiến Đời Ta

Sinh ra làm người là hồng ân lớn lao; sống làm người trong ân sủng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *