Người Việt muốn đón nhận đức tin và những thành công bước đầu (9)

Cư sở chính đầu tiên của các Tu sĩ Dòng Tên vẫn là Faifo, Hội An. Ở đó, họ truyền đạo cho cả người Nhật lẫn người Việt. Ở đây năm 1620, với sự trợ giúp của các thông dịch viên, họ đã hoàn thành cuốn giáo lý cho người Việt bằng chữ Latinh và chữ Nôm. Sách này đã bị thất lạc, nhưng cuốn sách ấy chuyên chở các mầu nhiệm đức tin, các giới luật về đời sống Kitô giáo cũng như một số thí dụ về các vụ lành bệnh lạ lùng, đặc biệt là các vụ trừ quỷ thành công.

Việc truyền giáo nơi người dân địa phương có thành công bất ngờ. Năm 1618 có khoảng 300 tín hữu người Việt. Sau một năm ở đây, các tu sĩ Dòng Tên với người đứng đầu là cha Buzomi nhận định rằng, giờ đây công tác chính của họ là cho người Việt, còn việc mục vụ cho người Nhật chỉ là hàng thứ mà thôi. Năm 1618, cha Buzomi hướng dẫn tập việc cho vị thừa sai mới tới người Bồ Đào Nha. Đó là cha Francisco de Pina, và rồi đây cha Pina sẽ trở thành người thông thạo tiếng Việt nhất, vượt xa mọi đồng nghiệp khác. Sau đó, có thêm nhiều tu sĩ khác được gửi tới. Từ năm 1618 đến 1623, có tất cả 11 người.

Ngay từ năm 1618, sau Thanh Chiêm và Faifo, các vị thừa sai mở thêm cư sở Nước Mặn ở phía nam gần Qui Nhơn. Sở dĩ các ngài tiến sâu xuống phía nam là vì có lệnh trục xuất. Lý do trục xuất là vì mùa thu năm đó không có mưa, và người ta đổ tội cho đạo mới gây ra hạn hán. Chúa Nguyễn yêu cầu họ phải rời khỏi đất nước trong vòng 2 năm, sau hạn đó họ có thể trở lại. Trong hai năm đó, họ phải ở Faifo để chờ tàu Bồ Đào Nha đến đưa đi.

Nhưng các thừa sai lại được quan trấn thủ ở phía nam bảo vệ. Đầu tiên, quan dẫn họ đi và tìm được cho họ một chiếc thuyền do các phạm nhân chèo. Thuyền đi suốt mười hai ngày, cứ chiều tối thì cập bến. Uy tín của các tu sĩ trên chiếc thuyền này là rất cao. Một phần vì có quan đi cùng các vị, phần khác là vì các vị xin giảm án được cho các phạm nhân. Trong suốt chuyến đi, quan đối xử với các nhà thừa sai rất tử tế.

Khi lên đất liền, họ được voi chở đi, đi tới đâu được tiếp đón nồng hậu tới đó. Khi tới nơi, quan mở tiệc đón họ. Sau đó, quan cho họ ở lại trong dinh, dựng cho họ nhà ở, nhà thờ và mọi thứ cần thiết. Nhưng vị ân nhân lớn này mất sau đó không lâu. Vị quan này đã đón nhận Tin Mừng, nhưng ngay trước khi chết, ông vẫn trì hoãn việc lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, và ông đã chết mà chưa lãnh nhận bí tích. Trong lễ an táng, người ta hỏi các thừa sai rằng, linh hồn của quan giờ đang ở đâu? Các nhà thừa sai trả lời rằng: nếu như quan đã chẳng có chút ước vọng nào trở thành Kitô hữu, thì câu trả lời hẳn phải thật buồn là ông phải xuống hỏa ngục; nhưng vì quan đã có ước vọng trở thành Kitô hữu, nghĩa là chịu phép rửa trong lòng, nên quan được cứu rỗi. Câu trả lời ấy làm hài lòng những kẻ thắc mắc.

Khi vị quan này mất đi, các thừa sai mất cả uy tín lẫn phương tiện vật chất. Giờ đây họ phải tự lo mọi chuyện và chẳng có ai vào đạo. Tuy nhiên, tình thế đã xoay chuyển nhờ một phụ nữ danh giá là vợ của vị sứ giả của vương quốc Đàng Trong nơi hoàng cung của vua Campuchia. Bà cùng với đoàn tùy tùng là 25 phụ nữ đã đón nhận Tin Mừng và nhận phép rửa. Bà lấy tên thánh là Usula. Cuối cùng, vị sứ giả kia cũng muốn vào đạo. Ông xin học giáo lý vào ban đêm. Cái khó của ông là luật một vợ một chồng. Ông bảo rằng, ông không hiểu được điều đó, vì chính Thiên Chúa muốn con người mãi sinh sôi nảy nở mà. Nhưng rồi, các thừa sai đã thuyết phục thành công với ông, để ông chỉ giữ lại bà vợ cả, còn các bà vợ bé thì giữ lại làm người nhà. Và thế là, ông và cả đoàn tùy tùng cùng nhận phép rửa.

Có câu chuyện vui dẫn đến thành công của việc truyền giáo, là nhờ việc tiên báo nhật thực nguyệt thực. Nhà thừa sai đã báo trước cuộc nguyệt thực ngày 09.12.1620 lúc 23 giờ theo giờ địa phương, và đã đánh cược với vị quan huyện Nước Mặn: nếu ông thua, ông sẽ tặng quan chiếc áo lụa đang mặc, nếu quan huyện thua, quan phải dự 8 buổi học giáo lý, hoặc quan phải hứa sẽ vào đạo, bởi vì nếu những chuyện trên trời và ẩn giấu như chuyện nhật thực nguyệt thực mà giáo huấn của chúng tôi chắc chắc và giáo huấn của quan sai lầm như thế, thì quy luật và sự hiểu biết của chúng tôi về Thiên Chúa, hẳn sẽ không kém chắc chắn, và quy luật cũng như hiểu biết của quan hẳn là sai. Trong ngày đó, nguyệt thực đã thật sự xảy ra, và quan cùng nhiều nho sĩ khác đã vào đạo. Còn về một cuộc nhật thực khác, các nhà thừa sai biết chắc là người dân địa phương sẽ không nhìn thấy được, nhưng các nhà thiên văn của chúa Nguyễn không tin và vẫn cho sửa soạn nghi lễ tế tự. Vụ này làm cho họ bị mất mặt và uy tín của các nhà thừa sai lên cao. Thực tế, cuộc nhật thực chỉ thấy được một phần ở vùng Đông Bắc Trung Quốc.

Từ Nước Mặn, cha Buzomi thành lập được mạng lưới những trung tâm Kitô giáo nhỏ trên ba tỉnh phía Nam. Các trung tâm nhỏ này lại trở thành những điểm tạo nên các tế bào mới. Vì thế, cha Buzomi phải nay đây mai đó đào tạo thêm giáo lý viên, là những người hoặc sẽ loan truyền Tin Mừng, hoặc hướng dẫn kinh hạt cho bổn đạo, hoặc tiếp tục lãnh đạo cộng đoàn. Cha Đắc Lộ thì tiếp nhận Hội Kẻ Giảng, tiếp tục phát triển Hội, để mang đến cho Hội một hình hài cụ thể.

Các phần trước:
Cha Đắc Lộ và chữ quốc ngữ (1)
Truyền giáo trên đất Nhật (2)
Tại sao Cha Đắc Lộ được Bề trên chấp thuận sai đi truyền giáo (3)
Cha Đắc Lộ vào Dòng, được đào tạo tại Roma, lên đường đi Ấn Độ (4)

Cha Đắc Lộ bước đầu tại Ấn Độ, và hướng về Nhật Bản (5)
Đất Việt như thế nào thời Cha Đắc Lộ đặt chân đến (6)
Đàng Ngoài – Đàng Trong, vài nét về văn hóa tôn giáo (7)
Tại sao các nhà truyền giáo Dòng Tên đến với Đất Việt (8)
Phần tiếp theo:
Cha Đắc Lộ từ bỏ ước mơ trở lại Nhật vì có duyên với Đất Việt (10)

Lược trích: Tứ Quyết SJ
Hoa Trái ở Phương Đông, Tác giả: Klaus Schatz, S.J.,
Người dịch: Phạm Hồng Lam, NXB Phương Đông, 2017.

Kiểm tra tương tự

Sinh Nhật Chúa Giêsu và câu chuyện Giáng Sinh

  Tại sao Sinh Nhật của Chúa Giêsu được gọi là Giáng Sinh?   Thuật …

“Lạy Đấng Emmanuel, xin hãy đến!”: Nỗi khắc khoải và niềm hy vọng trong Mùa Vọng

Người phương Tây thế kỷ 21 – từ Taylor Swift đến Billie Eilish – đã …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *