Nhật kí Linh Thao Thanh Hóa 2012: “Ngày thứ hai – Tội lỗi”

Chúng tôi – những thao viên tham dự chương trình linh thao hè 2012 tại xứ Thanh đã bước sang ngày thứ hai, ngày chúng tôi được Chúa dẫn dắt, soi đường. Dường như đã quen hơn với việc phải giữ thinh lặng nên chúng tôi bước vào những giờ cầu nguyện sốt sắng và hiệu quả hơn. Trong ngày linh thao thứ hai này, chúng tôi cùng nhau suy ngẫm về tội lỗi – thứ khiến con người xa rời Thiên Chúa.

Trong giờ lấy điểm tối hôm trước (30/07), chúng tôi được thầy Giuse Nguyễn Tuân Phục (dòng Tên) gợi ý cầu nguyện với chủ đề “Cách cầu nguyện phải tránh và cách cầu nguyện nên theo”. Dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế (Lc 18, 9-14) đã tái hiện lại cho chúng tôi thấy hai cách cầu nguyện. Một là người Pharisêu “đứng riêng một mình” và một là người thu thuế “đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời”. Và hơn thế, Chúa đang giúp chúng tôi nhận thấy được cách cầu nguyện nào nguy hại cho đời sống đức tin và cách cầu nguyện nào nên theo. Những tưởng rằng người Pharisêu tuân giữ luật Chúa, làm vậy sẽ đẹp lòng Người. Nhưng người Pharisêu đã không cầu nguyện mà lấy đó để kể công với Thiên Chúa: “Con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con”. Với lời cầu nguyện như thế, lòng ông không có chỗ cho tình thương của Chúa ngự vào. Đôi khi, chúng tôi cũng như người Pharisêu kia, tự tách mình ra khỏi cộng đồng: “đứng riêng một mình”, “không như bao kẻ khác”. Rồi chúng tôi còn tự kiêu mà không nhận thức được rằng mình chỉ là thụ tạo, một thụ tạo cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa để được cứu rỗi.

Khác với người Pharisêu, ý thức được tội lỗi của mình, người thu thuế khiêm nhường đứng từ đằng xa cầu nguyện. Anh không nhắc lại những tội lỗi mình đã phạm mà “vừa đấm ngực vừa thưa rằng: Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Bởi anh tin rằng Chúa biết rõ mọi tội anh phạm và anh hoàn toàn tin Chúa vẫn yêu thương anh. Qua cách cầu nguyện này của người thu thuế, chúng tôi rút ra cho mình bài học để được nên công chính, biến đổi để nên con cái Thiên Chúa. Giờ cầu nguyện sáng nay của chúng tôi thực sự sốt sắng nhờ gương người Pharisêu và người thu thuế.

 Giờ lấy điểm 2 của chúng tôi bắt đầu lúc 8 giờ. Đưa chúng tôi vào khung cảnh hồ nước Bếtdatha tại Giêrusalem – nơi mà nhiều người đau ốm, đui mù, què quặt… nằm la liệt (Ga 5,1-16), thầy Phêrô Nguyễn Đức Thắng chia sẻ với chúng tôi về “tội trong tôi và quanh tôi”. Theo quan niệm của người Do Thái: bệnh tật và tội lỗi gắn liền với nhau. Những người bệnh tật thì chính là những người phạm tội mà bị Chúa phạt. Và như thế, đảo mắt nhìn quanh hồ nhiều người bệnh tật “nằm la liệt ở đó”. Chúng tôi liên tưởng đến cuộc sống quanh mình: trường học, gia đình, xã hội… cũng đầy rẫy những tội lỗi. Rồi nhìn vào người đau ốm đã ba mươi tám năm, chúng tôi thấy chính mình trong đó. Người đau ốm kia có thể chỉ bị bất toại về mặt thể xác nhưng chúng tôi thì đang bại liệt về tinh thần. Phải chăng Chúa đang nhìn và ân cần hỏi chúng tôi: “Anh có muốn khỏi bệnh không?”. Dạ vâng, lạy Chúa! Xin cho chúng con nhận ra tình trạng bệnh tật, tội lỗi của chúng con và xin Ngài chữa lành chúng con.

 10h15, sau giờ cầu nguyện điểm 2, chúng tôi bước vào Thánh lễ. Trong ngày cuối tháng Bảy này, chúng tôi cùng Hội thánh mừng kính thánh Inhaxiô – cha đẻ của phương pháp linh thao. Qua bài giảng của mình, cha Đaminh Phạm Minh Thắng giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về cuộc đời của vị thánh đức hạnh này. Cha nhấn mạnh về thái độ trong cầu nguyện cho chúng tôi. Khi cầu nguyện cần phải lưu ý đến bốn khoảnh khắc là: đọc, suy, cầu nguyện và chiêm ngắm. Mỗi khoảnh khắc này sử dụng cách riêng nhưng lại có mối liên hệ mật thiết với nhau. Và “dù đang ở trong bất cứ giai đoạn nào của đời sống thiêng liêng thì chúng ta đều phải đặt mình vào vị trí của người bắt đầu”. Nguyện xin Chúa cho chúng con biết noi gương thánh Inhaxiô – học tập Ngài để chúng con có thể gặp được Chúa trong giờ cầu nguyện của mình.

15 phút hồi tâm trưa sau thánh lễ giúp chúng tôi nhìn lại những gì mà chúng tôi đã làm trong buổi sáng hôm nay cũng như tĩnh tâm lại chuẩn bị cho những giờ cầu nguyện sắp tới.

14g15: chúng tôi bước vào giờ lấy điểm lần 3 trong ngày. Điểm 3 này với sự gợi ý của Soeur Maria Nguyễn Thị Hạnh (tu hội Thánh Tâm) theo chủ đề “Tình cha vẫn tròn đầy”. Dụ ngôn người cha nhân hậu (Lc 15, 11-32) có lẽ không còn lạ lẫm gì với mỗi người chúng tôi. Nhưng hôm nay, khi đi vào suy ngẫm kĩ thì chúng tôi mới nhận ra nhiều điều mới mẻ. Vẫn người con thứ sau khi đã ăn chơi phóng đãng, phung phí tiền bạc quay trở về xin cha mình tha thứ. Vẫn người con cả có tính ghen tị, xem của cải lớn hơn tình anh em máu mủ. Vẫn người cha rộng lượng bao dung… Chúng tôi đã nhận thấy qua dụ ngôn ấy là cả một tình thương bao la mà Chúa luôn dành cho con người. Chúa luôn chờ chúng tôi, chúng ta trở về như người cha luôn mong mỏi đứa con lạc đường quay lại. Người cha đã lấy tình yêu để đổi lại lối nhìn và lối sống. Chợt chạnh lòng khi nhớ đến những người cha, người mẹ cũng yêu thương chúng tôi như thế. Ước gì chúng tôi nhận thức được và có thể thốt lên giống như người con thứ khi hồi tâm trở về: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha…”.

Soeur Ignatia Nguyễn Thị Huệ (dòng Chúa quan phòng) cùng chúng tôi tìm hiểu đoạn Tin Mừng về người mù ở Giêrikhô (Mc 10, 46-52). “Xin cho con được thấy” là chủ đề của điểm 4 này. Có lẽ cũng giống như người mù kia, chúng tôi cũng đang bị mù. Mù đối với Thiên Chúa vì chúng tôi chưa nhận ra được tình yêu Ngài dành cho chúng tôi, chưa nhận ra được những ân huệ mà Chúa đã đổ xuống trên mỗi người. Mù với tha nhân vì chúng tôi chỉ nhìn vào cái tội của mình mà không để ý đến người khác, có biết bao người khó khăn cần giúp đỡ mà chúng tôi quá thờ ơ… Lời Đức Chúa Giêsu nói với đám đông “Gọi anh ta lại đây” đã đánh động chúng tôi rất nhiều. Chúa không trực tiếp gọi anh mù mà bảo qua trung gian là đám đông. Phải chăng Chúa cũng muốn nói, muốn gọi tôi qua một trung gian nào đó? Hoặc chính Ngài đang muốn tôi trở thành trung gian để đưa người khác đến với Ngài? Đôi khi, hiểu được ý Chúa là vậy nhưng chúng tôi lại chưa làm được sứ mệnh của mình. Xin cho chúng con như anh mù kia “nhìn thấy được và đi theo Chúa trên con đường Người đi”.

 Sau giờ cơm tối, thay vì chia sẻ thiêng liêng thì mỗi người chúng tôi xét mình và xưng tội. Trong ngày thứ 2 của chương trình linh thao này, chúng tôi ý thức được tội lỗi và khao khát nên sạch tội. Qua bí tích hòa giải chúng tôi thấy nhẹ nhàng hơn, gần Chúa hơn.

Chúng tôi đã ý thức được chính mình. Làm sạch tâm hồn qua bí tích hòa giải. Khép lại một ngày bình yên bên Chúa để sớm mai thức dậy, tâm hồn chúng tôi được chan chứa tình yêu của Ngài.

Hoa Dại

Kiểm tra tương tự

Làm gì cũng được, miễn là làm cùng nhau

Nhóm SVCG Lạc Hồng chính thức sinh hoạt và có những định hướng ban đầu …

Thánh lễ khởi đầu sứ vụ Giám Tỉnh của Cha Giuse Phạm Tuấn Nghĩa, S.J.

Sau khi được cha Bề Trên Cả Dòng Tên Arturo Sosa, S.J. bổ nhiệm làm …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *