Nhật ký KAKUMA (9a): Văn hoá – phần 1

_NVY3888Văn hoá là điều mà một người dù nghèo đến mấy cũng có để tự hào. Cha truyền lại cho con và con điểm tô để tiếp tục truyền lại cho cháu. Sống trong nền văn hoá, hít thở trong văn hoá ấy, khi đi xa chỉ cần nhìn thấy một biểu tượng thôi cũng đủ để cả một quá khứ ùa về, nhưng ai có thể dùng lời để diễn tả hết được ý nghĩa của một văn hoá!

Khi đến đây, tôi không chỉ đến để làm việc nhưng để sống với con người, cùng ăn uống, sinh hoạt và hội nhập vào văn hoá của họ. Đứng trước một văn hoá mới, trước tiên là nhìn, ngạc nhiên, hỏi rồi hiểu và hội nhập bao nhiêu có thể. Đây có lẽ là điều đã ăn sâu vào máu của một người Dòng Tên.

Cách ăn mặc thể hiện góc độ nào đó của một nền văn hoá. Với người Việt, dù đơn giản hay kiểu cách đều cần có nét thanh tao. Với hầu hết các dân tộc Châu Phi, màu sắc rực rỡ điểm thêm hoa lá cành là điều được yêu thích trong cách ăn mặc. Chỗ tôi đang ở, bộ tộc bản địa là người Turkana, vẻ đẹp của phụ nữ được nhìn thấy qua những vòng đeo cổ kết từ những hạt cườm đầy màu sắc. Càng nhiều vòng càng thể hiện sự phú quý của họ. Ai muốn cưới những thiếu nữ có nhiều vòng đeo cổ rực rỡ thì cũng cần phải mang đến lễ thách cưới tương đương. Có vẻ họ mang những vòng này suốt đời, ngay cả lúc ngủ. Người khác nhìn vào có thể thấy vướn víu, nhưng với họ, thật đáng tự hào khi có một cái cổ cao ngòng ngoèo được đỡ lấy bởi những vòng trang sức nhiều màu sắc.

Tóc tai là một trong những điểm chú ý đầu tiên đối với người Việt dù nữ hay nam. Cắt kiểu tóc thế nào để hợp với khuôn mặt và lứa tuổi là mối quan tâm của chúng ta.

Với người Châu Phi, dù nam hay nữ, tóc xoăn cuộn và cứng là món quà được phú ban từ khi mới bắt đầu có tóc. Vì thế, tóc ngắn tận da là đơn giản nhất đối với nam giới; nếu không cắt thì tự nhiên tóc cũng cuộn lại bám sát da. Nữ giới thì như những nền văn hoá khác, họ chăm chút cho mái tóc hơn. Làm đẹp thế nào với mái tóc vừa xoăn vừa cứng như thế? Họ thắt tít từng mớ nhỏ. Với bé gái và người nghèo thì họ thắt tít và bện sát vào da đầu thành những đường rẻ; với người khá giả hơn và có thời gian để chăm chút cho mái tóc, họ cuộn những bện tóc dài thành những kiểu khác nhau; một số ít khác thì để tóc xoăn xù. Thực ra, rất ít tóc dài của nữ giới ở đây là tóc thật, vì việc chăm chút cho một mái tóc dài, xoăn và cứng ở môi trường khô và nóng này thật chẳng dễ chút nào. Vì thế, họ thường dùng tóc giả bằng nhựa để nối vào những đoạn tóc thật. Lúc đầu tôi không hiểu cách nối thế nào, nhưng ở chỗ làm việc, lâu lâu mấy cô bé cũng “thay tóc”, nên tôi cũng tò mò bện vài dải. Là một hướng đạo sinh, tôi cũng khá quen thuộc với kiểu thắt này. Tóc nhựa đẹp như thật nhưng khá rẻ, khoảng 20.000VNĐ là đủ để bện một đầu. Vì thế, họ thay mỗi 3-4 tuần khi tóc cũ trở nên xơ cứng. Dù sao, một mái tóc dài, óng mượt của người Á Châu là điều đáng mơ ước đối với họ. Những người bạn của tôi ở đây, cả nam lẫn nữ, thích sờ đầu tóc của tôi. Họ thích mái tóc thẳng dài và mềm, dù trước khi đến đây tôi đã cắt đầu đinh còn có 2 phân (bây giờ sau 2 tháng thì đã dài hơn chút xíu).

Mỗi sáng đi bộ trên đường, tôi thường thấy các thanh niên bản xứ Turkana nhai một cành cây bằng ngón tay út, dài hơn gang tay. Tôi thắc mắc và nhận được câu trả lời thật đơn giản: họ đánh răng. Đối với họ, Colgate hay Oral-B là điều quá xa lạ. Chiều thứ bảy, tôi và một người bạn miền nam Kenya đi lên một ngọn đồi để tìm loại cây này, vì anh ta biết. Tôi nhai thử và thấy vị rất đắng, nhưng anh giải thích đây là vị thuốc để làm trắng và trị sâu răng. Cây này thuộc loại xơ dai, không quá cứng, có thể nhai và đánh từng kẽ răng được. Dĩ nhiên, việc đánh răng như thế chẳng phải là vệ sinh cá nhân kín đáo gì, nên trên đường dễ dàng nhìn thấy những anh thanh niên một tay cầm cây “đánh răng”, tay kia cầm cây gậy kẹp với ghế ngồi. Ghế ngồi làm bằng một tấm gỗ nhẹ, rộng bằng bàn tay, bề mặt uốn cong, được gắn với một thanh gỗ khác dài khoảng một gang tay để làm thành chiều cao cho ghế ngồi. Ghế rất tiện lợi, khi ngồi thì làm ghế khi nằm thì làm gối. Vì họ là những người du mục, nên cây gậy và ghế ngồi là điều thiết yếu luôn luôn bên mình để tự vệ và nghỉ ngơi.

Vóc dáng đẹp của cô gái Việt là thân hình thon thả. Còn với một cô gái Phi Châu thì sự tròn trịa và chắc nịch là biểu tượng của sự phong nhiêu. Một cô bạn đã nói với tôi (cô dùng từ lóng nên khá thô), “nếu một cô gái Phi Châu mà không có cái mông bự thì khó kiếm được tấm chồng.” Dĩ nhiên, đây là lối nghĩ của những người đầy đủ, còn người nghèo cơm không đủ ăn thì lấy đâu ra một thân hình tròn trịa. Một làn da trắng và không rám nắng được coi là làn da đẹp với người Việt; với người Âu Châu thì họ thường khoe với vẻ tự hào làn da cháy nắng sau mỗi kỳ nghỉ ở những nơi nhiều nắng. Còn người Châu Phi, có vẻ họ không đặt nặng lắm đến làn da, dù họ cũng sợ bị cháy dưới trời nắng gắt. Nhưng với những người có làn da hơi sáng, họ thích được gọi là người có làn da sôcôla hơn là da đen.

Ngồi ở phòng làm việc ba người, thỉnh thoảng tôi quan sát nhiều điều thú vị. Một anh thanh niên vào bắt tay ba người, rồi tự lấy ghế đến ngồi trước bàn của anh giáo lý viên. Anh giáo lý viên cứ chăm chú làm việc, còn anh thanh niên thì ngồi đấy không nói một lời, cũng chẳng làm gì hết và cũng chẳng có gì phải nôn nóng. Gần một tiếng thinh lặng, khi anh giáo lý viên rảnh tay câu chuyện mới bắt đầu. Nhưng anh thanh niên không phải là trường hợp duy nhất, tôi thấy nhiều lần như thế nên hỏi cô gái ngồi bàn kế bên. Câu trả lời bằng một câu thành ngữ tiếng Swuhili: “Hakuna haraka Africa”, nghĩa là “chẳng có sự vội vã ở Châu Phi”. Hay có lần một cô gái Somalia Hồi Giáo đến trước cửa đi qua đi lại, cô phủ kín chỉ trừ khuôn mặt. Tôi mời vào thì cô gái mới mở lớp áo choàng và đưa tôi cái laptop nhờ sửa giùm. Tôi không mời chắc cô bé đi lún đất cái hành lang…:). Thỉnh thoảng người ta nhờ tôi một giờ để nói chuyện về điều này điều khác. Tôi hỏi lớp của tôi lúc mấy giờ, thì được trả lời rất cụ thể: “buổi sáng”, hoặc nếu chính xác giờ thì có thêm câu “African time”. Khi đợi điều gì hay ai đó lâu tôi nóng ruột, còn những người xung quanh thì vẫn vui vẻ, chẳng có gì phải vội vã. Họ dạy tôi một câu thành ngữ: “Tây Phương có đồng hồ; Châu Phi có thời gian.

Buổi chiều sau giờ làm việc, chúng tôi đi lòng vòng qua những ngỏ ngách để đến chia sẻ Lời Chúa, mỗi ngày mỗi gia đình khác nhau. Thường khoảng 15-20 người ngồi theo vòng tròn ở giữa sân (vì trong nhà chật chội và tối đen), có vài chiếc ghế, còn lại ngồi ở tấm bạt trải trên đất bụi. Người đến sớm kẻ đến muộn. Điều hay là ai đến sau thì đến chào và bắt tay từng người; thế nên, dù đến sớm hay muộn thì cũng có cơ hội chào hỏi tất cả mọi người. Đến cuối buổi, một bài hát được cất lên, mọi người đứng dậy, vừa múa vừa bắt tay và chúc bình an từng người trước khi ra về. Cái sự bắt tay này cũng thú vị. Mỗi sáng sau lễ, tôi đứng lại bắt tay mấy cụ già. Nếu không quá nhiều người thì người ta bắt tay theo “ba thì” (theo cách gọi của tôi): bắt bàn tay, sau đó bắt lên ngón cái, rồi trở lại bắt bàn tay. Đây là cách bắt tay thể hiện sự thân thiện và tôn trọng. Mới đầu tôi không biết nên bắt tay kiểu bình thường, chỉ thì thứ nhất rồi rút tay luôn làm mấy cụ già giơ tay bắt thì thứ hai bị hụt… Tội nghiệp…! Buổi sáng chỉ bắt tay và cười vậy thôi suốt gần hai tháng, vì họ không biết tiếng Anh, còn tôi không biết Turkana của họ. Tôi chỉ nghe họ lặp đi lặp lại một câu tựa tựa như: “Dio con noi”. Không biết nghĩa thực là gì, nhưng tôi thì hiểu theo nghĩa tiếng Ý: “Chúa (ở) cùng chúng ta” (thiếu động từ nhưng vẫn có thể hiểu được), nên tôi cũng lặp lại với họ. Đến tuần gần cuối tôi hỏi một cha người Ái Nhĩ Lan, đã sống ở đây hơn 40 năm, mới biết câu đó có nghĩa là: “chúc mọi sự tốt lành”.

(vì về văn hoá có nhiều sự để nói nên tôi tạm chia thành 2 phần – hết phần 1)

Văn Yên, SJ

Kiểm tra tương tự

Nghĩa trang Công giáo: Tuyến đầu chống lại nỗi sợ thế tục về cái chết

  Ông Peter Nobes, người quản lý các nghĩa trang Công giáo thuộc Tổng giáo …

Xin cho Nước Cha trị đến | Suy tư Tin Mừng CN Chúa Kitô Vua

  Trong bài Tin mừng Chúa nhật cuối cùng của năm Phụng vụ, chúng ta …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *