PHÁC THẢO CHÂN DUNG VỊ SỨ GIẢ TIN MỪNG (4)

C. BẠN ĐƯỢC SAI ĐẾN VỚI NHỮNG AI ?

 meteresa

  1. Kề cận với những ai đang khát khao ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc sống

(trích Sứ điệp THĐGMTG 2012 về Tân Phúc Âm Hóa, s. 1)

[1]… Chúng tôi để cho một trang Tin Mừng soi sáng chúng tôi: cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với người phụ nữ Samaritanô bên giếng nước Gia-cóp (x. Ga 4, 5-42). Không có người nam hay người nữ nào mà, vào một thời điểm nào đó trong đời mình, không ở gần bên một giếng nước với một cái vò rỗng và niềm hy vọng tìm được sự thể hiện khát vọng  sâu xa nhất của tâm hồn, niềm hy vọng duy nhất có thể mang lại ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc sống. Ngày nay, có nhiều giếng nước được đề tặng cho cơn khát của con người, nhưng một sự phân định là cần thiết để tránh những thứ nước ô nhiễm.

Như Chúa Giêsu bên bờ giếng Sychar, Giáo Hội cũng cảm thấy bổn phận ngồi bên cạnh con người thời nay, để làm cho Chúa hiện diện trong cuộc sống của họ, để họ có thể gặp gỡ Ngài, vì chỉ mình Ngài là dòng nước mang lại sự sống đích thực và vĩnh hằng. Chỉ Chúa Giêsu mới có khả năng đọc được ở tận sâu thẳm của tâm hồn con người và chỉ cho chúng ta thấy sự thật của chúng ta…

  1. Đến với những người đã rời xa đức tin

(trích Sứ điệp THĐGMTG 2012 về Tân Phúc Âm Hóa, s. 2)

[2] Dẫn đưa con người của thời đại này đến với Chúa Giêsu, đến gặp gỡ với Ngài, là một sự cấp bách liên quan đến mọi vùng đất trên thế giới, những vùng đất hoàn toàn gần đây cũng như những vùng đất được Phúc Âm hóa xưa. Quả thế, khắp nơi đều cảm thấy nhu cầu làm tươi mới lại một đức tin đang có nguy cơ mờ tối đi trong những khung cảnh văn hóa làm ngăn trở sự bén rễ cá nhân, sự tỏa sáng xã hội, sự sáng sủa nội dung và những hoa trái tương hợp của nó…

Các sân khấu xã hội và văn hóa đang thay đổi một lần nữa mời gọi chúng ta điều gì đó : sống cách mới mẻ kinh nghiệm đức tin cộng đoàn và việc loan báo nó, bằng một sự Phúc Âm hóa “mới mẻ trong sự hăng say, trong các phương pháp, trong các lối diễn tả của mình” (Gioan-Phaolô II, Diễn văn cho hội nghị lần thứ XIX của CELAM, Port-au-Prince, ngày 9.3.1983, số.3), như đức Gioan-Phaolô II đã nói, một sự Phúc Âm hóa, như đức Bênêđíctô XVI đã nhắc lại, “chủ yếu được định hướng đến những con người mà, dù đã được rửa tội, đã rời xa Giáo Hội, và sống không dựa vào thực hành Kitô giáo […], để tạo điều kiện nơi những người này cho một cuộc gặp gỡ mới mẻ với Chúa, Đấng duy nhất làm cho cuộc sống có ý nghĩa sâu xa và bình an; để tạo điều kiện cho việc tái khám phá đức tin, nguồn mạch ân sủng mang lại niềm vui và niềm hy vọng trong đời sống cá nhân, gia đình và xã hội” (Bênêđíctô XVI, Bài giảng thánh lễ khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới, khóa XIII, Rôma, 7.10.2012).

  1. Được sai đến với lương dân
  2. Thuộc mọi dân tộc, mọi truyền thống…

(Trich Sắc lệnh Ad Gentes, chương 2, số 10 ; chương 4, s.23 )

[10] Giáo Hội được Chúa Kitô sai đi trình bày và thông ban tình yêu Thiên Chúa cho hết mọi người và mọi dân tộc, nhận thức rằng mình còn phải thực hiện công việc truyền giáo bao la. Thực vậy, hai tỷ người (vào năm 1965), mà con số càng ngày càng tăng, tụ họp thành những nhóm lớn lao và nhất định, do những mối liên lạc bền vững của đời sống văn hóa, những truyền thống cổ xưa của tôn giáo, những mối liên quan chặt chẽ của tình giao tế xã hội; số người này còn chưa nghe biết, hoặc chỉ mới nghe sơ qua về sứ điệp Phúc Âm; trong số đó có người đang theo một trong các tôn giáo lớn, có người còn xa lạ với ý niệm về chính Thiên Chúa, lại có người ra mặt phủ nhận và đôi khi còn ra mặt đả kích sự hiện hữu của Thiên Chúa nữa. Ðể có thể trình bày cho mọi người mầu nhiệm cứu rỗi và sự sống mà Chúa đã thông ban, Giáo Hội phải thấm nhập vào tất cả những nhóm người đó theo cùng một chiều hướng như chính Chúa Kitô, Ðấng đã nhờ việc nhập thể mà liên kết mình với những hoàn cảnh nhất định về xã hội và văn hóa của những người mà Chúa cùng chung sống.

[23]…Ðược quyền bính hợp pháp sai đi, do đức tin và đức vâng phục, họ ra đi đến với những người xa Chúa Kitô; họ được tách riêng ra để chu toàn công việc mà họ được chọn để thi hành như là những thừa tác viên của Phúc Âm, “để việc phụng hiến dân ngoại làm lễ vật được chấp nhận và được thánh hóa trong Chúa Thánh Thần” (Rm 15,16).

  1. Những người không biết Chúa hoặc luôn từ chối Chúa

(Đức Phanxicô, Tông Huấn Evangelii Gaudium, s. 14-15)

[14]… Chúng ta phải lưu ý rằng việc truyền giáo liên hệ cách chủ yếu với việc loan báo Tin Mừng cho những người không biết Đức Chúa Giêsu Kitô hoặc luôn luôn từ chối Người. Nhiều người trong họ tìm kiếm Thiên Chúa một cách bí mật bị thúc đẩy bởi nhớ nhung khuôn mặt của Ngài, ngay cả ở những quốc gia theo truyền thống Kitô giáo xưa kia. Mọi người đều có quyền được nhận Tin Mừng. Các Kitô hữu có bổn phận phải công bố Tin Mừng mà không loại trừ bất cứ ai, không có vẻ như người áp đặt một nhiệm vụ mới, nhưng như một người chia sẻ một niềm vui, vạch ra một chân trời đẹp, cung cấp một bữa tiệc đáng mong muốn. Hội Thánh không phát triển bởi việc cải đạo nhưng “bởi sự hấp dẫn”.

[15]. Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II mời gọi chúng ta nhận ra rằng “cần phải duy trì động năng rao giảng Tin Mừng” cho những người đang ở xa Đức Kitô, “bởi vì đây là nhiệm vụ đầu tiên của Hội Thánh”. Hoạt động truyền giáo “ngày nay vẫn là thách đố lớn nhất đối với Hội Thánh” và “nhiệm vụ truyền giáo vẫn phải đứng hàng đầu”. Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta thực sự coi những lời này là quan trọng? Chúng ta sẽ nhận ra cách đơn giản rằng hoạt động truyền giáo là mô thức cho tất cả mọi hoạt động của Hội Thánh. Theo dòng tư tưởng này, các Giám Mục châu Mỹ La Tinh nói rằng “Chúng ta không thể ngồi bình thản trong một chờ đợi thụ động nơi các nhà thờ của mình”; và cần phải vượt qua “một mục vụ chỉ đơn thuần là duy trì đến một mục vụ truyền giáo thật sự.” Nhiệm vụ này tiếp tục là nguồn mạch của niềm vui lớn nhất cho Hội Thánh: “Trên trời cũng sẽ vui mừng như thế vì một người tội lỗi ăn năn trở lại, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải ăn năn hối cải”(Lc 15:7).

  1. Tin Mừng cho người nghèo
  1. Chọn lựa của Thiên Chúa

(Đức Phanxicô, Tông Huấn Evangelii Gaudium, s. 197)

[197]. Trong quả tim của Thiên Chúa có một chỗ đặc biệt cho người nghèo, đến nỗi chính Người “trở nên nghèo” (2 Cor 8:9). Toàn thể cuộc hành trình cứu chuộc của chúng ta được đánh dấu bởi sự hiện diện của những người nghèo. Ơn cứu độ này đã đến với chúng ta qua lời “xin vâng” của một thiếu nữ khiêm tốn từ một ngôi làng xa xôi nhỏ bé ở vùng ngoại vi của một đế quốc vĩ đại. Đấng Cứu Thế đã được sinh ra trong máng cỏ, giữa những thú vật, như trường hợp những đứa con của những người nghèo nhất; được dâng trong đền thờ với hai con chim câu, lễ vật của những người không có khả năng dâng một con chiên (x. Lc 2,24; Lev 5:7); lớn lên trong một ngôi nhà của người lao động đơn giản và làm việc với đôi bàn tay của mình để kiếm được bánh mà ăn. Khi Người bắt đầu công bố Nước Thiên Chúa, đám đông những kẻ bị bóc lột đã theo Người, và do đó minh họa những gì chính Người đã nói: “Thánh Thần Chúa ngự trên Tôi, vì Chúa đã xức dầu cho Tôi và sai Tôi đi để mang Tin Mừng đến cho những người nghèo” (Lc 4:18); cho những người đang gánh nặng với đau buồn, bị áp bức bởi sự nghèo khổ, đảm bảo cho họ rằng Thiên Chúa đang dành cho họ một chỗ đặc biệt trong quả tim Ngài: “Phúc cho anh em là những người nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em” (Lc 6:20), và Người đã tự đồng hóa với họ: “Ta đói, các con đã cho Ta ăn”, và đã dạy rằng lòng thương xót đối với họ là chìa khóa của Thiên Đàng (x. Mt 25:35 tt).

 

  1. Chọn lựa của Giáo Hội

(Đức Phanxicô, Tông Huấn Evangelii Gaudium, s. 48-49. 198-199. 201)

– Ưu tiên cho người nghèo

[48]. Nếu toàn thể Hội Thánh thừa nhận động năng truyền giáo này, thì chúng ta phải đi đến với tất cả mọi người mà không trừ ai. Nhưng phải ưu tiên cho ai? Khi đọc Tin Mừng, chúng ta thấy một định hướng rõ ràng: không phải những bạn bè và láng giềng giàu có, nhưng trên hết là những người nghèo khổ và tật nguyền, những người thường bị khinh miệt và lãng quên, “những người không có gì để trả lại cho anh em” (Lc 14:14). Không còn gì để nghi ngờ hoặc giải thích, vì chúng chỉ làm yếu đi sứ điệp quá rõ ràng này. Hôm nay và mãi mãi, “người nghèo là những người nhận được đặc quyền của Tin Mừng”, và việc loan báo Tin Mừng một cách nhưng không cho họ là dấu chỉ của vương quốc mà Chúa Giêsu đã đến để thiết lập. Phải nói thẳng rằng có một sự liên kết bất khả phân ly giữa đức tin và người nghèo. Chúng ta đừng bao giờ bỏ rơi họ.

            – Chấp nhận một Hội Thánh bị bầm dập…

[49]. Chúng ta hãy đi ra, đi ra để cung cấp cho tất cả mọi người sự sống của Đức Chúa Giêsu Kitô. Tôi lặp lại cho toàn thể Hội Thánh điều mà tôi đã nói nhiều lần với các linh mục và giáo dân ở Buenos Aires: Tôi muốn có một Hội Thánh bị bầm dập, bị tổn thương và dơ bẩn vì đã ở ngoài đường, còn hơn một Hội Thánh bệnh hoạn vì đóng cửa và thanh nhàn bám vứu vào sự an toàn riêng của mình. Tôi không muốn một Hội Thánh chỉ quan tâm đến việc nằm ở trung tâm và cuối cùng bị vướng vào một mạng lưới của những cố chấp và thủ tục. Nếu có một điều gì làm cho chúng ta lo âu một cách chính đáng và làm cho lương tâm chúng ta áy náy, đó là một thực tại rằng nhiều người trong anh chị em của chúng ta đang sống mà không có sức mạnh, ánh sáng và sự an ủi phát sinh từ tình bằng hữu với Đức Chúa Giêsu Kitô, không có một cộng đồng đức tin chào đón họ, không có chân trời ý nghĩa và sự sống. Hơn là sợ những sai lầm, tôi hy vọng rằng chúng ta được thúc đẩy bởi việc sợ nhốt mình trong các cơ cấu là những gì cho chúng ta một cảm giác an toàn giả tạo, trong các luật lệ là những gì biến chúng ta thành những quan tòa không biết mủi lòng, với những thói quen là những gì làm cho chúng ta cảm thấy an toàn, trong khi bên ngoài, có vô số người đói khát, và Chúa Giêsu liên tục nhắc cho chúng ta rằng: “Các con hy cho họ ăn” (Mc 6:37).

– Nhận ra Đức Kitô nơi những người đau khổ

[198] … Hội Thánh đã có một lựa chọn cho người nghèo được hiểu như một “hình thức đặc biệt ưu đãi trong việc thực thi bác ái Kitô giáo, mà toàn thể truyền thống của Hội Thánh làm chứng”. Đức Bênêđictô XVI dạy rằng sự chọn lựa này “tiềm ẩn trong đức tin vào một Thiên Chúa của Kitô giáo chúng ta, Đấng trở nên nghèo khó vì chúng ta, để làm cho chúng ta được giàu có nhờ sự nghèo khó của Người”. Đó là lý do tại sao tôi muốn có một Hội Thánh nghèo cho người nghèo. Họ có nhiều điều để dạy chúng ta. Ngoài việc chia sẻ “sensus fidei” (cảm thức đức tin), họ còn biết Đức Kitô chịu đau khổ qua những đau khổ của họ. Chúng ta cần phải để cho mình được họ Phúc Âm hóa. Tân Phúc Âm hóa là một lời mời gọi để nhận ra sức mạnh cứu độ trong cuộc sống của họ và đặt họ ở trung tâm của con đường hành hương của Hội Thánh. Chúng ta được mời gọi để tìm thấy Đức Kitô trong họ, để cho họ mượn tiếng nói của mình mà nói lên những lý do của họ, nhưng còn là bạn bè của họ, lắng nghe họ, hiểu họ và đón nhận sự khôn ngoan nhiệm mầu mà Thiên Chúa muốn truyền thông qua họ.

  • Chỉ có cách này, bằng không…

[199] Chỉ từ sự gần gũi thực sự và thân thiện này mà chúng ta có thể đồng hành với họ cách đầy đủ trong cuộc hành trình giải phóng. Chỉ có điều này sẽ làm cho “những người nghèo có thể cảm thấy thoải mái trong mọi cộng đồng Kitô hữu ‘như ở nhà’. Cách này không phải là cách trình bày hay nhất và có hiệu quả nhất về Tin Mừng của Nước Thiên Chúa sao?” Nếu không có sự lựa chọn ưu tiên cho người nghèo, “việc công bố Tin Mừng, là việc bác ái đầu tiên, có nguy cơ bị hiểu lầm hoặc bị chìm trong đại dương của những ngôn từ mà xã hội thông tin đại chúng ngày nay phô bày cho chúng ta hàng ngày”.

  • Không ai được nghĩ rằng mình được miễn trừ…

[201] … Không ai được nói rằng mình tránh xa những người nghèo vì những lựa chọn của đời sống buộc họ phải chú ý hơn đến các nhiệm vụ khác. Đây là một bào chữa được dùng thường xuyên trong giới khoa bảng, kinh doanh, chuyên nghiệp, và ngay cả những người làm việc trong Hội Thánh. Mặc dù chúng ta có thể nói chung chung rằng ơn gọi và sứ vụ của giáo dân là biến đổi các thực tại trần thế khác nhau ngõ hầu mọi hoạt động của con người được biến đổi bởi Tin Mừng, không ai được nghĩ rằng mình được miễn trừ nhiệm vụ quan tâm đến người nghèo và công bằng xã hội: “Việc hoán cải tinh thần, cường độ của tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân, lòng nhiệt thành với công lý và hòa bình, ý nghĩa Tin Mừng của người nghèo và sự nghèo đói là điều đòi buộc tất cả mọi người”

Kiểm tra tương tự

3 lý do chúng ta rất cần Đức Maria là Mẹ chúng ta

  Sự sống mà chúng ta đang sống là chính Đức Giêsu Kitô, Đấng là …

Sứ điệp Hòa Bình 2025: Ba lời kêu gọi cụ thể của Đức Thánh Cha

  Theo truyền thống, Đức Thánh Cha đã ban sứ điệp cho ngày Hòa bình …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *