Thánh I-nhã : Tự do để yêu mến và phục vụ (II)

Chương trình đào tạo

            Các nhà nghiên cứu đã cố gắng tìm kiếm tại Văn Khố Hoàng Gia Simancas của Tây Ban Nha các tài liệu liên hệ đến giai đoạn thánh I-nhã ở Arévalo, nhờ đó ngày nay chúng ta biết được rất nhiều điều liên hệ đến Hoàng Cung Arévalo. Tuy nhiên, người ta không tìm được văn kiện nào nhắc đến tên ngài: điều này có nghĩa là ngài đã trải qua một giai đoạn khá bình lặng về mọi mặt.

Thời thánh I-nhã, chưa có trường đại học để đào tạo quan chức triều đình. Các quan chức được đào tạo trực tiếp từ các cung điện. Thánh I-nhã được huấn luyện ngay tại hoàng cung, chung với các con quan đại thần và ít là một thanh niên khác tên là Alonso de Montalvo. Dựa vào kết quả nơi thánh I-nhã và những bạn đồng song, dựa vào chương trình huấn luyện bình thường trong các cung điện đương thời, và dựa vào những điều biết được nhờ người bạn đồng song Alonso de Montalvo cũng như người con gái Don Juan là tiểu thư Catalina, chúng ta có thể nêu lên một số điểm cơ bản trong quá trình đào tạo. Có thể nói nền huấn luyện ngài tiếp nhận ở hoàng cung Arévalo tương đương với chương trình đào tạo một cán bộ lãnh đạo. Chương trình học, khá phong phú và nói được là toàn diện, gồm các môn: quản trị, kiếm thuật, khiêu vũ, giao tiếp, ca nhạc, văn thơ. Phần nào giống như chương trình học ở Quốc Tử Giám của Việt Nam xưa kia. Dominique Bertrand cho rằng chắc chắn có thể coi việc huấn luyện ở Arévalo tương đương như Trường Hành Chính Quốc Gia ở Pháp hiện nay[27]. Thực ra, Don Juan đã mời những vị giáo sư giỏi hạng nhất về dạy. Chúng ta biết chắc tên hai giáo sư: (1) Pedro Mártir de Angleria, một học giả nổi tiếng, dạy viết, làm thơ và các cổ ngữ; (2) Juanes de Anchieta, một nhạc sĩ tài ba, dạy ca nhạc.

            Trước hết, về võ thuật, một quan chức triều đình hay bất kỳ nhà quý tộc nào cũng phải biết cỡi ngựa và đấu kiếm. Đây vừa là huấn luyện căn bản vừa phần nào nâng cao vì hẳn là ở Loyola ngài đã biết cỡi ngựa và đấu kiếm rồi. Vào thời thánh I-nhã, Tây Ban Nha chưa có quân đội chuyên nghiệp thực sự. Khi cần thì một nhà quý tộc tập họp thanh niên, trao vũ khí, có thể huấn luyện đôi chút, rồi kéo quân ra trận. Thí dụ anh của thánh I-nhã khi nghe tin quân Pháp đến Pamplona năm 1521, ông tập họp một nhóm người, thành lập một đơn vị, kéo quân đến Pamplona: chính ông chỉ huy họ. Chắc chắn thánh I-nhã không được huấn luyện kiểu một sĩ quan học chỉ huy, chiến thuật, chiến lược, và cũng không biết gì đến kỷ luật nhà binh. Có thể nói ở Arévalo ngài nhắm đến những vị trí cao hơn một viên chỉ huy quân đội: quan đại thần muốn đưa ngài vào làm thư ký ở triều đình. Trong các bạn đồng song của thánh I-nhã, ngoại trừ hai người làm giáo sĩ, số còn lại đều là quan chức triều đình, không ai trở thành sĩ quan hay tướng lãnh chỉ huy quân đội[28].

Về văn chương, trong Hồi Ký, thánh I-nhã cho biết ngài “viết rất giỏi”[29]. Khảo sát 6815 thư và huấn thị của thánh I-nhã, được in thành 20 ngàn trang, Dominique Bertrand cho rằng ngài “thích viết”[30]. Chắc chắn những điều ấy không phải là ngẫu nhiên. Hẳn là ở Loyola ngài đã biết viết rồi, nhưng phải đến Arévalo ngài mới viết rất giỏi. Phải nhớ thời ấy hầu hết dân chúng mù chữ, nên ai đọc thông viết thạo có thể được kể là trí thức rồi. Cũng phải nhớ thời ấy chưa có máy vi tính, bút máy hay bút bi, nên phải dùng bút lông gà viết bằng tay. Theo các thủ bản còn giữ được, chữ ngài viết khá đẹp và rõ. Có thể đó là năng khiếu tự nhiên, nhưng cũng có thể ngài đã phải tập luyện rất nhiều, vì muốn vào làm việc ở triều đình. Không hiểu “viết rất giỏi” có hàm ý là ngài giỏi văn hay chỉ có nghĩa là ngài viết chữ đẹp thôi. Người Hồi giáo và Do Thái ở Tây Ban Nha đã làm cho nghệ thuật viết chữ đạt tới đỉnh cao nhất. Phải biết lựa lông ngỗng, rồi phải mài gọt mỗi cái mỗi khác tùy theo mẫu chữ. Giới quý tộc Basco nổi tiếng cả về sách vở cũng như về cung kiếm. Chẳng những học viết văn, thánh I-nhã còn học làm thơ nữa. Chúng ta hiện không giữ được bài thơ nào của ngài, nhưng A. Polanco cho biết vì lòng sùng kính ngài từng làm thơ về thánh Phêrô[31]. Có người cho là ngài viết văn chưa xuôi thì không biết làm thơ thế nào[32]. Tuy nhiên, quả thực việc học làm thơ là một phần của chương trình huấn luyện ở Arévalo. Khi dưỡng thương ở Loyola và mơ tưởng đến “người trong mộng”, ngài nghĩ đến “những vần thơ” sẽ nói với nàng. Ngoài ra, chắc ngài có học tiếng Latinh, vì trong công việc của một thư ký, thỉnh thoảng phải đọc hoặc viết một chút tiếng Latinh. Tuy nhiên, chắc vốn liếng thu thập được không đáng kể bao nhiêu, vì sau này ngài phải học Latinh hai năm (1524-1526) ở Barcelona mà vẫn chưa thông thạo, đến nỗi khi ở Paris năm 1528, vì muốn học hành thật nghiêm túc, ngài phải học lại từ đầu. Sau thời gian ở Paris, có thể nói là ngài thông thạo tiếng Latinh: nói và viết được dễ dàng.

Kiểm tra tương tự

Giới thiệu sách mới: VÂNG PHỤC TRONG ĐỜI TU – MỘT ĐÓNG GÓP CỦA LINH ĐẠO I-NHÃ

Sự vâng phục là một trong ba lời khấn mà các tu sĩ phải tuân …

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *