Thánh I-nhã : Tự do để yêu mến và phục vụ (II)

Phong cách hiệp sĩ

            Ngoài những khả năng chuyên môn trên đây, thánh I-nhã được huấn luyện đặc biệt về phong cách hiệp sĩ. Có thể điều này đã khởi đầu từ Loyola, nhưng thực sự chỉ hoàn thành ở Arévalo. Không chỉ là một danh hiệu, một chức vụ hay một đẳng cấp, hiệp sĩ trước hết là một nếp sống đặc biệt của giới quý tộc[42]. Nếp sống này đã được diễn tả bằng một nền văn chương kiếm hiệp, nổi tiếng nhất thời thánh I-nhã là cuốn truyện Amadis de Gaula, nổi tiếng nhất từ xưa đến nay là cuốn Don Quijote de la Mancha.

            Là hiệp sĩ tự nó giả thiết một người được công nhận là đức hạnh. Khoản XXI, phần II bản Las Siete Partides, bộ luật căn bản của Castilla, đòi hiệp sĩ phải là người “hiểu biết”, “khôn ngoan”, “thành thạo”, “khéo léo”, “trung thành”, “biết cỡi ngựa và đấu kiếm”, và “tiết độ”. Trọng tâm lý tưởng hiệp sĩ là tu thân và xả thân, đến nỗi đời sống hiệp sĩ rất gần với đời sống đan sĩ. “Chiến sĩ Đức Kitô” (Rm 6,13; Tm 2,3) là lý tưởng của đan sĩ cũng là lý tưởng của hiệp sĩ. Ngày nay chúng ta khó hiểu việc vào thời Trung Cổ có một vài dòng tu thâu nhận các hiệp sĩ đi chiến đấu chống lại người Hồi Giáo. Nhưng đó chính là tinh thần hiệp sĩ: vừa xả thân bảo vệ đồng loại vừa sẵn sàng hy sinh cho Hội Thánh. “Lý tưởng hiệp sĩ rất cao cả đã được Thiên Chúa Tối Cao và Chí Linh thiết lập để để gìn giữ công lý và hòa bình giữa con cái loài người, để bảo vệ chân lý và trả lại cho mỗi người quyền của họ.”[43] Bản Las Siete Partidas quy định đêm trước khi được tấn phong, hiệp sĩ phải thanh tẩy cả xác lẫn hồn chuẩn bị cử hành nghi thức phụng vụ, phải canh thức để cầu nguyện xin Thiên Chúa che chở và nâng đỡ như thể đang dấn thân vào nơi nguy tử. Trong nghi thức trao gươm khi tấn phong hiệp sĩ, tân hiệp sĩ được căn dặn phải “bảo vệ và bênh vực trẻ em, góa phụ, trẻ mồ côi và người yếu đuối.” Tân hiệp sĩ phải tuyên thệ bênh vực Hội Thánh, phụ nữ, cô nhi, những người bị áp bức, tôn trọng lời hứa và không làm điều bất chính hay bất trung[44].                                                          

            Cụ thể hóa lý tưởng ấy, hiệp sĩ phải phục vụ một lãnh tụ, chẳng hạn một hoàng đế hay một lãnh chúa. Phải trung thành và tận tụy trong việc phục vụ. Ngoài ra, hiệp sĩ phải chọn một phụ nữ làm “quý nương”. Đây không hẳn là người tình, thậm chí không hẳn là một người thật, nhưng là một mẫu người giúp hiệp sĩ hướng tới một cuộc sống đẹp chứ không sử dụng võ lực bừa bãi. “Lòng quý mến đối với một phụ nữ quý tộc có ảnh hưởng giáo dục rất quan trọng trên toàn bộ việc đào tạo một hiệp sĩ trẻ. Có thể nói quý nương đóng vai nhà giáo dục trong nếp sống hiệp sĩ.”[45] Vì lãnh tụ, hiệp sĩ phải chiến đấu, có khi đến hy sinh tính mạng. Nhưng vì quý nương, hiệp sĩ phải biết làm thơ, ca hát, khiêu vũ, sử dụng nhạc khí… Như vậy nơi hiệp sĩ phải có cả hai con người: một chiến sĩ và một nghệ sĩ. Đó là hai khuôn mặt đẹp hạng nhất trong nhân sinh quan thời thánh I-nhã.

            Vào thời Các Quân Vương Công Giáo, cuối thế kỷ XV và đầu thế kỷ XVI, tức là đúng thời gian thánh I-nhã được đào tạo, lý tưởng hiệp sĩ chuyển biến từ Amadis sang Esplandián. Đó là hai cha con, và là hai nhân vật chính trong hai cuốn truyện kiếm hiệp liên tiếp của Garci de Montalvo. Cuốn Amadís de Gaula[46], xuất bản năm 1508, đề cao những cuộc mạo hiểm và những kỳ tích, tôn trọng danh dự, trung thành trong tình yêu và những phong thái trang nhã. Cuốn Las Sergas de Esplandián, xuất bản năm 1510, tiếp tục đề tài về hiệp sĩ Amadis, nhưng liên kết lý tưởng hiệp sĩ với quan điểm tôn giáo và chính trị của vua Fernando Công Giáo: Esplandián là một tín hữu nhiệt thành dấn thân chiến đấu chống lại người ngoại giáo để bảo vệ và truyền bá đức tin Công Giáo. Espladián nói: “Giả như những việc lớn cha tôi đã thực hiện được vận dụng vào việc phục vụ Thiên Chúa… thì không ai bằng hay giống được cha tôi về đức hạnh và lòng dũng cảm. Nhưng cha tôi lại mải miết theo đuổi những điều chóng qua ở đời này hơn là những điều tồn tại vĩnh viễn”[47]. Thời kỳ của Các Quân Vương Công Giáo[48] và hoàng đế Karl V mang đậm nét một Kitô giáo muốn trở thành tôn giáo cho toàn thế giới: đó cũng là lý tưởng các hiệp sĩ chia sẻ. Thánh I-nhã sẽ chỉ thay đổi cách thức thể hiện lý tưởng ấy.

            Khoảng năm 21 tuổi, việc đào tạo được coi là hoàn tất và một tiểu đồng được coi là hiệp sĩ. Trước thế kỷ XVI, điều ấy diễn ra trong một nghị thức tôn giáo. Từ thời thánh I-nhã, nghi thức ấy không còn, nhưng thường người ta vẫn tổ chức một nghi thức nào đó[49]. Dầu sao, ngài đã được đào tạo trong tinh thần hiệp sĩ và tinh thần ấy sẽ ảnh hưởng sâu đậm trên đời sống và linh đạo của ngài. Theo Ricardo Garcia-Villoslada, dân chúng Arévalo biết đến thánh I-nhã qua ba nét: (1) điêu luyện khi biểu diễn đàn viola; (2) tài trí trong các buổi hội diễn cỡi ngựa và đấu kiếm; (3) khéo léo trong khiêu vũ và trong các trò giải trí của giới trẻ[50]. Những điều ấy cho thấy ngài thực sự được đào tạo theo tinh thần hiệp sĩ đương thời. André Ravier cho rằng giữa những năm từ 1506 đến 1512, một hình ảnh rèn đúc trong thâm sâu con người của thánh I-nhã, đó là hình ảnh “hiệp sĩ”, điều sẽ không bao giờ phai nhạt đi nơi ngài[51].

 

Kiểm tra tương tự

Giới thiệu sách mới: VÂNG PHỤC TRONG ĐỜI TU – MỘT ĐÓNG GÓP CỦA LINH ĐẠO I-NHÃ

Sự vâng phục là một trong ba lời khấn mà các tu sĩ phải tuân …

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *