Thánh I-nhã : Tự do để yêu mến và phục vụ (II)

Nếp sống cung đình

 

            Hoàng cung Arévalo được trang bị cho các bậc vua chúa và được trang hoàng một cách lộng lẫy[52]. Ngoài vô số những vật dụng bằng vàng bạc ngọc ngà, còn có nhiều bức tranh, đặc biệt 11 bức mua lại của nữ hoàng Isabel Công Giáo: 3 bức tranh đạo và 8 bức tranh đời.

            Nữ hoàng Isabel Công Giáo qua đời ngày 26.11.1504. Theo di chúc, Don Juan tổ chức bán đấu giá của nữ hoàng để sung vào công quỹ. Nhiều bậc vương công ở nhiều nơi đến mua di vật. Cả bà María de Velasco cũng tham gia cuộc đấu giá, và bà đã mua lại khá nhiều vật dụng của nữ hoàng, chẳng hạn 1000 viên ngọc và nhất là các bức tranh và sách vở. Tất cả được trưng bày và sử dụng tại Arévalo. Năm 1514, ba công trình do Don Juan coi sóc được sửa chữa là hoàng cung và pháo đài Arévalo, hoàng cung Madrigal: số tiền sửa chữa lên tới 714 ngàn maravedis. Người ta khó ước lượng trị giá số tiền ấy, nhưng chắc chắn đó là một số tiền lớn, và hoàng cung Arévalo vốn đã lộng lẫy lại càng lộng lẫy hơn.

            Trước hết hãy xem ngôi nhà nguyện[53]. Bất cứ dinh thự nào ở Tây Ban Nha thời thánh I-nhã cũng phải có một nhà nguyện, làm nơi gia đình hằng ngày đọc kinh và dự lễ. Trong nhà nguyện có một bức tranh Chúa Chịu Nạn bằng vàng, ba tượng ảnh Đức Mẹ bằng ngà và sừng tê giác, những chân nến bằng bạc, bình rượu nước bằng bạc… Đặc biệt là cuốn sách lễ, từng là của nữ hoàng Isabel Công Giáo, viết tay, bìa bằng vàng, nạm không dưới 500 viên ngọc[54]. Cha tuyên uý Cristóbal Gómez phụ trách việc kinh lễ. Hằng ngày có thánh lễ buổi sáng và giờ kinh buổi chiều. Có lẽ cũng như các con của Don Juan, thánh I-nhã thường xuyên dự các giờ kinh lễ và thỉnh thoảng giúp lễ. Vào các lễ trọng, thánh I-nhã cùng với cả gia đình Don Juan đi dự lễ tại nhà thờ xứ. Bổn mạng của ArévaloĐức Mẹ Sầu Bi: bức tượng từ xưa hiện vẫn được tôn kính tại nhà thờ San Domingo. Dân chúng, gia đình Juan Velázquez de Cuellar cũng như chính thánh I-nhã rất sùng kính Đức Mẹ Sầu Bi nhìn Chúa Giêsu chết được nằm sõng soài dưới chân với cặp mắt đẫm lệ và trái tim bị bảy thanh kiếm đâm thâu.

            Thư viện của Don Juan cũng rất đáng kể, đặc biệt với 42 cuốn sách mua lại từ di sản của nữ hoàng Isabel Công Giáo[55]. Về sách đạo, có sách thánh vịnh, sách những kinh thường đọc, sách về cuộc đời Chúa Giêsu[56], Đức Mẹ và các thánh, sách tu đức, bản dịch các tác phẩm của thánh Âutinh, thánh Giêrônimô, thánh Gioan Kim Khẩu, và thánh Bonaventura. Riêng các tác phẩm của thánh Bernađô bằng tiếng Latinh. Một số quyển đặc biệt: Gương Chúa Giêsu của Thomas Kempis[57], Cải tổ các hình thức của linh hồn của Gerard Zerbolt de Zutphen[58], Del Pelegrino de la vida humana của Guillaume de Guileville[59]. Về sách đời, ngoài sách giáo khoa về Latinh và âm nhạc, thơ, không thể thiếu tiểu thuyết kiếm hiệp rất được ưa chuộng vào thế kỷ XVI. Có lẽ thánh I-nhã thích nhất quyển Amadis de Gaula[60], cuốn tiểu thuyết kiếm hiệp đầu tiên và hay nhất thời ấy.

            Chắc thánh I-nhã có những lúc rảnh rỗi để đọc sách. Tuy nhiên, hẳn là ngài không thể đọc hết các sách ở Arévalo. Trừ cuốn Amadis de Gaula “và những sách truyện tương tự”[61], chúng ta không dám khẳng định ngài đã thực sự đọc những gì khác.

            Vì là một hoàng cung, đồng thời là dinh quan Bộ Trưởng Tài Chính, nên các bậc thượng khách từ vua tới quan thường xuyên lui tới. Năm 1504, nữ hoàng Isabel Công Giáo qua đời, đặt vua Fernando Công Giáo vào một tình trạng khá tế nhị. Hai người chỉ có một con trai là thái tử Juan đã chết sớm. Trên danh nghĩa, Tây Ban Nha đã thống nhất khi hai người kết hôn, nhưng Fernando chỉ là vua AragonIsabel là nữ hoàng Castilla. Quyền thừa kế vương quốc Castilla thuộc về người con gái là Juana (thường được gọi là Juana Điên[62]). Năm 1496 bà này kết hôn với hoàng tử Philippe Đẹp Trai (1478-1506), con hoàng đế Maximiliano của Áo, công tước xứ Flandres, và đã có con trai là Karl (1500-1558). Không muốn để ngai vàng Tây Ban Nha sau này lọt vào tay Karl, một người nước ngoài, Fernando cho rằng Juana bị điên, không thể cai trị được, nên được mang tước hiệu nữ hoàng, nhưng chính ông nắm quyền cai trị với danh nghĩa nhiếp chính. Philippe từ Bỉ đến Tây Ban Nha và được tôn là vua Felipe I, tranh chấp ngai báu với cha vợ. Ở Castilla phát sinh hai phe kình chống nhau: một bên ủng hộ Fernando, một bên ủng hộ Philippe (cả hai cùng không phải là người Castilla). Năm 1506, Philippe qua đời, và Fernando không còn đối thủ.

Năm 1506, cũng là năm thánh I-nhã đến Arévalo, vua Fernando tái hôn với tiểu thư Germaine de Foix, lúc ấy khoảng 19 tuổi, cháu vua Louis XII nước Pháp. Ông nhắm hai mục đích. Trước hết, ông muốn liên kết với nước Pháp để đánh người A rập. Thứ đến, ông hy vọng sẽ có con trai kế vị, để ngai vàng khỏi lọt vào tay con trai của nữ hoàng Juana Điên, một người Áo. Hoàng hậu Germaine, vừa xấu người vừa xấu nết[63], lại là người Pháp, một nước có nhiều tranh chấp với Tây Ban Nha, nên bị hầu hết giới quý tộc cũng như dân chúng ghét bỏ[64]. Riêng Don Juan trước sau vẫn trung thành với vua Ferdinand và gia đình ông trở thành chỗ dựa gần như duy nhất của hoàng hậu Germaine. Bà María de Velasco tiếp đãi hoàng hậu, một người ham mê ăn uống, trong những bữa tiệc “quá mức thường xuyên” “hơn điều phải lẽ”[65]. Còn hoàng hậu thì quyến luyến với bà María de Velasco đến nỗi “thiếu bà một ngày cũng không được”[66]. Chúng ta hiểu tại sao hoàng hậu Germaine đến Arévalo rất thường xuyên, và trong thời gian thánh I-nhã ở đó, vua Fernando đến đó bảy lần, mỗi lần ở từ một đến hai tuần.

Kiểm tra tương tự

Giới thiệu sách mới: VÂNG PHỤC TRONG ĐỜI TU – MỘT ĐÓNG GÓP CỦA LINH ĐẠO I-NHÃ

Sự vâng phục là một trong ba lời khấn mà các tu sĩ phải tuân …

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *