Vụ án năm 1515
Theo phong tục nhiều nơi ở Châu Âu, tối hôm trước ngày Lễ Tro, người ta tổ chức lễ hội Hóa Trang. Dịp lễ Hoá Trang tối thứ ba ngày 20.2.1515, cùng với người anh Péro Lopez, đã gia nhập hàng giáo sĩ nhưng lúc ấy chưa thụ phong linh mục, thánh I-nhã đã làm điều gì đó tại Azpeitia khiến hai anh em bị tòa án tỉnh Guipúzcoa truy tố là đã phạm “những tội ác tầy đình, trong đêm tối, do chủ ý, bằng hành vi phản bội và thực hiện trong một cuộc phục kích”. Văn khố Loyola hiện còn giữ được 5 tài liệu liên hệ[74].
Để tránh công lý, khá nghiêm, hai anh em chạy đến Pamplona, cậy nhờ giáo quyền, vì đã được cắt tóc nên thuộc hàng giáo sĩ, và không thuộc thẩm quyền xét xử của tòa đời. Hai anh em được vị tổng đại diện Juan de Santa Maria của giáo phận coi là giáo sĩ và thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án giáo phận. Đối với Pero Lopez thì hợp lệ. Nhưng với thánh I-nhã, vị thẩm phán Juan Hernandez de la Gama, tiến sĩ cả dân luật lẫn giáo luật, cho là không hợp lệ[75]. Người ta không tìm thấy tên ngài trong danh sách những người đã chịu chức cắt tóc trong sổ lưu của giáo phận Pamplona. Mà nếu có chịu chức cắt tóc thì điều kiện theo quy định của giáo phận Pamplona để được hưởng đặc ân giáo sĩ là trong vòng 3 tháng trước khi hữu sự phải cắt trên đỉnh đầu ít nhất một phần tóc lớn bằng con triện thường đóng trên các giấy tờ chính thức, phần tóc còn lại phải cắt thành vòng tròn ngang qua chỗ hai tai, lại phải thường xuyên mặc áo chùng thâm dài cách mặt đất 4 ngón tay nằm ngang. Nhưng thánh I-nhã thì được viên công tố Juan Pérez de Ubilla và người dự khuyết là Miguel Vernet mô tả trong văn thư ngày 13.5.1515: “từ nhiều năm tháng trước không hề cắt tóc hay mặc áo giáo sĩ, lại còn làm những điều như người ngoài đời, không thích hợp chút nào với tư cách giáo sĩ”, chẳng hạn “tóc chải chuốt thành những lọn dài phủ cả hai vai”, “đội mũ màu sặc sỡ”, bên trong “mặc áo chẽn màu”, bên ngoài “mặc áo giáp, mang kiếm, đeo súng hỏa mai và đủ loại vũ khí”, còn dưới chân thì “mang giày ống cao”[76]. Thánh I-nhã bị bắt giam tại tòa giám mục. Luật sư biện hộ cho ngài là Martín de Zabaldia: chúng ta không biết ông đã biện hộ cho thân chủ thế nào. Tài liệu cuối cùng liên hệ đến vụ này mà chúng ta tìm được là lá thư của nữ hoàng Juana Điên viết từ cung điện Tordesillas, trách vị Tổng Đại Diện giáo phận Pamplona ngăn cản công lý. Vì thế chúng ta không biết rõ điều gì đã thực sự xảy ra.
Chắc cứ theo tâm lý mà nói, thánh I-nhã không thể thực hiện một hành vi làm mất danh dự gia đình, thí dụ trộm cướp, giết người hay hiếp dâm. Vậy thì ngài làm gì mà phải mặc áo giáp, mang súng tại Azpeitia, cách nơi xảy ra chiến sự đến 500 dặm? Chắc chắn đó là một cuộc tranh dành bổng lộc nhà thờ giữa hai gia đình Loyola và Anchieta trong việc dành quyền kế nhiệm cha sở giáo xứ San-Sebastian. Cha sở lúc ấy muốn nhường chức lại cho cháu là García Lopez de Anchieta. Hai anh em nhà Loyola muốn làm người cháu này phải nản lòng, để giáo bổng trở về với gia đình Loyola.
Một chuyện phần nào tương tự cũng xảy ra trong năm ấy đối với gia đình Juan Velázquez de Cuellar giúp chúng ta hiểu hơn phản ứng của các nhà quý tộc và nền công lý đương thời. Vị quan đại thần này đã vận động cho con ông là giáo sĩ Arnao (sinh 1497) được hưởng thêm một giáo bổng, nhưng có người phản đối. Bênh vực Arnao có vị sứ thần Tòa Thánh và các trọng sắc Tòa Thánh; chống lại có giám mục giáo phận Ávila, Francisco Ruiz, dòng Thánh Phanxicô, nguyên là thư ký của hồng y nhiếp chính Cisneros. Gia đình Velázquez ra tay hành động và thế là có đổ máu. Guitierre Velázquez, anh cả của Arnao, tùy viên của vua, đã dùng kiếm đâm trọng thương một người thuộc gia đình giám mục Ávila tên là Martin Ordonez. Người này “không phải là giáo sĩ, chỉ là giáo dân và gia đình thường dân”, đã dám “nói những lời rất xấu xa, không thể lặp lại hay viết ra được” đối với Don Juan và Gutierre. Công tử này bị bắt, bị giam, bị truy tố và xét xử, nhưng rồi được tòa án tha bổng.
Đối với gia đình Velázquez cũng như gia đình Loyola, chuyện dùng bạo lực để bảo vệ quyền lợi và danh dự là điều được coi là bình thường. Công bình và bác ái Kitô giáo còn là điều khá xa lạ. Nét “thế gian” được biểu lộ rõ trong cung cách của thánh I-nhã. Ngài rất chăm chút dáng vẻ bề ngoài. Bù lại vóc dáng nhỏ bé, ngài chải chuốt râu tóc, chọn lựa quần áo thật kỹ, móng chân móng tay cũng được chăm sóc cẩn thận[77]. Ribadeneira mô tả ngài là “một chàng trai phong nhã và tươi cười, rất chuộng quần áo đẹp và cuộc sống phóng túng”[78]. Polanco cho biết: “Ngài rất gắn bó với đức tin, nhưng không hề sống phù hợp với đức tin, và không xa tránh tội. Ngài mê các trò chơi, giao tiếp bừa bãi với phụ nữ, dễ gây gổ và thích sử dụng võ khí.”[79] Ngài rất mê nhạc. Thứ sáu và thứ bảy tuần thánh, để tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu, ngài không đụng đến nhạc cụ. Ngài hay so kiếm, nhưng cầu nguyện với Đức Mẹ trước khi đấu! Sau này trên đường đi Montserrat, thánh I-nhã phân vân không biết có nên giết một người nói xúc phạm đến Đức Mẹ không! Đầy những chuyện có vẻ tréo cẳng ngỗng, nhưng đời sống quý tộc là vậy. Hai giá trị kể như bất biến của người Tây Ban Nha là đức tin và danh dự. Đặc biệt đối với hàng quý tộc, danh dự cá nhân và gia đình nhiều khi được đặt trên cả đức tin.
Vụ án năm 1515 tại Azpeitia không có kết luận, có lẽ thánh I-nhã ung dung trở lại Arévalo. André Ravier cho rằng về đến Arévalo, ngài còn khoe khoang chuyện ở Azpeitia như một thành thích nữa[80]. Nhưng hình như vấn đề chỉ kết thúc vào năm 1519: chính linh mục García López Anchieta bị giết chết ngay tại giáo xứ ít lâu sau khi nhậm chức. Không ai biết được thủ phạm thực sự, và cuối cùng thì anh của thánh I-nhã cũng trở thành cha sở. Đây chắc chắn sẽ là đề tài để sau này thánh I-nhã suy nghĩ.