Thánh I-nhã đến Manresa khoảng trưa hay chiều ngày 25.3.1522. Gần đến Manresa, ngài gặp một nhóm bốn phụ nữ và hai thiếu niên. Bà Inés Pascual[66] nhớ lại hình ảnh ngài trong lần gặp đầu tiên tại Manresa : “Không cao lớn mấy, nước da trắng trẻo, hồng hào, nét mặt đẹp trai, đặc biệt ánh mắt rất khiêm tốn… dáng vẻ rất mệt mỏi và chân phải khập khiễng.”[67]Ngài hỏi họ nhà tế bần ở đâu để ngài xin ở trọ. May mắn một trong 4 phụ nữ là bà Jerónima Claver phục vụ tại nhà tế bần Santa Lucia, nên ngài đến xin trọ tại đó[68]. Nhà tế bần Santa Lucia ở ngoài tường thành là một ngôi nhà tường đá, mái ngói, chỉ có một phòng đặt 4 cái phản gỗ dành cho bệnh nhân nghèo và người không có nhà ở[69].
Hiện nay, Manresa là một đô thị công nghiệp với 65 ngàn dân, đường xá đi lại rất thuận tiện. Vào thời thánh I-nhã, Thung Lũng Địa Đàng[70] Manresa, với con sông nhỏ Cardoner chảy giữa những cánh rừng bậc thang và những cánh đồng đầy hoa, là một làng bông vải nhỏ bé và hẻo lánh với khoảng 2000 dân, đa số làm nghề trồng, chế biến hay buôn bán bông vải. Về mặt tôn giáo phải công nhận là Manresa có rất nhiều cơ sở. Ngoài Nhà Thờ Lớn[71], một công trình kiến trúc đáng kể của thế kỷ XIV trên điểm cao nhất đô thị, cạnh bờ sông, còn có khoảng 20 nhà thờ, nhà nguyện, đền, tu viện và ẩn viện. Đây đó bên đường, người ta dựng những cây thánh giá bằng đá cao khoảng 3-4 mét và được dân chúng rất sùng kính. Nhưng đậm nét hơn hết vẫn là lòng sùng kính Đức Mẹ.
Hằng ngày, thánh I-nhã đến Nhà Thờ Lớn[72] “dự lễ hát, dự các giờ kinh chiều và kinh tối, luôn luôn hát, và kẻ ấy được an ủi nhiều”[73]. Trở về nhà tế bần, ngài giúp đỡ bệnh nhân và ngủ đêm. “Hằng ngày, kẻ ấy đi ăn xin tại Manresa. Kẻ ấy không ăn thịt, không uống rượu, mặc dầu người ta cho. Các Chúa Nhật, kẻ ấy không ăn chay, và nếu ai cho một chút rượu thì kẻ ấy uống.”[74] Chẳng bao lâu, ngài trở thành nổi tiếng ở Manresa: mặc áo dài đến gót, một chân mang dép một chân không. Chẳng những vậy, “trước đây, chạy theo thời trang, kẻ ấy từng rất lưu tâm chăm sóc mái tóc của mình, vốn rất đẹp; nay kẻ ấy để mặc râu tóc mọc tự nhiên, không chải, không cắt, để đầu trần cả ngày lẫn đêm. Cũng vậy, kẻ ấy để móng chân móng tay tha hồ mọc, vì trước kia từng chăm lo quá.”[75] Chắc chắn đó là một con người kỳ dị: trẻ em gọi ngài là “ông bao bố”[76]. Đối với người lớn thì khác. Mỗi ngài quỳ gối cầu nguyện 7 giờ, đánh tội 3 lần[77]. Các nơi ngài thường đến cầu nguyện là tu viện dòng Thánh Đaminh[78], tu viện Thánh Clara[79], đền Đức Mẹ Cứu Rỗi[80]. Đặc biệt sau này ngài thường đến một hang đá bên bờ sông[81], nơi hoàn toàn thanh vắng, để cầu nguyện. Thấy ngài sống nghèo, siêng năng cầu nguyện và giúp đỡ bệnh nhân, người ta kính phục và gọi là “ông thánh”[82]. Qua cử chỉ và cách nói, lại có những người nhận ra ngài từng mặc quần áo quý tộc ở Montserrat, người ta biết ngài thuộc tầng lớp quý tộc. “Mặc dầu đã hết sức tránh việc người ta tỏ lòng quí trọng, kẻ ấy mới đến Manresa chưa được bao lâu thì người ta đã nói nhiều điều về kẻ ấy, tất cả vì những gì đã diễn ra tại Montserrat. Kẻ ấy càng nổi tiếng hơn và người ta nói còn hơn cả sự thật nữa: thí dụ kẻ ấy đã từ bỏ một gia tài kếch sù, v.v…”[83]