Phụ trang 25
Đan viện Notre-Dame de Vauvert
Năm 1257, theo lời mời của vua thánh Louis IX, nhóm 5 đan sĩ dòng Chartreux đầu tiên đến Paris. Nhà vua tặng lâu đài Vauvert làm đan viện[138]. Năm 1276, việc xây dựng đan viện được khởi sự. Đan viện mua thêm một phần đất để mở rộng khuôn viên. Năm 1567, hoàng hậu Marie de Médicis mua lâu đài Luxembourg làm tư dinh và đổi một phần đất với đan viện để làm vườn. Năm 1792 Cách Mạng Pháp giải thể đan viện. Năm 1866, những vết tích cuối cùng của đan viện bị xóa bỏ.
Dòng Chartreux do thánh Bruno sáng lập năm 1084 gần Grenoble, miền đông nam nước Pháp. Ngài sinh khoảng năm 1030-1035 tại Đức, qua đời năm 1101 tại Ý. Từng là giáo sư thần học, ngài tìm đến một đời sống khổ hạnh để chuyen chăm cầu nguyện. Sống trong đan viện, nhưng các đan sĩ Chartreux sống như những ẩn sĩ. Mỗi người ở trong một chòi riêng: ngủ nghỉ, ăn uống, làm việc, cầu nguyện… tất cả tại chòi. Mỗi ngày các đan sĩ họp nhau ba lần để dâng lễ và tham dự các giờ kinh chính. Chỉ có giờ sinh hoạt cọng đoàn vào Chúa nhật và ngày lễ. Nếp sống Chartreux rất khổ hạnh: không bao giờ ăn thịt; mỗi tuần có một ngày chỉ ăn bánh mì và uống nước lã; mỗi năm có trên 200 ngày giữ chay. Ngoài nhiệm vụ chính là cầu nguyện, các đan sĩ làm việc trí thức hay tay chân. Đan sĩ muốn ra ngoài, phải có phép của bề trên cả ở Grenoble. Ban đầu mỗi đan viện chỉ có tối đa 12 linh mục và 16 tu huynh; về sau cho tăng gấp đôi và nhiều khi hơn nữa. Vào năm 1530, dòng Chartreux có 195 đan viện trên nhiều nước. Trong khi đa số các dòng tu lúc ấy cần cải tổ, riêng dòng Chartreux không cần đến cải tổ[139].
Đan viện Thánh Mẫu Vauvert ở Paris là đan viện Chartreux duy nhất ở ngay sát một thành phố. Chúng ta không biết rõ số đan sĩ vào lúc thánh I-nhã ở Paris; nhưng được biết năm 1520 có 36 linh mục, 17 tu huynh, 1 hiến sinh; năm 1589 có 43 linh mục, 17 tu huynh, 4 tập sinh. Đan viện mở cửa cho giáo dân đến dự lễ Chúa nhật và lễ trọng. Từ cổng chính vào phải qua 3 cổng mới đến nhà nguyện chính, dành cho các đan sĩ và giáo dân nam giới. Giữa cổng thứ hai và thứ ba có một nhà nguyện nhỏ dành cho phụ nữ. Mỗi thứ sáu, đan viện đãi các người nghèo một bữa ăn thanh đạm. Suốt gần 300 năm, các đan sĩ nêu gương sáng và không gây ra một tai tiếng nào.
Khung cảnh đơn sơ, bầu khí yên tĩnh, không gian thoáng đãng, đời sống cầu nguyện và bác ái của các đan sĩ… rất thuận tiện cho thánh I-nhã và các bạn đến hồi tâm, cầu nguyện, và bàn luận về tương lai.