Thánh I-nhã : Tự do để yêu mến và phục vụ (VIII)

Vượt qua thử thách

Khoảng tháng 9, ngài hướng dẫn Linh Thao cho ba người Tây Ban Nha, chắc là mỗi người riêng, chúng ta không biết trong bao lâu. Người thứ nhất là Pedro de Peralta, quê ở giáo phận Toledo, nhận bằng cử nhân năm 1529, sau đó về Toledo làm kinh sĩ nhà thờ chính tòa, trở thành một vị giảng thuyết nổi tiếng và luôn luôn quí mến thánh I-nhã và Dòng Tên. Người thứ hai là Juan Castro, sinh tại Burgos năm 1485, gặp thánh I-nhã lúc đang làm phụ khảo tại học viện Sorbonne, nhận bằng tiến sĩ năm 1532, sau đó về Tây Ban Nha vào đan viện Chartreux Porta Caeli (Cửa Trời) tại Valencia, làm tu viện trưởng năm 1542, qua đời năm 1556. Người thứ ba là Amador de Elduayen, người cùng tỉnh Guipuzcoa với thánh I-nhã, ghi danh vào học viện Sainte-Barbe năm 1526. Kết quả là cả ba thay đổi đời sống rất nhiều, nhiều đến nỗi thánh I-nhã sẽ bị phiền hà không ít, và có lẽ nhờ đó ngài cũng rút được nhiều kinh nghiệm.

            Họ đến sống tại nhà tế bần Saint-Jacques, nơi trước đây kẻ ấy đã ở, nhưng sau đó kẻ ấy đã rời đi vì những lý do đã nói trên. Họ gây ra một vụ chấn động ở đại học, vì hai người trước là những người xuất sắc và rất nổi tiếng. Ngay lập tức, các sinh viên Tây Ban Nha làm dữ với hai người giáo viên, nhưng dù thuyết phục, dù lý luận thế nào cũng không ép hai người trở về đại học được. Một hôm, họ kéo đến đông đảo, mang theo cả hung khí, lôi hai người ra khỏi đó. Đưa hai người về đại học rồi, họ thỏa thuận với hai người như sau: hai người trước hết phải học xong đã, sau đó mới thực hiện ý định[18].

            Chúng ta có thể chắc được là ba người đã tự ý có gì cho người nghèo hết đến sống tại nhà tế bần Saint-Jacques. Giả như hai người trước chỉ là sinh viên bình thường như người thứ ba thì có lẽ không ai đặt vấn đề. Nhưng Peralta và Castro là hai phụ khảo xuất sắc và nổi tiếng ở đại học. Có lẽ các sinh viên đồng hương Tây Ban Nha cho là họ bị bỏ bùa mê, nên dùng lý lẽ thuyết phục không được, họ dùng đến bạo lực để giải cứu.

            Trong lúc ấy, thánh I-nhã làm gì?

            Anh chàng Tây Ban Nha từng ở chung nhà trọ với kẻ ấy lúc đầu, và đã tiêu xài tiền của kẻ ấy mà không hoàn lại, một hôm về Tây Ban Nha qua ngả Rouen. Đang khi ở Rouen chờ tàu, anh ta ngã bệnh. Kẻ hành hương nhận được thư của anh ta báo tin, thì ước ao đi thăm và giúp anh ta. Đồng thời kẻ ấy nghĩ là mình đến gặp anh ta như vậy sẽ cảm hóa được anh ta để anh ta lìa bỏ thế gian mà xả thân phục vụ Thiên Chúa. Muốn được vậy, kẻ ấy dự tính sẽ đi bộ 28 dặm từ Paris đến Rouen, đi chân không, và không ăn uống chi hết. Khi cầu nguyện về việc này, kẻ ấy thấy mình run sợ. Cuối cùng, kẻ ấy đến nhà thờ Saint-Dominique. Tại đó, kẻ ấy quyết định thực hiện những điều đã dự tính, và điều trước đó kẻ ấy rất sợ là mình thử thách Thiên Chúa lúc ấy tan biến đi. Hôm sau, vào buổi sáng kẻ ấy lên đường, kẻ ấy thức dậy rất sớm. Lúc bắt đầu mặc áo, kẻ ấy cảm thấy ghê rợn đến nỗi làm như không sao mặc được. Bất kể, kẻ ấy ra khỏi nhà và cả thành phố trước khi trời sáng rõ. Cái sợ đeo bám kẻ ấy đến tận Argentueil, một làng cách Paris 3 dặm trên đường đi Rouen. Theo người ta nói thì ở đó có cái áo của Chúa Giêsu. Kẻ ấy đi qua làng, trong lòng vẫn xao xuyến. Nhưng khi kẻ ấy leo lên một sườn đồi thì sự xao xuyến bắt đầu tan biến. Thay vào đó, kẻ ấy thấy hứng khởi , hăng hái và vui mừng đến nỗi bắt đầu reo hò giữa cánh đồng và nói lớn với Chúa… Tối hôm ấy, đã qua được 14 dặm, kẻ ấy đến trọ, cùng với một người hành khất, tại một nhà tế bần. Hôm sau, kẻ ấy ở trọ qua đêm tại một kho thóc. Ngày thứ ba, người ấy đến Rouen. Trong suốt thời gian ấy, kẻ ấy không ăn không uống chi hết, đúng như đã quyết định từ trước. Tại Rouen, kẻ ấy an ủi người bệnh và giúp anh ta xuống tàu thủy về Tây Ban Nha[19].

            Rouen cách Paris chừng 120 km về hướng tây bắc. Thời ấy có tàu biển thường xuyên từ Rouen đi Tây Ban Nha. Kẻ đã tiêu hết tiền của thánh I-nhã lại viết thư xin ngài giúp đỡ khi gặp hoạn nạn: chắc thánh I-nhã đã không làm gì khiến người ấy sợ hay ngại. Và có lẽ người ấy mong được ngài gởi cho ít tiền để chữa bệnh. Ngài làm hơn những gì người ta có thể nghĩ được: đích thân đi bộ đến thăm và giúp đỡ người ấy. Chẳng những vậy, ngài còn quyết định đi chân không và nhịn ăn nhịn uống suốt 3 ngày trên đường. Ngài nói rõ lý do: đến gặp anh ta như vậy sẽ cảm hóa được anh ta để anh ta lìa bỏ thế gian mà xả thân phục vụ Thiên Chúa. Thực hiện ý định ấy không phải là điều dễ. Có lẽ đối với ngài, nhịn ăn nhịn uống và đi bộ chân đất 120 km không thành vấn đề bao nhiêu, vì ngài đã quen rồi. Nhưng ngài run sợ: làm như vậy có phải là thử thách Thiên Chúa không? Trước khi đi, ngài cầu nguyện, và quyết định trước mặt Chúa. Dầu vậy, cái sợ đeo bám kẻ ấy đến tận Argenteuil, tức là cách Paris chừng 40 km. Ngài có ghé vào xem chiếc áo của Chúa Giêsu không? Chúng ta không biết chắc chắn nhưng có thể phỏng đoán là khi đến Argenteuil, ngài ghé lại viếng chiếc áo. Đối với chúng ta ngày nay, chiếc áo ấy không có căn cứ lịch sử chắc chắn, nhưng vào thời ấy, không ai thắc mắc gì. Riêng đối với thánh I-nhã, mọi kỷ niệm về Chúa Giêsu đều thu hút ngài. Cũng có thể sau đó, chẳng những ngài lấy lại được bình an mà còn hứng khởi, hăng hái và vui mừng đến nỗi bắt đầu reo hò giữa cánh đồng và nói lớn với Chúa, tức là được an ủi mãnh liệt. Kết quả chuyến đi ấy thế nào? Ngài không nói gì thêm. Có lẽ ngài chỉ thành công một nửa: giúp được người ấy về phần xác, còn hy vọng người ấy lìa bỏ thế gian mà xả thân phục vụ Thiên Chúa thì hình như không thành. Dầu sao câu chuyện này giúp chúng ta hiểu khá nhiều về con người thánh I-nhã.

            Từ Rouen, kẻ hành hương trở lại Paris và được biết là sau vụ Castro và Peralta, người ta đồn thổi tùm lum những điều bất lợi cho kẻ ấy và thanh tra giáo lý đã đặt vấn đề. Không muốn chờ đợi thêm, kẻ ấy đến gặp vị thanh tra, cho biết là kẻ ấy nghe nói vị ấy muốn gặp, và vị ấy muốn gì kẻ ấy cũng sẵn sàng. Viên thanh tra là cha Ory, tu sĩ dòng Thánh Đaminh. Kẻ ấy xin vị thanh tra giải quyết nhanh cho, vì kẻ ấy có ý định bắt đầu các khóa học triết lý vào lễ thánh Rêmi. Nhưng trước hết, kẻ ấy muốn mọi chuyện ổn đã, để có thể học hành tốt hơn. Vị thanh tra không gọi lại kẻ ấy lần nào. Vị ấy chỉ nói là quả thực người ta có nói về những điều kẻ ấy đã làm v.v…[20]

            Vụ hai phụ khảo gây chấn động ở đại học chắc đã xảy ra trong lúc thánh I-nhã đi Rouen. Khi về lại Paris, ngài bất ngờ đối diện với hai điều: người ta đồn thổi tùm lum những điều bất lợi cho ngài, và thanh tra giáo lý đặt vấn đề về ngài. Về chuyện trước, chính ngài cho biết: Tại Paris, nhất là giữa cộng đồng Tây Ban Nha, người ta xầm xì với nhau nhiều về kẻ ấy. Giáo sư Gouveia tố cáo kẻ ấy đã làm cho Amador, sinh viên của học viện mình, mất trí. Vì thế, ông ấy quyết định: hễ kẻ ấy đặt chân đến Sainte-Barbe, ông sẽ cho đánh đòn công khai về tội dụ dỗ sinh viên[21]. Người ta cho là hai phụ khảo mất trí và đổ lỗi cho ngài. Giáo sư Diogo de Gouveia, hiệu trưởng học viện Sainte-Barbe, cũng cho rằng ngài đã làm cho Amador, sinh viên của ông mất trí, nên đe dọa nếu ngài đến sẽ phạt. Về chuyện bị thanh tra giáo lý đặt vấn đề, thực ra cũng như chuyện trước, ngài chỉ nghe đồn chứ chưa có gì đích xác. Tuy nhiên, vì muốn được yên tâm để học hành, ngài đến gặp vị thanh tra, cho biết là nghe nói vị ấy muốn gặp, và vị ấy muốn gì kẻ ấy cũng sẵn sàng. Ở Pháp lúc ấy không có Tòa Án Giáo Lý như ở Tây Ban Nha, chỉ có một vị
Thanh Tra Giáo Lý là Mathieu Ori, linh mục dòng Đaminh. Có lẽ rút kinh nghiệm ở Alcalá và Salamanca, ngài tự động đến gặp vị thanh tra, và mọi chuyện đều ổn. Với giáo sư Gouveia, hình như ngài cũng đích thân đến gặp và mọi sự đều sáng tỏ[22].

            Dầu sao, thánh I-nhã vẫn được yên tâm học hành hơn trước đây ở Tây Ban Nha. Kết quả: sau hơn một năm, ngài có thể học triết; và sau này, ngài viết tiếng Latinh khá dễ dàng.

 

Sinh viên nội trú

 

Sau đó ít lâu đến lễ thánh Rêmi vào đầu tháng 10. Kẻ ấy bắt đầu học triết lý dưới sự hướng dẫn của một giáo viên tên là Juan Pena[23].

            Hằng năm Đại học Paris khai giảng niên khóa vào ngày 1 tháng 10. Thánh I-nhã ghi danh học nội trú tại học viện Sainte-Barbe. Tại sao? Ngài không giải thích, nhưng chúng ta có thể phỏng đoán.

Ngài chọn vào nội trú. Điều này khá dễ hiểu. Trước hết là vì ngài được các ân nhân ở Barcelona và ở Bỉ giúp đỡ nhiều, nên không túng thiếu nữa. Thứ đến, đời sống nội trú ổn định hơn, nên việc học hành có thể tốt hơn. Điều ngài nhắm là kết quả học tập.        Ngài chuyển từ Montaigu sang Sainte-Barbe. Về không gian, hai học viện chỉ cách nhau một con đường nhỏ, tên chính thức là Saint-Symphorien[24], nhưng sinh viên cả hai bên đều gọi là Rue des Chiens (Đường Chó), vì rất dơ bẩn. Nhưng hai học viện khác nhau khá xa[25].

Trước hết, có lẽ thánh I-nhã chọn giáo viên. Khác với cách thức hiện nay, thời đó ở Paris, một sinh viên khoa Nghệ Thuật có thể chọn giáo viên nào mình muốn. Người này sẽ hướng dẫn sinh viên cho đến khi tốt nghiệp. Giáo viên thường là một phụ khảo đã tốt nghiệp khoa Nghệ Thuật và theo học một trong ba khoa cấp trên. Nhiệm vụ của giáo viên là cắt nghĩa cho sinh viên các sách giáo khoa có sẵn. Vì thế vai trò của giáo viên khá quan trọng, cả về khả năng, cũng như về tư cách, đôi khi hơn cả học viện hay hiệu trưởng. Riêng về giáo thuyết, cũng phải rất cẩn thận, vì lúc ấy một số giáo viên ngả theo phong trào Cải Cách mà Hội Thánh đã kết án. Phụ khảo Juan Pena quê ở Tây Ban Nha, tốt nghiệp khoa Nghệ Thuật năm 1525 và lúc ấy đang theo học khoa Y. Năm 1537, ông cho ấn hành cuốn Opositionum liber primus của Fernando Enzinas, điều này cho thấy ông trung thành với truyền thống thế kỷ XIV, nhưng trong một tinh thần khá cởi mở[26]. Hình như đây chính là người đáp ứng những điều kiện của thánh I-nhã.

Nhưng có lẽ ngài cũng chọn cả học viện nữa. Học viện Sainte-Barbe[27] được thành lập năm 1460, thu nhận sinh viên đủ mọi quốc tịch, nhưng có nhiều sinh viên Tây Ban Nha. Từ năm 1526, học viện này được vua João III của Bồ Đào Nha bảo trợ và tiến sĩ Diego de Gouveia, người Bồ Đào Nha, làm hiệu trưởng. Đây là một người bảo đảm cả về đạo đức, giáo thuyết và kiến thức. Vào năm 1529, Sainte-Barbe đang ở đỉnh cao với những giáo sư danh tiếng thu hút 600 sinh viên từ nhiều nước. Vả lại, sau một năm rưỡi theo học tại Montaigu, thánh I-nhã thấy không thích hợp với ngài. Thực vậy, Montaigu lúc ấy dưới ảnh hưởng của Noel Bedier quá khắt khe về đời sống, và quá bảo thủ về giáo thuyết. Có lẽ cá nhân thánh I-nhã thích như vậy, nhưng đó không phải là giải pháp tốt nhất đối với những vấn đề của Hội Thánh đương thời. Trái lại, học viện Lemoine lại tỏ ra phần nào quá khích. Trong khi đó Sainte-Barbe cởi mở hơn Montaigu và quân bình hơn Lemoine, cả về đời sống cũng như về giáo thuyết. Theo Francois de Dainville, Montaigu là đội quân cố thủ trên những đường mòn của thời Trung Cổ, Lemoine là đội quân xung kích của phong trào nhân văn, Sainte-Barbe là đội trung quân[28]. H. Bernard-Maitre cho rằng ở Sainte-Barbe, thánh I-nhã tiếp xúc gần gũi với những đòi hỏi sâu xa nhất của thời ấy[29].

Học viện Sainte-Barbe gồm một tòa nhà chính, lâu đài Chalon xây theo hình móng ngựa, ba mặt tiền, gồm tầng trệt và tầng lầu. Cổng vào ở phía nam[30]. Bên cạnh lối vào có một tháp 3 tầng: tầng trệt được sinh viên gọi là địa ngục, tầng giữa là luyện ngục, tầng trên là thiên đàng. Học viện có nhà nguyện riêng, dài khoảng 7 mét. Thường mỗi phòng có 4 người, trong đó có một phụ khảo. Thánh I-nhã được cho ở cùng phòng với phụ khảo Juan Pena và hai sinh viên khác nữa là Pierre Favre, tức là chân phước Phêrô Favre, và Francesco de Javier, tức là thánh Phanxicô Xavier. Hai người này cùng sinh năm 1526, người trước quê ở Savoie, đông nam nước Pháp hiện nay, người sau quê ở Navarra, đông bắc nước Tây Ban Nha hiện nay[31].

Chương trình học kéo dài tối thiểu 3 năm rưỡi gồm triết học Aristote và một số kiến thức về toán và thiên văn. Hai năm đầu chủ yếu học luận lý, toán và vũ trụ luận. Sau đó, thi bằng cao đẳng[32]. Phần còn lại gồm đạo đức và siêu hình cùng với thiên văn học trong một năm rưỡi cuối, rồi thi cử nhân[33]. Sách giáo khoa thường là các bản văn Latinh bình giảng các tác phẩm của Aristote bằng tiếng Hy lạp.

Đời sống hằng ngày khá chặt chẽ. 4 giờ sáng: chông báo thức, mọi người phải dậy, và ngay lập tức buổi học đầu tiên. 6 giờ: mọi người tham dự thánh lễ. Sau đó là bữa điểm tâm: mọi người thinh lặng ăn một miếng bánh mì và uống một ly nước lã hay một ly rượu pha nước. 8 giờ đến 10 giờ: buổi học thứ hai. 10 giờ: ôn bài chung, thảo luận hay giải đáp thắc mắc. 11 giờ: sinh viên ngoại trú về. Bữa trưa: thức ăn thường là thịt, cá, rau và trái cây. Đầu bữa ăn mọi người thinh lặng nghe đọc sách. Sau bữa ăn là giờ nghe đọc thơ, nghe giảng luân lý hay khảo bài. 15 giờ: buổi học thứ ba. 17 giờ: như 10 giờ. 18 giờ: cơm chiều. Sau vữa chiều: ôn bài chung. 20 giờ: kinh tối. 21 giờ: tắt đèn. Sinh viên không có giờ học riêng, cũng không có sách để đọc riêng. Chiều thứ ba và chiều thứ năm, sau buổi học có giờ giải trí chung: đi dạo, chơi thể thao ở đảo Saint-Louis hiện nay. Sáng thứ bảy: ôn bài chung trong tuần; chiều: thảo luận một đề tài triết học. Sáng Chúa nhật: thảo luận một đề tài triết học; chiều: nghe một giáo sư giảng thuyết. Ngày lễ: sáng và chiều đều nghe một giáo sư giảng thuyết. Ngoài ra, sinh viên được khuyến khích đọc kinh nhật tụng Đức Mẹ, bảy thánh vịnh thống hối, kinh cầu các thánh, và các việc đạo đức khác. Mỗi năm 6 lần các cha dòng Đaminh đến giải tội. Các kỳ nghỉ: Lễ Giáng sinh, từ giữa tháng 12 đến lễ Hiển Linh; lễ Phục Sinh, từ Chúa nhật I Mùa Chay đến thứ năm tuần Phục Sinh; mùa hè, tháng 7 và tháng 8 chỉ học nửa thời gian, tháng 9 nghỉ trọn vẹn. Sinh viên không bao giờ được ngủ đêm ở ngoài học viện. Ban ngày, muốn ra ngoài phải có phép của hiệu trưởng, và phải cùng đi với người do hiệu trưởng chỉ định.

            Kẻ ấy dự tính chỉ giữ các bạn cùng chí hướng đã quyết tâm phục vụ Thiên Chúa, không chiêu mộ thêm, để có thể thuận lợi hơn cho việc học hành. Vừa bắt đầu theo các giảng khóa, các cám dỗ trước kia đã đến khi kẻ ấy học Latinh ở Barcelona lại tấn công kẻ ấy. Khi nghe giảng, không sao kẻ ấy tập trung chú ý được, vì nhiều ý nghĩ đạo đức cứ lởn vởn. Nhận thấy nếu cứ tiếp diễn như vậy, việc nghe giảng sẽ không ích lợi mấy, nên kẻ ấy đến với giáo viên và hứa không bao giờ vắng mặt, nhưng sẽ dự tất cả khóa học bao lâu còn có được bánh mì và nước lã để sống. Sau khi kẻ ấy hứa, tất cả những ý tưởng đạo đức vô duyên cũng cuốn gói ra đi, và kẻ ấy được yên ổn theo đuổi việc học[34].

Thánh I-nhã quyết chí dành hết tâm trí và thời giờ vào việc học. Mặc dầu rất mong có thêm các bạn cùng chí hướng, ngài không chiêu mộ thêm, vì sợ ảnh hưởng đến việc học. Một điều tương tự ở Barcelona tái diễn: các ý tưởng đạo đức làm ngài không tập trung vào việc học được. Ngài cũng làm như ở Barcelona: hứa với giáo viên theo tất cả các giờ học. Như vậy, chúng ta tin chắc ngài hết sức cố gắng để tiến bộ trong việc học. Kết quả là đúng hạn 2 năm, ngài tốt nghiệp cao đẳng và đúng hạn ba năm rưỡi ngài tốt nghiệp cử nhân.

Việc thi cử ở Paris khá nghiêm túc. Thánh I-nhã thi cao đẳng năm 1531, thi cử nhân năm 1533.

Kỳ thi cao đẳng gồm hai giai đoạn. Trước lễ Giáng Sinh năm 1531, thánh I-nhã đến địa điểm thi của Khối dân Pháp[35], trên đường Fourrare, để tranh luận với một phụ khảo của Sainte-Barbe, trước mặt đông đảo giáo sư và sinh viên. Đầu tháng 2 năm sau, ngài phải trả lời các câu hỏi của 5 giám khảo thuộc 5 tỉnh của Khối dân Pháp. Sau khi tất cả các sinh viên thi xong, các giám khảo lên danh sách những người đậu. Trước mặt vị đốc sự của khối dân Pháp, ngài được tuyên bố đã tốt nghiệp cao đẳng. Như vậy, ngài được học tiếp lên bậc cử nhân và có quyền dạy những sinh viên lớp dưới ở các học viện. Trong thực tế, ngài không dạy ai, để dồn tất cả vào việc học.

Kỳ thi cử nhân cũng gồm hai đợt. Trước hết, từ ngày 3.2.1533, các thí sinh lần lượt đến đan viện Sainte-Geneviève[36], ra trước ban giám khảo gồm 4 giáo sư thuộc 4 khối dân, để trả lời các câu sát hạch liên quan đến toàn bộ chương trình học. Sau khi tất cả các thí sinh thi xong, các giám khảo xếp hạng. Thánh I-nhã được xếp thứ 30 trong khoảng 100 thí sinh[37]. Những người thi đậu được chia thành từng nhóm 8 người, và mỗi tháng 2 nhóm được gọi đến thi đợt 2. Thánh I-nhã thi đợt 2 vẫn tại đan viện Sainte-Geneviève vào tháng 3 năm 1533. Trước mặt một trong hai vị Chưởng Ấn Đại Học[38], thí sinh phải trả lời các câu sát hạch của 4 giáo sư trong ban giám khảo.     Sau đó, vị Chưởng Ấn cho biết kết quả và ấn định ngày và nơi công bố chính thức.

Ngày 13.3.1533, thánh I-nhã cùng với 7 tân khoa khác tập họp ở nhà nguyện tu viện Mathurins[39]. Các tân khoa mặc áo thụng mới, được rước từ tu viện Mathurins, cùng với Viện Trưởng và đại diện các khối dân, đến đan viện Saint-Geneviève[40] để làm lễ công bố kết quả chính thức. Vị Chưởng Ấn[41] đón các tân khoa tại nhà nguyện Notre-Dame de la Miséricorde. Một viên chức giới thiệu các tân khoa với Chưởng Ấn. Vị này mời 4 tân khoa tranh luận một đề tài[42]. Sau đó, vị Chưởng Ấn đọc một diễn từ ngắn, rồi cho các tân khoa đặt tay trên sách Tin Mừng thề trung thành chu toàn các bổn phận của một cử nhân. Kế đến các tân khoa quỳ gối trong khi vị Chưởng Ấn long trọng đọc công thức:

Được ủy nhiệm do quyền bính của hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, tôi là Jacques Aimery ban quyền giảng dạy, trợ huấn, thảo luận, quyết định và cấp chứng chỉ học vấn bậc cử nhân thuộc Phân Khoa Nghệ Thuật ở Paris cũng như ở bất cứ đâu, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.

Từ đây, thánh I-nhã được ghi danh vào các phân khoa Thần, Y hoặc Luật. Tất nhiên ngài chọn phân khoa Thần, để có thể giúp đỡ các linh hồn hơn. Các sinh viên được tự do lựa chọn một trong 4 học viện của phân khoa Thần: Sorbonne, Navarre, Jacobins (Dòng Đaminh) và Cordeliers (Dòng Phanxicô).

 

Kiểm tra tương tự

Giới thiệu sách mới: VÂNG PHỤC TRONG ĐỜI TU – MỘT ĐÓNG GÓP CỦA LINH ĐẠO I-NHÃ

Sự vâng phục là một trong ba lời khấn mà các tu sĩ phải tuân …

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *