Thánh Thần: Đấng hoàn tất việc huấn luyện

LỄ KHAI GIẢNG NIÊN KHÓA 2012-2013

LỄ KÍNH CHÚA THÁNH THẦN

Gioan 16: 12-15

 

THÁNH THẦN:

ĐẤNG HOÀN TẤT VIỆC HUẤN LUYỆN

 

Bối cảnh của đoạn Tin mừng xem ra không phải là bầu khí vui tươi: Chúa Giê-su thì chuẩn bị bước vào cuộc thương khó; còn các môn đệ thì lòng tràn ngập xao xuyến và không ít hoang mang vì những lời loan báo thương khó của Chúa Giê-su trước kia mà họ vẫn chưa sẵn sàng đối diện đang trở thành hiện thực. Tất cả họ dù đã theo Chúa, đã được Ngài dạy dỗ và họ đã biết Người, nhưng thực sự họ chưa hiểu Thầy của họ cách đầy đủ. Vì thế, trước cuộc ra đi của Chúa các môn đệ không khỏi buồn phiền.

Chính trong bối cảnh đó, Chúa Giê-su hứa sẽ gởi Thánh Thần đến để giúp các ông hiểu thấu những gì Đức Giê-su đã rao giảng và hành động: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (Gio 16:13). Chính Thánh Thần là Đấng sẽ hoàn tất huấn luyện các môn đệ của Chúa Giê-su.

Có thể nói rằng công việc huấn luyện các môn đệ của Chúa Giê-su chưa được hoàn tất trước giờ Ngài tự hiến tế. Thật vậy, trong khoảng ba năm huấn luyện ấy, Chúa Giê-su đã huấn luyện họ cách tiệm tiến bằng đời sống chung, bằng những lời giảng dạy và bằng những  phép lạ để bày tỏ cho các ông thấy con người và sứ mạng của Chúa; đồng thời mời gọi các ông tin vào Ngài và bước vào con đường của Chúa, con đường thương khó và thập giá. Thế nhưng, việc huấn luyện đó xem ra chưa cán đích khi các môn đệ tỏ ra không hiểu và không sẵn sàng dấn thân: Phê-rô can trách và ngăn cản Thầy (Mc 8:32); các môn đệ không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người (9:32); họ quan tâm đến vị thế trong nhóm và trong vương quốc trần thế hơn là con đường người môn đệ phải đi (10: 35-37; Cv 1:6).  Với những phản ứng như thế, làm sao các môn đệ có thể thể hiểu nổi “Giờ” của Chúa Giê-su được loan báo là đã cận kề. Lối hành xử của các môn đệ như thế là lối hành xử “đẽo chân theo giày”.

Đẽo chân theo giày” là tựa đề của một câu chuyện ngụ ngôn mà Đức cha Giuse Vũ Duy Thiên sử dụng trong bài viết của mình đăng trên mạng. Chuyện kể rằng có người thợ đóng giày tay nghề của ông quá kém, nên khi đóng một đôi giày, khách hàng thường phải yêu cầu ông sửa đi sửa lại nhiều lần. Một ngày kia, có một khách hàng đến khiếu nại vì giày của ông quá chật. Đáng lẽ phải nới rộng giày cho vừa với chân thì ông thợ kia lại đề nghị khách hãy “đẽo bớt chân cho vừa giày”.

Thực ra khuynh hướng “đẽo chân theo giầy” đã được Tin mừng kể lại trong cơn cám dỗ ở sa mạc sau khi Chúa Giê-su đã trải qua kỳ chay: đẽo đổi ‘lẽ sống để lấy mạng sống’ trong cơn cám cám dỗ  hóa bánh (Lc 4:3-4); đạp đổ Thiên Chúa để thờ satan qua việc chấp nhận theo con đường tắt (4:6-8), đoạt lấy vinh quang giả tạo bằng cách bắt Thiên Chúa phục vụ mình (4:9-12). Chính khuynh hướng đẽo đổi này, vốn tồn tại trong con người của các môn đệ, khiến việc huấn luyện của Chúa Giê-su đối với họ không thể hoàn thành trước “Giờ của Ngài”. Đẽo chân theo giày của các môn đệ Chúa là lời tuyên tín mà không dấn thân, thỏa mãn với vinh quang Tabor nhưng lại né tránh thập giá, mỏng dòn đấy nhưng lại không thích cầu nguyện…

Khuynh hướng “đẽo chân theo giày” là thái độ sống đang lan rộng trong đời sống kito hữu. Nó chẳng khác gì lời rao giảng mà không kèm theo nội dung khả tín, xưng mình là Kito hữu nhưng lại không thực hành đức tin, muốn được cứu độ nhưng khước từ hoán cải.

Khuynh hướng “đẽo chân theo giày” này cũng chẳng bỏ qua đời sống tu trì. Nó làm xói mòn phẩm chất đời tu khi người ta đề cao lối sống duy cá nhân, nhân bản mà không có bóng dáng Tin mừng; khuynh hướng này khiến người tu sĩ coi tinh thần Dòng chỉ là những gợi ý hơn là khuôn mẫu nên hoàn thiện; coi trọng lối sống thế trần và giảm thiểu đến thấp nhất những giá trị đời tu và hình mẫu phải trở nên mà Giáo hội và Dòng chờ đợi nơi người thụ huấn đạt tới. Nói theo cách nói của Đức Cha Khảm trong bài giảng thánh lễ phong chức phó tế ngày 26 tháng 5 vừa qua thì khuynh hướng “đẽo chân theo giày” là đời sống không có thập giá, không có Đức Giêsu Kitô.”

Khi Đức Giê-su nói rằng Thánh Thần, Đấng được sai đến, sẽ nói lại “tất cả những gì Người nghe, và loan báo cho anh em những gì sẽ xảy đến” (Gio 16:13b), điều ấy có nghĩa là Thánh Thần tiếp nối và hoàn tất công việc huấn luyện của Chúa Giê-su. Việc ấy được hoàn tất trong ngày Lễ Ngũ Tuần khi họ lãnh nhận Thánh Thần (Cv 2: 1-4). Thật vậy, nhờ Thánh Thần, mà các môn đệ hiểu được sự thật toàn diện: hiểu ý nghĩa cái chết và sự phục sinh của Chúa Giê-su, điều  mà trước đó họ không thể kham nổi (Gio 16:12). Chỉ khi đó, họ mới có khả năng thi hành sứ mạng Chúa Giê-su đã ủy thác cho họ.

Như vậy, nội dung Tin mừng hôm nay cho chúng ta biết đích điểm của toàn bộ việc huấn luyện xưa và nay phải hướng tới: đó là đón nhận từ bên trong con người và sứ mạng của Đức Giê-su. Nếu việc huấn luyện của Chúa Giê-su chỉ hoàn tất khi Thánh Thần giúp các môn đệ nên “đồng hình đồng dạng” với Thầy mình, thì việc huấn luyện của chúng ta hôm nay cũng chỉ hoàn tất khi người thụ huấn có khả năng nội tâm hoá cách cung hành xử của Chúa Giêsu và của Dòng, nghĩa là có khả năng làm cho cung cách hành xử ấy trở nên cung cách hành xử của chính họtrở thành xương thịt của họ.

Tóm lại, nếu Thánh Thần là Đấng đã hoàn tất nội tâm hóa của các môn đệ thì chính Người cũng sẽ là Nhà huấn luyện giúp cho tiến trình huấn luyện của chúng ta đến đích. Vì thế chúng ta dâng lên Ngôi Ba Thiên Chúa năm học mới, 2012-2013, và xin Người giúp chúng ta đạt đến chiều sâu của việc huấn luyện như xưa Ngài đã hoàn tất nó nơi các môn đệ của Chúa Giê-su. Được như thế, chúng ta đã thực hiện một cuộc vượt qua từ hành động “đẽo chân theo giày” đến  hành động “sửa giày theo chân” trong huấn luyện vậy.

Vinh Sơn Phạm Văn Mầm, SJ

Kiểm tra tương tự

Tông Đồ Cầu Nguyện, 28-03-2024

  TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY28/03/2024​ CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG ​​ Chứng tá bằng …

Thập giá ngất cao

Bạn thân mến, Chúng ta đã bước vào Tuần Thánh, cũng là cao điểm của …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *