Thảo thinh lặng một nét họa

Khi đến tu viện, nhà tĩnh tâm, nhà thờ, chùa chiền, một trong những điều làm cho mọi người cảm thấy ấn tượng nhất là sự thinh lặng. Tại những nơi này, bầu không khí thinh lặng giúp cho mọi người có được sự thanh tịnh, một tâm hồn nhẹ nhàng, thoát khỏi không khí ồn ào và náo nhiệt ở bên ngoài.

Thinh lặng tạo nên những điều mới mẻ

Giống như một khu rừng tĩnh mịch nổi bật âm thanh sống động của thiên nhiên với tiếng ếch nhái, tiếng côn trùng … rỉ rang, khi tâm hồn càng tĩnh lặng, càng rộn lên những âm thanh mà trước đó người ta không hề chú ý đến.

Đây là điều mà John Cage, một nhạc sĩ chuyên soạn các bản nhạc Piano đã sử dụng trong khi trình diễn. Những bản nhạc của ông gồm ba phần. Bắt đầu là việc mở nắp đàn Piano, đến phần cuối, nắp của cây đàn được đóng lại. Sau đó là một bầu không khí thinh lặng, khán giả được mời gọi đắm chìm trong sự thinh lặng để lắng nghe những âm thanh đang khơi gợi trong tâm hồn, những điều họ đang được mời gọi khám phá.

Cũng có lẽ vì thế, sự thinh lặng cũng là bối cảnh cho những sáng tạo nghệ thuật. Trong bầu không khí yên ắng tĩnh mịch, người nghệ sĩ tìm ra những phát kiến nghệ thuật đầy mới lạ. Bầu không khí của sự tĩnh mịch là điều mà nhà thơ người Mỹ Adrience Rich đã nói là bầu không khí thôi thúc cho sáng tạo bắt đầu.

Nhà văn và nhà phê bình Susan Sontag trong tác phẩm “The Aesthetic of Silence” (Tạm dịch: “Tính thẩm mỹ của Sự Thinh Lặng”) đã mời gọi các nghệ sĩ dành thời gian trầm mặc tư tưởng, nhằm thoát khỏi thế giới náo động khiến họ ngột ngạt, để cho sự sáng tạo không bị bóp nghẹt, nhưng được thăng hoa.

Dường như sự thinh lặng cần thiết cho một sự khởi đầu, trở thành phương tiện để người ta có thể kiểm soát, sắp xếp, làm tươi mới cho nghệ thuật, nhưng sự thinh lặng chưa phải là bản chất của nghệ thuật. Có lẽ, người ta có thể thưởng lãm nghệ thuật dù không có thinh lặng. Khi có một sự đánh động trong tâm hồn, người ta cần nói và chia sẻ. Thiết tưởng, mối liên hệ sâu xa giữa con người với thinh lặng không phải ở nghệ thuật, nhưng chính là trong tôn giáo.

… và cho tôn giáo

Đối với nhiều tôn giáo, thinh lặng là cách thức để tự chất vấn và lắng nghe những điều thánh thiêng, là những điều đôi khi không thể diễn tả hết bằng lời.

Người Kitô hữu tin rằng, trong thinh lặng, Thiên Chúa nói với bản thân. Cần giữ thinh lặng để có một khoảng không cho Thiên Chúa.

Không chỉ giới hạn trong Kitô giáo, thinh lặng cũng hiện diện trong các tôn giáo khác như một phương thức để cải hóa con người.

Người Hồi giáo tin rằng con người tạo nên vẻ đẹp cho bản thân với hai thói quen: cư xử tốt lành và thinh lặng lâu dài.

Trong Phật giáo, phật tử hướng đến thinh lặng như một cách thức để diệt thoát những đam mê. Tham, sân, si nơi kiếp người trở về với hư vô. Trầm mình trong thinh lặng, lắng nghe từng nhịp thở, hóa giải từng vọng tưởng trong phương pháp thiền định (Zen) không chỉ giúp con người tiêu diệt những hỉ, nộ, ái, ố nhưng còn có thể giúp thiền sinh đạt đến cõi niết bàn.

Có thể nói thinh lặng giúp người ta thoát khỏi thế giới trần tục và giả hiệu, đưa con người đến với những điều thiêng liêng và huyền bí khó có thể giải thích và phân tích. Trong thinh lặng, người ta tìm kiếm sức mạnh để thoát khỏi những quyến luyến lệch lạc và phóng tầm nhìn lên những điều thánh thiêng.

… nhưng không phải là không nói

Ludwig Wittgenstein, một triết gia người Áo, đã nói đến việc không nên nói những điều người ta không biết. Có lẽ điều này không phải là buộc người khác im lặng, nhưng trong giao tiếp cần có một sự hiểu biết đầy đủ, để có thể nói và diễn đạt cho đủ mức.

Đây có vẻ như là “sự thinh lặng cao thượng” (noble silence) mà nhà Phật đã nói đến khi thực hành samma vaca có nghĩa là nói đúng. Điều mà kinh phật định nghĩa như là tránh lời nói sai sót, phỉ báng, cay nghiệt và vô ích.

Trong các cuộc tĩnh tâm theo phương pháp của thánh Inhã, người ta được mời gọi sống bầu khí thinh lặng trong suốt cuộc tĩnh tâm, để nhìn lại và phản tỉnh những chuyển biến nội tâm khi nhìn về quá khứ đời mình và chiêm ngắm cuộc đời của Chúa Giêsu. Phải chăng đây có thể xem như một tiếng nói ở trong lòng?

Hình thức giữ sự thinh lặng cũng có thể được thấy ở các đan viện Biển Đức, Xitô. Các đan sĩ sống đời trầm mặc, lao động và cầu nguyện. Trong chương trình sống, có những giờ giấc được xem như là thinh lặng tuyệt đối. Đây có thể như một hình thức thinh lặng không nói, chứ không phải là thinh lặng không nghe. Trong bầu khí của sự thinh lặng cô tịch, người đan sĩ trầm mình để có thể tiếp tục lắng nghe những tiếng nói thổn thức từ Đấng mà họ thờ phượng như lời thánh vịnh: “Hãy lặng thinh trước mặt Chúa và đợi trông người”. (Tv 37,7)

Cuộc sống thường nhật dường như khó tìm thấy cho mình một khoảng thời gian thinh lặng thực sự để ở đó trong cõi “ta với ta”. Tuy nhiên, cũng có không ít người mong trốn tránh sự thinh lặng. Người ta có thể làm việc 8-12 tiếng một ngày trong những ồn áo náo nhiệt của cuộc sống đô hội, nhưng thinh lặng 15 phút để lắng nghe dường như là bất khả. Có lẽ vì vậy, việc trải qua một cuộc tĩnh tâm 5 đến 8 ngày trong một nơi cô tịch, xa cách với cuộc sống bên ngoài là điều không dễ dàng cho nhiều người.

Tuy vậy, nếu cố gắng khám phá ra ranh giới giữa thinh lặng và ồn ào, người ta có thể đánh giá được những chao đảo và khó chịu đang diễn ra trong tâm hồn. Biết đâu nhờ thế, mà lại đem đến sự khao khát thinh lặng và làm lộ diện nhiều thứ về chính họ, như lời nhận định của ông Gordon Hempton, người đã xây một khoảnh đất nhỏ dành cho sự thinh lặng trong National Olympic Park, một công viên ở tiểu Bang Washington, “Thinh lặng không có nghĩa là vắng mặt mọi thứ, nhưng là trình diện mọi thứ.”

Nhẫn

Kiểm tra tương tự

Sinh Nhật Chúa Giêsu và câu chuyện Giáng Sinh

  Tại sao Sinh Nhật của Chúa Giêsu được gọi là Giáng Sinh?   Thuật …

“Lạy Đấng Emmanuel, xin hãy đến!”: Nỗi khắc khoải và niềm hy vọng trong Mùa Vọng

Người phương Tây thế kỷ 21 – từ Taylor Swift đến Billie Eilish – đã …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *