Thinh lặng để khám phá tình mẹ nghĩa cha

Giữa thế giới ồn ào náo động, những giây phút thinh lặng thật hiếm hoi. Có người lặng thinh vì không muốn nói, không muốn ra khỏi thế giới riêng tư của chính mình. Có người lặng thinh vì không biết phải nói gì. Có người lặng thinh vì bị bắt buộc phải làm như vậy. Có người lặng thinh vì đang muốn nói cho người khác biết điều gì đó vượt xa ngôn từ. Có người lặng thinh vì muốn tập luyện điều gì đó. Có người lặng thinh vì chẳng biết làm gì hơn. Có người lặng thinh vì biết khi nào nơi nào trong hoàn cảnh nào cần lặng thinh.

Thinh lặng để lắng nghe

Có người lặng thinh vì biết rằng lặng thinh là một phần quan trọng của cuộc sống, để có thể lắng nghe được con tim mình, để có thể lắng nghe được tha nhân và hy vọng nghe được tiếng nói của Trời cao. Lạy Chúa, mỗi người mỗi cách mỗi kinh nghiệm khác nhau về thinh lặng, con xin tâm sự cùng Ngài những giây phút lặng thinh trong cuộc sống hằng ngày.

Thinh lặng đôi khi rất cần cho một người con trong gia đình. Thường thì cha mẹ ít khi làm điều gì oan ức cho những đứa con. Có thể đứa con mắc lỗi gì đó, cha mẹ mới la mắng mới đánh một chút. Người con thường nghĩ, có mỗi tý như thế mà cha mẹ làm to chuyện. Thế nhưng, người đời có câu nói đúc rút kinh nghiệm bao đời: cứ khi nào bắt đầu làm cha làm mẹ, rồi mới hiểu được lòng cha mẹ của mình. Điều ấy cũng có nghĩa, thật khó để đặt mình vào vị thế của người khác.

Mẹ mắng vì yêu

Mẹ thường la mắng nhiều, khi đứa con có lỗi. Mẹ thường nhắc đi nhắc lại nhiều lần lầm lỗi ấy. Mẹ thường nhắc lại cả chuỗi tội của những ngày tháng khác nhau. Mỗi lần có lỗi gì, mẹ có thể nhắc lại cả dãy tội của nhiều năm trước đó. Người con thoạt tiên có thể rất lấy làm khó chịu. Người con thường muốn cãi lại mẹ và phân bua này nọ. Khi còn nhỏ, vì thương mẹ, nên người con đành lặng thinh, để kiềm chế sự khó chịu, để vơi bớt lời cãi mẹ. Cãi nhiều cũng chẳng ăn thua, chẳng chối tội của mình được, mà lại càng làm cho mẹ thêm buồn thêm giận.

Lớn lên đôi chút, người con dần nhận thấy, nếu mình không quan trọng đối với mẹ, mẹ đã chẳng quan tâm mình đến thế. Nếu mẹ không thương mình, mẹ chẳng gì phải nhọc công nhắc đi nhắc lại. Nếu mẹ không không phải là mẹ mình, thì mẹ chẳng gì phải hao tâm tổn trí để nhớ nhung để khắc ghi bao điều về cuộc sống của mình.

Và như thế, mỗi khi được mẹ la mắng, người con có thể lặng thinh nghe trong an bình, trong lòng biết ơn và chắc chắn có một chút hối hận: con xin lỗi mẹ, lần sau con sẽ cố gắng; con cám ơn mẹ, vì mẹ đã quan tâm con nhiều; xin mẹ tiếp tục kể cho con nghe về cuộc đời con, về những điều tốt xấu của con, để con có thể sống làm con, sống làm người.

Cha đánh vì thương

Người cha thường nói ít hơn, có thể người cha dùng roi mà sửa dạy. Những trận đánh ấy đau thật, nhưng thực ra cũng chẳng thấm vào đâu. Cùng lắm đau mấy ngày rồi thôi. Mấy ngày cũng đủ để con nhớ và hiểu được hậu quả của những điều sai trái con đã gây ra. Kể ra cha không hiền lắm, nhưng cha làm như thế, con thấy con chẳng oan ức chút nào. Khi bị đánh, con kêu đau, con khóc. Càng khóc, càng tỏ ra mình bị oan ức, con càng bị đánh. Thế là con đành lặng thinh như thể diễn tả sự hối hận, như thể diễn tả sự khiêm tốn, và điều ấy giúp con không bị đánh thêm. Trẻ con là thế, trẻ con biết làm gì thì có lợi hơn.

Dần dần đứa con khám phá thấy nhiều ý nghĩa khác của lặng thinh. Mình phạm lỗi là vì trước khi làm điều gì đó, mình chưa thinh lặng đủ, vì mình ham hố điều này điều kia, vì trong lòng mình ồn ào nhiều thứ, vì bên ngoài mình đầy những tiếng la hét khích động. Và rồi, mình chiều theo cám dỗ để làm điều chẳng nên. Cuộc sống đầy dẫy những điều như thế.

Khi lớn hơn, đứa con nhận ra rằng, cha có đánh con, cũng chỉ vì làm bổn phận người cha mà thôi, vì người cha không biết làm gì hơn trong những lúc ấy, vì người cha muốn giúp đứa con thấy cuộc sống từ những góc cạnh mà đứa con không biết không quan tâm.

Giai điệu của lặng thinh

Đối với cha mẹ tốt, thì những lời mắng, những trận đánh, chỉ là nhất thời trong giây lát với bổn phận các ngài phải thi hành, còn tình yêu thương trìu mến thì trải dài tháng năm, trải dài cả đời, trải dài vô tận. Thinh lặng như là một trong những chiếc chìa khóa quan trọng để mở ra cánh cửa vô tận ấy.

Khoảng cách giữa các nốt nhạc chính là sự thinh lặng, đã thế vẫn cần thêm những dấu lặng. Các phong cách nhạc khác nhau được phân biệt bởi những giai điệu những tiết tấu này nọ. Bình thường người ta quan tâm lắng nghe những âm thanh vang lên. Nhưng có người tinh tế sẽ nghe được những khoảng lặng trong bản nhạc ấy, sẽ nghe được cái âm hưởng âm thầm và mạnh mẽ của tâm hồn nhạc sĩ, sẽ nghe được chân trời rộng mở vô tận đang giao hòa tâm hồn người nhạc sĩ, người nhạc công và biết bao thính giả đang lắng nghe. Chân trời ấy mang đậm dấu ấn của thinh lặng.

Cũng thế, khi người ta ra sức đặt câu hỏi, ra sức gài bẫy Chúa Giêsu, Chúa chẳng bị cuốn theo sự ồn ào náo động mà họ đặt ra, Chúa cũng chẳng bị cuốn theo sự khôn ngoan giả tạo mà họ đang biểu diễn. Trong Chúa có một sự thinh lặng vô biên, có sự bình an vô tận, vì ở nơi đó Chúa Con đang ở cùng Chúa Cha, đang lắng nghe Chúa Cha. Trong cuộc Thương Khó, đứng trước Thượng Hội Đồng, hầu như Chúa thinh lặng. Lạy Chúa, xin cho con có được ơn thinh lặng như Chúa, để con có thể nghe được tiếng nói của con tim mình, để con có thể nghe được tấm lòng của người khác, và để con có thể nghe thấy Tiếng Chúa đang thì thầm trong cuộc đời con. Amen.

Tứ Quyết SJ

Kiểm tra tương tự

Giá trị của việc nói “Không”

  Học cách nói “không” cho phép chúng ta tôn vinh thánh ý Chúa về …

Thánh Ambrôsiô và bí quyết chinh phục lòng người

  Nếu bạn muốn thuyết phục ai đó bằng lời nói của mình, hãy đến …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *