Tính “Chính Chủ” (Genuineness) của các Tác phẩm của Plato

Works of Plato

Nhìn chung có thể nói rằng chúng ta đang có trong tay toàn bộ những tác phẩm cốt lõi nhất của triết gia Plato. Như Giáo sư Taylor nhận xét: “Sau thời cổ đại, ở bất cứ nơi đâu, chúng ta chẳng thể tiếp tục nhắc đến một tác phẩm nào của Plato mà chúng ta chưa có trong tay.”[1] Như thế có thể giả định rằng chúng ta sở hữu tất cả những đối thoại (dialogues) đã được công bố của Plato. Tuy nhiên, khi đã nhận xét như vậy rồi, chúng ta vẫn không sở hữu được một tuyển tập các bài diễn thuyết mà Plato đã trình giảng ở Học viện (Academy) của ông (mặc dầu chúng ta vẫn có những nguồn tham khảo ít nhiều còn mập mờ trong các tác phẩm của Aristotle), và còn đáng tiếc hơn nữa nếu quả thật, như người ta thường thấy, những tác phẩm nổi tiếng về những đối thoại lại được soạn ra nhằm phục vụ giới bình dân có chút học thức và để phân biệt với những bài diễn thuyết mà Plato đã trình giảng cho các học viên chuyên ngành triết lý. (Người ta phỏng đoán rằng Plato đã thuyết giảng mà không dùng đến một bản thảo nào. Dẫu thực tế có phải vậy hay không, chúng ta đã không hề có được bản thảo của bất cứ bài diễn thuyết nào được trình giảng bởi Plato cả. Dầu sao đi nữa, chúng ta không có quyền dựng nên một sự phân biệt quá rõ ràng giữa một bên là học thuyết của những đối thoại và bên kia là học thuyết được trình giảng trong nội vi Học viện. Sau hết, chẳng phải tất cả các đối thoại đều có thể được gọi là “tác phẩm đại chúng” một cách dễ dàng, và chỉ một vài đối thoại cho thấy những dấu chỉ đặc biệt hiển nhiên để có thể kết luận rằng Plato đang cố gắng giải thích quan điểm của ông trong đó.) Nhưng có thể khẳng định rằng chúng ta có được hầu hết các đối thoại của Plato, nói như thế không có nghĩa là tất cả các đối thoại được để lại cho chúng ta dưới danh nghĩa của Plato đều thực sự do chính ông viết lại: vấn đề còn lại là làm sao “sàng lọc” được những tác phẩm “chính chủ” ra khỏi những tác phẩm mạo danh (spurious). Những bản thảo cựu trào nhất của Plato (the oldest Platonic MSS [Manuscripts])thuộc về một hợp tuyển được gửi cho ông Thrasyllus nào đó, được định thời vào khoảng những năm đầu Công nguyên. Bất luận thế nào, hợp tuyểnnày, vốn là những “tác phẩm bộ bốn” (tetralogies), dường như được dựa viết dựa trên những “tác phẩm bộ ba” (trilogies) của Aristophanes thành Byzantium vào thế kỷ thứ ba TCN. Khi đó có thể tạm chấp nhận rằng có đến ba mươi sáu đối thoại (kể cả tác phẩm Epistles [Những bức thư]được xét như một đối thoại] đã được hầu hết các học giả thời đó thừa nhận là tác phẩm của Plato. Từ đó vấn đề có thể được giản lược thành câu hỏi sau đây: “Liệu cả thảy ba mươi sáu đối thoại ấy có là ‘chính chủ’ hết, hay còn một số là mạo danh; và nếu có thì đâu là những tác phẩm mạo danh?”

Ngay cả trong thời cổ đại, những ngờ vực liên quan đến một vài đối thoại đã được gieo rắc. Do đó từ Athenaeus (flor. c. 228 TCN) chúng ta biết được rằng một số người đã quy gán tác phẩm  Alcibiades II cho Xenophon. Một lần nữa, có vẻ như Proclus không chỉ thoái nhận các tác phẩm Epinomis Epistles, nhưng thậm chí còn đi quá xa đến nỗi từ chối cả tác phẩm Laws (Luật pháp) và Republic (Cộng hoà). Việc quy gán các tác phẩm mạo danh cho người này kẻ khác còn tiến xa hơn nữa trong thể kỷ XIV, như có thể nghĩ đến, đặc biệt ở Đức, và được đẩy lên tới cao điểm bởi Ueberweg và Schaarschidt. “Nếu có một thứ gì đó có thể gói trọn những công kích của thời cổ đại lẫn những chỉ trích của thời hiện đại, thì đó là những phê bình của Thrasyllus về ba mươi sáu tác phẩm trong số những “tác phẩm bộ bốn”, chỉ có năm trong số đó may mắn thoát khỏi tất cả những công kích mà thôi.”[2] Tuy nhiên, ngày nay, sự phê bình đối với các tác phẩm mạo danh diễn ra theo một hướng dè dặt hơn, và nhìn chung có được sự hài hoà như đối với sự phê bình tính “chính chủ” của tất cả các đối thoại quan trọng, cũng như đối với những nét mạo danh của một vài đối thoại ít quan trọng hơn, trong khi tính “chính chủ” của một số ít các đối thoại vẫn còn là một vấn đề phải bàn cãi. Kết quả của việc cứu xét mang tính phê bình này được tóm kết như sau:

(i)   Những đối thoại bị nhiều người thừa nhận: Alcibiades II, Hipparchus, Amatores hay Rivales, Theages, Clitophon, Minus. Về nhóm này, ngoại trừ tác phẩm Alcibiades II, hầu như đều là những tác phẩm thuộc thế kỷ IV, không phải những tác phẩm mạo danh có chủ đích nhưng là những tác phẩm vụn vặt có cùng đặc điểm với những đối thoại của Plato; và trong mức độ biện minh nào đó, chúng có thể được xem như đã đóng góp phần nào cho hiểu biết của chúng ta về quan niệm của Socrates – vốn thịnh hành trong thế kỷ IV. Tác phẩm Alcibiades II thì hầu chắc là về sau mới có.

(ii)   Tính “chính chủ” của sáu đối thoại sau đây được tranh cãi: Alcibiades I, Ion, Menexenus, Hippias Maior, Epinomis, Epistles. Giáo sư Taylor nghĩ rằng Alcibiades I là tác phẩm của một môn đệ thân tín của Plato[3] và Tiến sĩ Praechter cũng nghĩ rằng chắc chắn nó không phải tác phẩm do chính tay vị Tôn sư (Master) viết.[4] Tiến sĩ Praechter xem tác phẩm Ion là “chính chủ”, và Giáo sư Taylor nhận xét rằng nó “có thể được tạm chấp nhận như một tác phẩm ‘chính chủ’ cho đến khi có lý do nào đó tốt hơn để phủ quyết.”[5] Tác phẩm Menexenus thì rõ ràng được Aristotle thừa nhận là chính gốc Plato, như nó có vẻ được ám chỉ như thế, mặc dầu không nêu đích danh, trong tác phẩm Topics (Các chủ đề) của Aristotle. Cũng như đối với tác phẩm Epinomis, mặc dầu Giáo sư Jaeger quy gán nó cho Philippus thành Opus,[6] Praechter và Taylor đều cho rằng nó là tác phẩm “chính hiệu” (authentic) Plato. Về tác phẩm Epistles (Những bức thư), Bức thư số 6, 7, 8 được nhiều người chấp nhận. Hơn nữa, Giáo sư Taylor nghĩ rằng, việc chấp nhận những Bức thư nêu trên dẫn đến việc chấp nhận tất cả các bức thư còn lại âu cũng hợp lý, ngoại trừ Bức thư số 1 và có thể là Bức thư số 2 nữa. Thật ra thì chẳng ai muốn loại bỏ tác phẩm Epistles cả, khi chúng cho chúng ta thật nhiều thông tin đáng giá liên quan đến tiểu sử của Plato; nhưng chúng ta phải cẩn thận kẻo lại để cho ước muốn rất đỗi tự nhiên này ảnh hưởng một cách không chính đáng đến việc chúng ta chấp nhận Epistles như là tác phẩm “chính chủ”. [7]

(iii)   Tính “chính chủ” của những đối thoại còn lại có thể được chấp nhận; vì thế kết quả của việc phê bình xem ra chỉ loay hoay với việc phê bình ba mươi sáu đối thoại của những “tác phẩm bộ bốn” mà thôi, sáu đối thoại trong số đó bị nhiều người từ chối, sáu đối thoại khác có thể được chấp nhận cho đến khi bị chứng minh là “giả hiệu” (chắc chắn ngoại trừ Alcibiades I  và dĩ nhiên cả Bức thư số 1 nữa), trong khi hai mươi bốn đối thoại còn lại hẳn nhiên là do chính Plato viết. Do đó, chúng ta sở hữu một lượng đáng kể các tài liệu mà quan niệm của chúng ta về tư tưởng của Plato có thể được đặt nền trên đó.

(Nguồn: Frederik Copleston,SJ, A History of Philosophy: Greece and Rome,(bản dịch tiếng Việt của  Petrus Phạm Hữu Cường, chủng sinh Gp. Kontum và Bartholomeus Nguyễn Anh Huy, SJ), NewYork: Doubleday, 1993, pp. 133-135)

……………………..

[1] Plato, p. 10

[2] Ueberweg-Praechter, p. 195. Dĩ nhiên, công trình vô giá của tiến sĩ Praechter không đại diện cho xu thế phê bình quá khe khắt vào thời của Ueberweg.

[3] Plato, p. 13.

[4] Ueberweg-Praechter, p. 199.

[5] Plato, p. 13.

[6] Aristotle, e.g. p. 132. Cf. Diog. Laërt., 3, 37. Taylor (Plato, p.497) nghĩ rằng Diog. chỉ muốn nói rằng Philippus chỉ sao chép lại tác phẩm Epinomis ……….

[7] Ritter chấp nhận các Bức thư số 3 và số 8 và phần tường thuật chính của Bức thư số 7.

Kiểm tra tương tự

Hỡi các bậc phụ huynh, thánh Tôma Aquinô sẽ giúp bạn vượt qua những năm tháng mệt mỏi

Thánh Tôma Aquinô hiểu sự hiện hữu như một quá trình năng động chuyển từ …

Đất nước duy lý trước cơn đói khát thiêng liêng

Nhìn về một kiểu đa dạng khác cho Giáo hội hiệp hành và thần học …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *