TÌNH TRẠNG DÂN SỐ ĐÀNG NGOÀI THẾ KỶ 17
Tác giả: Đỗ Quang Chính, sj.
Ngày nay người ta có thể biết dễ dàng dân số của Việt nam hay bất cứ nước nào hiện thời trên thế giới; nhưng vào thế kỷ XVII, việc này lại rất khó, khó ngay tại những nước tiến bộ nhất thế giới, chứ không riêng gì ở Đàng Ngoài hay Đàng Trong tức là Đại Việt. Tuy nhiên, con người thế kỷ XX có thể tìm hiểu được vấn đề dân số của bất cứ một nước Âu châu nào trong thế kỷ XVII, nhờ có nhiều tài liệu chuyên môn. Còn với Đàng Ngoài (phần đất từ sông Gianh tới biên thuỳ Trung Hoa), đến nay người ta cũng chưa biết được vào thế kỷ XVII xứ này có bao nhiêu dân, vì những tài liệu lịch sử không cho chúng ta biết rõ điều đó.
Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta chẳng có một tài liệu nào về dân số nước ta thời xưa. Thực ra tài liệu thì có, nhưng có lẽ chỉ là ước đoán, không thể làm cho nhà nghiên cứu lịch sử dân số hài lòng được.
– Theo sử liệu đời nhà Đường, vào thế kỷ thứ XVII châu thổ sông Hồng hà có khoảng 100.000 dân cư 1. Đó là con số quá thấp, khó mà chấp nhận được.
– Riêng ông Nguyễn Trãi trong cuốn Dư Địa chí, ước lượng số dân đinh ở nước ta như sau:2
Năm 939 : 3.100.000 dân đinh
Năm 1010-1224 : 3.300.100 dân đinh
Năm 1225-1398 : 7.004.300 dân đinh
Năm 1428 : 700.940 dân đinh
– Năm 1407 khi tướng Trương Phụ của Trung Hoa đem quân đánh họ Hồ, cai trị nước Việt, có gửi tờ trình về Bắc Kinh và báo cáo là dân đinh nước Việt được 3.125.900.
Trên đây là những con số dân đinh, tức là đàn ông từ 18 đến 60 tuổi, chứ không kể đàn bà, con trẻ và những người quá 60 tuổi. Nếu muốn tính tất cả dân số, ít nhất cũng phải nhân lên gấp 5 lần. Như vậy dân số Việt vào những thế kỷ đó lại quá đông đúc, khó mà tin được. Ví dụ: năm 1225-1398 có tất cả 7.004.300 dân đinh nhân gấp 5 sẽ thành 35.021.500 dân cư! Ngay vào năm 1971, dân số Bắc Việt (về địa dư lãnh thổ tương tự như lãnh thổ nước Việt xưa) cũng chỉ có gần 20 triệu; nếu phỏng tính theo kiểu dân đinh như xưa, thì mới được 4 triệu dân đinh.