“Tôi là tôi” – một bí quyết hạnh phúc

Mỗi người sinh ra trên thế giới này đều có tính độc nhất. Tôi là tôi, chứ tôi không là người khác. Cũng chẳng ai khác trên đời này có thể thay thế được chỗ đứng mà Tạo Hoá đã dành cho tôi khi đưa tôi vào hiện hữu, dù người đó có tài giỏi đến mức nào, cao sang đến mức nào, giàu có đến mức nào hay thậm chí là gần gũi với tôi đến mức nào. “Tính độc nhất” này, ai trong chúng ta cũng biết, nhưng ít bao giờ chúng ta để tâm đến và sống chiều kích ấy một cách toàn vẹn. Cái mà người ta vẫn hay gọi là “nên thánh”, xét ở một khía cạnh nào đó, dường như cũng chỉ là trở về với cái “là-chính-mình”, đón nhận nó và thể hiện nó trong đời sống với một lòng biết ơn sâu thẳm.

Ừ, tôi là tôi, tôi cứ sống như tôi là, tôi cứ phô bày ra trước mắt người khác một hình ảnh thật sự của tôi. Chẳng cần phải đeo mặt nạ, chẳng cần phải giả vờ hay chẳng cần phải gắng gượng tìm một cái gì đó thật đẹp để tô vẽ bản thân. Tôi không sống hai lòng, không có hai bộ mặt, không có hai con tim, không thay đổi cách ứng xử như chong chóng, không tìm mọi cách để hùa theo đám đông, không ép mình phải làm theo sở thích của người khác… Tôi sống cuộc sống của tôi, tôi không huỷ hoại tôi chỉ vì muốn làm người khác vui, tôi không khoác lên mình một hình ảnh giả tạo nào đó mà tôi thấy chẳng thoải mái chút nào…

Có nhiều khi tôi hay thích so sánh mình với người khác, thấy người ta sao tài giỏi, hào hoa, còn mình sao bất tài yếu kém. Nhìn đến người ta mà thấy tủi cho bản thân mình. Một thái độ đặt lên bàn cân so sánh với thái độ tiêu cực như vậy chẳng khác nào tự huỷ diệt hạnh phúc của mình. Người khác là người khác, chẳng có lý do tôi phải giống người khác. Và nếu tôi sinh ra cũng giống như người khác thì sức sáng tạo của Tạo Hoá thật nghèo nàn và kém cỏi quá chừng. Ai cũng có thế mạnh và điểm yếu riêng. Mỗi người đều có một đặc nét làm nên tính cá vị của người đó. Thái độ so sánh thường dẫn ta đến chỗ tự ti, trách móc, phàn nàn, khiến ta không thấy được tính bản chân của riêng mình, không thấy được những gì mình đang có là một hồng ân, một quà tặng lớn lao của Tạo Hoá.

Có nhiều khi tôi sống mà chẳng phải là sống cho chính mình. Tôi trở nên “tha hoá” giữa dòng đời đưa đẩy. Tôi không dám theo đuổi đam mê. Tôi không dám bày tỏ chính kiến. Tôi phải gồng mình để gìn giữ một diện mạo nào đó không phải của tôi. Tôi cười vì người khác, chứ không phải vì tôi. Tôi buộc phải nói những lời không xuất phát từ con tim tôi. Tôi cố gắng hành xử theo một cách thức ngược hẳn với phong cách của mình. Bỗng chốc, tôi phát hiện hình như mình đang sống cho ai đó, cho cái gì đó, chứ không phải cho chính mình. Tôi đã đánh mất tôi từ lúc nào không biết. Để rồi, khi không còn ai ở bên, tôi thấy mình lạc lõng như cánh bèo bị con nước đẩy đưa; thấy cô đơn chán chường vô cùng tận; thấy cuộc đời sao đầy những lọc lừa, giả tạo; thấy mất đi ý nghĩa của cuộc sống; thấy thế gian chỉ là một màn kịch chán ngắt chẳng bao giờ ngừng; thấy từng giây phút trôi qua là những trò đùa vô bổ; thấy từng nhịp đập và hơi thở là những tiếng ngao ngán của tâm hồn…

Bởi thế, hạnh phúc chỉ đơn là được sống trong cái chân lý đơn giản “tôi là tôi”. Tôi được trở về là chính bản thân mình một cách tự nhiên như nó vốn dĩ, không một chút gượng gạo khó chịu nào. Đón nhận bản mình như nó là, là một lời cảm ơn chân thành nhất dành cho Tạo Hoá, Đấng đã cho ta hiện hữu như thế, Đấng đã ưu ái tạo nắn ta là một cá thể độc lập duy nhất giữa vũ trụ bao la này, chứ không đưa ta vào một quy trình sản suất hàng loạt. “Tôi là tôi”, hệt như con chim tung bay trên bầu trời, thoả sức soãi cánh chơi đùa với những tầng mây, du ngoạn từ đỉnh núi này đến đỉnh núi nọ, chứ không bị nhốt trong lồng để chỉ làm trò vui cho người khác.

“Tôi là tôi” chính là sống lời mời gọi làm chủ bản thân mình. Tôi là chủ nhân của chính tôi, tôi là người chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình, tôi là người quyết định hạnh phúc của mình. Tôi chẳng nhất thiết phải sống theo một hình ảnh nào đó người ta gán cho tôi mà tôi thấy nó chẳng phù hợp với mình. Tôi không chối bỏ những khuyết điểm của mình nhưng sẵn sàng nhìn nhận nó và từ từ sửa đổi. Tôi khảng khái nhìn ra những tài năng của bản thân và dùng nó để giúp mình được triển nở cũng như để cống hiến cho xã hội. Tôi biết tôi thích điều gì và tôi quyết tâm theo đuổi nó để xây đắp niềm hạnh phúc. Còn điều gì tôi không thích, thì đơn giản là không thích thôi, chứ chẳng cần phải giả vờ là thích.

Mọi cái đều sẽ qua đi, danh vọng, sắc đẹp, công việc, tiền tài… ông bà, cha mẹ, người thân, bạn bè… chỉ còn lại một cái duy nhất sẽ đi với tôi mãi: đó chính là tôi. Đây là cái gốc của tôi. Dù chuyện gì có xảy ra đi nữa, tôi vẫn cứ là tôi. Đây là người bạn duy nhất chẳng bao giờ lìa khỏi tôi. Cuộc hành trình dương gian, cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc, chính là cuộc hành trình đi tìm lại “bản thân tôi” mà bấy lâu nay tôi đã đánh mất. Hay nói đúng hơn, đó là một nỗ lực gột rửa những lớp bụi bẩn đang bấu víu con người mình, để tôi được trở về là chính mình, sống cuộc sống của mình theo một cách thức chân thực và hoàn hảo nhất.

 

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Kiểm tra tương tự

Sinh Nhật Chúa Giêsu và câu chuyện Giáng Sinh

  Tại sao Sinh Nhật của Chúa Giêsu được gọi là Giáng Sinh?   Thuật …

“Lạy Đấng Emmanuel, xin hãy đến!”: Nỗi khắc khoải và niềm hy vọng trong Mùa Vọng

Người phương Tây thế kỷ 21 – từ Taylor Swift đến Billie Eilish – đã …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *