Hỏi: Con rất thích đọc những trình thuật trong sách Sáng Thế. Nhưng ở trường, con nghe giáo sư nói rằng con người do Vượn tiến hoá thành chứ không phải do Thiên Chúa tạo ra như sách Sáng Thế nói. Các bạn con luôn chế giễu con về đức tin của con. Con tin rằng con người được Thiên Chúa tạo dựng. Nhưng liệu có một câu trả lời nào cố gắng dung hoà giữa Kinh Thánh và thuyết tiến hoá không? Làm sao con có thể đối thoại với những người bạn không cùng tôn giáo với con về vấn đề này?
Trả lời:
“Con rất thích đọc những trình thuật trong sách Sáng Thế”. Chúng tôi rất vui khi biết một sinh viên trẻ tuổi như bạn rất thích đọc Kinh Thánh. Câu hỏi mà bạn đặt ra cho chúng tôi ngoài việc xuất phát từ lòng đạo, chắc hẳn cũng đến từ một tâm hồn khao khát tri thức và mong mỏi hiểu biết chân lý để có thể trao đổi với những người bạn không cùng niềm tin. Xin Chúa chúc lành cho bạn vì ý hướng tốt này.
Về vấn đề của bạn, chúng tôi e rằng mình không đủ sức để giải quyết ngọn ngành mọi khúc mắc vốn đã và đang làm đau đầu những bộ óc tầm cỡ. Tuy nhiên, chúng tôi xin chia sẻ một vài suy tư nhỏ nhoi lượm lặt được, mong là giúp ích được gì đó cho bạn.
Theo như bạn nói, thuyết tiến hóa của Charles Darwin cho rằng con người do Vượn người tiến hóa mà thành. Người ta gọi đây là “giả thuyết” chứ không phải “chân lý”. Giả thuyết thì cũng chỉ là giả thuyết, nghĩa là lý thuyết, một giả định, là cái mà ông ta nghĩ như thế. Chẳng ai biết nó có đúng không. Nhưng giả như nó đúng đi chăng nữa thì cũng chẳng có gì mâu thuẫn với trình thuật Sáng Thế vì nếu Thiên Chúa không tạo điều kiện nội tại và ngoại tại thì chắc là quá trình tiến hóa này sẽ không thể diễn ra được. Nếu hiểu như thế thì chính Thiên Chúa cũng dựng nên con người, chứ có ai khác đâu. Con người không thể tự mình dựng nên mình vì như thế là mâu thuẫn.
Khoa học ngày nay đã tìm thấy những bằng chứng khiến người ta bắt đầu nghi ngờ về giả thuyết này. Chẳng hạn, các nhà khảo cổ đã tìm thấy những dụng cụ lao động có niên đại trước khoảng thời gian mà Darwin cho là xuất hiện con người. Vấn đề được đặt ra là: vậy ai là người đã sử dụng những dụng cụ lao động ấy, phải chăng con Vượn đã biết chế tạo và sử dụng công cụ lao động? Điều này mâu thuẫn với chính học thuyết của ông.
Trong phạm vi ngắn ngủi của bài viết này, chúng tôi xin chia sẻ về vấn đề của thuyết tiến hoá dưới cái nhìn của triết học. Hãy tưởng tượng cảnh con Vượn người tiến hóa thành con người. Đâu là giây phút đánh dấu khoảnh khắc loài sinh vật kia không còn là vượn nữa nhưng đã là người rồi? Hình thù và các bộ phận trên cơ thể thì có thể kha khá giống nhau rồi đấy, nhưng yếu tố nào mới khiến cho nó được gọi là người chứ không phải là vượn? Sự biến đổi bên ngoài (bộ phận, hình thù, cấu trúc sinh học…) không làm cho con người là một con người theo đúng nghĩa vì con vượn người ở giai đoạn chuẩn bị trở thành người chắc cũng có y chang những thứ đó. Có chăng là bộ óc con người phức tạp hơn. Nhưng phức tạp đến độ nào thì trở thành người?
Nếu chịu khó quan sát, chúng ta sẽ thấy con người và con vượn xét về mặt sinh vật thì giống nhau nhiều điều, nhưng cung cách hành xử, lối suy nghĩ khác nhau nhiều lắm. Từ trực giác, ta luôn cho rằng mạng sống một con người thì quý hơn một con vượn. Giết một con vượn có thể tàn nhẫn, nhưng dư luận sẽ không lên án hành vi ấy gay gắt cho bằng giết một con người. Điều đó cho thấy, ai ai cũng thừa nhận con người có phẩm giá cao hơn con vượn. Tại sao vậy? Tại sao con người lại xếp mình ở vị trí trên hết, và xếp những vật còn lại thuộc một đẳng cấp thấp hơn? Tại sao con vượn không thể làm như thế? Điều gì khiến con người cao quý hơn con vượn? Thuyết tiến hoá đã không trả lời được những câu hỏi này.
Từ quan sát của mình, con người thấy rằng con vượn sống theo bản năng sinh tồn của nó; con người cũng lo cho sự sinh tồn của mình nhưng con người có những giá trị cao cả mà nhiều khi vì những giá trị này, con người sẵn sàng hy sinh bản thân mình. Các nhà triết học còn đưa ra một tiêu chí khác nữa giúp phân biệt người với vượn: con vượn thì chỉ biết kiếm ăn; con người thì biết là mình biết kiếm ăn; con vượn biết quan sát, con người thì biết là mình biết quan sát. Cứ cho là con vượn biết suy nghĩ đi, nhưng nó không biết là nó đang suy nghĩ, còn con người thì biết suy nghĩ nhưng cũng biết là mình biết suy nghĩ. Vì thế, con vượn không có ý thức về mình, còn con người thì có ý thức về mình. Điều này làm nên sự khác biệt giữa hai loài.
Chắc chắn có một lằn ranh, một khoảnh khắc nào đó mà từ đó trở đi, bộ óc con vượn bỗng dưng chuyển từ “biết suy nghĩ” sang việc “biết mình biết suy nghĩ”, chuyển từ “không ý thức về mình” sang “có ý thức về mình”. Con Vượn không thể tự ban cho mình khả năng chuyển đổi này. Cũng không có một giống loài nào dưới gầm trời có quyền năng này, vì sự chuyển biến này không còn thuộc về vật chất nữa, nhưng đã chuyển sang phi vật chất (ý thức) rồi. Thuyết tiến hoá cũng không thể giải thích được sự ý thức này từ đâu mà đến. Vật chất thì chỉ có thể dừng lại ở cấp độ vật chất chứ không thể đi xa hơn.
Bởi vậy, một sự chuyển hoá ở cấp độ ý thức như thế chỉ có thể xảy ra khi có sự can thiệp của một Cái Gì Đó không thuộc về vật chất nhưng là Tinh Thần Thuần Tuý (Thiên Chúa). Khoảnh khắc biến chuyển ấy là khoảnh khắc thật mầu nhiệm. Kinh Thánh mô tả khoảnh khắc đó bằng một hình ảnh thật gần gũi: Thiên Chúa “thổi hơi vào phần đất mà ngài nắn thành” (St 2,7). Thật ra, tất cả các loài đều có “dáng dấp” của Thiên Chúa vì đều từ Chúa mà ra, nhưng chỉ có con người là có “hình ảnh” Thiên Chúa vì con người được hưởng “hơi Thần Khí” mà Thiên Chúa thổi vào. Nhờ đó mà con người tự xếp mình ở vị trí cao hơn tất cả mọi loài khác. Con người thuộc về một phẩm trật khác với những loài còn lại. Như thế, xét cho cùng, cũng phải có sự can thiệp của Thiên Chúa thì loài sinh vật tên là “con người” mới xuất hiện.
Việc đối thoại với anh chị em có tư tưởng ngộ nhận trong việc hiểu biết Kinh Thánh sẽ là rất khó khăn nếu họ đã không muốn khiêm nhường, lắng nghe và trao đổi. Kinh nghiệm cho thấy những người chối bỏ và không mở lòng ra thường là những người chưa tìm hiểu cặn kẽ. Còn những người có lòng khao khát thật sự đều nghiệm thấy những chân lý chứa đựng trong Kinh Thánh. Rất nhiều các nhà khoa học, thiên tài trong lịch sử nhân loại là những người đã tin vào Thiên Chúa. Bởi thế, có đôi khi chúng ta không cần mất công tranh cãi với những người cố chấp vì nếu họ đã không muốn tin, có nói thế nào họ cũng không tin. Có đôi khi, họ chỉ bề ngoài chối bỏ thôi chứ trong lòng vẫn tin có một Đấng tuyệt đối. Hãy cứ bao dung và kiên nhẫn với họ. Nếu lý thuyết không khiến họ tin vào Chúa thì gương tốt của mình sẽ là lời chứng thuyết phục họ.
Điều này thì phải trông đợi ở những nỗ lực của chúng ta mà thôi!
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ