Trường cầu nguyện của ĐTC: Thiên Chúa luôn ở gần

“Thiên Chúa luôn ở gần, ngay cả trong những khó khăn, trong các vấn đề, trong bóng tối của cuộc sống. Ngài lắng nghe, đáp lời và cứu chúng ta theo cách của Ngài. Nhưng chúng ta phải biết nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa và chấp nhận cách thức của Ngài.” Đây là lời của Đức Thánh Cha Biển Đức 16 hôm thứ Tư khi ngài giới thiệu Thánh Vịnh số 3, được biết như là Thánh Vịnh của Vua Đa Vít. Đây là buổi tiếp kiến thứ 7 của ngài liên quan đến việc cầu nguyện Ki-tô giáo.

Đức Thánh Cha đã về lại quảng trường Thánh Phê-rô, và cho bài giáo lý hằng tuần của ngài trước 20 ngàn tín hữu và khách hành hương Vatican. Đây là buổi tiếp kiến đầu tiên tại đây kể từ tháng 7. Các cuộc tiếp kiến trong tháng 8 diễn ra tại một sân mát hơn bên trong dinh thự mùa hè của ngài ngài ở tại Castel Gandolfo, nằm trên một ngọn đồi Roma. Những làn gió nhẹ cũng làm giảm bớt sự nóng bức khó chịu dưới cái nóng giữa trưa. Nhưng ngay cả thời tiết nóng bất thường của tháng 9 cũng không làm giảm bớt bầu khí nồng nhiệt chào đón Đức Thánh Cha khi ngài vòng quanh quảng trường trên xe di động của ngài.

Trong bài giáo lý ngắn bằng tiếng Anh, ngài nói: “Anh chị em thân mến, hôm nay chúng ta trở lại với loạt bài giáo lý về cầu nguyện của chúng ta, với việc xem xét Thánh Vịnh số 3, nơi đó tác giả Thánh Vịnh kêu cứu Thiên Chúa cứu ông khỏi tay kẻ thù vây quanh ông. Theo truyền thống, Thánh Vịnh này được gán cho Vua Đa Vít khi ông chạy trốn kẻ thù nổi loạn là chính con ông, Absalom. Bị tấn công tứ phía từ những người tìm hại mạng ông, tác giả Thánh Vịnh đã kêu cầu Danh Thiên Chúa với tất cả niềm tin về sự hiện diện và quyền năng của Ngài, và chỉ có Ngài mới cứu được ông khỏi sự dữ đang tìm cách hại ông.”

Trước đó, với một bài diễn giải dài hơn bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha khai triển về tầm quan trọng của việc bén rễ trong đức tin vào Thiên Chúa, ngay cả giữa sự thất vọng: “sự xung đột không chỉ trên bình diện thể lý, nhưng nó còn đụng chạm đến chiều kích thiêng liêng – Chúa có thể cứu ông, người ta nói rằng thẳm sâu tâm hồn của tác giả Thánh Vịnh bị tấn công. Và đây chính là cám dỗ mà những người tin thường gặp: cám dỗ mất đức tin, mất đi sự tin tưởng vào sự gần gũi của Thiên Chúa.”

Tuy nhiên, “người công chính thì vượt qua thử thách cuối cùng, họ mạnh mẽ trong sự chắc chắn về sự thật và hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa, và do đó tìm thấy sự sống và chân lý. Dường như tôi thấy rằng Thánh Vịnh này đụng chạm cách riêng đến chúng ta liên quan đến nhiều vấn đề. Chúng ta bị cám dỗ nghĩ rằng có thể Thiên Chúa sẽ không cứu tôi, Ngài không biết tôi, có lẽ Ngài không thể. Cám dỗ từ bỏ niềm tin là cuộc tấn công cuối cùng của kẻ thù và chúng ta phải chống lại nó. Đây là cách chúng ta tìm thấy Thiên Chúa và tìm được sự sống.”

 “Chúng ta được nhắc nhớ về cảnh tuyệt vọng của một người công chính trong sách Khôn Ngoan, bị kết án tử cách nhục nhã bởi kẻ độc ác, kẻ đã nhạo bán người công chính bằng cách thách thức rằng Thiên Chúa chắc chắn sẽ đến cứu ngươi. Chúng ta hãy hướng về đồi Can-vê, nơi những kẻ qua đường cười nhạo Đức Giê-su rằng Thiên Chúa sẽ giải thoát ông ấy khỏi cái chết nếu ông ấy thật là Con Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã thực sự nghe những lời cầu của những ai cầu khẩn ngài trong niềm tin tưởng. Ngài trả lời từ trên núi thánh của Ngài. Thiên Chúa vô hình đáp lời bằng một quyền năng mạnh mẽ, và ngài trở nên khiên mộc bảo vệ ta, và ngài là vinh quang của chúng ta. Ngay cả việc Đức Giê-su dường như bị Thiên Chúa bỏ rơi khi Ngài chết trên đồi Can-vê, nhưng với cái nhìn của đức tin, đây là thời khắc việc cứu độ hoàn thành, là sự vinh quang của Thánh Giá, là giờ phút vinh quang của Đấng Cứu Độ chúng ta.”

Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ của ngài bằng lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin ban niềm tin cho chúng con, xin trợ giúp những yếu đuối của chúng con và làm cho chúng con biết tin và cầu nguyện trong mọi lúc khốn cùng, trong đêm đen của ngờ vực và ngày dài của khổ đau. Xin cho chúng con biết buông mình vào Ngài với niềm tin tưởng, vì Ngài là nơi nương ẩn và là vinh quang của chúng con.”

Và cuối cùng, Đức Thánh Cha chào thăm những người hành hương nói tiếng Anh: “Tôi vui mừng chào thăm những người hành hương nói tiếng Anh hiện diện trong buổi tiếp kiến hôm nay, bao gồm cả những nhóm đến từ Anh Quốc, Ai-len, Đan Mạch và Hoa Kỳ. Tôi gởi lời chào đặc biệt đến các nữ tu Dòng Nữ Tỳ Truyền Giáo của Chúa Thánh Thần (Missionary Sisters Servants of the Holy Spirit) đến từ Indonesia, và chào các Nữ Tu Ursuline (Ursuline Sisters).”

Nhờ lời chuyển cầu của hai thánh tông đồ Phê-rô và Phao-lô, tôi ban phép lành của Thiên Chúa cho tất cả anh chị em.

Theo news.va

Văn Yên, SJ

Kiểm tra tương tự

Lễ Hiển Linh và Sternsinger là chương trình gì ?

  Các bài Thánh Kinh trong Lễ Hiển Linh giúp ta nhìn thấy các nhà …

Sứ điệp Hòa Bình 2025: Ba lời kêu gọi cụ thể của Đức Thánh Cha

Theo truyền thống, Đức Thánh Cha đã ban sứ điệp cho ngày Hòa bình Thế …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *