Từ bi Phật Giáo và Đức Ái Ki-tô Giáo

TỪ BI PHẬT GIÁO VỚI ĐỨC ÁI KI-TÔ GIÁO

Hoành Sơn HOÀNG SĨ QUÝ

LTS Xin mời bạn đọc thưởng thức một bài nghiên cứu phân tách một vấn đề tâm linh triết học cốt lõi nhất của hai tôn giáo lớn nhất hoàn vũ của Hoành Sơn Hoàng Sĩ Quý

Muốn thoát khỏi cảnh hồng trần khổ hải, hoàng tử Thích ca Cổ đàm (Sakya Gautama) bỏ đời đi tu. Dĩ nhiên là hồi ấy, người bàlamôn-giáo tu thế nào, ngài cũng tu như thế thôi. Lại theo Radhakrishnan, cũng như tỳ kheo bàlamôn-giáo, ngài nương theo quan niệm truyền thống hồi ấy về ý nghĩa tu hành, cũng là tư tưởng Áo nghĩa thư (Upanisad) vốn coi tất cả là sắc tướng, coi cái Tôi cá thể cùng với thân xác chỉ là ảo ảnh mà thôi. Chứ thật ra, theo Radhakrishnan, Đức Phật cũng chẳng quan tâm đến triết lý siêu hình: triết lý Phật giáo không phải chính Dharma nguyên thủy của Đức Phật, mà Abhi-dharma, cái thêm vô sau này cho Dharma (Pháp).

Cũng theo Radhakrishnan, để tới cảnh giới an lạc, Đức Phật chỉ theo con đường tâm lý, tu sao cho thoát tục, đạt kinh nghiệm và trực giác huệ trí nó giải thoát khỏi cuộc sống luân hồi khốn khổ, và đây là việc riêng của mỗi người, không ai giúp được.

Mỗi người cho riêng mình, đó là chủ trương hồi đầu của Phật giáo. Sau này, những tỳ kheo cách tân, cho rằng đã Tự giác phải Giác tha nữa, và họ tự xưng là Đại thừa, Mahâ-yâna, cái xe lớn độ được nhiều kẻ, dành tiếng Tiểu thừa, Hina-yâna, để gọi phe thủ cựu Thera-vâda. Nếu Thera-vâda chỉ có mặt ở dăm ba nước, thì Đại thừa lại phát triển rất mạnh, nhất là tại Đông Á châu, có lẽ vì trình bày một chân dung Đức Phật như đấng Thế tôn từ bi vô lượng, gần gũi với đám đông dân chúng hơn.

Phật giáo Đại thừa và con đường Từ, Bi

Dù từ giã cúng tế, tu hành Bàlamôn-giáo không chống lại cúng tế, vì người ta chỉ vào rừng tu (tại lâm sỹ, vanapra-stha) sau khi đã làm xong các bổn phận giữa đời, trong đó có bổn phận cúng thần linh. Lại dù đã vào rừng, đương sự cũng không bỏ cúng tế ngay, mà phải làm những cúng tế trước đây đã không thể làm ở giữa làng xóm vì chúng có hại cho xung quanh. Tại nơi thâm sơn cùng cốc, chỉ khi trí đã an và tâm thoát tục rồi, người ta mới bước vào giai đoạn thứ tư của cuộc sồng Ấn hữu: giai đoạn bỏ đời (samnyâsin), lang thang không nhà cửa (anâgarin), cũng gọi là khất sỹ hay tỳ kheo (bhikshu) vì lẽ phải ăn xin mà sống. Vâng, tỳ kheo bàlamôn-giáo tuy từ giã cúng tế, nhưng vẫn gán cho cúng tế trước đó vai trò thanh tẩy nó chuẩn bị cho hạnh tu.

Phật giáo cũng như Jaina-giáo ban đầu chỉ là đạo nhà tu thôi. Vì không thừa nhận Veda và các thần Veda, nên tỳ kheo cũng bỏ luôn cúng tế. Thay vì thanh tẩy bằng cúng tế, họ thanh tẩy bằng đạo đức và sự diệt dục (a-kâma). Đạo đức càng được nhấn mạnh hơn khi Đại thừa xâm nhập vùng đất của Khổng Lão, tức Trung quốc và các nước xung quanh như Việt nam, quê hương của Lễ, Đức và Đạo, hơn là của tôn giáo.

Nếu luân lý bàlamôn chỉ quy về ngũ giới của đạo Yoga, ngũ giới mà toàn dân Ấn Độ giữ, thì luân lý Phật giáo còn đi vào Từ và Bi nữa. Từ-Bi bên Tầu và bên Ta, gặp đức Nhân nho giáo như sương mai tưới gội, sẽ bốc thật cao, vượt trên những giá trị khác:

Dẫu xây chín đợt phù đồ,

Không bằng làm phúc cứu cho một người!

Có lẽ Từ-Bi xuất hiện từ rất sớm trong Phật giáo Ấn, ngay cả trong Trung bộ kinh của Tiểu thừa cũng gặp. Ta hãy nghe Đức Phật nhắc đi nhắc lại lời căn dặn sau đây ở chương XXI của Majjhima-nikâya:

-“Hỡi các tỳ kheo, ở đây các thầy phải học tập như sau :”Chúng ta phải giữ tâm không dao động, chúng ta không được nói ác ngôn; chúng ta phải sống Từ và Bi, lòng thì lân ái, không tà ý; hãy bao bọc người khác trong sự yêu thương của mình, rồi từ người đó mở rộng ra để bao phủ cả thế giới trong một yêu thương bất tận, vượt mọi giới hạn, không mảy may ghét hận nào cả…”

Để minh họa cho thứ từ bi vô lượng này, người ta kể câu chuyện về nhà sư Âryasangha như sau: Ông thấy lũ chó sói đang xông vào cắn xé một con chó nhà, ông bèn suy tính trong bụng : nếu ta để vậy thì chó nhà chết mất, bằng như tìm cách đuổi đàn sói đi, thì chúng cũng chết đói thôi. Thế rồi ông đi đến quyết định, cũng là giải pháp lưỡng toàn : cắt thịt mình quăng cho sói ăn để nó buông cho chó nhà chạy đi.(1)

Chủ trương Từ-Bi ấy rồi sẽ gặp đất để phát triển rất mạnh trong Đại thừa, đến nỗi trở thành nền tảng của lối tu Đại thừa này, như chính nhà sư Phổ Hiền nói ra:

“Đại Bi là nền tảng của tất cả Phật Pháp.” (2)

Như thế, Từ-Bi không còn thuộc lãnh vực của Luật (Vinaya) nữa, mà Pháp (Dharma, nền tảng hay nguyên tắc, giáo lý căn bản) luôn.

Vì Từ-Bi quan trọng đến thế, nên không thể hiểu Đại thừa nếu không nghiên cứu kỹ Từ và Bi của họ.

Vâng, Từ và Bi đấy. Không phải một từ kép đâu, nhưng hai từ rõ ràng và phân biệt. Từ (Maitri), đó là lòng nhân ái nó biểu hiện trong hành động bằng sự giúp đỡ. Đối với kẻ khốn cùng, từ tâm ấy chuyển thành Bi (Karunâ), tức thương xót, nó biểu hiện bằng sự hy sinh cứu vớt.

Lòng yêu thương nói trên không thuộc lãnh vực đam mê, như trai gái mê nhau, như người mẹ giữ chặt lấy con mình. Bởi lẽ đam mê là ham muốn, mà Phật giáo thì chống lại Tham, tức ham muốn. Lòng yêu thương ấy cũng không hướng về một số người giới hạn, nhưng mở rộng đến mọi người, thậm chí mọi sinh linh như chủ trương chung của Ấn Độ trong luật Ahimsâ cấm sát sinh. Ngoài ra, Từ-Bi nói trên còn đặt nền trên nguyên tắc bất di bất dịch của Phật giáo là Bình đẳng, coi mọi chúng sinh như nhau, không phân biệt bạn-thù hay thân-sơ chi cả. Tại sao lại không phân biệt người thân với kẻ xa lạ như thế? Chỉ vì Phật giáo chủ trương Vong ngã, an-âtman, bỏ cái Tôi đi, thế mà coi người này là bố mẹ anh, chứ không phải bố mẹ tôi, thì cái Tôi đã nổi cộm lên rồi.

Kiểm tra tương tự

Các Thiên thần Hộ Thủ – Người Bảo vệ và Đồng hành

Ý nghĩa của việc mừng lễ   + Tin rằng Chúa Quan Phòng đã giao …

Sự ra đi của Mẹ Maria: Niềm tin thời Giáo phụ và Trung cổ

Tháng Tám được đánh dấu bằng lễ trọng thể Đức Maria Hồn Xác Lên Trời, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *