Tu sĩ Dòng Tên ALEXANDRE DE RHODES từ trần

6. Mênh mông nước Ba Tư

Phải vâng lời Đức thánh cha ngay lập tức, không trì hoãn một giây. Cha Bề trên Cả thì đương nhiên rồi; còn Rhodes cũng thế, vì ông đã khấn trọng 4 lời Khấn trước năm 1635. Đức vâng phục của linh mục Dòng Tên này thật tuyệt vời, cha Amé Chézaud đã viết như thế trong bức thư đưa tin cha Rhodes qua đời. Cũng về đức vâng phục, Chézaud viết trong bức thư trên: “Tôi không muốn nói đến đức vâng phục và khiêm tốn của cha, vì nếu có nói, tôi chỉ nói được cách mập mờ. Tuy nhiên, nếu ai muốn biết cảm nghĩ của tôi và của anh em chúng tôi về điều đó thì chúng tôi đều đồng tâm nhất trí về điều này để nói rằng, cha thật tuyệt vời […]. Ai đã biết cha nhờ sống với cha thì chẳng hồ nghi về điều này […]. Tôi chắc chắn rằng những ai trong anh em chúng tôi đã được cha cùng sống và cùng làm việc lâu dài, có thể còn nói nhiều chi tiết đặc biệt hơn về điều sau đây trong bản tường thuật này; điều đó lại chính là điểm cuối cùng cuộc đời cha, tỏ ra đâu là mấu chốt của mọi thứ dệt nên đời cha. Chưa bao giờ người ta thấy một tu sĩ giống như cây gậy của ông già, chưa thấy cha trong tất cả cơn bệnh; cha nhẫn nhục, nhạy cảm hơn cả cây gậy, vì cha sẵn sàng ở tư thế như người ta muốn, đến mức như cha còn có ý chí hơn cả cây gậy”.

Đưa cha Rhodes đi làm việc ở đâu bây giờ? Chẳng rõ cha G.Nickel có phải nát óc vì vụ này không. Chỉ biết, Bề trên Cả không trả Rhodes trở lại cho Tỉnh Dòng Tên Nhật Bản, lại cũng chẳng phái đi một nơi nào dễ dàng cho ông hơn, nhưng “tống ngay đi” một vùng chẳng thuận tiện: Ba Tư! Ôi, cái vương quốc huyền bí một ngàn một đêm lẻ!!! Toàn là Hồi giáo (hiện nay nước Iran – trứơc đây gọi là Ba Tư – rộng 1.650.000 km2, dân số 56 triệu, nhưng chỉ có 13.000 người Công giáo, ngoài ra 93% theo Hồi giáo phái Si-it).

Đi Ba Tư, nhưng ở tại đâu? Thưa ở tại Ispahan (Asfahan), thủ đô của Ba Tư thời ấy, phía Nam Téhéran ngày nay (từ năm 1788, Ba Tư dời thủ đô từ Ispahan lên Téhéran).

Ngày 16-11-1654, Rhodes lên tàu từ cảng Marseille để tới Malte; lại lên tàu từ đảo Malte để đi Syria; ngày 11-12-1654 tới Seyde thuộc Syria; mừng lễ Chúa giáng sinh tại Thánh địa Palestine; mãi đến 1-11-1655, Rhodes mới đặt chân lên Ispahan. Thật ra, đối với con người xứ Avignon này, thì Ispahan cũng chẳng lạ lẫm gì, bởi vì trong chuyến đi từ Áo Môn về Roma, Rhodes đã ngừng tại Ispahan 2 tháng rưỡi kể từ ngày 13-4-1648 đến 28-6. Tại Ispahan có một cộng đoàn Dòng Tên, gồm Rhodes là bề trên và cha Chézaud cùng tu huynh Berthe.

Vương quốc Ba Tư rộng lớn mênh mông, nhưng đối với Rhodes cũng như các thừa sai khác (Augustinô, Capuxinô…) vẫn chật chội, bởi lẽ dân chúng toàn là Hồi giáo, giảng đạo ai chịu nghe, làm sao cho người Hồi giáo chân nhận Đức Giêsu Kitô chẳng những là ngôn sứ của Thiên Chúa mà còn là Thiên Chúa thật. Gì gì đi nữa nhà thừa sai của chúng ta cũng phải học tiếng Ba Tư đã. Sáu mươi hai tuổi rồi, dù Rhodes có tài về ngôn ngữ cũng chẳng phải như khi học tiếng Bồ, tiếng Việt. Về vấn đề học ngôn ngữ Ba Tư, trong thư Rhodes gửi cho người em ruột là linh mục Dòng Tên Georges, ngày 20-5-1658: từ khi anh đến ở xứ này, Chúa đã ban ơn cho anh học được tiếng Ba Tư: anh biết tạm đủ để giảng thuyết.

Đọc bức thư của Amé Chézaud, chúng ta thấy cuộc truyền giảng Tin Mừng của Rhodes ở Ba Tư chẳng thu lượm được mấy kết quả: “Tính dịu dàng của cha [Rhodes] đã làm cha luôn ứng xử như con chiên giữa bày sói, chịu đựng vui vẻ những lời lăng nhục, khinh bỉ và cả gạch đá, mà bây giờ tại đây người ta quen tiếp đón chúng tôi như thế, đáp lại phần thưởng đó là những lời như Sữa tốt lành ngọt ngào cùng lời chúc lành”.

“Để tỏ lòng nhiệt thành, cha đi khắp các làng chung quanh tìm kiếm trẻ em bệnh hoạn, hy vọng rửa các em bằng nước thanh tẩy khi các em gần sinh thì. Cha không sốt ruột dù thấy mình bị người lương dân chế nhạo, cũng chẳng nản lòng bỏ cuộc kể cả đôi khi cảm thấy bị dội vì đã không thể diễn tả cho đúng trong tiếng Ba Tư; cha cũng chẳng bao giờ nản chí trong những dịp ích lợi cho phần rỗi người lương dân, không sợ sệt, không e ngại chút nào, hơn nữa, còn được thúc đẩy ước ao chịu chết bằng con đường đó. Đôi lúc xem ra cha nhiệt tình quá mức (nếu cha có thể vượt qua khỏi) đến nỗi cha nghĩ là mình đã chẳng mang lại kết quả ở đây như cha đã làm được ở nước khác. Thật ra không hẳn là không có kết quả, cũng chẳng phải là cha nhụt nhuệ khí, nhưng chỉ do thiếu mầm mống vì không được chuẩn bị và kém sâu lắng”.

Sánh với cuộc thành công của Rhodes ở Việt Nam trước đó, thì Ba Tư chẳng có là bao, nếu không nói là thất bại. Chẳng riêng gì Rhodes, mà các nhà thừa sai ở xứ này cũng thế thôi. Chính Rhodes chẳng ghi lại gì đáng kể trong 5 năm 4 ngày ông ở Ba Tư. Quá là chênh lệch giữa xứ một ngàn một đêm lẻ với xứ Con Rồng Cháu Tiên!

Ngày 5 tháng 11 năm 1660, Alexandre de Rhodes, nhà thừa sai của chúng ta qua đời tại Ispahan, thọ 67 tuổi.

Liền đây, chúng tôi xin trình bày bức thư của cha Amé Chézaud, thuật lại lúc cha Rhodes bệnh nặng rồi qua đời. Đó là mục đích của tập này.

Kiểm tra tương tự

Giới thiệu sách mới: VÂNG PHỤC TRONG ĐỜI TU – MỘT ĐÓNG GÓP CỦA LINH ĐẠO I-NHÃ

Sự vâng phục là một trong ba lời khấn mà các tu sĩ phải tuân …

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *