Tu sĩ Dòng Tên ALEXANDRE DE RHODES từ trần

“Đó là cái chết mà trước mặt Chúa còn cao quý hơn việc chúng tôi xúc động vì mất cha. Nếu chúng tôi thường coi sự ra đi của cha là mất mát, thì công phúc của cha làm cho chúng tôi, đúng hơn phải coi đó là lợi ích. Chúng tôi hy vọng nói như thế mới phải, dù cha không còn hiện diện để gầy dựng xứ truyền giáo này; chúng tôi vẫn tin một cách đạo đức như là cha đang còn ở đây, nơi cha đã làm được nhiều việc, và cha còn hiện diện hơn nữa tại chính nơi chúng tôi đang ở.

“Vì nhiều lý do, chúng tôi không an táng cha trong nhà chúng tôi, nhưng trong nghĩa trang chung cho các Kitô hữu, khu vực dành cho những người Công giáo. Thứ nhất, chúng tôi chỉ có một nhà nguyện ở tầng hai nên chẳng thể an táng cha ở đó, ngoài ra cũng chẳng còn nơi nào trong nhà chúng tôi ở dành cho việc này được. Thứ hai, chúng tôi cũng chẳng dám chắc mình ở nhà này lâu, vì có điều khác chắc, như chúng tôi phỏng đoán theo lời Thủ tướng Etemad Dautet đã có lần nói với tôi là, người ta sẽ di dời tất cả các tu sĩ ra ngoại thành [24]; đó cũng là nơi người ta sẽ đưa mọi Kitô hữu xứ này ra ở đó, kể cả giáo dân người Pháp. Thứ ba, chính cha cũng tỏ ra thích nếu được an táng nơi đó hơn là trong nhà chúng ta.

“Có lẽ vì lý do thứ hai trên đây mà chúng tôi cử hành tang lễ cha vào ngày hôm sau. Tất cả tu sĩ các Dòng có thể tham dự lễ an táng được, đều có mặt, gồm các tu sĩ Augutinh, Cát Minh, Capuxinô, cùng giáo dân Pháp, Bồ Đào Nha, Anh, Hà Lan và mấy người Arméniens. Chưa bao giờ thấy tại đây một đoàn người như thế dự lễ an táng. Họ tiễn biệt cha tới nghĩa trang xa nhà chúng tôi khoảng một dặm rưỡi. Cha Tu viện trưởng Dòng Augutinh, Đại diện tông tòa, cử hành nghi lễ (Le RP Prieur des Augustins, Vicaire, Aptq (apostolique) fit l’office); rồi 7 ngày sau cha còn cửa hành Lễ hát trọng thể trong nhà nguyện chúng tôi, cũng có mặt tu sĩ các Dòng trên đây.

“Phần đông người Arméniens đều cảm thấy vui mừng và vinh dự vì đã an táng cha gần với các ngôi mộ của thân nhân họ, bởi vì họ nghĩ rằng cha là đấng thánh và có lẽ (họ nói thế) còn là thánh duy nhất nằm tại đó. Đàng khác, cũng là ngôi mộ duy nhất của các tu sĩ Pháp, vì tu sĩ các Dòng khác qua đời tại đây, đã được an táng trong nhà thờ của họ. Từ ngày an táng cha, nhiều Kitô hữu của chính xứ này, các linh mục và giám mục đã đến cầu nguyện bên phần mộ cha, xin cha bầu cử cùng Chúa cho mình. Họ cũng đã nói với tôi và khuyên tôi sau một năm thử mở mộ cha xem thế nào, vì nghĩ rằng xác cha sẽ còn nguyên vẹn không bị hư nát.

“Sinh thời ít khi ra ngoài mà cha không mang trong mình cuốn Tin Mừng bằng tiếng Ba Tư để sử dụng khi có dịp; đến lúc chết cha lại mang cách vẻ vang từ nội thành ra ngoại thành, điều mà chưa ai làm bao giờ. Quan tài cha được phủ bằng tấm nhung đen trên có hình Thánh giá bằng nhung trắng nhìn thấy khá rõ. Làm như thế rất xứng đáng với đời sống của cha. Vậy là ngay cả khi chết, cha còn rao giảng Thánh giá như thế cho những người lương dân này.

“Nếu tiếng dân là tiếng Chúa, người ta không còn hồ nghi cha không phải là một vĩ nhân (nếu không nói là ông thánh). Cảm nghĩ đó vì công trạng của cha, là cảm nghĩ chung của cả những người ở nước Ý và Pháp, khi cha đi qua đấy để tới đây [Rhodes ở Ý và Pháp từ 1649-1654]; ngay những người láng giềng với chúng tôi, dù là Hồi giáo cũng tỏ ra có cùng cảm nghĩ ấy.

“Về phần chúng tôi còn ở lại đây, chúng tôi có thể nói chắc rằng: chiếc cột nâng đỡ nhà chúng tôi đã đổ, ngọn đuốc soi sáng cho chúng tôi đã tắt, người khởi sự và phát triển công việc truyền giáo xứ này được an táng như vậy sẽ là viên đá tảng cho chúng tôi, người trung gian của chúng tôi đã rời bỏ chức vụ ở đời này để thi hành việc đó trên trời bằng cách bầu cử cho biết bao xứ truyền giáo đã coi cha như người cha, cách riêng xứ truyền giáo này tự coi mình như con út của cha, nên đã làm những bổn phận bình thường cuối cùng đối với cha.

“Xin cha đáng kính hãy dâng niệm kỳ kinh (suffrages) cho cha theo thói quen, hy vọng nhờ cha trợ giúp một ngày kia chúng ta sẽ được dự phần triều thiên với cha, dù chúng ta chẳng có công trạng xứng đáng và còn thuộc hạng rất thấp. Cũng vì mục đích ấy, chúng tôi và riêng tôi còn khẩn nài cha và tất cả anh em chúng ta [Giêsu hữu] ở bên ấy [Tỉnh Dòng Tên Paris] cầu nguyện cho cha trong các Thánh lễ.

“Tại Ispahan ngày 11 tháng mười một năm 1660.

“Người tôi tớ rất hèn mọn và người con vâng phục của cha đáng kính trong Chúa chúng ta.

“Amé Chézaud S.J”

Chú thích

[1] Michel Barnouin, La parenté vauclusienne d’Alexandre de Rhodes (1593-1660), Extrait des Mémoires de l’Académie de Vaucluse, Huitième Série, Tome IV- Année 1995, Avignon 1995 tr.29

[2] Tuần báo Công giáo và Dân tộc, số 852, ngày 12-4-1992, tr.13

[3] Chúng tôi đã đến Avignon cách đây 31 năm để tìm hiểu dòng tộc Rhodes và nơi ông sinh trưởng. Các Sổ Rửa tội thời đó liên quan đến Jean, Alexandre, Georges và mấy người em khác đã mất; chỉ còn lại Sổ Rửa tội ghi tên 2 người em ruột là Francois di Roddi (Rhodes) rửa tội 12-7-1604 và Hélène ngày 22-2-1607. Nên nhớ ngày 20-9-1792, nước Pháp (Avignon vừa sáp nhập vào Pháp được 1 năm) mới chính thức công bố Luật về khai sinh, giá thú, khai tử.

[4] Tóm lược theo Francois de Dainville, La naissance de l’Humanisme moderne t.I Paris 1940, tr.85-95.

[5] Archivum Romanum Societatis Iesu, Fondo gesuitico, số 732, 734, 735.

[6] Alexandre de Rhodes, Divers voyages et missions, Paris 1653, tr.21

[7] A.De.Rhodes, Relation des progrez de la Foy au Royaume de la Cochinchine, Paris 1652, tr.132: lên tàu ngày 9-7-1645; A.De.Rhodes, Divers voyages et missions, Paris 1653, tr.269: lên tàu ngày 3-7-1645.

[8] Joseph Déhergne, Répertoire des Jésuites de Chine de 1552 à 1800, Roma-Paris, 1973 tr.54.

[9] Đây là thư của cha Amé Chézaud gửi cha Giám tỉnh Dòng Tên Pháp, Jacques Renault; nhưng xem ra còn có mục đích chuyển cho các Giêsu hữu trong Tỉnh Dòng, nên tác giả đã ghi Lettre Circulaire, mà chúng tôi tạm dịch là Thư Luân lưu.

[10] Bình an của Đức Kitô: Trong các thư từ, tường trình của anh em Giêsu hữu thời đó, thường ghi ở đầu dấu Thánh giá và chữ Pax Christi.

[11] Nhà Dòng Tên ở Ispahan thời đó thuộc Tỉnh Dòng Tên Pháp, gồm 3 người: cha Alexandre de Rhodes, bề trên; cha Amé Chézaud và tu huynh Georges Berthe, cũng viết là Georges Berghé, hay như A. Chézaud lại viết là George Berthe. Tu huynh George Berthe sinh 1622 tại Bourges, Pháp; gia nhập Dòng Tên 5-1-1638; khấn lần cuối cùng 28-9-1653 tại nhà thờ Saint-Louis, Paris. Chúng tôi phỏng đoán tu huynh Berthe đã cùng sống với Amé Chézaud tại Julfa, gần Ispahan, rồi cùng Chézaud đến ở tại Ispahan với A.de Rhodes. Berthe đã đi vùng Tartarie với Chézaud để truyền giáo vào khoảng 1659, nhưng không thành công. Năm năm sau, 1664, Berthe lại đi Trung Quốc truyền giáo, nhưng qua đời trên đường đi (in itinere ad Sinas) 7-2-1664).

[12] Alexandre de Rhodes rời Marseille 16-11-1654 để đi Ba Tư theo lệnh Bề trên Cả Dòng Tên. Trên đường đi, cha ngừng tại đảo Malte, bỏ Malte 2-12-1654 tới Seyde thuộc Syria 11-12-1654, mừng lễ Giáng sinh tại Đất thánh. mãi tới 1-11-1655, Rhodes mới có mặt tại Ispahan, thủ đô Ba Tư thời ấy. Vậy, kể từ khi Rhodes hiện diện tại Ispahan đến khi qua đời, được đúng 5 năm 4 ngày như Chézaud ghi nhận.

[13] Theo Chézaud, Rhodes tắt thở khoảng 10 giờ đêm, tức 22 giờ ngày 5-11-1660.

[14]. Trong thư, Chézaud không nhớ rõ ngày tháng năm sinh của Rhodes, nên liền những chữ ngày tháng năm sinh, Chézaud còn để trống.

[15] Từ năm 1650-1659, Rhodes đã cho xuất bản tại Roma, Paris, Lyon, 10 tác phẩm bằng các ngôn ngữ Ý, Latin, Việt, Pháp, thuật lại những hoạt động truyền giáo của cha và của các bạn cùng Dòng. Nếu Rhodes không để lại những công trình trên, thì ngày nay chẳng biết được con người và hoạt động của cha. Trong 10 tác phẩm, 8 viết về Việt Nam, 1 về Nhật Bản, 1 về Ba Tư.

[16] Sau khi phải bỏ Đàng Trong vì bị chúa Nguyễn Phước Lan trục xuất, Rhodes về Áo Môn (Macao) rồi về Roma, Lyon, Paris, vận động cho có giám mục đến Việt Nam. Những hoạt động sôi nổi của Rhodes tại Roma (1649-1652) và tại Pháp (1652-1654), làm cho nhiều người Ý và Pháp biết đến công việc của cha ở Đàng Ngoài và Đàng Trong.

[17] Tartarie, danh từ địa lý xưa chỉ phần lớn các vùng Mông Cổ, Mãn Châu, Tân Cương, Afgahanistan và Baloutchistan. Trước thế kỷ 14, người ta gọi Tartarie chỉ riêng cho vùng Tân Cương. Theo chúng tôi, khi Chézaud nhắc tới vùng Tartarie, có thể hiểu là vùng Tân Cương phía cực Tây của Trung Quốc ngày nay; vì, theo J.Déhergne, chuyến đi của Chézaud qua ngả Khorassan (Joseph Déhergne, Répertoire des Jésuites de Chine de 1552 à 1800, Roma-Paris, 1973 tr.54).

[18] Trong thư A.de Rhodes gửi cho người em ruột là Georges de Rhodes, viết tại Ispahan 20-5-1658: từ khi anh ở xứ này, Chúa ban cho anh học được tiếng Ba Tư: anh biết vừa đủ để giảng (Kho lưu trữ Dòng Tên Tỉnh Paris, Fonds Rybeyrete, n.161)

[19] Vì người Hồi giáo chỉ coi Đức Giêsu Kitô là một người, cũng được dựng nên từ bụi đất như Ađam, do Thiên Chúa sai đến, nhưng không phải là Thiên Chúa. Theo Hồi giáo, ai nói Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa, mắc tội phạm thượng (Kinh Koran, chương 2, câu 81; chương 3, câu 52; chương 5, câu 76).

[20] Hay phải uống nước (ou boire ces eaux): hiểu được chăng là những thừa sai bị chết đắm tàu khi đi truyền giáo.

[21] Tục xử bị treo cổ trên hố xuất hiện ở Nhật khoảng từ cuối thế kỷ 16: nạn nhân bị treo ngược đầu trên một hố mới đào; sau khi chết, người ta cắt dây cho xác rơi xuống hố. Hình khổ này tiếng Nhật gọi là Ana-tsurushi. Vào thế kỷ 17 nhiều thừa sai ở Nhật bị hành quyết như vậy.

[22] Vì tôn kính Anrê Phú Yên tử đạo ở Quảng Nam 26-7-1644, cha Rhodes giữ sọ của vị này bên mình, rồi mang về tới Roma. Hiện nay sọ của Anrê Phú Yên đang được đặt tại trụ sở Bề trên Cả Dòng Tên ở Roma.

[23] Rhodes là tu sĩ năng nổ, nhiệt tình, can đảm, có nhiều sáng kiến, dám nói, dám làm, nhưng rất vâng phục bề trên. Đọc hết cuốn Divers voyages et missions của cha, chúng ta cũng thấy được cha có đức vâng phục đáng ca tụng: Trên đường đi Nhật Bản phải ngừng hơn hai năm tại Goa, không tiếp tục đi Nhật được vì cấm đạo, nên cha đã vâng lời bề trên tạm ở lại Goa; khi tới Áo Môn, không thể đến Nhật được, cha vâng lời bề trên đến Đàng Trong cuối năm 1624; sau khi bị trục xuất khỏi Đàng Ngoài năm 1630 cha cũng vâng ý bề trên ở lại Áo Môn dạy thần học 10 năm, điều mà cha không thích; nhất là vâng phục bề trên ngừng hoạt động ở Pháp để đi Ba Tư truyền giáo từ cuối năm 1654.

[24] Ngay giữa năm 1658, khi viết thư cho người em ruột là cha Georges de Rhodes, A.de Rhodes đã nhắc tới việc Thủ tướng Ba Tư cho biết sẽ chuyển các tu sĩ Tây phương ra ngoại thành (Kho lưu trữ Dòng Tên Tỉnh Paris, Fonds Rybeyrete, n.161)

Kiểm tra tương tự

Giới thiệu sách mới: VÂNG PHỤC TRONG ĐỜI TU – MỘT ĐÓNG GÓP CỦA LINH ĐẠO I-NHÃ

Sự vâng phục là một trong ba lời khấn mà các tu sĩ phải tuân …

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *