Với niềm đam mê dành cho công bình môi trường

VỚI NIỀM ĐAM MÊ DÀNH CHO CÔNG BÌNH MÔI TRƯỜNG

            

 Các điều phối viên tông đồ xã hội của các Vùng

Sự đáp lại của Dòng Tên với việc “hòa giải với thụ tạo”

“Chúng ta hướng đến “biên cương” của trái đất, một trái đất ngày càng bị thoái hóa và cạn kiệt. Nơi đây, với niềm đam mê dành cho công bình môi trường, một lần nữa chúng ta sẽ gặp lại Thần Khí của Thiên Chúa đang tìm kiếm để giải thoát thụ tạo đang đau khổ, thụ tạo đòi hỏi nơi chúng ta không gian để sống và để thở.” (Tổng hội (TH) 35, Nghị quyết (NQ) 2, số (s) 24)

Cha Bề Trên Cả, trong lá thư đề ngày 16-9-2011 gửi cho toàn Dòng, giới thiệu tài liệu liên quan đến sinh thái học “Chữa Lành Một Thế Giới Bị Tan Vỡ” (Healing a Broken World)-(HBW)[1], đã mời gọi một sự dấn thân sâu xa hơn cho sự bền vững của hành tinh chúng ta, và kêu gọi mỗi Giêsu hữu hãy nhìn lại lối sống và những thực hành của cá nhân, cộng đoàn cũng như cơ sở của mình nhằm kiểm tra xem những điều này có ứng hợp với sứ mạng “hòa giải với thụ tạo” này (TH35) hay chưa. Tài liệu HBW này, được soạn bởi nhóm chuyên trách do cha Bề Trên Cả thành lập vào tháng 7-2010, đã mang lại nhiều sức mạnh và một sự dấn thân được làm mới lại giữa các anh em Giêsu hữu, để hoạt động cho sứ mạng “hòa giải với thụ tạo” của chúng ta.broken world

0. GIỚI THIỆU 

a) Một viễn tượng lịch sử

Tài liệu “Chữa Lành Một Thế Giới Bị Tan Vỡ”, trong thực tế là kết quả của việc thừa nhận có tính cách ngôn sứ chân thực của chúng ta về sự thất bại của nhân loại, được thực hiện tại TH 33 vào năm 1983.[2] Lúc đó, sự thừa nhận này đã dẫn đến “ý thức về sinh thái”, đặc biệt nơi nhiều trung tâm xã hội của chúng ta[3], và xa hơn nữa, sự thừa nhận này đã được phản tỉnh dưới ánh sáng của một số yêu cầu về sinh thái gửi đến TH 34 trong giai đoạn 1993-1994 từ các Tỉnh dòng khắp nơi. Sự phức tạp của vấn đề đã khiến cho Đại hội yêu cầu cha Bề Trên Cả thực hiện một nghiên cứu về Sinh thái học[4] và kêu gọi chúng ta tạo ra những tương quan có trách nhiệm với môi trường.[5] Yêu cầu này được theo sát ngang qua những cuộc bàn hỏi của cha Bề Trên Cả và Hội đồng của ngài trong suốt thời gian “cấp bách” (tempo forte) vào năm 1996. Tất cả những ý kiến phản tỉnh và bàn bạc đã được tổng hợp lại thành một tài liệu, xuất bản dưới tiêu đề “Chúng Ta Sống Trong Một Thế Giới Bị Tan Vỡ: Những Phản Tỉnh về Sinh Thái Học (We live in a broken world: Reflections on Ecology)[6] Trong suốt thời kỳ giữa TH 34 và TH 35, ‘tình trạng bên lề xã hội và những thảm họa sinh thái được kinh nghiệm là có mối quan hệ chặt chẽ với nhau’.[7] Đó cũng là thời kỳ Dòng Tên, xét như một thân thể quốc tế, đã tiếp cận các nạn nhân của những thảm họa này trong một cách thức cụ thể.[8] Do đó, khi TH 35 được tổ chức vào năm 2008, TH đã chỉ thị rõ ràng rằng sinh thái học là một trong bộ ba các tương quan đúng đắn hay công bình phải được xây dựng như là một sứ mạng của Dòng. Văn phòng Công bình Xã hội (The Social Justice Secretariat), được đổi tên thành Văn phòng Sinh thái học và Công bình Xã hội (Social Justice and Ecology Secretariat)(SJES), ngang qua Nhóm chuyên trách về Sứ mạng và Sinh thái học của Dòng được cha Bề Trên Cả chỉ định, đã chuẩn bị tài liệu HBW này. Tài liệu này giải thích đầy đủ những công việc và đưa ra những đề nghị hành động cụ thể.

Cả TH 35 và HBW mời gọi mỗi người chúng ta (a) trở nên những quản gia trung tín đối với công trình tạo dựng kỳ diệu của Thiên Chúa; (b) nhìn vào những vấn đế liên quan đến môi trường và sinh thái dưới viễn tượng của sự công bình cho tất cả, và (c) biến đổi lối sống của chúng ta nhằm làm chứng theo một cách thức phù hợp liên quan đến sinh thái. Những điều này mời chúng ta thực hiện một cuộc hoán cải nội tâm, cuộc hoán cải mang đến cho chúng ta một nền linh đạo có tính sinh thái sâu xa hơn. Ba yếu tố này là những thành tố cơ bản về điều ngày nay chúng ta hiểu như là sinh thái học trong Dòng: quan tâm đến thụ tạo từ một viễn tượng công bình, trong khi biến đổi lối sống của chúng ta.

 b) Tài liệu hiện nay

Việc xét đến sứ mạng sinh thái liên quan đến SJES và các điều phối viên Vùng của tông đồ xã hội đã nhận thấy những nhu cầu cần làm rõ: a) tài liệu HBW đã được đón nhận như thế nào; b) việc đáp lại của các Giêsu hữu cho sứ mạng ‘hòa giải với thụ tạo’ ở các mức độ khác nhau là gì; c) đâu là những kinh nghiệm và thực hành hiệu quả có thể mang ra chia sẻ và tiếp tục ấp ủ thực hiện; và d) linh đạo Inhã của chúng ta có thể làm phong phú cho sứ mạng này của Dòng như thế nào. Với viễn tượng trên, một bản hỏi ngắn gửi đi từ SJES, thu thập thông tin từ các Tỉnh dòng, được các điều phối viên Vùng đối chiếu và chia sẻ, đã phản tỉnh và lên kế hoạch suốt kỳ họp thường niên của các điều phối viên Vùng vào tháng 5-2012. Tài liệu này là kết quả của việc phân tích và phản tỉnh được thực hiện tại cuộc họp.

Ghi chú: Những ví dụ và tham chiếu được đưa ra ở đây không bao quát hết mọi khía cạnh của tất cả những sáng kiến được thực hiện bởi các Giêsu hữu, các cộng đoàn và các tỉnh của Dòng Tên. Dường như sẽ là một nhiệm vụ bất khả thi để chuẩn bị một bản báo cáo đầy đủ, xét vì kiến thức và khả năng còn giới hạn của chúng ta; chắc chắn vẫn còn rất nhiều những sáng kiến và hoạt động mà chúng ta chưa khám phá được. Tuy nhiên, chúng ta tin rằng những ví dụ này cho thấy những xu hướng chủ đạo và những thực hành sáng tạo. Việc đề cập đến một số những hoạt động này, trong khi không thể nào xem xét hết mọi hoạt động, có thể đưa ra một cơ sở vững chắc hơn cho những kết luận của chúng ta.

I. SỰ ĐÁP LẠI CÓ TÍNH CÁ NHÂN VÀ CỘNG ĐOÀN CỦA CÁC GIÊSU HỮU

a) Sự đón nhận chung về HBW

Tài liệu ‘Chữa Lành Một Thế Giới Bị Tan Vỡ’ được gửi đến cho tất cả các Tỉnh, cùng với lá thư kêu mời của cha Bề Trên Cả[9], kêu gọi từng anh em Giêsu hữu đi vào ‘con đường hoán cải nội tâm’ và thực hiện một cuộc dấn thân ở mọi mức độ vào việc ‘phòng giữ và bảo vệ tự nhiên và môi trường’.

Nhìn chung, tài liệu và thư của cha Bề Trên Cả đã được chào đón tại hầu hết các vùng và các tỉnh. Tài liệu đã được lưu hành giữa các cộng đoàn Dòng Tên và giữa những cộng tác viên của Dòng ở các cơ sở tông đồ khác nhau. Sự hưởng ứng của tỉnh này khác với tỉnh kia, và các Giêsu hữu cũng như những cộng tác viên giáo dân của Dòng ý thức đầy đủ về thực tại đang thay đổi của môi trường và nền sinh thái. Khi được tập hợp lại, các hưởng ứng này phản ánh một động lực đã tồn tại từ trước. Một số Tỉnh dòng đã dùng tài liệu này như một chủ đề chính cho suốt các lần họp mặt Tỉnh dòng[10] để nhận định và lập kế hoạch hành động liên quan đến môi trường ở cấp độ địa phương; một số Tỉnh dòng đã dịch, thậm chí xuất bản, những bản văn ra ngôn ngữ mẹ đẻ của mình, [11] hơn thế nữa, một vài Tỉnh còn lập ra các ủy bản trong Tỉnh nhằm trợ giúp các Giêsu hữu hoạt động trong những vấn đề liên quan đến môi trường.[12] Tại Nhật Bản, một cuốn sách nhỏ về những lời cầu nguyện đã và đang được chuẩn bị để sử dụng làm nền tảng cho việc phản tỉnh. Tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, sinh thái học đã được chọn như một biên cương của Vùng và được đưa vào trong kế hoạch chiến lược của Vùng. Tại Châu Mỹ La Tinh, việc vạch ra những hoạt động liên quan đến sinh thái học đã và đang được thực hiện, điều này dẫn đến một dự án liên kết về sinh thái học ở cấp độ Vùng. Khu vực Ca-na-đa nói tiếng Pháp đã hoạt động trong lãnh vực sinh thái ở cấp độ Tỉnh dòng một thời gian dài trước khi thư của cha Bề Trên Cả được gửi đến. Trong một vài tỉnh, những cuộc họp và chia sẻ cộng đoàn đã làm sinh động việc phản tỉnh và dẫn đến một số hành động cụ thể ở mức độ cá nhân và cộng đoàn. Cũng nên lưu ý rằng, bất kỳ nơi đâu, vị Giám tỉnh rút tỉa được một sự lưu ý tích cực trong tài liệu và gửi một lá thư cá nhân để khích lệ, thì tài liệu này dường như đã mang lại một tác động lớn hơn. Chắc chắn còn rất nhiều những sáng kiến ở mọi mức độ, trong tất cả những suy tư về động lực như thế.

b) Ý thức chung và lập trường của các Giêsu hữu

Trong những năm gần đây, tình trạng gia tăng các tai ương như lụt lội, hạn hán và những biến đổi về mặt khí hậu đã mang lại sự nhận thức xã hội rộng lớn hơn và gây ý thức về sự khẩn cấp phải hành động đối với những thách thức liên quan đến sinh thái này. Tuy nhiên, đối với các Giêsu hữu, đa số vẫn còn chưa nắm rõ việc nên hành xử như thế nào để mang lại sự thay đổi trong việc đáp lại và trong hành động. Nhìn chung, các anh em Giêsu hữu trẻ thành thạo hơn trong những vấn đề môi trường và biểu lộ sự hăng hái tham gia trong hành động. Điều trớ trêu là các Giêsu hữu trẻ, những người diễn tả sự dấn thân sôi nổi hơn vào những vấn đề môi trường, sử dụng nhiều tài nguyên hơn (đi du lịch, máy vi tính, I-pad, điện thoại di động, v.v.) so với các Giêsu hữu lớn tuổi, là những người, mặc dù ít tham gia vào vấn đề môi trường, lại sử dụng tài nguyên ít hơn.

Trong những nước và khu vực, nơi tác động của nạn tàn phá môi trường được kinh nghiệm rõ nét ngang qua tình trạng mất nhà cửa, di dân đi nơi khác, khai thác mỏ, nạn phá rừng, thoái hóa đất, đặc biệt ở những nơi người dân bản địa và người nghèo nhất sinh sống, nhu cầu về hành động biện hộ có tính tập thể và khẩn cấp được đòi hỏi mạnh mẽ hơn. Tuy vậy, trong những nước và khu vực này, trên một phương diện rộng lớn, có một số Giêsu hữu đang ra sức đảm bảo rằng tiếng nói của người nghèo và người bị áp bức được nghe thấy.

Mối quan tâm về một sự thay đổi thái độ triệt để và một lối tiếp cận có tổ chức đến hành động môi trường vẫn chưa rõ nét. Trên thực tế, căn cứ vào sự đa dạng của công việc của chúng ta và những thách đố của hoàn cảnh, thật không dễ để đi đến một phương pháp tiếp cận chung cho việc hành động về sinh thái học. Sự thật rằng sự đa dạng như thế tỏ lộ nét đẹp và sự phong phú nơi việc dấn thân của chúng ta, và đưa ra một cơ hội để sáng tạo, dựa trên sự phức tạp của những vấn đề và của hoàn cảnh. Cũng đúng thực rằng có rất nhiều những nỗ lực sáng tạo do các Giêsu hữu thực hiện nhằm đáp lại cách tích cực thách đố to lớn về sinh thái học này nơi mỗi một vùng. Đồng thời, có những người hơi e ngại về mối quan tâm này, được diễn tả bởi các quốc gia phát triển, và yêu cầu trách nhiệm giải trình về những sự thiệt hại sinh thái gây ra nhân danh sự phát triển. Trong những năm gần đây, đã có một yêu cầu tạm ngưng việc chiếm đoạt các nguồn tài nguyên từ những quốc gia đang phát triển.

bubtree

c) Nhận định cộng đoàn

Tài liệu được dùng như một công cụ cho những buổi họp mặt, thảo luận và nhận định cộng đoàn nhằm nhận ra vai trò của chúng ta như những quản gia và nhằm lên kế hoạch hành động. Những đề nghị thực tế đưa ra cuối tài liệu HBW đã giúp nhận ra mục đích này. Một số hoạt động được các cộng đoàn đảm nhận, bao gồm: thành lập các ủy ban về môi trường và những nhóm chuyên trách nội bộ nhà cho việc sử dụng hiệu quả năng lượng, tái chế vật liệu, v.v.; sử dụng có ý thức phương tiện giao thông công cộng; nghiên cứu về ‘dấu chân carbon’ (carbon footprint), tiết kiệm và để dành nước, thực hiện việc cầu nguyện cho sinh thái; sử dụng nguồn năng lượng mặt trời, trồng vườn cây, bảo tồn những cây lâu năm; ngăn chặn việc sử dụng phân hóa học, khuyến khích sử dụng phân sinh học và những thực hành nông nghiệp khác như trồng trọt nhờ côn trùng, và tìm kiếm chất thay thế cho chất nhiễm độc thạch tín. Những nỗ lực như thế đã trở nên khá phổ biến ở nhiều vùng và nhiều cộng đoàn, mặc dù có sự khác nhau nơi từng cộng đoàn.

Về mặt tổng thể, có một sự cởi mở chung trước những thay đổi nhỏ nơi đời sống cá nhân và cộng đoàn, tuy nhiên cũng có một vài cá nhân và cộng đoàn còn ở mức độ miễn cưỡng. Sinh thái học như là một chiều kích trong đời sống thường nhật của chúng ta, và hành động tông đồ vẫn còn là một giấc mơ cho nhiều người. Nó chưa trở thành một phần của văn hóa Giêsu hữu chúng ta hay của ‘cung cách hành xử của chúng ta’, và vẫn còn đó nhiều lúng túng trước việc dấn thân cho sinh thái học và mối liên hệ giữa sinh thái học với nghèo đói, sứ mạng và lối sống.

II. SỰ ĐÁP LẠI TÔNG ĐỒ CỦA DÒNG

a) Các cơ sở và việc lên kế hoạch môi trường

Các cơ sở tông đồ, ấy là các trường học, trường trung học, các đại học, các giáo xứ, các trung tâm xã hội và các viện nghiên cứu, đang dần dần bắt đầu đưa các quan tâm về sinh thái vào trong những hoạt động của mình, mặc dù không phải ở đâu cũng có một kế hoạch được tổ chức tốt và có tính hệ thống.

Tại Mỹ, Châu Mỹ La Tinh và Châu Âu, các trường đại học đóng vai trò hàng đầu trong việc huấn luyện các sinh viên ngang qua những chương trình sử dụng năng lượng hiệu quả, quản lý đồ phế thải, đi thực địa và nghiên cứu môi trường. Chúng ta vẫn còn một con đường dài phải đi trong việc tạo ra những liên kết và cộng tác mang tính hệ thống giữa những viện nghiên cứu như thế này với các nước và với những cộng đồng đang chịu ảnh hưởng từ những vấn đề môi trường ở những quốc gia đang phát triển. Những nguyên tắc hướng dẫn sinh thái chiến lược cho các trung tâm xã hội và những dự án bền vững có tính lựa chọn đã và đang được phát triển ở Châu Mỹ La Tinh.

Tại Trung Phi, chính Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Mục vụ – Nông nghiệp (Centre d’Etudes et de Formation Agro-Pastoral – CEFAP) và Cao viện Nông-Thú y (l’Institut Supérieur Agro Vétérinaire – ISAV) đã dấn thân rõ ràng vào những thách đố về sinh thái học với những công trình giúp cho các chủ trang trại và những người nông dân tự trồng trọt và canh tác bằng những phương tiện truyền thống. Trung tâm xã hội Arrupe (Centre Social Arrupe) ở Madagascar cũng đã tham gia vào những nỗ lực như thế, trong khi Trung tâm Dòng Tên vì Môi trường và Phát triển (The Jesuit Centre for Environment and Development – JCED) ở Lilongwe và Trung tâm Đào tạo Nông nghiệp Kasisi (Kasisi Agricultural Training Centre – KATC) đang thực hiện những hình mẫu thay thế về công nghệ phát triển và thích hợp.

Tại Philippines, Khoa học môi trường vì Sự thay đổi Xã hội (Environmental Science for Social Change – ESSC) và Đài Thiên văn Manila (Manila Observatory) đã có một sự tập trung hoàn toàn cho việc nghiên cứu. Dựa trên những nghiên cứu như thế, ESSC đã dấn thân vào nhiều vấn đề môi trường, dựa trên những hoạt động liên kết với cộng đồng địa phương, trong khi lưu ý đến những yếu tố văn hóa địa phương và những tác động ảnh hưởng lên những người bị gạt ra bên lề. Các trung tâm khác như Simbahan Linkod ng Bayan và Ateneos đã đối phó với các thảm họa và lên tiếng phản đối việc khai thác mỏ và những hoạt động gây ra thiệt hại môi trường khác. Hàn Quốc, Indonesia và Úc đã đề ra những sáng kiến đào tạo cho cả các Giêsu hữu cũng như các sinh viên.

mamxanhTại Nam Á, cụ thể là ở Ấn Độ và Sri Lanka, thực tế về việc các quyền trên đất đai, nguồn nước và rừng của những người giai cấp thấp bị gạt ra bên lề và của những bộ lạc đã thúc đẩy các trung tâm xã hội của Dòng dấn thân trực tiếp vào những cuộc đấu tranh của người dân trên khắp cả nước.[13] Việc trao quyền cho người dân ngang qua những chương trình và các cuộc tập huấn gây ý thức nhằm đưa đến những hành động dựa trên các quyền đã hình thành điểm trọng tâm cho những trung tâm xã hội này. Sáng tạo gây ý thức và trồng cây đã trở thành những thực hành phổ biến tại nhiều giáo xứ, cơ sở giáo dục và nơi những phong trào thanh niên. Nhiều trung tâm xã hội dấn thân vào những hoạt động sinh thái chú ý nhiều hơn vào việc tích trữ nước và quản lý các kênh dẫn nước, [14] trồng trọt tự nhiên và hữu cơ, [15] khí đốt sinh học, trồng trọt nhờ côn trùng[16] sử dụng phân trộn, tích trữ điện năng mặt trời, [17] cùng với việc trồng cây. Khi một vài cá nhân các Giêsu hữu, ngang qua những dự án nghiên cứu khoa học tại những cơ sở giáo dục, đã có sự đóng trong lãnh vực khoa học môi trường và sinh thái,[18]thì việc tìm tòi nghiên cứu về tác động của những thiệt hại liên quan đến môi trường và sinh thái cũng cần phải được đẩy mạnh. Nghiên cứu khoa học của hai Viện Xã hội Ấn Độ (Indian Social Institutes – ISIs) và của những viện nghiên cứu xã hội khác về các vấn đề di chuyển chỗ ở, di trú và những nghiên cứu liên quan đến môi trường khác,[19] các khóa tập huấn nhắm vào vấn đề xã hội của tình trạng đẩy người giai cấp thấp và những bộ lạc ra khỏi những nguồn tài nguyên thiên nhiên, và những công việc xuất bản về chủ đề nông nghiệp thân thiện với sinh thái, chăn nuôi gia súc, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản đã gây ý thức đáng kể về những mối quan tâm sinh thái trong cả nước. Một vài cơ sở giáo dục đã thực hiện chính sách ‘Nói không với túi nhựa’ trong phạm vi trường học. Việc tổ chức ‘Ngày môi trường’, ‘Ngày (ý thức) về rừng’ và việc sắp xếp ‘Những hội nghị thượng đỉnh về Trái đất’ và những cuộc hội thảo về vấn đề sinh thái đã trở nên phổ biến ở nhiều cơ sở và các trung tâm xã hội. Các việc này đã cung cấp những cơ hội để gây ý thức về sinh thái nơi tất cả mọi người.

b) Sự dấn thân của các sinh viên trong lãnh vực sinh thái học

Không kể đến các Tỉnh hay các Vùng, những công trình với sự dấn thân của các sinh viên trong lãnh vực sinh thái học đã lan rộng. Tại mỗi cơ sở giáo dục, dù là trung học hay đại học, các sinh viên đều được đào tạo, tập huấn và được mời gọi tham gia vào những hoạt động bảo vệ môi trường. Nhiều trường học trên khắp thế giới đã đưa việc nghiên cứu môi trường vào trong chương trình đào tạo của trường. Các sinh viên được khuyến khích sống một lối sống có trách nhiệm, giảm bớt chi tiêu, và không để lại những ‘dấu chân sinh thái’ (ecological footprints). Các trường học này đã lập ra những câu lạc bộ thiên nhiên/môi trường, những khu vườn cây cỏ/sinh thái, và tổ chức những chuyến đi thực tế cho sinh viên. Những cơ sở giáo dục bậc cao hơn và các trường đại học đưa ra nhiều chương trình, khóa học có tính học thuật và những khả năng nghiên cứu sâu hơn liên quan đến vấn đề sinh thái.

Tarumitra[20] (những người bạn của cây) ở Patna hoạt động với khoảng 1.000 trường trung học và đại học có chừng 200.000 thành viên (trên khắp đất nước  Ấn Độ, gây ý thức về sinh thái học và môi trường. Viện Xã hội Công giáo Úc (The Catholic Social Academy of Austria) đã sáng lập một hiệp hội có tên “Những trường học hành hương” (Pilgrim Schools)[21] và hoạt động với 120 trường đã được chứng nhận liên quan đến sự bền vững và tinh thần. Có hai ví dụ rất sinh động về việc huy động hiệu quả các cộng đồng sinh viên. Nhiều cơ sở giáo dục này cũng đã phát triển các tài liệu của mình nhằm tập huấn và vận động cho sinh thái học.[22]

c) Cộng tác với các phong trào của người dân trong việc phòng giữ sinh thái và bảo vệ những cộng đồng đang bị đe dọa

Việc tham gia, cộng tác với các phong trào của người dân đã trở thành một điều tất yếu đối với các Giêsu hữu, đặc biệt với những ai đang làm việc ở những đất nước và khu vực diễn ra những cuộc đấu tranh sinh tồn liên miên (Châu Mỹ La Tinh, Nam Á, Châu Á Thái Bình Dương và Châu Phi). Các Giêsu hữu ở những nơi này nhận ra rằng, nhờ sự tham gia và trở nên một phần trong những cuộc đấu tranh của phong trào người dân, mình đối diện với hiểm nguy đến từ những người có thế lực về kinh tế và chính trị. Những người này coi các Giêsu hữu như những mối đe dọa cho quyền lực và quyền kiểm soát của họ lên trên các nguồn tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản.

Chính nơi những lục địa này, đặc biệt ở những khu vực những người dân bản xứ và những nhóm người dễ bị tổn thương sinh sống, nơi đó đang diễn ra việc khai thác mỏ với quy mô lớn, xuất hiện nạn chiếm đất, phá rừng, việc xây dựng những con đập khổng lồ, tình trạng tư hữu hóa nguồn nước và những nguồn tài nguyên thiên nhiên khác. Nhiều dự án này của chính phủ dẫn đến tình trạng di dân trên diện rộng, tình trạng mất nhà cửa, chiến tranh, bạo lực và tàn phá các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, có một điều đáng ghi nhận và lấy làm an ủi khi nhìn vào một số Giêsu hữu, những người liều mình đón nhận hiểm nguy để trở nên một phần trong các phong trào của người dân, dám đương đầu với những cơ cấu chính quyền và chính trị đi ngược lại với lợi ích của môi trường và của người dân địa phương.

handholdtogetherCó những tấm gương của các Giêsu hữu ở Ấn Độ, những người đã chung tay với các phong trào xã hội dân sự chống lại việc xây dựng những con đập khổng lồ ở Gujarat, Maharashtra và Đông Bắc Ấn, phản đối việc xây dựng các nhà máy hạt nhân ở Koodankulam, Tamilnadu. Những cuộc vận động chống lại việc khai thác mỏ và chiếm nhà ở được tổ chức do một số trung tâm xã hội, đặc biệt ở Trung Ấn, không chỉ là một lời kêu gọi nhưng còn là một ‘sứ mạng biên cương’ được đảm nhận bởi các Tỉnh và các Vùng trong một nỗ lực tập thể. Nhiều trung tâm xã hội, giáo xứ và các cơ sở giáo dục đã trở nên một phần của các cuộc vận động quốc gia trong nhiều năm để xây dựng các đạo luật như việc mở rộng Panchayat trong Đạo luật các khu vực được quy hoạch, Đạo luật bảo đảm việc làm ở khu vực nông thôn quốc gia, Đạo luật về rừng, Đạo luật về quyền đi học, và Đạo luật về quyền có thực phẩm, và tất cả những đạo luật mang đến lợi ích cho người nghèo và người bị gạt ra bên lề.

Một số lượng đáng kể các Giêsu hữu ở Hàn Quốc đã tham gia vào các phong trào dân sự mở rộng nhằm phản đối việc nạo vét bốn con sông lớn ở Hàn Quốc. Tỉnh dòng Hàn Quốc cũng đã phản đối lại kế hoạch xây dựng căn cứ hải quân trên đảo Jeju, và ở đó, một Giêsu hữu đã bị bắt giam cùng với người dân.

Ở Châu Mỹ La Tinh cũng vậy, các trung tâm xã hội, các trường đại học và các dự án, cùng với các cộng đồng và người dân bản địa đã trở nên một phần của mạng lưới rộng lớn hơn về những phong trào bảo vệ người dân bản địa và các quyền của họ. Những phong trào này tập trung vào việc phòng giữ đất đai, nguồn nước và khoáng sản khi phản đối việc xây dựng những con đập khổng lồ, đồng thời ủng hộ việc làm sạch những con sông cũng như việc khai hoang đất đai. Các giáo xứ và những trung tâm xã hội đã kết hợp bổ sung cho tiến trình chung của cộng đồng.

Trong và ngang qua tất cả những phong trào, các Giêsu hữu ở Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ La Tinh đang trực tiếp đi sát với những người bị gạt ra bên lề và những cộng đồng nông dân (campesinos) đang gặp nguy hiểm, những tộc người/người bản địa, những giai cấp thấp nhất trong xã hội, những người đánh cá, những nông dân trang trại, người chăn nuôi, và những người ở nông thôn bị gạt ra bên lề. Các Giêsu hữu đứng bên cạnh những con người này trong cuộc đấu tranh nhằm bảo vệ môi trường và bảo vệ cuộc sống của họ; trao cho họ những quyền về kinh tế và xã hội ngang qua những kế hoạch dựa trên chính nền văn hóa phong phú của họ, cũng như trên những yếu tố cộng đồng; xây dựng năng lực bằng cách gây ý thức, giáo dục, tập huấn và phát triển kỹ năng lãnh đạo và kiến thức của họ. Những Giêsu hữu ở Mỹ và ở Châu Âu đã và đang hỗ trợ cho những nỗ lực như thế này và đã ủng hộ các Giêsu hữu khác cũng như những cộng đồng bị gạt ra bên lề một cách gián tiếp bằng việc nghiên cứu và những hoạt động biện hộ bất cứ nơi nào có thể. Đây quả thật là một cuộc chiến đấu chung và là một sự phong phú cho nhau.

d) Mở ra những hình mẫu thay thế mới cho sự phát triển

TH 34 đề cập “việc tiếp xúc trực tiếp thường xuyên với ‘những người bạn của Chúa’ này, để từ họ, chúng ta có thể siêng năng học hỏi về đức tin”.[23] Qua việc ở với những người bị từ khước này, chúng ta học được không chỉ niềm tin vào Chúa nhưng còn học được niềm tin vào con người, những người có hiểu biết và khả năng để mở ra những kiểu mẫu của chính họ về sự phát triển, mặc dù kiểu mẫu này có thể khác so với kiểu phát triển mà các nhà nước hay các nhà kinh tế muốn.

Sự phát triển trong viễn cảnh của người dân đó là một môi trường thân thiện, chứ không phải là một thị trường thân thiện; dựa trên sự khôn ngoan đã được nghiệm ra hơn là trên kiến thức thu được từ sách vở; và tập trung vào con người, chứ không phải tập trung vào kinh tế-thị trường. Khi trở nên ‘những người bạn với người nghèo’,[24]các Giêsu hữu đã đóng góp vào việc mở ra những hình mẫu thay thế, những hình mẫu kết hợp giữa sự khôn ngoan từ kinh nghiệm của người dân với những nghiên cứu khoa học và những hiểu biết về thực tại đang thay đổi của chúng ta.Global-collaboration-1024x635

Thêm vào những hình mẫu của chính người dân, có nhiều hình mẫu thay thế độc đáo cũng đã được mở ra ở Châu Mỹ La Tinh,[25] Châu Phi,[26] Châu Á Thái Bình Dương[27] và Nam Á,[28] cùng với sự ủng hộ về nghiên cứu và xuất bản từ Mỹ[29] và Châu Âu.[30] Tất cả những cố gắng này đưa ra một viễn tượng hợp nhất về sự phát triển, một sự phát triển bao gồm những chiều kích về sinh thái, tinh thần, xã hội và sản xuất. Việc phê bình hình mẫu phát triển hiện tại đưa ra những hình mẫu thay thế mới, đồng thời phải thừa nhận rằng những phê bình này không thể đề xuất một hình mẫu độc nhất cho tất cả mọi người.

e) Lập mạng lưới quốc tế

Việc lập ra một mạng lưới không phải là điều gì mới mẻ đối với các Giêsu hữu. Điều này đã và đang diễn ra ở cấp độ cá nhân, và ở cấp thấp hơn, cấp độ khá âm thầm giữa một vài khu vực hay vài Tỉnh dòng. Bây giờ, điều này bắt đầu rõ nét theo một cách thức có tổ chức trong Dòng kể từ sau TH 35, là tổng hội đòi hỏi lập ra một mạng lưới rộng lớn hơn giữa các Giêsu hữu. Một trong những mạng lưới đó là Mạng lưới Biện hộ Inhã Toàn cầu (the Global Ignatian Advocacy Networks – GIAN), được phát triển với sự trợ giúp của SJES, tập trung vào Sinh thái học. Các Giêsu hữu cũng tham gia vào những diễn đàn quốc tế, như diễn đàn Rio+20 vừa được tổ chức trong thời gian gần đây, đem lại sự cộng tác quốc tế sâu rộng hơn. Việc truyền thông  những sáng kiến thân thiện với môi trường của các Giêsu hữu và các cuộc đấu tranh của người dân cho một thế giới tốt đẹp hơn ngang qua những trang tin điện tử về Sinh thái của Dòng (Eco Jesuit websites)[31] cũng biểu hiện một ý nghĩa mới. Sáng kiến từ những cơ sở giáo dục bậc cao của Dòng được thúc đẩy bởi Văn phòng Giáo dục Bậc cao (the Higher Education Secretariat) nhằm cho ra đời một ‘Văn bản sống’ (Living text) về sinh thái học là biện pháp đúng hướng. Điều này sẽ gây nhận thức về sinh thái học tại các cơ sở giáo dục tiểu học, trung học và phổ thông vào những năm tới. Tất cả mới chỉ là một sự bắt đầu. Chúng ta vẫn còn một con đường dài phải đi.

III. LINH ĐẠO INHÃ, THẦN HỌC VÀ SINH THÁI HỌC

Truyền thống linh đạo Inhã của chúng ta có nhiều điều để góp phần xây dựng một môi trường bền vững. Thật là một điều đáng để ghi nhận về cách thức một vài Giêsu hữu nơi một số tỉnh và nơi một số trung tâm tĩnh tâm của Dòng đã làm, khi xem đây như là một sứ mạng của Dòng bằng cách hội nhất linh đạo Inhã với Sinh thái học khi cho linh thao, giúp tĩnh tâm, hồi tâm, xét mình, thực hành cầu nguyện cho sinh thái, và chia sẻ thiêng liêng theo nhóm. Đồng thời, họ hội nhất điều này vào trong đời sống cá nhân và trong lối sống. Một số những cộng tác viên giáo dân của chúng ta đã thu được nhiều lợi ích trong lãnh vực này và đã đóng góp để việc này được tiến triển.

Đã và vẫn đang còn có nhiều tiếng nói ngày hôm nay tiếp tục âm vang lời than vãn của trái đất và đưa ra một viễn tượng ấp ủ niềm hạnh phúc cho vũ trụ này và cho toàn thể công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Bên cạnh thánh Phanxicô Assisi, người đã có ảnh hưởng rõ ràng lên trên nền thần học sinh thái Kitô giáo, chúng ta còn có một nhà cổ sinh vật học Dòng Tên, cha Teilhard de Chardin, cũng như nhiều nhà thần học vào nhiều thầy dạy khác, những người cũng có sự can dự mật thiết với các nhà tư tưởng Kitô giáo. Thông điệp của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, nhân Ngày Hòa bình Thế giới năm 2010 “Nếu các bạn muốn vun đắp cho hòa bình, các bạn hãy bảo vệ thụ tạo”, là một giáo huấn mới nhất trong truyền thống lâu đời của giáo huấn của Giáo hội về nghĩa vụ của chúng ta đối với việc chăm sóc thụ tạo. Xuyên suốt thông điệp của mình, với việc trích dẫn lời của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Đức Giáo hoàng Phaolô VI, Đức Thánh Cha khẳng định rằng việc suy thoái môi trường là “một vấn đề xã hội ở bình diện rộng lớn, liên quan đến toàn thể nhân loại.”

“Cung cách hành xử liên quan đến môi trường của chúng ta” (Our Environmental Way of Proceeding)[32] được chuẩn bị bởi Dòng Tên Vùng Châu Á Thái Bình Dương là một dự án tập thể độc đáo nhắm đến sứ mạng của Dòng ở cấp độ vùng. Các Giêsu hữu làm việc giữa người dân bản địa nhận ra, sống và đề cao tính phù hợp qua lại giữa người dân bản địa và trường phái tu đức của thánh Inhã. Khu vực Ca-na-đa nói tiếng Anh cũng có một truyền thống lâu đời bao hàm linh đạo quan tâm chăm sóc thụ tạo. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn một chặng đường dài để đi trong việc hội nhất linh đạo Inhã và sinh thái học vào trong cung cách sống và sứ mạng của chúng ta. Về điều này, chúng ta yêu cầu phải sở hữu lấy truyền thống và nguồn linh đạo Inhã phong phú đang có sẵn của chúng ta, trong khi vẫn quý trọng và rút tỉa hoa trái từ sự phong phú của những tôn giáo và nền văn hóa khác, cụ thể là từ những nền văn hóa và truyền thống của người dân bản địa và từ những xã hội truyền thống.

firethatfire

IV. KẾT LUẬN

Nhờ việc đi xuyên suốt tài liệu này, chúng ta có thể khẳng định rằng Dòng đang có ý định đẩy mạnh những sáng kiến trong lãnh vực “hòa giải với thụ tạo” này. Một số những lãnh vực này liên quan đến linh đạo và thần học; một số người trong chúng ta đang trực tiếp dấn thân vào những cộng đồng dân nghèo và những cộng đồng bị gạt ra bên lề đang bị đe dọa từ sự biến đổi khí hậu hay từ những dự án phát triển lớn, và một số người khác cũng đang dấn thân ngang qua việc nghiên cứu hay khảo cứu. Các cơ sở và các cộng đoàn Dòng Tên của chúng ta – đặc biệt những cơ sở và cộng đoàn chuyên lo về giáo dục – đang thực hiện những nỗ lực lớn lao bao gồm cả những thực hành tôn trọng sinh thái học và môi trường, và khơi lên sự quan tâm nơi các sinh viên qua việc thu hút họ. Có nhiều trung tâm xã hội đang cố gắng tìm ra những hình mẫu phát triển thay thế có tính nhận thức về môi trường và thân thiện với con người. Những hình mẫu này nhằm nâng cao nhận thức chung về các vấn đề môi trường đang liên tục đe dọa đời sống của người nghèo và người bị gạt ra bên lề ở mọi nơi.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần một cuộc hoán cải nội tâm để có thể thay đổi lối sống của chúng ta. Những nỗ lực của chúng ta sẽ cần di chuyển vượt ra khỏi các cá nhân, đến với các cộng đoàn, các cơ sở và các Tỉnh trong việc lên kế hoạch và trong hành động tập thể. Chúng ta cũng cần vượt ra khỏi nhóm các Giêsu hữu của chúng ta để chung tay hiệp lực với nhiều tu sĩ và nhiều phong trào, tổ chức xã hội dân sự nhằm chăm sóc và bảo vệ thụ tạo tốt hơn. Chúng ta cũng cần liên kết việc chăm sóc thụ tạo với vấn đề công bình và với lối sống có tính gắn kết của chúng ta.

Sau TH 35, cha Bề Trên Cả đã tổ chức lại các văn phòng tại trung ương, chuyển các văn phòng kiểu tập trung khu vực tông đồ (apostolic-sector-centred secretariats) sang các văn phòng kiểu tập trung chiều kích tông đồ (apostolic-dimensions-secretariats) với ba chiều kích trung tâm về Đức tin, Công bình và Sinh thái học, là những chiều kích mời gọi sự cộng tác. Do đó, Văn phòng Sinh thái học và Công bình Xã hội (SJES) đã được chỉ thị giúp cho việc cổ võ tất cả các khu vực tông đồ kết hợp chặt chẽ với những chiều kích về Công bằng Xã hội và Sinh thái học trong sứ mạng tập thể của chúng ta về “hòa giải với thụ tạo”.  Những thách đố đặt ra trước mắt chúng ta là:

-Làm thế nào chúng ta cổ võ cho việc tham gia và đóng góp vào việc ‘hòa giải với thụ tạo’ cùng với tất cả những khu vực tông đồ khác?

-Bằng cách nào sinh thái học sẽ trở nên một bộ phận của sứ mạng rộng lớn hơn của Dòng Tên? Chúng ta có thể nâng cao ý thức về công bình liên quan đến sinh thái và xã hội bằng cách nào?

-Nếu Công bình Xã hội và Sinh thái học là một phần của chiều kích rộng lớn hơn, thấm nhập vào mọi khu vực tông đồ, thì đâu là sự đóng góp độc đáo mà khu vực xã hội có thể đưa ra?

-Bằng cách nào chúng ta cổ võ cho sự cộng tác mạnh mẽ hơn và cho việc thiết lập mạng lưới giữa chính chúng ta cũng như với các tu sĩ, giáo hội và các nhóm xã hội dân sự khác ở cấp độ địa phương, khu vực và cấp độ quốc tế?

Vào năm 1999, Dòng Tên nhận ra rằng ‘chúng ta đang sống trong một thế giới bị tan vỡ’ (Promotio Iustitiae 70), và đến năm 2011, chúng ta đã nói rằng chúng ta muốn dấn thân trong việc ‘Chữa lành một thế giới bị tan vỡ”. Chúng ta ngày càng nhận ra rằng “ngày nay, sự đáng tin của chúng ta không đặt quá nhiều vào sự nhất quán có tính hệ thống trong ngôn ngữ của chúng ta…như trong sự nhất quán có tính sinh động của những quyết định, lối sống, tương quan của chúng ta với mọi người và với thiên nhiên, v.v. Với ý nghĩa này, sinh thái học là một thách đố Thiên Chúa đã dự liệu cho chúng ta.”[33] Do đó, theo ngôn từ của TH 35, chúng ta có thể phát biểu một cách quả quyết, với niềm đam mê dành cho công bình môi trường, một lần nữa, chúng ta sẽ gặp lại Thần Khí của Thiên Chúa đang tìm kiếm để giải thoát thụ tạo đang đau khổ, thụ tạo đòi hỏi nơi chúng ta không gian để sống và để thở.

jhs

 

(Philipphê Trần Thanh Minh, SJ. chuyển ngữ từ tài liệu With passion for environmental justice – Response of the Society of Jesus to “Reconciliation with creation” trích trong tạp chí Promotio Iustitiae, n0110, 2013/1)

 

 


[1] Promotio Iustitiae  106, op.cit.

[2] “Việc thiếu tôn trọng đối với Đấng Tạo hóa giàu tình thương dẫn đến sự chối bỏ phẩm giá con người và đưa đến sự tàn phá bừa bãi môi trường.” (TH 35, NQ. 1, s. 35)

[3] Peter-Hans Kolvenbach, SJ, De Status Societatis Iesu, 1990, s. 100 trong Acta Romana 20:3 (1990), 46. (Suốt Đại hội các Giám tỉnh vào năm 1990, Loyola).

[4] TH 34, NQ. 20

[5] TH 3, NQ. 3, s. 9

[6] Promotio Iustitiae 70, 1999, “We live in a broken world”, http://www.sjweb.info/documents/sjs/pj/docs_pdf /PJ070ENG.pdf.

[7] HBW, s. 35

[8] Động đất ở Gujarat, Ấn Độ năm 2001; Sóng thần năm 2004 ở Banda Aceh, Ấn Độ và Sri Lanka; Bão Katrina ở Mỹ vào năm 2005,v.v..

[9] Thư cha Bề Trên Cả, đề ngày 16-9-2011. (2011/16)

[10] Calcutta, Goa, Kerala, Hazaribag, Madhya Pradesh và Ranchi ở Nam Á.  

[11] Hàn Quốc, Columbia, Brazil, Đức

[12] Đây là trường hợp của các tỉnh dòng Tây Ban Nha.

[13] Có khoảng 36 trung tâm xã hội trên tổng số 130 trung tâm đang trực tiếp hoạt động trong những vấn đề liên quan đến môi trường và sinh thái.

[14] Những trung tâm đi đầu trong lãnh vực này phải kể đến ‘Trung tâm Xã hội Ahmednagar’ thuộc tỉnh Pune và Trung tâm MPSM ở Nashik thuộc tỉnh Bombay.

[15] Những trung tâm có liên quan là: SASACE ở Darjeeling; Trung tâm phúc lợi các bộ lạc ở Dumka và TRTC ở Jamshedpur, Jharkhand.

[16] Sangath và Adivasi Khet Yoina ở Gujarat; LATC-Jhingo ở Madhyapradesh; Gansoville ở Madurai; AROUSE-Gumla ở Ranchi.

[17] SAAP ở Patna.

[18] Cha Anglade ở Sacred Heart College ở Shembaganur; Cha Ethelbert Blatter và Santapau ở St. Xavier’s College, Bombay; Cha KM Matthew ở St. Joseph’s College, Trichy và cha VS Manickham ở Xavier’s College, Palayamkottai, Tamilnadu.

[19] NESRC-Guwahati và XISR-Bombay.

[20] http://www.tarumitra.org/

[21] http://www.pilgrimschule.at/

[22] AUSJAL (Association of Jesuit Universities in Latin America) đã xây dựng tài liệu tập huấn về sinh thái học và các vấn đề sinh thái.

[23] TH 34, NQ. 3, s. 17

[24] TH 34, NQ. 3, s. 9

[25] Chương trình Desarrollo y Paz del Magdalena Medio (PDPMM), Suyusama, Viện Mayor Campesino (IMCA), Trung tâm Đầu tư và Giáo dục Phổ thông (Centro de Investigacion y Educacion Popular) (CINEP), đại học Javeriana  ở Colombia; Nitlapan and Instituto Acción Social Juan XXIII: Nicaragua; Quỹ ACLO and Centro de Investigación y Promoción del Campesinado (CIPCA) liên kết với mạng lưới quốc gia ở Bolivia; Misión de Bachajón, Chiapas y Fomento Cultural in Veracruz (nahuas, popolucas, otomíes): Mexico; Centro de Investigación y Promoción del Campesinado (CIPCA),  Centro  De  Capacitación  Agro  Industrial  Jesús  Obrero             (CCAIJO),  Servicio Agropecuario para la Investigación y Promoción Económica (SAIPE) và Instituto Ética y Desarrollo (IED) ở Peru, ở Châu Mỹ La Tinh một mạng lưới có tên ‘Comparte’ về những hình mẫu thay thế của sự phát triển.

[26]Các trung tâm xã hội, như CEPAS ở Trung Phi; CERAP ở Nam Phi, Trung tâm Nông nghệp như  KATC  ở  Zambia và “École Professionnelle Supérieure Agricole” tại EPSA.

[27] Những nghiên cứu ở đại học Sophia tại Japan; đại học Sogang ở Hàn Quốc, và  đại học Sanata Dharma ở Indonesia.

[28] Viện Phát triển Xavier (Xavier Institute of Development), Jabalpur, MP ngang qua nghiên cứu và giáo dục; Mahrashtra Prabodhan Seva Mandal, Bombay về đường dẫn nước, trại sản xuất bơ sữa, quỹ tiết kiệm, trồng nấm, trồng trọt có tổ chức, trồng trọt nhờ côn trùng; Viện nghiên cứu Xã hội Xavier (Xavier Institute of Social Research), Bombay ngang qua; SAS và SWADES, Goa ngang qua trồng trọt thay thế, khí đốt sinh học, và trồng trọt có tổ chức, v.v.; Xavier Tarumitra, Ahmedabad, Gujarat về thuốc (y học) thay thế và  dùng thảo dược; Sangath, Gujarat về trồng trọt nhờ côn trùng; Chương trình Liên kết và Năng lượngh thay thế, Patna and St. Xavier’s College, Calcutta về năng lượng mặt trời; TUDI, Kerala về trồng trọt sinh học, làm vườn và làm thuốc  bằng việc hợp tác xã hội; ADDI, Kerala về chăm sóc sức khỏe thay thế, sử dụng hiểu biết của người dân bản địa; Nông nghiệp bền vững, Harta, Jamshedpur về mô hình trồng trọt thay thế; AROUSE, Gumla, Ranchi về xây dựng những con đập trắc nghiệm nhỏ để thay thế cho những con đập lớn; Taru Mitra, Patna về đa dạng sinh-kinh tế học, trồng trọt thay thế, làm vườn;; Stanislaus Community College (Nhà tập), Sitagarah, Hazaribag về trồng rừng xã hội; Trung tâm Xã hội, Pune về trồng trọt thay thế, đào kênh dẫn nước, sử dụng có suy xét các nguồn tài nguyên thiên nhiên; Paharia Samaj Seva Kendra, Satia, Jharkhand về trồng cây thảo dược.

 

[29] Điều này được thực hiện chủ yếu dựa vào các trường Đại học khác nhau ngang qua việc giảng dạy, nghiên cứu, đầu tư và cung cấp hỗ trợ cho những hình mẫu thay thế.

[30] Những lần xuất bản về những hình mẫu thay thế ở Alboan-Loyola; Journal Aggiornamenti Sociali (Ý); Project (Pháp); IGP-Munich và  KSOE-Áo ngang qua việc phân tích nhưng hình mẫu thay thế, v.v.

[31] www.ecojesuit.com

[32] http://sjapc.net/what-we-do/ecology/way-proceeding

[33] Bình luận do cha Adolfo Nicolás, SJ, trong “Chúng ta đang sống trong một thế giới bị tan vỡ”, Promotio Iustitiae 70, tháng 4-1999.

Kiểm tra tương tự

Chúa ơi, bây giờ con phải làm gì ?

  “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” (Lc3,10-18)   Trong đoạn Tin Mừng …

Món Quà Giáng Sinh – Suy tư Tin Mừng CN 4 Mùa Vọng năm C

  Giáng sinh là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong năm đối với phần …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *