Xin ủng hộ người trẻ đi tu!

Ở nhiều nước trên thế giới, ơn gọi dâng hiến đang rơi vào khủng hoảng. Người trẻ không còn muốn sống đời thánh hiến nữa. Có nhiều lý do giải thích cho thực tế này: ít con, tục hóa, gương xấu, cha mẹ không ủng hộ, hưởng thụ, v.v.

Ngược lại ở Việt Nam, tạ ơn Chúa, vì còn nhiều bạn trẻ đang hăng say bước vào con đường tu trì. Đó luôn là món quà của Chúa. Nhưng đó còn nhờ máu các Thánh tử đạo Việt Nam đã làm trổ sinh nhiều ơn gọi, nhờ gia đình vun đắp, bổn đạo khích lệ. Tắt một lời, chúng ta cảm ơn biết bao người đang miệt mài cầu nguyện cho ơn gọi này. Họ thường ủng hộ người trẻ nên bước vào con đường hấp dẫn đó.

“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” (Lc 10,2). Theo đó, ơn gọi chỉ tăng lên khi người ta biết nài xin Thiên Chúa gọi mời thêm người trẻ đi tu.[1] Ngoài lời cầu nguyện, nhiều gương sáng về đời tu được các bạn trẻ thấy nơi giáo xứ, nhà dòng, tổ chức thiện nguyện, v.v. Đó thực sự là chứng nhân sống động về ơn gọi dâng hiến, vốn dành cho người trẻ. Qua họ, ít là người trẻ còn thấy đời tu có thể cho người tu sĩ được hạnh phúc bình an.

Chúng ta thấy ở Việt Nam thật dễ để một người lớn nói với một người trẻ nên đi tu[2]. Không ít lần tôi nghe đại loại như:

– “Cô thấy con đi tu được đó…”, “Cháu mai mốt lớn lên cứ đi tu cho an nhàn, ngoài đời khổ lắm!”, hoặc “Thấy cháu hiền lành giống thầy tu quá!”, thậm chí “Mày đi tu cho tao nhờ, vào nhà dòng để tu tâm dưỡng tánh lại!” v.v.

Đại thể là trong nhiều bối cảnh, người ta còn nhớ đến hai chữ: tu trì. Họ muốn đề cập lối sống ấy nhằm giúp người trẻ ý thức bước vào.

Hiện nay, hình như có người không đồng ý với kiểu nói trên, bởi có khi nhiều bạn trẻ đi tu vì ép buộc của gia đình, họ hàng hay bạn bè. Không! Khi đọc những lời chia sẻ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắn với người trẻ, tôi cảm ơn những ai đang cổ võ ơn gọi cho Thiên Chúa. Ngài nói:

“Đôi khi tôi đưa ra đề nghị này với những người trẻ, là những người trả lời tôi hầu như bằng một giọng điệu chế giễu: Không, sự thực là con sẽ không đi theo hướng ấy. Tuy nhiên, nhiều năm sau, một số trong những em đó đã ở trong chủng viện.” (Đức Kitô Sống, số 274).

Thực tế, người trẻ cần biết đến những con đường nên thánh trong lòng Giáo Hội. Ngoài hôn nhân gia đình, vốn là ơn gọi tự nhiên, người trẻ cần tĩnh lặng để lắng nghe Chúa có tha thiết gọi mình trong đời tu không. Tất cả những tiếng nói bên ngoài đến từ tha nhân, tất cả lời “ủng hộ dễ thương” kia, có khi là tiếng chuông để người trẻ cần phân định.

Có bạn chia sẻ với tôi:

– “Biết đâu, lúc trước mình được sơ Dòng A ủng hộ đi tu, sơ ấy nói mình có ơn gọi. Sau khi cầu nguyện và phân định ơn gọi, mình thấy Chúa gọi mình thực sự. Thế là mình bước vào đời tu hạnh phúc bình an.”

Tạ ơn Chúa đã gửi những lời của sơ đến với bạn ấy. Nhờ đó, chính bạn ấy nhận ra ơn gọi cho mình và quảng đại phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. Sơ ấy “dụ” người trẻ đi tu giỏi thật, phải không bạn?

Giáo Hoàng Phanxicô luôn nhắc người trẻ rằng giữa muôn lối nẻo, người trẻ đừng loại trừ khả năng hiến thân cho Thiên Chúa trong ơn gọi linh mục, đời sống tu trì hoặc các hình thức thánh hiến khác. Tiếc là nhiều nơi, đi tu hoặc ơn gọi dâng hiến không có trong suy nghĩ người trẻ. Họ chưa từng được nghe, chưa từng được tiếp xúc với người tu sĩ; thậm chí, họ dị ứng với ơn gọi hiến dâng. Chắc họ cũng phất lờ ánh mắt, lời mời gọi của Thiên Chúa. Cũng đúng thôi, vì ngoài đời vui hơn nhiều. Xã Hội đang trao cho người trẻ biết bao đề nghị hấp dẫn. Theo những đề nghị ấy, nhiều bạn trẻ kiệt sức, mệt mỏi và cô đơn.

Ước gì một khi người trẻ nghe đâu đó những “lời ủng hộ”, “rủ rê”[3] đi tu, họ dám dành giờ để tâm suy nghĩ. Bằng cách nào? Giáo Hội chia sẻ với người trẻ:

“Cơn lốc của thế gian kéo các con vào một cuộc đua vô nghĩa, không có định hướng, không có mục tiêu rõ ràng, và các con sẽ phí phạm rất nhiều nỗ lực của  mình. Thay vào đó, hãy tìm những nơi tĩnh mịch và im lặng là những nơi cho phép các con suy niệm, cầu nguyện, nhìn thế giới chung quanh mình rõ hơn; và rồi, cùng với Chúa Giêsu, các con sẽ có thể nhận ra ơn gọi của mình trên thế gian này.”[4]

Hãy cho Chúa Giêsu một cơ hội nói lớn tiếng trong lòng mình. Xin mỗi người cũng cầu nguyện, động viên và đồng hành với người trẻ muốn đi tu. Khi đó, Thiên Chúa Cha sẽ giúp cho người trẻ nên những người thợ tốt lành trong cánh đồng lúa chín.

Lạy Chúa Giêsu, có khi người tu sĩ chúng con cần cảm ơn những ai khuyến khích, cách này hay cách khác, người trẻ đi tu. Nhờ lời nhắc nhớ của họ mà người trẻ chúng con biết tương lai còn có một con đường dâng hiến. Dù trên con đường này chẳng mấy ai đi, nhưng lại cần thiết cho Giáo Hội của Thiên Chúa. Dĩ nhiên, chúng con vẫn tin Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục khơi dậy ơn gọi linh mục và đời sống tu trì nơi người trẻ. Xin Chúa đến nơi xóm làng của chúng con, ngừng lại, nhìn đến từng người trẻ, và nói: Hãy theo Thầy. Được như thế, chắc là nhiều người trẻ theo Chúa lắm, theo để có thể nhân danh Chúa mà “thả lưới một lần nữa”. Amen    

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

[1] Thánh Gioan Phaolô II cũng viết: “Ngoài việc cổ võ cầu nguyện cho ơn gọi, còn phải cấp thời trình bày rõ ràng và huấn giáo thích hợp để khuyến khích những ai được gọi vào đời thánh hiến, biết đáp lại một cách tự do, mau mắn và quảng đại, nhờ vậy ơn gọi đạt được kết quả.” (Tông Huấn Đời Sống Thánh Hiến số 64)

[2] Trong tổ ấm gia đình, cha mẹ phải là “những người đầu tiên truyền dạy đức tin cho con cái mình, bằng lời nói và gương sáng, cũng như cổ võ ơn gọi riêng của từng đứa con, đặc biệt quan tâm đến ơn gọi thánh thiêng”. X. Giáo Lý 1656.

[3] Là tu sĩ, tôi cũng biết ơn những người bạn tu sĩ ở trong giáo xứ hay rủ tôi đi tu. Thế là với đề nghị đó, tôi bắt đầu lắng nghe tiếng Chúa, và bước vào Dòng Tên. (Dĩ nhiên, đó chỉ là một trong những duyên cớ giúp tôi đi tu).

[4] Đức Kitô Sống số 277

Kiểm tra tương tự

Bố ơi, ai vậy?

Ông đang nằm nghiêng mình trên chiếc ghế sofa, vừa xem ti-vi vừa thưởng thức …

Có Chúa luôn bên ta – Lời nhắc nhở mỗi ngày

  Có cám dỗ cho rằng Thiên Chúa không ở gần ta, hoặc làm ta …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *