Chúng ta phải tái suy nghĩ về việc trở lại đạo “là một tiến trình chứ không phải là một biến cố, chẳng hạn như thái độ khoan dung ở nhiều cấp độ hoặc như đối thoại trong nhiều lĩnh vực.”
Phát biểu điều này là cha Rudolf C. Heredia, giáo sư giảng dạy tại Viện Xã Hội Ấn Độ ở New Delhi, Ấn Độ. Đây là vấn đề then chốt trong bài thuyết trình của linh mục Dòng Tên này hôm 24/5, như một phần của hội nghị được tổ chức bởi Viện Nghiên Cứu Liên Khoa Về Tôn Giáo Và Văn Hoá của Đại Học Giáo Hoàng Gregoriana. Đề tài là “Việc trở lại. Một thay đổi của Thiên Chúa? Kinh nghiệm và suy tư về đối thoại liên tôn”.
Cha Rudolf C. Heredia nói: Trước tiên, chúng ta cần nhìn vào việc trở lại không phải được đánh dấu bởi chỉ bởi một biến cố duy nhất. Nó có thể được đánh dấu bởi một dấu hiệu, một điều gì đó đã xảy ra, nhưng ngay cả trong trường hợp trở lại rất nổi tiếng của thánh Phao-lô, ngài cũng đã phải trải qua một loại nội tâm hoá kinh nghiệm của mình trước khi bắt đầu giảng dạy. Chẳng hạn, ngài đã đến sa mạc A-rập, v.v… Và bây giờ thì biến cố ấy diễn ra trong đời sống chúng ta. Chúng ta được cuốn hút, chúng ta tiến đến gần những ranh giới, và rồi chúng ta làm một cú nhảy. Nhìn toàn bộ tiến trình là điều quan trọng bởi vì tiến trình này làm cho ranh giới trở nên “xốp hơn” (không bị cứng nhắc), và bởi vì nó vẫn tiếp tục là một tiến trình liên tục. Vì vậy, chúng ta cần tất cả mọi người thiện chí với những mức độ tự do khác nhau để tiếp tục theo đuổi hành trình. Như thế, nó sẽ cho phép chúng ta mở ra hơn, thay vì chỉ cứng nhắc “hoặc cái này, hoặc cái kia” nghĩa là “hoặc theo chúng tôi hoặc chống lại chúng tôi.”
Cha Rudolf C. Heredia nói: Khi chúng ta bắt đầu nhìn sự trở lại như một tiến trình thì nó cho phép chúng ta nhìn những ranh giới này cách mềm mại hơn và chúng ta sẽ bao dung hơn, sẽ cởi mở hơn để đối thoại. Nếu không, sự trở lại trở thành một điều gì đó làm chúng ta lo lắng, một điều gì đó bị chúng ta coi như phá đổ hoặc như là một sự tàn bạo, hay thậm chí là một cái gì đó đáng lên án. Chẳng hạn cả cộng đoàn trước khi họ trở lại lẫn cộng đoàn đón nhận họ thường rất bối rối tự hỏi không biết người trở lại này thực sự tìm kiếm điều gì. Mặt khác, các Tổ Chức Từ Thiện Công Giáo lại bị xem như những mối nguy hiểm vì nó như điểm khởi đầu của Giáo Hội để làm cho người khác trở lại.
Chúng ta trở lại với sự thật rằng tất cả mọi động lực đều có sự pha trộn; ngay cả động lực thiêng liêng nhất cũng thường bị pha trộn. Nó đến từ những cấp độ khác nhau. Như là: Tôi làm nhiều điều tốt vì tôi thích; tôi làm nhiều điều tốt vì lòng yêu mến Chúa; hay tôi làm nhiều điều tốt vì tôi yêu tha nhân. Nhưng thường thường, những động lực này đan xen lẫn nhau. Nếu bạn gặp một người nào đó nói rằng động lực của tôi hoàn toàn tinh ròng thì người đó hoặc là thánh hoặc là một kẻ nói dối. Vì thế, điều quan trọng khi chúng ta làm việc với người khác là nhận thức được động lực nào đang thúc đẩy chúng ta. Tôi không có ý nói chúng ta không chân thực, nhưng tôi muốn nói rằng đôi khi chúng ta không nhận thức được những hệ luận mà chúng ta đang làm và lý do tại sao chúng ta lại làm.
Như thế, một khi chúng ta đã làm rõ được điều này và khi chúng ta hiểu biết rõ hơn về nó, nó sẽ làm cho công việc của chúng ta trở nên chân thực và chính đáng hơn.
Văn Yên, SJ