Cột đồng Mã Viện

L.T.S: “Trong cuộc tìm hiểu cuộc Nam tiến, việc xác định biên giới Việt – Chiêm trước thời kỳ bành trướng rất cần thiết. Chúng tôi xin đăng bài: “Cột đồng Mã Viện”, nguyên tác Pháp ngữ của Đào Duy Anh, bản dịch của Nhất Thanh, rất quan hệ đối với việc xác định biên giới nói trên”[2].Trong bài viết này, tác giả đã trưng ra nhiều bằng chứng trong các tài liệu (nhất là của Trung Quốc) của các sử gia xưa về vị trí của các cột đồng Mã Viện đã dựng sau khi đàn áp thành công cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng năm 43 sau công nguyên (như là một phong tục, một cách thức ghi nhớ chiến công của viên tướng được mệnh danh là Phục Ba tướng quân. Tương truyền rằng viên tướng tài ba này sau khi đàn áp thành công cuộc khởi nghĩa của hai vị nữ lưu anh kiệt của đất Giao chỉ đã dựng lên các cột đồng để ghi nhớ chiến công của ông, và các sách sử cũng ghi lại các cột ấy cũng có tác dụng như cột mốc biên giới giữa Giao chỉ với vùng đất của người Chăm (Chàm) ở phía Nam. Trên trụ đồng, Mã Viện cho khắc dòng chữ: “trụ đồng gãy, giao chỉ diệt”). Sau đó, tác giả minh chứng tính chất bất hợp lý trong một số tài liệu để cuối cùng có thể “khoanh vùng” được vị trí của các cột đồng (nếu nó thực sự tồn tại). Liệu các cột đồng có thể đã được dựng lên ở đâu? Quảng Đông, Thanh Hóa, Nghệ An, Hoành Sơn, hay thậm chí xa xuống phía Nam trên núi Đá Bia, khu vực Phú Yên? Xin mời những ai lưu tâm đến chi tiết lịch sử khá thú vị này cũng như lưu tâm đến một di vật (nếu nó thực sự tồn tại) lịch sử đến với bài viết của học giả Đào Duy Anh:

CỘT ĐỒNG MÃ VIỆN

Nguyên tác: Đào Duy Anh[1]

Bản dịch: Nhất Thanh

 Cột đồng Mã Viện vẫn là chuyện bí ẩn khó mà biết rõ, cho đến nay chưa một nhà sử học nào làm sang tỏ được. Henri Maspéro trứ danh về môn khảo cứu Trung Hoa, trong tập san Trường Viễn Đông Bác Cổ quyển XVIII  số 3 năm 1918, viết về cuộc viễn chinh của Mã Viện có nói đến những cột đồng kia nhưng chỉ là để bác bỏ, cho là không có. Mới đây, trong tạp chí Tri Tân số 14 ngày 12 tháng 9 năm 1941, Nguyễn Văn Tố, hội viên trợ bút trường VĐBC đã sưu tập một số bài viết xưa chữ nho và chữ Việt nói về những cột đồng sử tích kia, nhưng cũng vẫn không đem lại gì thêm minh bạch cho vấn đề.

Những cột đồng kia có thực sự đã được dựng lên chăng? Nếu chẳng tìm thấy dấu vết gì thì làm sao có thể phỏng đoán được là đã dựng ở đâu? Nay ta thử tìm cách giải đáp hai câu hỏi trên.

Trước hết ta hãy gạt bỏ một bên lời nguyền Mã Viện khắc trên cột đồng. Theo chỗ chúng tôi biết thì sách An Nam Chí Lược của Lê Tắc (đầu thế kỷ XVI) là sách xưa nhất đã nói đến cột đồng. Truyền rằng ngày xưa ở vùng động Cổ Sâm đất Khâm Châu có những cột đồng do Mã Viện dựng với lời nguyền: “Cột đồng gãy thì Giao Chỉ bị tiêu diệt”. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (thế kỷ XIX) chép lời nguyền kia có nói rõ đó chỉ là do khẩu truyền mới về sau. Nhưng không một sử sách nào thời xưa thuật lại cuộc viễn chinh của Mã Viện có nói đếnlời nguyền kia. Chúng tôi tán đồng quan điểm của ông Nguyễn Văn Tố coi truyền thuyết kia như chuyện cổ tích.

Nhưng chính những đồng trụ kia thật có chăng? Sách Hậu Hán thư (chương nói về tiểu sử Mã Viện)[3] và cả sách Hậu Hán kỉ đều không nói đến việc dựng đồng trụ, và chính vì vậy mà ông Maspero cho là không có cột đồng.

Nhưng sách Quảng Châu kí (thế kỷ IV hoặc V) có ghi chép là từ xa xưa đã có truyền thuyết Mã Viện dựng đồng trụ. Hơn nữa, trước sách Quảng Châu kí, còn có sách Ngô lục của Trương Bột (đầu thế kỉ IV) cũng đã nói về những cột đồng ấy như sau, mà không nói là do Mã Viện dựng: “Ở Tương Lâm, ngoài biển khơi, có một hòn đảo nhỏ sản xuất nhiều vàng. Đi chừng 30 dặm đường từ phía Bắc xuống thì đến đất Tây thuộc. Dân cư ở đây vẫn tự nhận là dòng dõi Hán tộc. Ở đây, có những cột đồng mà người ta bảo là để phân định ranh giới đất Hán”[4].

Nhưng ở sách Thủy Kinh chú, ta mới thây truyền thuyết kia có vẻ rõ ràng hơn cả, sách này (cuối thế kỷ VI) chép: “Mã Văn Uyên, (bút hiệu của Mã Viện) đã dựng những cột bằng kim khí (kim tiêu) để đánh dấu biên giới phía nam đất Hán”. Lời xác đoán này lại được phụ chú thêm lời giả thuyết của Du Ích Kì và Hàn Khang Bá: “Mã Văn Yueen dựng hai cột đồng trên bắc ngạn Lâm Ấp và để cho ở lại đấy chừng một chục gia đình quân lính không quay trở về, định cư trên nam ngạn Thọ Linh đối diện với những đồng trụ. Bọn họ thuộc tộc Đảng Mã, kết hôn với nhau và ngày nay đông đảo đến khoảng hai trăm gia đình. Người Giao Chỉ coi họ như từ tha phương lưu đày, và gọi họ là bọn Mã lưu.. Ngôn ngữ ẩm thực của họ ngày nay vẫn gòn giống như người Trung Hoa. Tang thương biến đổi, những cột đồng ngày nay thành ra ở ngoài biển khơi, và chỉ còn có bọn Mã  lưu kia để chứng minh dấu tích nơi xưa”[5].

Theo sách Lâm Ấp kí thì những cột đồng ấy là để phân ranh hai lãnh thổ Hán với Tây đô[6].

Kiểm tra tương tự

Phép màu Giáng Sinh: Cuộc hoán cải của thi hào Paul Claudel

  Vì sao thi sĩ nổi tiếng ấy trở lại đạo Công giáo vào đúng …

Bạn biết gì về Ngai tòa thánh Phêrô?

  Theo truyền thống, chiếc ghế nhỏ này từng được Thánh Phêrô sử dụng khi …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *