Dâng hiến sáng tạo (22)

IV. THÍCH ỨNG CÁ NHÂN

Tuyển chọn ứng viên

Những cuộc nghiên cứu gần đây về sự chọn lựa các ứng viên vào đời sống tu trì nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các trắc nghiệm (test) trong việc tìm ra các xu hướng lệch lạc, nếu có. Đó là một sự thận trọng hữu ích cho cộng đồng cũng như cho chính đương sự. Thường thì một ứng viên chưa đủ trưởng thành hay thiếu thích ứng trước khi vào tu, không nên dựa vào kỷ luật đời sống tu trì để chỉnh đốn các khiếm khuyết của mình. Việc huấn luyện của tập viện và kỷ luật nhà tu càng làm cho các tập quán tâm não lệch lạc phát triển thêm và đưa đến các cơ chế tự vệ.

Để giúp kẻ khác thâu nhận những xu hướng tốt, thì cần phải nhấn mạnh đến việc phát triển các đặc tính tích cực hơn là loại bỏ các điểm tiêu cực. Như vậy, vào lúc đầu, cần phải biết bỏ qua một vài nết xấu để chú ý nhiều hơn đến những thái độ và đức tính cá nhân cần được trau dồi.

Trong đời sống tu trì, cần phải sớm đi đến việc luyện tập và cảm nghiệm thứ tình yêu thương thích hợp cho đời sống chung. Cả khi ứng viên đã đạt đến trưởng thành, sự thiếu tình thương và sự nhấn mạnh quá đáng đến các lỗi phạm trong các năm huấn luyện, có thể thúc giục họ tìm bù trừ. Thực ra bao lâu còn sống, chúng ta luôn cần đến tình thương. Các nguyên tắc này, vốn có giá trị cho tất cả mọi tu sĩ, được áp dụng đặc biệt cho người trẻ và những người ở trong giai đoạn chuyển tiếp, mặc dầu những người đứng tuổi hơn thường cũng cảm được cái ích lợi của phương pháp tích cực và những sự nâng đỡ này.

Tình yêu, tâm tình thứ nhất

Theo thánh Tôma, tình yêu là một cảm xúc trụ cột, và một cách nào đó mọi tình cảm khác đều bắt nguồn từ đó. Các nhu cầu có liên quan đến tình yêu thật khẩn thiết đến độ nếu không có một cấp độ thích ứng cần thiết nào đó trong lãnh vực yêu thương, thì một tu sĩ không có khả năng tiến xa trên đường thiêng liêng. Trong đời sống tu trì, sự thương mến phải được biểu lộ cách khác hơn là giữa những thân bằng quyến thuộc, nhưng vẫn cần phải có những tương giao thân thiện. Tình yêu siêu nhiên đòi hỏi một cơ cấu tự nhiên như nền móng. Nhiều khi các tu sĩ trẻ được huấn luyện quá tiêu cực về các tương quan giữa nhau và với người đời, nên tưởng cần phải biểu lộ những cung cách giả tạo, đầy màu sắc biệt phái. Thật đáng buồn khi muốn giản lược sự hồn nhiên và nhiệt tình của tuổi xuân vào những cử chỉ cứng nhắc, tính toán. Cách chung, nhu cầu được yêu thương không được thấu hiểu trong đời sống cộng đồng. Người ta nhắc đi nhắc lại cho các tu sĩ là phải giữ gìn, nhưng ít khi họ được chỉ dạy những cách thức cư xử hữu ích theo những tương quan tự nhiên nhưng vẫn phù hợp với bậc sống của mình.

Một cách biểu lộ tình thương sâu đậm nhất là biết cho thì giờ và sự chú ý của mình. Thái độ tích cực chú ý đến việc xin phép của một người dưới hay lắng tai nghe những chuyện thất vọng nho nhỏ của họ, là dấu hiệu yêu thương nơi một bề trên. Nếu bề trên không chú ý nghe, hay làm việc khác, hoặc đọc báo, thì đã từ chối sự chú ý đầy đủ và cũng là dấu hiệu tình thương, mà bề dưới rất nhạy cảm. Điều này cũng đúng khi các tu sĩ mang một thứ ngờ vực nào đó đối với bề trên cũng như học trò đối với thầy mình. Họ coi bề trên như một cái máy tự động phân phát các việc cho phép và sửa dạy. Hình như có một số người không bao giờ nghĩ rằng, để làm trọn nhiệm vụ mình, bề trên cũng cần cảm thấy tình thương của cộng đồng mình. Nguyên một việc nói với bề trên cách lịch sự và tự nhiên, chẳng hạn đã là một bằng chứng tình thương đối với vị ấy.

Bác ái hằng ngày

Một sự quan tâm hồn nhiên đến những vui buồn của bạn hữu và bề trên là một cách thức trưởng thành và hữu ích để biểu lộ lòng yêu thương trong đời sống cộng đồng. Tìm hiểu công việc của kẻ khác cách khả ái, kín đáo thăm hỏi sức khỏe của họ, bạn bè, gia đình của họ, những lo âu và niềm vui của họ, đó là những cái dễ thương nho nhỏ nhưng cũng làm vui lòng giống như những bằng chứng thiện cảm – thư từ, bông hoa, quà bánh – được lưu dụng giữa người đời.

Mặc dầu những điều này xem ra hiển nhiên, nhưng lại là điều dễ bị quên nhất, trong đời sống chung. Người ta rất dễ nhận thấy cái hay cái đẹp của các phương thế này nhưng ít ai hiểu rằng việc quảng đại trong thời giờ và chú ý là một cách đáp ứng nhu cầu căn bản nhất của con người. Người ta có thể nghĩ rằng những sự thiếu bác ái nhỏ mọn này thật không đáng kể! Có lẽ điều ấy đúng về phương diện luân lý, nhưng trên bình diện tâm lý thì chắc chắn không. Những điều xem ra vụn vặt này lại là những biểu hiện hùng hồn nhất của đức ái sâu thẳm trong một cộng đồng.

Cũng là một dấu hiệu bác ái khi chúng ta thành thật tán thưởng kẻ khác, khi đồng ý với họ, thay vì biểu lộ sự hững hờ nào đó. Nếu không đồng ý thì cũng có cách chú ý khác hơn là thái độ khinh khỉnh. Lưu ý đến kẻ khác, lắng nghe một người kể chuyện cũng là một cách thiết thực để duy trì sự thân tình trong một nhóm.

Cũng như thói tích trữ cho mình chứng tỏ một sự thiếu vắng yêu thương, thì ngược lại, thích chia sẻ là dấu hiệu của một cộng đồng hướng về đức ái. Nơi một cộng đồng mà tinh thần nghèo khó trở thành tính hà tiện, nơi mà các tu sĩ đa số quên mất niềm vui chia sẻ, nơi đó thói tích trữ chắc chắn sẽ lớn dần. Người ta cất giấu đủ thứ để rồi nhiều khi chúng phải hư đi một cách vô ích. Khi thiếu thốn, thì đề phòng chết đói. Khi có dư đầy trong kho lẫm, thì các tu sĩ sẽ tìm cách tích trữ trong phòng mình. Rồi từ đó nảy sinh tật bám víu vào những của cải đồ đạc. Để chống lại khuynh hướng này, một phương thế tốt đẹp nhất là giúp các tu sĩ biết thông chia cho nhau, không những của cải vật dụng mà cả ý kiến và kinh nghiệm của mình.

Ai yêu cách đích thực cũng dễ dàng đoán biết được nhu cầu kẻ khác. Nhớ đến ngày sinh nhật hay một biến cố vô nghĩa nào đó là một dấu hiệu quan tâm đích thực. Cũng như người ta lấy làm hãnh diện khi kẻ khác nhớ tên mình và nhớ mặt mình, cũng thế, người ta thích có người nhớ đến những điều liên hệ đến mình. Một đời sống cộng đồng tốt đẹp được dệt bằng những sự việc nho nhỏ, những sự chú ý cỏn con, nhưng mang nhiều ý nghĩa.

Thiếu tình thương

Người tu sĩ bị mất mát quá nhiều trong tình thương có khuynh hướng chiếm hết thì giờ và chú ý của kẻ khác. Sự đòi hỏi này biểu lộ một tình trạng bần cùng hóa, tàn tích của những nhu cầu ấu trĩ chưa được thỏa mãn hay những sự thất đoạt vào lúc khởi đầu của đời sống tu trì. Những tu sĩ bị thất đoạt về đời sống yêu thương, thường tìm đủ mọi cách để lôi kéo sự chú ý của bề trên. Nhiều khi bề trên có thể sử dụng những nhu cầu và đòi hỏi của các tu sĩ này cách hữu ích. Nhưng phải tránh nhờ họ giúp những dịch vụ cá nhân. Trở thành kẻ chịu ơn, bề trên sẽ làm dịp cho họ gia tăng những đòi hỏi có tính cách khống chế. Bề trên có bổn phận phải lưu tâm đến tất cả mọi người dưới quyền mình. Nếu có một người nào quá lệ thuộc vào mình thì rất thiệt hại cho nhiệm vụ. Tốt hơn là tìm dịp cho những người như thế được làm những công việc hữu ích cho toàn thể cộng đồng. Nhiều khi bề trên có thể khích lệ và nâng đỡ nhưng luôn luôn nhắm đến lợi ích của cộng đồng chứ không phải là cá nhân mình. Những cách biểu lộ ngoan ngoãn khác thường đối với bề trên thường là một hình thức van xin tình thương được che đậy. Nếu không lôi kéo được sự chú ý bằng những phương thế thông thường, người ta có thể dùng xảo kế. Trên bình diện tâm lý, sự quở mắng còn dễ chịu hơn là sự lãng quên.

Một xảo thuật thường được dùng đến để được chú ý là làm phiền hà. Phương thế ấu trĩ nhưng không phải ít thấy nơi những người lớn mà chưa được thỏa mãn về phương diện tình thương. Lắm khi bề trên phải biểu lộ yêu thương đối với những người kém sút nhiều hơn là những người hấp dẫn. Nhưng sự lưu tâm cá nhân này không được chiếm hết thời giờ của mình đến độ làm phương hại đến tinh thần gia đình của cộng đồng.

Cách chung, tình thương giúp tu sĩ có những cung cách phù hợp với bậc sống của mình: sự quí chuộng và yêu mến cộng đồng, của cải cũng như quyền lợi của cộng đồng.

Nhu cầu được chấp nhận mật thiết gắn liền với nhu cầu được yêu thương, nhưng được biểu lộ cách khác. Sự chấp nhận là một thái độ tinh thần vốn thường được biểu lộ mà không cần lời nói. Chúng ta chứng tỏ sự chấp nhận đối với các tu sĩ trẻ tuổi bằng cách tỏ ra khoan dung thông cảm trước sự yếu đuối và sự vui đùa ồn ào của họ. Người đứng tuổi thường hay khó chịu về những sự rộn ràng của tuổi trẻ và khi biểu lộ sự bực dọc thì cũng bày tỏ sự khước từ đối với họ. Ngược lại, “chấp nhận” các tu sĩ lớn tuổi là lắng nghe những câu chuyện bất tận mà họ kể về quá khứ của mình, là mất thời giờ để nói chuyện với họ và thông cảm với những khổ đau của họ.

Kiểm tra tương tự

Giới thiệu sách mới: VÂNG PHỤC TRONG ĐỜI TU – MỘT ĐÓNG GÓP CỦA LINH ĐẠO I-NHÃ

Sự vâng phục là một trong ba lời khấn mà các tu sĩ phải tuân …

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *