Gần đến lễ Vượt Qua của người Do-thái, Đức Giê-su lên thành Giê-ru-sa-lem. Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Người nói với những kẻ bán bồ câu: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.” Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân.
Người Do-thái hỏi Đức Giê-su: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?” Đức Giê-su đáp: “Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại.” Người Do-thái nói: “Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao?” Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người. Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, Họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giê-su đã nói.
SUY NIỆM
Chúa Giê-su đã tức giận. Ngài lấy dây làm roi mà xua đuổi những người đổi tiền ra khỏi Đền Thờ và Ngài lật nhào bàn ghế của họ mà khiển trách: “Đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.”
Ở đây có một điểm mà chúng ta phải hiểu đó là cách Chúa Giê-su “nổi giận”. Thông thường khi nói đến sự tức giận, chúng ta ngầm hiểu đó là sự tức giận nằm ngoài tầm khống chế, hay nói chính xác là chúng ta bị sự tức giận khống chế. Đó là sự mất kiểm soát và là một tội. Nhưng đó không phải là “sự tức giận” của Chúa Giê-su.
Chúng ta phải cực kì cẩn thận, không so sánh “sự tức giận” của Chúa Giê-su như là sự tức giận bình thường theo kinh nghiệm của chúng ta. Đó là cảm xúc của Ngài nhưng lại khác với những gì chúng ta từng trải qua.
Chính tình yêu dành cho những kẻ tội lỗi và ước muốn về sự ăn năn của họ đã dẫn đến cảm xúc mạnh mẽ của Ngài. Sự giận dữ của Ngài hướng trực tiếp vào tội lỗi mà họ đang mải mê trong đó và Ngài chủ ý đánh vào con quỷ mà Ngài thấy. Biểu hiện của Chúa Giêsu có thể khiến những ai chứng kiến bị sốc, nhưng trong tình huống như vậy thì đó lại là cách hiệu quả nhất để Ngài kêu gọi họ sám hối ăn năn.
Những khi chúng ta cảm thấy mình bị cám dỗ bởi cơn giận dữ, hãy cẩn thận! Chúng ta sẽ rất dễ lấy ví dụ của Chúa Giê-su để biện minh cho sự mất kiểm soát của mình và lấn sâu vào tội lỗi của giận dữ. Sự giận dữ chính đáng, như Chúa Giê-su đã biểu lộ, luôn mang lại cảm giác của sự bình an và tình yêu cho những người bị khiển trách, cùng với lòng sẵn sàng tha thứ ngay khi đối phương có lòng ăn năn cách chân thành.
Hôm nay, bạn hãy suy ngẫm về sự giận dữ chính đáng mà Chúa đã đặt để nơi trái tim bạn. Hãy cẩn trọng phân định các cơn giận dữ của bản thân một cách chính xác. Đừng để sự mất kiểm soát bởi cơn giận dữ lừa gạt bạn. Thay vào đó, bạn hãy nghiệm xem tình yêu Thiên Chúa dành cho bạn, và để tình yêu ấy trở thành sức mạnh dẫn lối, để sự giận dữ của lòng thánh thiện trước tội lỗi dẫn dắt bạn hành động theo đường công chính.
Lạy Chúa, xin giúp con nuôi dưỡng trong trái tim sự tức giận thánh thiện và ngay thẳng mà Ngài mong muốn ở con. Xin giúp cho con nhận thức rõ điều gì là tội lỗi và điều gì là công chính. Xin cho cảm xúc này và mọi cảm xúc khác của con luôn hướng đến việc thực thi thánh ý của Ngài. Lạy Chúa Giê-su, con tín thác vào Chúa.
—//—-//—–
Biên dịch: Nhóm Bạn Đường Linh Thao
Nguồn: https://catholic-daily-reflections.com/2017/11/08/righteous-anger/