Nhắc nhau bảo vệ môi trường

Từ khi sống ở trời Âu, tôi mới nhận thức rõ hơn: Tại sao Châu Âu và người dân ở đây luôn ý thức bảo vệ môi trường? Họ được học, được tập và được nhắc nhở từ thuở đến trường. Lớn lên một chút, lời căn dặn ấy trở thành thói quen. Đó còn là cách hành xử của người lịch sự. Điều này quan trọng, vì khi bước vào xã hội, môi trường kinh tế, kinh doanh sản xuất và trong mọi lãnh vực, họ thường ý thức môi trường xanh sạch là xu thế toàn cầu. Bởi đó, những sản phẩm thân thiện với thiên nhiên, những công ty ít tác động đến môi trường thường được nhà nước và người dân ủng hộ. Hơn nữa, từ khi Giáo Hội Công Giáo ban hành Tông Huấn Laudato si’”, người ta lại càng nhắc nhau bảo vệ môi trường hơn.

Đối với người Việt, có lẽ từ Latinh trên đây khá lạ lẫm. Nếu hiểu nghĩa nó, thì thử hỏi mấy ai nhắc nhau bảo vệ môi trường bằng cụm từ này? Dẫu sao, Laudato si’ có nghĩa là: Chúc tụng Thiên Chúa. Đó là tên chính của Tông Huấn được Đức Giáo Hoàng Phanxicô công bố ngày 18 tháng 6 năm 2015. Bên dưới Tông Huấn có phụ tựa: Chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta. Ngoài ra, Laudato si’ cũng gợi cho người đọc nhớ đến một vị thánh nổi tiếng thân thiện và luôn chăm sóc thiên nhiên: Thánh Phanxicô Assisi. Chẳng hạn bài ca về Thiên Nhiên nổi tiếng của ngài âm vang: “Chúc tụng Chúa, lạy Thiên Chúa của con, ngang qua người Chị của chúng con, Mẹ Trái Đất, là người duôi dưỡng và điều hành chúng con, và là người sản sinh ra nhiều hoa trái khác nhau với nhiều loại hoa muôn sắc và cỏ cây.” (Laudato si’ số 1).

Tôi không muốn đi vào nội dung Tông Huấn, vì chúng ta có thể dễ dàng tìm đọc bản Tiếng Việt trên Internet hoặc trong sách. Ở đây, điều thú vị là nếu chúng ta nhắc nhở nhau bảo vệ môi trường, thì ngôi nhà chung Việt Nam của chúng ta sẽ tốt hơn nhiều. Sẽ là thoái lui nếu cứ mang thành kiến: nhắc nhau thì được gì, quan trọng là làm. Đúng vậy! Nhưng trước khi hành động, người ta cần ý thức và nhắc nhau về một vấn nạn khủng hoảng môi trường đang xảy ra. Từ đó chính người nhắc cũng có thêm động lực để bảo vệ môi trường nơi những điều cụ thể. Hãy tưởng tượng từ thuở học sinh, các em được thầy cô dạy bảo, nhắc nhở và tập cho những việc làm nho nhỏ bảo vệ thiên nhiên; từ từ các em sẽ có thói quen gìn giữ ngôi nhà chung của chúng ta. Đúng là thà thắp lên một ngọn nến còn hơn ngồi đó nguyền rủa bóng đêm. Bắt đầu từ suy nghĩ, từ bản thân và từ gia đình!

Chắc có người cho rằng nhắc nhau như thế cũng chẳng đi đến đâu, bởi môi trường thiên nhiên ở Việt Nam hiện quá ô nhiễm. Các thông tin báo chí thường đưa tin đây đó ô nhiễm nguồn nước, không khí và thực phẩm. Vì các dự án, nhiều hàng cây xanh bị chặt hạ, nhiều cánh rừng biến mất. Vì nhiều tư lợi, các công ty ô nhiễm vẫn ngang nhiên hoạt động, xả thải. Hoặc chính mỗi người cũng cảm thấy môi trường bị ô nhiễm đang bào mòn sức sống người Việt. Nhiều người đùn đẩy trách nhiệm ấy cho nhà nước. Bởi, để giải quyết vấn đề này cần mang tầm mức quốc gia. Điều ấy đúng! Nhưng thực tế mỗi người, mỗi gia đình cũng có thể làm được chút nào đó góp phần bảo vệ môi trường. “Hãy cùng nhau Laudato si’!”

Tại nhiều nước tiên tiến, người ta đánh giá mức độ văn minh của một người khi nhìn vào cách người ấy đối xử với môi trường như thế nào. Xả rác bừa bãi dĩ nhiên là một người bất lịch sự. (Có khi trong lời nói cũng đầy rác thải). Gây tổn hại đến thiên nhiên, nơi công ích cũng là người thiếu văn minh. Lãng phí khi sử dụng đồ ăn, thức uống cũng là người chưa văn hóa. Vài ví dụ ấy cho thấy cung cách sống thân thiện với thiên nhiên là xu hướng đang được người ta để tâm tập tành. Có thể ý tưởng này chưa phổ biến ở Việt Nam, nhưng đã đến lúc trẻ em cần được dạy bảo, người lớn cần sửa đổi, nếu thấy mình đang “có lỗi” với thiên nhiên.

Khi nhắc nhau bảo vệ môi trường, chúng ta cũng tránh được thái độ thờ ơ với người khác và thiên nhiên. Tôi nhớ nhiều lần chúng bạn (có khi cả chính tôi) nói rằng: người ta có bảo vệ thiên nhiên đâu, nên tôi cũng chẳng cần làm. “Ai làm sao, tôi làm vậy” không còn hợp thời nữa! Nhất là trong khi chung sống với Mẹ Thiên Nhiên, nhiều người làm sai, nhưng tôi hẳn là không muốn đi vào lối mòn ấy. Nói thì dễ, nhưng để thay đổi không phải một sớm một chiều. Tuy vậy, cần nhắc nhau, cần nói trên phương tiện truyền thông, cần bàn trong những kế hoạch dự án, cần tạo nên làn sóng bảo vệ môi trường. Khi đó, nhân loại, cách riêng là người Việt, mới có hy vọng được hít thở bầu không khí trong lành, được sử dụng nguồn nước trong sạch và môi trường sống xanh tươi.

Nếu người Việt ngả mũ khen nước Nhật là văn minh, phát triển và xanh sạch, thì chúng ta nhớ họ đã từng nhắc nhở nhau bảo vệ môi trường. Họ đã từng là nước ô nhiễm trầm trọng, nhất là sau hai cuộc thế chiến. Tuy nhiên, ngoài chính sách vĩ mô, tại Nhật “có hàng nghìn tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực môi trường, hàng trăm tờ báo chuyên về môi trường, về xử lý chất thải và bảo tồn đa dạng sinh học. Khắp nơi đâu đâu cũng có các thông điệp về bảo vệ môi trường, tràn ngập trên các dãy phố, trên mọi phương tiện thông tin đại chúng, tác động vào nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân Nhật Bản về tình yêu đối với môi trường và cuộc sống, vì một màu xanh cho thế hệ mai sau.[1] Ngoài ra, giáo dục về vấn đề này ở trường lớp cũng nằm trong chính sách của cả nước Nhật. Nếu người Việt cũng muốn hưởng môi trường sống như thế, mỗi người cần bắt đầu với việc nhắc nhau và chung tay làm những điều có thể.

Đó là ước mơ của mỗi người. Trước khi nói đến phát triển, làm giàu và tương lai, phải chăng môi trường nhiên nhiên, ngôi nhà chung vốn tác động trực tiếp đến sức khỏe của con người, lại không quan trọng hơn sao. Ước gì mỗi người tập nhắc cho em nhỏ, nhắc chính mình và bạn bè hãy yêu quý thiên nhiên. Từ đó, chúng ta tin rằng có rất nhiều ý tưởng, sáng kiến trong việc làm mới lại môi trường đang ô nhiễm này.

Tôi muốn kết thúc chủ đề này với lời nguyện thật đẹp của Tông Huấn Laudato si’ – Một lời cầu nguyện cho trái đất của chúng ta:

Lạy Thiên Chúa toàn năng,

Cha đang hiện diện trong toàn thể vũ trụ

và trong các loài thọ tạo nhỏ bé nhất của Cha.

Cha ôm lấy tất cả mọi sự đang hiện hữu

bằng sự dịu dàng của Cha.

Xin đổ tràn trên chúng con sức mạnh của tình yêu Cha,

để chúng con có thể bảo vệ sự sống và vẻ đẹp.

Xin đổ tràn đầy sự bình an trên chúng con,

để chúng con có thể sống như những anh chị em,

mà không làm hại một ai.

Ôi lạy Thiên Chúa của người nghèo, xin giúp chúng con

biết cứu người bị bỏ rơi và bị lãng quên của trái đất này,

vốn quá quý giá trước nhan thánh Cha.

….

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

[1]Xem thêm:  https://moitruong.net.vn/hoc-cach-nguoi-nhat-bao-ve-moi-truong-song/

Kiểm tra tương tự

Giới Truyền thông: Những người mang Hy Vọng và Sự Thật

  Nói về Năm Thánh của giới Truyền thông, diễn ra từ ngày 24 đến …

Thông điệp Truyền thông 2025: ‘Giải trừ vũ khí trong truyền thông’ để nuôi dưỡng niềm hy vọng và sự hiệp nhất

Nhân Ngày Thế giới Truyền thông, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố Thông điệp …

Một bình luận

  1. Một bài phân tích trời Âu và trời Ta khá sâu sắc, trong đó Cha cũng khéo léo đưa những luận điểm của văn hóa nước Nhật, Cảm ơn Cha rất nhiều.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *