Bởi “sĩ” nên “khổ”

Khi đau khổ, dường như than van là nhu cầu tự nhiên. Than van để cảm thấy bớt đau. Than van để người khác quan tâm. Than van để mong đau khổ sớm kết thúc. Than van để giãi bày tình cảnh. Cũng có khi than van vì chẳng biết làm gì hơn. Nhưng cũng thường xảy ra, khi nỗi khổ đau của mình không còn, mình quên luôn điều ấy, mình để cho kinh nghiệm khổ đau trôi vào dĩ vãng. Khi làm như thế, mình quên đi một phần quan trọng của đời mình, mình quên đi lòng biết ơn cần có, mình quên đi rằng hiện tại đang còn nhiều người khổ đau giống như mình đã từng nếm trải.

Khi khổ, mình muốn than, và nhiều khi mình nhận được những thái độ khó chịu từ người khác. Thế nhưng, khi sướng, mình cũng làm điều tương tự, mình thấy khó chịu khi người khác cứ than vãn hoài. Bởi thế mà lời vàng ngọc xưa nay vẫn văng vẳng mà chẳng bao giờ lỗi thời. Đó là một ước mơ thực tiễn mà khó làm. Người Việt mình nói: Thương người như thể thương thân. Kinh Thánh nói: Yêu người thân cận như chính mình. Thử điểm tên vài nỗi đau mà ai cũng từng nếm trải.

Đau đầu

Đau đầu rất dễ nhận thấy khi bị cảm sốt, hoặc khi phải suy nghĩ quá sức, có khi do những chứng bệnh. Có thể là đau khắp đầu. Đau râm ran. Vừa đau vừa nóng bừng bừng. Đau nửa đầu. Đau đỉnh đầu. Đau gáy, mỏi cổ. Đau như búa bổ. Đau đầu nhức óc… Có những cơn đau có thể được làm dịu hoặc được chữa lành nhờ thuốc, nhưng cũng có những loại đau kinh niên. Có những loại nặng hơn, và khó lòng có thuốc chữa. Ví như đau đến mức rối loạn trong chứng trầm cảm, tự kỷ, hoặc hoang tưởng v.v. Đó là mới chỉ kể một chút về những gì có thể thấy tỏ tường và trải nghiệm rất cụ thể trên phương diện thể lý.

Nói đến cái đầu, thường nghĩ ngay đến trí khôn, đến khả năng suy nghĩ. Sâu xa hơn khả năng suy nghĩ, có lẽ là nếp nghĩ. Sâu hơn nếp nghĩ có lẽ là những cách nhìn. Sâu hơn nữa, có lẽ là một cái nền ở đằng sau những suy nghĩ. Thế nhưng, nhiều người dễ quên một năng lực rất đáng quý của con người, đó là khả năng suy đi nghĩ lại, khả năng phản tỉnh, khả năng tự soi gương và nhận ra bản thân, khả năng sáng tạo, khả năng tự đổi mới. Theo truyền thống, chúng ta gọi đó là lương tâm. Ở nơi thâm cung này, tôi không thể tự lừa dối mình và người khác cũng không thể lừa dối tôi.

Nếu cứu chữa ở mọi phương diện mà quên đi lương tâm, thì hoặc là người ấy trở thành tàn phế, hoặc là trở thành một cỗ máy vô cùng nguy hiểm cho những kẻ vô lương tâm lợi dụng.

Đau răng

Khi đau đầu đã thấy khổ. Khi đau răng, có lúc còn cảm thấy khổ hơn nữa. Vì răng đau liên hệ trực tiếp đến dây thần kinh ở chân răng, và nối với dây thần kinh ở não bộ. Mỗi lần cơn đau đến là nhức răng và buốt óc. Từng cơn đau cứ kéo đến và giật mạnh. Cảm giác không chỉ là như búa đập bên ngoài đầu, mà dường như có cái kim châm vào tận bên trong. Cơn đau có thể làm mất ngủ mất ăn.

Tôi có thể cảm thấy đau khủng khiếp như vừa diễn tả, là do sự kết nối hiệu quả của dây thần kinh từ nhiều hệ thống khác nhau, giữa răng với não bộ với cảm giác. Cảm thấy đau như thế, sẽ thúc giục tôi tìm cách chữa trị và khi chữa răng khỏe thì toàn thân sẽ khỏe. Nhưng nếu răng đau mà tôi không biết, tức là dây thần kinh kết nối không hoạt động, thì răng sẽ hư và việc ăn uống và nhiều điều khác sẽ bị ảnh hưởng.

Bác sĩ có thể cho uống thuốc hoặc tiêm thuốc giảm đau, để tạm ngắt kết nối. Nhưng đây chỉ là cách giải quyết tình thế mà thôi. Cội nguồn là phải chữa răng. Tiếc rằng, ngày nay trong cuộc sống, người ta lại quá chuộng những loại giảm đau, những loại kích thích. Những loại này hoặc cắt đứt các kết nối, hoặc gây ra cảm giác không thực cho các kết nối. Và hậu quả là ai cũng thấy, vấn đề ngọn nguồn không được chữa trị. Người có răng đau mà sống như thể răng không đau. Đến lúc răng hư và hư người, người ta cũng không biết là tại sao nữa. Bởi lẽ người ta đã quá lạm dụng đủ loại hóa chất và thủ thuật tâm lý để cắt bỏ hoặc làm tê liệt hệ thống kết nối: kết nối giữa các hệ thần kinh trong chính bản thân, kết nối với người khác, và kết nối với Trời cao.

Đau mắt và đau tim

Có hai loại đau cũng thường gặp là đau mắt và đau tim. Người viết không bàn nhiều ở đây, mời bạn tự viết tiếp cho chính mình và cho người thân. Chỉ biết rằng, mắt người ta hình như càng ngày càng phụ thuộc vào nhiều thứ kính đeo và máy móc. Ngày càng có nhiều người dán mắt vào đủ loại phức tạp. Làm cho tầm nhìn không biết là tầm nào nữa. Tim người ta hình như càng ngày càng yếu trong cảm nhận cũng như khả năng chịu đựng và đón nhận.

Bệnh sĩ chết trước bệnh tim

Còn nhiều thật nhiều nỗi đau khác chưa kể tới. Đó là những nỗi đau nơi chính mình, nơi người khác, nơi tình người. Nhưng một căn bệnh mà xưa nay vẫn thế, vẫn có vẫn tệ và hầu như ai cũng thích mắc. Đó là bệnh sĩ, sĩ diện, hư hanh, háo danh, ham danh, đeo mặt nạ. Dù vẫn biết là bệnh sĩ chết trước bệnh tim, nhưng mỗi người thường muốn một chút gì đó là mang danh.

Thầy Giêsu có cách điều trị căn bệnh này. Đó là con đường từ bỏ chính mình, là coi người khác trọng hơn mình, là vác thập giá mình, vác chính những sai lỗi và bất toàn của bản thân, đón nhận tất cả những điều ấy hằng ngày mà bước theo Thầy. Chẳng có mấy ai theo! Nhưng nếu ai theo thì thật là có phúc! Vì khi chữa được bệnh sĩ, người ta bắt đầu sống thật và vươn lên như diều gặp gió. Đó là sự chuyển mình vĩ đại của bậc thánh nhân.

Tứ Quyết SJ

Kiểm tra tương tự

Cuốn sách cảm động về một người tị nạn được giới thiệu bởi Đức Giáo hoàng Phanxicô

‘Little Brother: A Refugee’s Odyssey’ – ‘Người em bé nhỏ: Cuộc phiêu lưu của người …

Hành động vì Mẹ Đất: Nhà Chúa và Nhà Chùa cùng chung tay

Sát ngay bên tôi là nhà thờ, ngôi nhà chung xứ tôi. Xa kia là …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *