Chúng ta có thật lòng tha thứ

Rullekake

Một nỗi đau dằn xé tâm can, một bất hạnh chẳng thể nguôi ngoai, một sự tàn nhẫn trong cách đối xử… dường như là những điều được in sâu vào lòng chúng ta đến độ khi nhắc đến nó; lòng chúng ta lại trào dâng những cảm xúc, những đau khổ, những hận thù chẳng thể tha thứ được cho những đối tượng đã gây ra cho chúng ta. Đã bao nhiêu lần, chúng ta tự nhủ với lòng mình hãy cố gắng quên đi và tha thứ! Thế nhưng, chúng ta đã chẳng thể quên, càng chẳng thể tha thứ! Tha thứ vô tình trở nên một cái gì đó thật cao vời, thật khó với tới, thật khó thực hiện! Một lần nữa, chúng ta lại được mời gọi chiêm ngắm Đức Giêsu, hình tượng của lòng xót thương và tha thứ, để rà xét lại tấm lòng của chính mình.

Quả thật, Đức Giêsu đã tha thứ mọi tội lỗi cho chúng ta chẳng phải vì Ngài muốn cho chúng ta chỉ thấy cái bên ngoài Ngài thực hiện, như một sự chứng tỏ uy quyền; nhưng là chính từ bên trong bản chất của Ngài hiển thị rõ nét chân dung của một Đấng giàu lòng thương xót. Sự tha thứ của Thiên Chúa không bao giờ tồn tại bất cứ một hình phạt nào, cho dẫu chúng ta cứ tái đi, tái lại tội lỗi của mình. Có nhiều người cho rằng họ phải đón nhận một đau khổ hay một bất hạnh nào đó là do sự trừng phạt của Thiên Chúa trước những việc họ đã làm. Sự nhận định này hoàn toàn sai lầm! Đau khổ hay bất hạnh là cách mà Thiên Chúa sửa dạy hay giúp chúng ta nhận ra lỗi lầm của mình. Thường thì chúng ta rất hay quên những gì chúng ta đã từng gây ra cho người khác, khiến họ phải bất hạnh như thế nào. Trái lại, khi người khác làm một điều gì đó mà chúng ta không hài lòng hay cảm thấy buồn bực, thì chúng ta chẳng thể nào quên. Nó cắm sâu và mọc rễ trong lòng chúng ta, đến độ chỉ cần nhắc đến đối tượng ấy, thì lòng chúng ta chẳng thể tha thứ được. Đó là lý do vì sao chúng ta không thể sống tinh thần tha thứ dù rằng môi miệng chúng ta vẫn thốt lên những lời tha thứ!

Không ai trong chúng ta dám khẳng định rằng: Tha thứ là điều dễ làm! Cũng không ai thấy rằng: Không thể thực hiện việc tha thứ! Như vậy, nếu chúng ta thật lòng với Chúa và với tha nhân, việc tha thứ đều có thể thực hiện được. Nghĩa là trước mặt Thiên Chúa, chúng ta nhìn nhận những người đã từng làm ta đau khổ ấy là ai. Trước mặt những con người ấy, chúng ta có nhận ra sự hiện hữu của Thiên Chúa hay không. Có thể nói hai sự nhìn nhận này là yếu tố quyết định hành động tha thứ của chúng ta.

Hãy nhìn nhận những con người ấy với tất cả sự cảm thông, với tất cả những hoàn cảnh khó khăn, với tất cả những lý do đưa đẩy người ấy đến những hành động ảnh hưởng đến chúng ta; để chúng ta được đọng lại trong mình một sự xót thương thật sự. Đôi lúc, chúng ta cũng hãy thử đặt mình trong hoàn cảnh của những người ấy, để xét xem chúng ta có hành xử tốt hơn họ không. Một khi lòng chúng ta thật sự có một chút xao xuyến hay một chút cảm thương, chúng ta sẽ dễ dàng đón nhận họ và tha thứ cho họ. Thật ra, việc này không dễ thực hiện nếu chúng ta không có những giờ phút nhìn lại những hành động của Đức Giêsu. Những hành động ấy càng đánh động tâm hồn chúng ta bao nhiêu, thì chúng ta càng cảm nhận sâu xa bấy nhiêu về sự tha thứ. Nhìn lên Đức Giêsu, rồi nhìn lại chính mình; chúng ta hãy ngẫm nghĩ xem đã bao nhiêu lần chúng ta đón nhận được sự tha thứ của Thiên Chúa. Sau mỗi lần được tha thứ ấy, chúng ta lại còn được đón nhận biết bao ơn lành của Ngài để vững bước trong hành trình kế tiếp. Chính nhờ những ơn đó mà chúng ta mới có thể lướt thắng mọi cám dỗ và xúi giục của ma quỷ. Những ơn lành ấy chỉ sinh hoa trái khi chúng ta cũng biết tha thứ cho anh em. Thù hận hay oán ghét là điều mà ma quỷ rất thích. Chúng sẽ cười hả hê khi thấy chúng ta luôn nuôi trong mình sự thù hận và oán ghét. Chúng ta đừng dại gì để cho ma quỷ thắng trận. Chúng ta hãy biết giành chiến thắng bằng sự tha thứ của mình.

Tha thứ nhiều thì sẽ được yêu nhiều! Tha thứ nhiều thì sẽ được bù đắp nhiều! Xin Thiên Chúa giúp chúng ta luôn biết học và thực thi việc tha thứ như là cách để chúng ta thực thi lòng thương xót mà Chúa hằng mong muốn.

Therese Trần Thị Kim Thoa

   

Kiểm tra tương tự

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

“Thế giới hôm nay cần những người cam kết trọn vẹn”

  Ngày 31/07/2022, Phụng vụ Giáo Hội mừng lễ thánh Inhã thành Loyola. Loyola không …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *