Được sinh đến trong đời lẽ ra phải là một niềm vui nhưng con người lại chào đời bằng tiếng khóc thay vì tiếng cười. Đó là khởi điểm của cuộc vật lộn không ngừng nghỉ trong suốt đời sống mình. Trong cuộc vận lộn cam go ấy, con người luôn trăn trở: Tôi là ai? Con người là gì? Đâu là ý nghĩa của đời sống làm người? Đó là những câu hỏi con người cưu mang trong cuộc vật lộn qua mọi thời. Bài viết trước hết trình bày cuộc vật lộn của con người được phác thảo bởi một vài tư tưởng rải rác từ cổ đến kim. Sau đó sẽ hình dung ra hình ảnh con người được khắc họa ra sao trên phông nền ấy.
Trong xã hội Hy Lạp cổ, con người vật lộn trong các mối tương quan. Nơi đó con người được Protagoras xem là “thước đo vận vật” trong khi tiền bạc lại có thể trở thành thước đo nhân phẩm vì các nhà ngụy biện có khuynh hướng dùng khả năng hùng biện để chuộc lợi bất chấp vi phạm đạo đức. Trong bối cảnh ấy, Socrates tin rằng khả năng chất vấn của lý trí con người có thể giúp phân biệt đúng sai, tìm ra chân lý và sống đức độ. Phương châm của ông: “Đời sống không có kiểm thảo là đời sống không đáng sống.”[1] Giống như thầy mình, Plato cho thấy cuộc vật lộn giữa giá trị thật và giá trị giả nơi thế giới đích thực trường tồn của Forms được sánh ví như ở ngoài hang và thế giới sự vật mau qua như ở trong hang. Cũng thế theo Aristotle, cuộc vận lộn giữa nhân đức và nết xấu là không thể tránh khỏi hầu mong con người có thể đạt tới cùng đích của mình là hạnh phúc, “vì đối với Aristotle hạnh phúc, hay đời sống tốt đẹp, được ăn sâu trong nhân đức.”[2]
Trong khi đó ở Đông Phương, đời sống con người cũng là cuộc vật lộn liên lỉ. Dân Do Thái trong sa mạc vật lộn với Thiên Chúa trong tương quan thưởng phạt dựa trên việc trung tín giữ giao ước Sinai.[3] Đối với Ấn giáo, cuộc vật lộn đó không phải là với tội lỗi nhưng là với việc bị loại khỏi giai tầng (the outcastes) và với đau khổ hầu được giải thoát nhờ Yoga.[4] Điều tương tự xảy ra trong Phật giáo, con người sống trong cuộc vật lộn giữa dục vọng và đau khổ để mong đạt được Bát Chánh Đạo, đến được với cõi Niết Bàn hầu không còn Luân Hồi, không còn đau khổ.[5] Khổng Giáo nói đến cuộc vật lộn giữa thiện tâm là nguồn gốc mọi đức tính (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, và Tín) và tính ác do bởi dục vọng và bản năng nơi con người.[6]
Theo Kitô giáo, con người là đối tượng của tình yêu thương cứu chuộc của Con Thiên Chúa Làm Người và được mời gọi trở nên tác nhân của tình yêu. Chúa Giêsu nhắn nhủ các môn đệ: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.”[7] Ngài cũng dạy họ: “Anh em đã được cho không thì cũng hãy cho không.”[8] Do vậy, con người bước vào cuộc vật lộn giữa lãnh nhận và trao ban tình yêu. Augustine cụ thể hóa điều ấy nơi mối tương quan giữa tội lỗi và ân sủng.[9] Trong cuộc vật lộn này, tình yêu giúp con người biết sử dụng hữu hiệu ân sủng để đi đến cuối đường tức là khi con người tìm về khởi nguyên và cùng đích của mình. “Chúa đã tạo dựng chúng con cho Chúa, nên tâm hồn chúng con khắc khoải không ngừng cho tới khi được nghỉ yên trong Chúa.”[10]
Với Descartes đó là cuộc vận lộn giữa tính khả tín và khả thể đáng hoài nghi của thực tại nơi phương pháp hoài nghi có hệ thống. Với Kant là cuộc vật lộn giữa luật luân lý, mệnh lệnh tuyệt đối và tự do. “Con người vì là hiện hữu có lý tính, được thừa hưởng phẩm giá ngang qua lý trí và vì thế có thể biết luật luân lý.”[11] Còn với Darwin, con người trong cuộc vận lộn trong cuộc chiến sinh tồn với thiên nhiên qua chọn lọc tự nhiên của thuyết tiến hóa. Con người không gì khác hơn một loài vật có khả năng thích nghi cao nhất với môi trường sống.[12]
Qua hai cuộc đại chiến thế giới, con người phải vật lộn với ý nghĩa và phẩm giá của mình. Phải chăng chỉ có những giống người ưu tuyển mới đáng được sống và phát triển, còn những giống người khác đáng phải bị khai trừ, diệt chủng? Đâu là tiêu chuẩn để đánh giá tính ưu tuyển ấy? Ai có thẩm quyền để quyết định các tiêu chuẩn? Phải chăng là Hitler hay một kẻ nào đó? Với thời buổi kinh tế thị trường, dường như hiệu quả kinh tế và năng xuất lao động là tiêu chuẩn để đánh giá con người. Ở nhà rộng đẹp, ăn đồ cao cấp, xài hàng hiệu, tiêu tiền triệu, … đời sống như thế sẽ ra sao? Không chốn ở, chẳng của ăn, mặc không đủ ấm, sống không biết đến ngày mai, … đời sống như thế là thế nào? Đâu là mục đích của lao động? Khi vật chất (hàng hoá và tiền bạc) được đặt lên hàng đầu, con người phải chăng chỉ còn là phương tiện để có được chúng? Con người cần ăn để sống và rồi sống …chỉ để ăn?
Trong cuộc vật lộn khôn ngừng nghỉ ấy, đâu là hình ảnh của con người? Phải chăng con người là động vật có xã hội tính, biết chia sẻ thông tin, phân công lao động? Loài vật không có khả năng này chăng, đặc biệt là các loài có đời sống tập thể như ong, kiến hay mối? Chúng có thể thông tin cho nhau về nguồn nguồn thức ăn,về nguy hiểm… Hơn nữa chúng còn có sự phân công lao động. Như thế khả năng thông tin và lao động không phải là yếu tố căn cốt giúp phân biệt người với động vật, dẫu có mức độ khác nhau nơi con người và động vật về các khả năng này.
Con người nổi lên như là loài có lý trí? Con người có lý trí và có kiến thức. Điều này trước đây có thể là nét biệt loại của con người. Thế nhưng, đến thời đại của trí thông minh nhân tạo thì không. Bởi vì một rô bốt thông minh có thể biết nhiều điều hơn và có thể là việc tri thức hiệu quả hơn con người. Nhưng phải chăng rô bốt và người cùng là một giống loài? Một rô bốt chỉ là một cỗ máy dù có thông minh đến đâu! Vậy đâu là căn tính của con người?
Con người nổi lên như một chủ thể ý thức về chính mình trong các mối tương quan. Ý thức rằng mình có lý trí[13] và với lý trí ấy con người biết mình. Biết mình có những nhu cầu vật chất, giới tính, cảm xúc, tâm lý và tâm linh. Biết mình sống trong những mối tương quan. Biết về những giá trị đạo đức. Biết chọn lựa để đạt được mục đích đời mình là sự hạnh phúc. Con người ấy phải là một người hành triết hơn là thuyết lý triết, “một người tốt nghịch thường, một người khiêm tốn, thông thái, tự chủ, can đảm, chân thật và thực sự quan tâm đến sự triển nở tốt đẹp của người khác.”[14] Con người ấy phải là người với các đức tính nhân-nghĩa-lễ-trí-tín. Con người ấy phải là người biết mình có tự do và có chọn lựa. Con người ấy biết rằng mình không thể sống một mình vì biết mình cần được yêu và có thể yêu. Con người như thế hẳn phải là con người luôn biết đặt câu hỏi để kiểm duyệt đời mình, “cân nhắc đời sống và luân lý, tốt và xấu”[15], biết mình đang sống và sống vì điều gì, vì như Socrates có nói “đời sống không có kiểm thảo là đời sống không đáng sống.”[16] Nói cách khác, con người ấy phải là con người biết ý thức về sự ý thức của mình.
Nếu ý thức về sự tự ý thức của mình là điểm biệt loại của con người, trẻ em chưa có được sự tự ý thức có phải là người? Còn người thiểu năng, bại não, hôn mê sâu thì sao? Theo Theo Plato, có thể nói những người này không có điều kiện đủ để nhớ lại những gì họ đã được đặt sẵn trong lý trí trước khi được sinh ra. Còn đối với Aristotle, họ có tiềm thể tự ý thức nhưng chưa thành thực thể. Do đó, họ vẫn là những con người nhưng trong tiềm thể chứ chưa là người với ý thức trọn vẹn.
Vậy, đâu là qui chiếu để xét một cá nhân là người? Phải chăng cứ được sinh ra bởi loài người thì là người? Vậy, những người được nhân bản, sinh ra trong phòng thí nghiệm có là người không? Phải chăng cứ có trí thông minh thì là người? Nếu thế một rô bốt thông minh được chế tạo có khác gì con người? Nếu chỉ là trí thông minh, phải chăng đỉnh điểm của tiến trình tiến hóa đến thời điểm này phải là loài trí thông minh nhân tạo hơn là loài người? Nếu chỉ là việc được sinh ra bởi giống loài, một cá nhân được tạo thành từ phương pháp nhân bản có phải là người?
Có lẽ con người vẫn còn trong cuộc vật lộn không ngừng để nắm được căn tính mình. Vì cho đến nay, con người được nhìn nhận dựa trên những gì đã biết, mà những gì đã biết thì có ngần có hạn. Hoá ra con người đang tự giới hạn chính mình trong những giới hạn trong khi con người được sinh ra để sống như con người là. Thế nhưng làm thế nào để con người thành ra như con người là?
Xét cho cùng, khả năng suy tư phản tỉnh về chính mình và về chính giống loài là điều kiện cần để con người biết mình khác với động vật vốn còn rất giới hạn về trí thông minh, biết mình không phải là một cỗ máy không hơn không kém dù thông minh xuất chúng. Chính khi sống theo những điều tự ý thức phản tỉnh về mình tỏ lộ, con người hội đủ điều kiện cần và đủ để biết mình là ai trong tương quan với chính mình, với đồng loại và với khác loại. Con người là một chủ thể tự phản tỉnh suy tư.
Phạm Văn Đoàn, S.J.
Học Viên Triết I
Học Viện Thánh Giuse, Dòng Tên
[1] Socrates nói trong Apology
[2] Louis P. Pojman, Who Are We? Theories of Human Nature (Oxford University Press, 2006), 66.70.
[3] Xem sách Xuất Hành, Giao Ước Xinai, (Xh 19;4-8)
[4] Louis P. Pojman, Who Are We?, 94.
[5] Louis P. Pojman, Who Are We?, 100.
[6] Ian B.McGreal, The Great Thinkers of The Eastern World (Harper Collins Publisher, Toronto, Canada, 1995), 17-19.208-209.
[7] Ga 13;34
[8] Mt 10;8
[9] Louis P. Pojman, Who Are We?, 81.
[10] Augustine, Autobiography, 1. “for Thou madest us for Thyself, and our heart is restless, until it repose in Thee” http://faculty.georgetown.edu/jod/augustine/Pusey/book01, ngày 23.08.2014.
[11] Louis P. Pojman, Who Are We?, 135.
[12] Louis P. Pojman, Who Are We?, 219.
[13] “Reason is the true self of every person.” (Aristotle, Nicomachian Ethics, I.7)
[14] Louis P. Pojman, Who Are We?, 32.
[15] Louis P. Pojman, Who Are We?, 32.
[16] Socrates, Apology