Dâng hiến sáng tạo (14)

III. NHỮNG MẦM MỐNG ẤU TRĨ

1. Vô thức và ý thức

Các tiến trình vô thức ảnh hưởng trên chúng ta nhiều hơn là chúng ta tưởng. Nhiều khi chúng giúp ta giải quyết vấn đề, nhiều khi chúng có thể ngăn cản việc tìm giải pháp đích thực cho các sự xung đột của ta.

Nhiều biến cố xa xưa hiện giờ bị quên lãng, kho tàng các kỷ niệm, cơ chế hoạt động hiện tại của những hành vi tâm linh thiếu suy nghĩ và ý thức, tất cả những thứ đó đồng thời cấu thành lãnh vực đời sống tâm thần của chúng ta, vốn được biết dưới danh hiệu vô thức. Khi cái vô thức này trở nên quá lớn và khi người ta cũng vô thức tìm đến những phương thế bù trừ không thích hợp để giải quyết các sự xung đột, thì hậu quả là những lược đồ tâm não phối tán* (disintegrating mental patterns/ schèmes mentaux désintégrants) có thể xuất hiện.

Cần phải phân biệt hai hạn từ thường bị lẫn lộn và hiểu lầm: tự chế (suppression /répression) và dồn nén hay ức chế (repression/ refoulement).

  • Tự chế là một hiện tượng ý thức, gồm có việc cố ý từ bỏ một vài tư tưởng hay hành động. Tất cả chúng ta đều phải học loại bỏ những cử chỉ hấp tấp, những phán đoán táo bạo và những tư tưởng xấu xa. Như khi học hành, có lúc chúng ta cần phải xua đuổi một vài tư tưởng đến quấy rầy công việc suy nghĩ của chúng ta. Tự chế có một đặc tính căn bản là ý thức và chủ động.
  • Dồn nén hay ức chế, trái lại, là một tiến trình vô thức nhằm loại bỏ các thực tại làm bực dọc, khó chịu mà ta không muốn có. Những người dồn nén, một cách vô ý thức và thường xuyên, lẩn tránh đương đầu với các vấn đề, lỗi phạm hay các thực tại khó chịu khác. Điều đó đã thành thói quen và vượt ra khỏi sự kiểm soát của ý thức. Những sự dồn nén luôn gia tăng và quá mức, có khuynh hướng làm tan rã cơ cấu nhân cách và làm xáo trộn tác phong trong lãnh vực tâm cảm. Những người dồn nén quá nhiều thì làm mồi cho các sự xáo trộn tâm thần và các xu hướng tâm bệnh hay điên loạn.

Một tu sĩ bị đè nặng dưới áp lực các sự dồn nén, mất hết mọi uyển chuyển trong thái độ đáp ứng. Các tương quan nhân loại của họ trở thành máy móc vì họ nhận thức mọi cảnh sống từ một khung quy chiếu duy nhất là chính những nhu cầu của họ. Trái lại, những tu sĩ được giải tỏa khỏi các sự dồn nén quá mức, thì rất uyển chuyển trong thái độ và có lối sống hòa hợp với con người và nơi chốn.

Người tu sĩ bị tâm bệnh, dồn nén, thường cứng nhắc trong suy nghĩ. Họ giải thích những gì xảy ra quanh họ và các hành vi của kẻ khác qua lăng kính của lòng họ. Họ phán đoán kẻ khác tùy theo cách thức người khác đụng chạm đến họ. Nếu kẻ khác đe dọa sự an ninh của họ, thì họ có khuynh hướng giải thích thái độ đó như không tốt và còn có thể lên án (dạy đời) nữa. Nếu họ nhận thấy chỉ có thể bảo đảm an ninh bằng cách thu về với chính mình, bằng sự thù hận hay bằng sự chống đối như một thứ trả thù tinh vi, thì họ càng trở nên cứng nhắc hơn. Người tu sĩ bị các dồn nén khống chế thường hành động theo các cảm nghĩ của mình; họ không thể nhìn nhận là cách thức “cảm nghĩ” của họ nhiều khi phải lệ thuộc “điều họ làm.”

Tóm tắt, các tự chế là những hành vi kiểm soát có ý thức trên tư tưởng và hành động. Ví dụ, một tu sĩ biết mình có tính hay nổi nóng bất thường, cố gắng không nói những lời giận dữ, thì người ấy trấn át một hành vi xấu một cách cố tình và ý thức. Nhưng, hạ giá các công việc của đồng bạn bằng những lời phê bình khiếm nhã, là một cách biểu lộ cho sự thiếu khả năng của chính mình bằng cách làm cho người khác thành kém cỏi như mình; đó là một cách dồn nén cái ý thức về sự yếu đuối của chính mình. Đó là một cách chạy trốn thực tại mà mình không ý thức cũng không thể kiểm soát, chứ không phải là một biểu dương sức mạnh được suy nghĩ và chọn lựa. Dồn nén tức là cho phép các yếu tố vô thức được thống trị. Không phải mọi thứ dồn nén đều xấu, nhưng khi chúng trở thành quá mức, thì chúng làm giảm sút sức mạnh của cơ cấu nhân cách.

Kiểm tra tương tự

Giới thiệu sách mới: VÂNG PHỤC TRONG ĐỜI TU – MỘT ĐÓNG GÓP CỦA LINH ĐẠO I-NHÃ

Sự vâng phục là một trong ba lời khấn mà các tu sĩ phải tuân …

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *