Duyên-Phận

Em thấy lo cho mấy đứa nhóc mới lớn mà đã cặp bồ, đi chơi riêng rồi chụp ảnh đăng phây, lại còn xưng hô vk vk ck ck với nhau ngọt xớt nữa chứ. Lúc bằng tuổi tụi nó không phải là em không biết yêu, không biết nhớ. Tuy nhiên hồi đó mến nhau chỉ là vài lá thư tay “vô tình” để quên trong hộc bàn; mỗi lần gặp nhau cũng chỉ dám liếc nhìn rồi về nhà tương tư thôi chứ đâu có dám hó hé gì.

Bố mẹ thấy có thằng trong xóm hàng ngày đứng trước cổng nhà chờ em đi học chung là đã nói xa nói gần, nào là tuổi này mà bỏ bê học hành là mất tương lai, nào là con gái con lứa mà không biết giữ mình để lỡ xảy ra chuyện gì là đuổi cổ ra khỏi nhà. Từ đó mỗi lần em ra khỏi nhà là bị tra khảo đầy đủ các thể loại câu hỏi: Đi đâu? Làm gì? Với ai? Mấy giờ về? Và nếu lỡ về trễ giờ báo cáo thì còn kinh khủng hơn nữa, như công an hỏi cung, phải trả lời đầy đủ đến từng chi tiết. Nghĩ lại mà buồn cười, bố mẹ cứ làm quá chứ hồi đó em có bao giờ dám nghĩ đến chuyện hẹn hò đâu, mến nhau thì để trong lòng vậy thôi. Ngay cả cái chuyện người ta bàn tán thằng con ông kia thích con nhỏ nhà này cũng đủ làm em đỏ mặt tía mày rồi, nói chi đến việc cặp kè với nhau.

Không biết thời thế thay đổi thế nào mà bây giờ khác xưa nhiều quá. Tuổi học sinh đem bạn trai bạn gái về nhà “ra mắt” với bố mẹ là chuyện bình thường. Thời của em làm gì có chuyện đó. Để được công khai đi lại với nhau thì phải tốn ít nhất một chai rượu mà một mâm trầu cau cho hai bên gia đình thưa chuyện. Đó là trường hợp hai đứa đã tới tuổi cưới vợ gả chồng, lúc còn đi học thì đừng hòng có chuyện đó. Có lần em góp ý với một gia đình nọ về chuyện con gái họ yêu đương rồi bỏ bê học hành. Thì ra họ biết rồi, mời thằng đó tới nhà ăn cơm và gia đình đã dặn dò hai đứa. Họ bảo nếu có cấm thì tụi nó cũng lén lút với nhau thôi, thà để cho nó công khai đi lại với nhau thì mình còn quản được phần nào. Còn về chuyện học hành của đứa bé, họ biết sẽ bị ảnh hưởng nhưng đành chấp nhận, con họ dại thì chịu vậy. Em thấy họ nói vậy tuy có lý mà cũng hơi vô lý, thôi mà không phải chuyện của em nên em cũng không để tâm làm gì cho mệt.

Nhìn những cặp vợ chồng trẻ, đúng hơn là vợ chồng nhỏ, mà em thấy ớn. Cả hai đứa đều nghỉ học sớm, một phần cũng bởi chuyện yêu đương. Chúng nó không có việc làm ổn định, lại còn ôm thêm đứa con nhỏ nữa. Tiếng là vợ là chồng mà cả hai đều còn con nít lắm, cãi vả giận hờn nhau suốt. Nếu không lỡ có bầu thì chưa chắc hai đứa đã muốn ở với nhau. Con bé còn quá trẻ để làm mẹ, mỗi lần con ốm đau là phải chạy qua nhà mẹ kêu cứu. Thằng chồng thì quá ham chơi, mong chờ nó đi làm nuôi cả gia đình gần như là điều không thể. Chỉ tội cho hai bên gia đình nội ngoại, con cái ra riêng rồi mà vẫn chưa yên tâm. Con dại cái mang, chịu khó cưu mang chúng nó và cả con cái chúng nó nữa, hy vọng có ngày nó lớn khôn. Sao mấy đứa này nó không nghĩ cho gia đình, cho bố mẹ nhỉ? Bằng tuổi tụi nó bây giờ em còn đang mài đít để cố gắng thi đỗ đại học, hoặc ít ra là phải học được cái nghề gì đó để nuôi sống bản thân và giúp đỡ gia đình. Trước khi lấy vợ lấy chồng thì cũng phải biết suy nghĩ xem mình sẽ làm gì để sống chứ. Tụi nhỏ bây giờ sống liều đến phát sợ.

Đó là trường hợp mấy đứa đã có gia đình, coi như tạm ổn. Còn mấy đứa lỡ làng mới đáng thương hơn. Yêu đương tự do công khai, nhiều khi bố mẹ cũng bất lực, không ngan cản gì được. Thôi thì mặc xác chúng mày, khôn sống mống chết. Khổ nỗi khôn thì ít mà mống thì nhiều. Mà tụi nó thì lấy đâu ra để khôn, hoặc đến khi khôn ra được thì cũng đã quá muộn màng. Ôm cái bụng bầu về nhà khóc thút thít, chịu mấy trận đòn nhừ tử, nghe đủ mọi lời sỉ nhục rồi cũng sẽ qua, điều còn lại là cả một tương lai dài phía trước mà em gái phải đối diện. Gia đình thằng kia không nhận thì cùng lắm bị nhà con bé chửi rủa, làng xóm cười chê. Nhưng ai mà trách mấy đứa con nít, thằng kia rồi cũng sẽ cưới vợ, còn con bé thì chịu tiếng cả đời. Em không hiểu vì sao con gái thời nay dễ dãi đến thế. Ngày xưa yêu đương em cũng mặn nồng lắm chứ, nhưng đụng tới cái ngàn vàng thì không bao giờ. Chuyện đó là phải để đến lúc thành vợ thành chồng.

Nghĩ về người ta mãi rồi em cũng nghĩ về cuộc đời mình. Nghe nhà nước khuyến khích lấy vợ lấy chồng trước 30 tuổi mà em thấy nhột nhột. Em đã ba mươi có lẻ rồi. Mà lấy ai? Ai lấy? Đâu phải muốn lấy là lấy đâu.

Nói đúng ra là em đã từng có nhiều người theo đuổi, nhưng ít có anh chàng em suy nghĩ nghiêm túc chuyện trăm năm với em. Nói người ta chơi qua đường cũng không đúng, phần lớn họ không đểu giả đến mức như vậy. Họ đến với em rất chân thành, chỉ có điều hoặc là từ phía em, hoặc là từ phía họ mà chưa có cuộc tình nào kéo dài cho đến bây giờ. Em không đẹp nhưng không đến nỗi xấu lắm để sợ bị ế. Gia đình cũng đã cố gắng tìm cho em vài mối, nhưng mà em thấy không hợp. Chuyện tình cảm phải để nó đến tự nhiên, còn vì sợ em không có chồng mà đem ghép đôi như thế này thì em không thích.

Nhiều lúc nghĩ đến chuyện cả đời không có chồng cũng làm em lo thật, nhưng biết làm thế nào bây giờ. Con trai bây giờ thích vợ trẻ chứ ai thèm để ý đến em. Những anh chàng lớn tuổi mà chưa vợ là hàng hiếm, hoặc là hâm hâm, hoặc là quá lý tưởng. Mấy thằng hâm hâm thì em không thèm lấy, mấy thằng lý tưởng thì lại chẳng muốn lấy em. Tóm lại là quá khó cho em. Thật ra là đã có một anh chàng đàng hoàng muốn kết hôn với em, và em cũng đồng ý, bất chấp chênh lệch tuổi tác vì anh ta nhỏ hơn em nhiều tuổi. Anh ta yêu em thật lòng nhưng phải chịu áp lực rất lớn từ gia đình. Cuối cùng em chấp nhận buông để anh ta được tự do, em không muốn người ta phải hy sinh vì mình như vậy.

Điều em cần là một mái ấm gia đình, vợ chồng hòa thuận yêu thương, chứ không phải lấy cho có chồng như người ta. Qua tương quan trong công việc và bạn bè, em biết có nhiều người muốn sống chung với em và sẽ chu cấp chu đáo cho em như một người vợ chính thức. Tuy nhiên, khi biết hoàn cảnh của người ta, em từ chối ngay. Em chưa cần chồng đến mức phải đi giật chồng của người ta hay phải cầu khẩn chia sẻ chút tình cảm được ban phát từ những người đã có vợ con đàng hoàng.

Bạn bè ngang lứa với em bây giờ con cái đã lớn khôn. Mỗi lần thấy mấy đứa nhỏ là bản năng làm mẹ lại trỗi dậy trong em. Em thầm ao ước có một đứa con, một đứa thôi cũng được. Đôi lúc em nghĩ đến chuyện làm mẹ đơn thân, nhưng nghĩ lại như vậy thì tội nghiệp cho đứa bé không có cha như con người ta. Thà rằng em chịu khổ một mình còn hơn là gây ra cái khổ cho một sinh linh vô tội khác.

Người ta vẫn gán cho những người như em là lỡ duyên và cho rằng đó là chuyện duyên phận. Đối với em điều đó chỉ đúng một phần. Đã là duyên thì không có chuyện lỡ làng gì cả, đơn giản vì đây là cuộc đời của em. Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh. Em thiếu cái này nhưng trời lại cho em cái khác, đó là duyên của riêng em. Người ta đôi lúc có duyên nên vợ nên chồng nhưng lại thiếu cái duyên sống yêu thương, san sẻ. Em giường đơn gối chiếc nhưng cuộc sống em lại là cái duyên đem lại hạnh phúc cho biết bao nhiêu người khác. Gia đình họ hàng gần gũi với em, bạn bè đồng nghiệp trong cơ quan em làm việc, rồi những người em có duyên gặp gỡ trong những chuyến công tác thiện nguyện hay thăm viếng ủi an, tất cả họ đều cảm nhận được rằng em là cái duyên cho cuộc đời họ. Biết đâu được nếu em nên duyên vợ chồng với ai đó thì em lại đánh mất những cái duyên khác thú vị và ý nghĩa không kém. Do đó, chuyện nên “duyên” vợ chồng cứ để trời định, em không chê ghét nhưng cũng không quá thao thức về nó. Còn em sẽ tự định đoạt “phận” của mình mà không cần phải đợi trời cho, đó là sống một cuộc đời có ích cho mình cho đời theo hoàn cảnh và tính cách của riêng em.

Giuse Lê Đắc Thắng SJ

Kiểm tra tương tự

Hãy tìm hiểu nhau như một vị thánh

Phần lớn các bạn trẻ Công giáo cảm thấy được mời gọi bước vào đời …

Bố ơi, ai vậy?

Ông đang nằm nghiêng mình trên chiếc ghế sofa, vừa xem ti-vi vừa thưởng thức …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *