Vừa qua, để chuẩn bị cho ngày Hội Ngộ Liên Tôn tại Trung tâm Mục vụ TGP. Tp. HCM, kỷ niệm 25 năm biến cố Assisi (27.10.1986 – 27.10.2011), Lm. Phêrô Đỗ Quang Dũng, S.J đã có cuộc phỏng vấn Đạo Huynh Huệ Khải Lê Anh Dũng. Sau đây là toàn văn buổi phẩn vấn.
————————————————————————–
Xin chào Đạo Huynh !
1. Đầu tiên xin Đạo Huynh (ĐH) cho độc giả biết đôi nét về bản thân.
* Xin phép được nói vắn tắt rằng tôi là một tín đồ Cao Đài, và không có chức phẩm hay chức vụ gì trong bất kỳ một Hội Thánh, Giáo Hội, tổ chức hay cơ quan nào của đạo Cao Đài. Ngoài công việc dạy học và thú vui viết lách bấy lâu, hơn ba năm qua tôi cố dành nhiều thời gian cùng với thánh thất Bàu Sen (quận 5) làm xuất bản phục vụ miễn phí cộng đồng Cao Đài (ấn tống kinh sách), chia sẻ với đông đảo đạo hữu nhu cầu khao khát hiểu biết về tôn giáo của mình. Vì in với số lượng tương đối lớn, những sách ấn tống này còn phục vụ đồng bào chưa có tôn giáo hay là tín đồ tôn giáo bạn quan tâm tìm hiểu đạo Cao Đài.
2. Hoàn cảnh hoặc nguyên nhân nào khiến ĐH thường xuyên gặp gỡ tín đồ các tôn giáo khác?
* Tôi tâm niệm rằng để phát huy giáo lý Cao Đài, tôi cần hiểu thêm giáo lý các đạo khác. Để phát triển đạo Cao Đài thì cần học hỏi nhiều ở các tôn giáo bạn. Để thật sự sống đạo với đức tin rằng Thượng Đế có một và là Thủy Tổ chung của các tôn giáo trong mọi thời kỳ lịch sử thì người đạo Cao Đài cần thực nghiệm đức tin ấy qua tương giao với tín đồ các tôn giáo bạn trong tâm tình tương tri và tương kính.
Tôi thích viết và siêng viết. Hơn mười năm qua, những bài viết về tôn giáo của tôi đăng rải rác ở một vài tờ báo, tạp chí nghiên cứu văn hóa hay nghiên cứu tôn giáo, cũng như các sách đã xuất bản của tôi, may mắn được một số bạn đọc thuộc tôn giáo bạn không chê. Quý vị ấy hay liên lạc với tôi, lâu ngày thành bạn tri âm. Cho nên đối với tôi, từ “gặp gỡ” có nghĩa hơi rộng, không chỉ là gặp nhau mặt đối mặt, mà còn là qua thư tín, điện thoại. Nói như các cụ ngày xưa: Văn kỳ thinh bất kiến kỳ hình. (Nghe tiếng nhau mà không nhìn thấy nhau.)
3. ĐH đã có nhiều kinh nghiệm tiếp xúc với tín đồ của nhiều tôn giáo, ĐH có thể kể lại một cuộc gặp gỡ liên tôn gây ấn tượng hay xúc cảm mà mình đã trải nghiệm.
* Ba năm nay tôi hữu duyên được gặp Linh Mục P.X. Bảo Lộc, nữ tu Mai Thành, quý anh chị rất dễ mến trong Ban Mục Vụ Đối Thoại Liên Tôn thuộc Tổng Giáo Phận Thành Phố. Trước đây tôi chỉ biết nữ tu Mai Thành qua một vài bài viết rất hay của sœur trên báo Công Giáo và Dân Tộc. Nữ tu Mai Thành có viết một hồi ức kể rõ nhân duyên sœur quyết định bước theo ơn gọi của Chúa, nhắc tới những thử thách ngay từ trong gia đình của sœur bấy giờ chưa theo đạo Chúa. Tình cờ được đọc hồi ức ấy, tôi không cầm được nước mắt.
Bên Nhật, đời Minh Trị có Thiền Sư NamẨn (Nan-in). Sư khuyên, khi đối thoại với tôn giáo bạn, chúng ta trước hết hãy để cái tách của mình là tách không mới đón nhận được nước trà từ ấm trà của tôn giáo bạn. Linh Mục Bảo Lộc thì nhắc lại lời của một hiền giả phương Tây khuyên chúng ta “xuất hành ra khỏi cái tôi của mình”. Qua những lần hội ngộ, hàn huyên với Linh Mục Bảo Lộc và quý bạn đạo trong Ban Mục Vụ Đối Thoại Liên Tôn, tôi nhận thấy hai lời nói minh triết đó được thể hiện sống động, và tôi có dịp học hỏi được nhiều ở phong cách của Linh Mục Bảo Lộc và quý bạn Kitô hữu.
4. Trong xã hội Việt Nam đa văn hóa và tôn giáo, việc giao thoa văn hóa và niềm tin tôn giáo giữa các tín đồ có tác động như thế nào đến việc tu Đạo hay sống Đạo của cá nhân hay tập thể tín đồ.
* Một xã hội đa văn hóa và đa tôn giáo là xã hội rất phong phú, giống như một vườn hoa lớn muôn hồng nghìn tía. Người tín đồ biết gìn giữ bản sắc (identity) tôn giáo của mình nhưng đồng thời vẫn biết mở lòng ra tiếp nhận hương hoa từ tôn giáo bạn thì đời sống tâm linh của mình càng được vun bồi, tăng trưởng nhiều hơn. Tập rèn để có được thái độ bao dung chân thật và tự nhiên với các đức tin khác mình, dè dặt ngôn từ mỗi khi nói tới những đức tin khác mình, thật sự tôn trọng những đức tin khác mình bằng tấm lòng thấu hiểu và sẻ chia chứ không phải từ môi miếng xã giao hình thức, thì đó chính là thật sự Sống Đạo trong cuộc đời thường ngày. Và như vậy chính là biết Tu. Tu không có nghĩa đọc kinh, xin lễ, cúng bái… Tu còn là biết thực nghiệm đức tin của mình trong tương quan với những người không có đức tin giống như mình, sao cho không làm tổn thương lẫn nhau, sao cho không đưa tới những xung đột ý thức hệ. Đó là ý thức góp một nốt nhạc của mình vào bản hợp xướng Hòa Bình của xã hội.
5. Trong trường hợp có nhiều tín đồ khác tôn giáo trong cùng một gia đình, sự giao thoa văn hóa tôn giáo và đời sống niềm tin giữa các thành viên trong đó có góp phần làm tăng thêm hạnh phúc gia đình của họ không? Cuộc hôn nhân giữa hai người khác niềm tin tôn giáo hỗ trợ hay cản trở cho việc xây dựng hạnh phúc gia đình (hướng đến ý tích cực).
* Nghệ thuật sống đạo là ý thức giữ gìn bản sắc tôn giáo của mình đồng thời biết bao dung với tôn giáo bạn. Khi hướng ra ngoài xã hội rộng lớn, nghệ thuật sống đạo như thế có lẽ dễ dàng áp dụng hơn so với lúc quay vào cái xã hội nhỏ bé là gia đình mình.
Trong trường hợp một hôn nhân được kết hợp giữa hai anh chị khác tôn giáo theo thỏa thuận đạo ai nấy giữ, thì chẳng những bản thân hai vợ chồng mà còn đòi hỏi những thành viên khác trong gia đình (và gia tộc) cần có bản lãnh, biết nhẫn nại để có thể thấu hiểu nhau, thật sự bao dung lẫn nhau. Hạnh phúc của gia đình hội tụ hai tôn giáo ấy sẽ vững bền nếu ông bà, cha mẹ, chú bác, anh chị em, và họ hàng, v.v… của cả bên chồng lẫn bên vợ cũng rất có ý thức và thật sự tôn trọng tự do tín ngưỡng của đôi uyên ương.
Đức Phật dạy chúng ta sống từ bi, hỷ xả. Đức Giêsu dạy: “Thầy ban cho các con một điều răn mới, là các các con hãy thương yêu nhau như Thầy đã thương yêu các con.” Đức Cao Đài dạy: “Thầy là Cha của sự thương yêu. Kẻ nào ghét sự thương yêu thì khó mong gần Thầy.”
Không lẽ là con Phật, con Chúa, con Trời, chúng ta biết tập thương yêu hòa ái với người khác, với chúng sinh, mà chúng ta không thể thực hành bao dung, hòa ái, thương yêu ngay từ trong chính gia đình mình, với chính một người thân của mình chỉ vì người thân đó khác tôn giáo?
Cho nên, khi hai anh chị chọn hôn nhân theo kiểu giao thoa văn hóa tôn giáo, thì họ đang “ra đề thi” cho chính mình, và cho cả những thành viên khác trong gia đình, gia tộc của họ cùng nhau tìm đáp án của bài toán sống đạo với tình thương theo lời dạy của Trời Phật, của Chúa.
Suy ra, hạnh phúc của một gia đình có giao thoa tôn giáo sẽ được vững bền, sẽ thêm phong phú, thì kết quả ấy hoàn toàn tùy thuộc vào chính cách sống, cách ứng xử của những người trong cùng gia đình có giao thoa tôn giáo.
6. Qua những kinh nghiệm tiếp xúc với tín đồ Công Giáo, ĐH cảm tưởng và ghi nhận gì về người và Giáo Hội Công Giáo?
* Trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Quan Thánh Đế Quân (Quan Công) thay mặt cho đạo Nho để dìu dắt môn đệ Cao Đài. Ngài dạy chúng tôi hai câu này: “Nhìn giáo bạn mà bì Đại Đạo / Xem chúng nhân mà tạo tín đồ.” Mỗi khi nhớ lời giáo huấn của Đức Quan Thánh, thì “giáo bạn” mà tôi luôn luôn nghĩ tới để “mà [so] bì” chính là Công Giáo.
Quả thật, tôi rất ngưỡng mộ Công Giáo ở nhiều lãnh vực như: truyền thống và quy củ đào tạo giáo sĩ và linh mục; việc mở các dòng tu; kỷ cương nền nếp hay tôn ti trật tự trong Giáo Hội rất nghiêm minh; nghi lễ của Công Giáo rất đẹp, trang trọng và thật ấn tượng, hoạt động từ thiện xã hội do Công Giáo tổ chức và điều hành rất hiệu quả… Tôi cũng thấy âm nhạc Công Giáo hiện nay rất truyền cảm. Tôi quen một chị làm trong ngành ngân hàng, thuộc gia đình Phật tử, riêng chị ấy lại theo đạo Chúa. Tôi hỏi nhân duyên, thì được đáp rằng ban đầu chị ấy chỉ theo chân mấy cô bạn người Công Giáo đi nhà thờ Mai Khôi trên đường Tú Xương cho vui thôi, nhưng Thánh ca hay quá mà chị thì rất yêu nhạc. Thế nên, do siêng đi nhà thờ vì mê Thánh ca mà rốt cuộc chị theo Chúa luôn. Bây giờ Mai Khôi là mái nhà thiêng liêng của chị. Tôi tin chị ấy không phải là trường hợp hiếm hoi.
Tôi có gặp một số nữ tu Công Giáo và tôi hay tự hỏi: Không biết quý chị tu theo pháp môn chi mà cốt cách quý chị thường toát ra nét thánh thiện thật tự nhiên? Cho nên, tôi thích thú lắm khi thấy thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên đặt nhan đề một bài thơ tình rất hay của ông là “Em Hiền Như Ma Sœur”. Đúng quá! Ma Sœur và Hiền không tách rời nhau được.
Một số bạn tốt của tôi là Ki Tô hữu. Những khi có dịp tán gẫu, các anh thường hài hước về tôn giáo rất ý nhị, khiến tôi nhớ dường như Bernard Shaw hay Lâm Ngữ Đường bảo rằng hài hước là đức tánh của các hiền giả.
7. Việc tiếp xúc giữa tín đồ các tôn giáo có thể góp phần xây dựng hòa bình và thiện ích cho các quốc gia và dân tộc. Theo ĐH, trong bối cảnh của xã hội Việt Nam hôm nay, việc gặp gỡ giữa tín đồ các tôn giáo có thể mang lại ích lợi gì cho cộng đồng?
* Tôn giáo nào cũng dạy tín đồ làm điều thiện tránh điều ác, cố gắng giảm bớt khổ đau và mang an lạc đến người khác. Thực trạng xã hội nước ta hiện nay nếu để riêng lẻ một tôn giáo tận tụy phục vụ cho lợi ích cộng đồng thì hiệu quả ắt sẽ hạn chế hơn là càng có nhiều tôn giáo hợp tác để chung tay và chung tâm cùng nhau làm. Để có được sự chung tâm và chung tay đó, tín đồ các tôn giáo cần hiểu biết nhau nhiều hơn. Muốn hiểu biết nhau nhiều hơn thì nên bắt đầu từ những gặp gỡ đối thoại liên tôn. Việc gặp gỡ đối thoại giữa tín đồ các tôn giáo còn giúp xóa đi óc kỳ thị và xu hướng độc tôn, giúp phát triển tình đoàn kết, hòa ái giữa các cộng đồng tôn giáo khác nhau trong cùng một dân tộc.
8. Chắc ĐH đã biết hay tham gia vài hoạt động hợp tác liên tôn trong lĩnh vực y tế, giáo dục tôn giáo, Tập san Nhịp Cầu Tâm Giao, v.v… ĐH có nghĩ đến những loại hình hoạt động khác mà tín đồ các tôn giáo có thể cộng tác với nhau trong việc phục vụ người nghèo hay cộng đồng xã hội?
* Thay vì nghĩ tới những loại hình khác, tôi muốn nghĩ tới một đối tượng khác mà hoạt động hợp tác liên tôn nên chú ý. Thanh niên là một tiềm lực rất đặc biệt trong mỗi tôn giáo. Họ là sức xuân của các cộng đồng tín hữu. Tuổi trẻ cũng dễ cởi mở và hòa nhập hơn những lứa tuổi khác. Hiện nay từng tôn giáo đều quan tâm xây dựng đội ngũ thanh niên đạo đức mang bản sắc của tôn giáo mình, điều này rất tốt, rất cần thiết. Trong chiều hướng hợp tác liên tôn, có lẽ chúng ta nên nghĩ dần tới việc mở rộng sang giới trẻ để họ có cơ hội phát huy những ưu thế của tuổi trẻ trong các lãnh vực phục vụ người nghèo hay cộng đồng xã hội.
9. Đại diện các tôn giáo sắp hội ngộ tại Assisi để kỷ niệm 25 năm cuộc “Gặp gỡ liên tôn Assisi” vào ngày 27 tháng 10 năm 2011 nhằm cầu nguyện cho hòa bình trên thế giới. Xin ĐH cho biết cảm tưởng về sự kiện này?
* Tôi biết sự kiện trọng đại này qua một bản tin tiếng Anh hàng tuần của báo Người Quan Sát Rôma (L’Osservatore Romano) phổ biến trên Internet ngày 06 tháng 4 năm nay. Trước hết, tôi thấy rằng giới truyền thông đã rất tinh tế khi gọi cuộc hội ngộ tại Átxidi ngày 27-10-1986 và sẽ tái diễn đúng ngày 27 tháng 10 sắp tới là “the historic meeting”. Tính chất “lịch sử” ở đây không phải vì nó có khoảng cách một phần tư thế kỷ, hay vì nó được “kéo” từ cuối thế kỷ 20 sang thế kỷ 21. Do đó, chú ý tới hàm ngụ của từ historic (chứ không phải là historical), thay vì gọi sự kiện này là “cuộc gặp gỡ lịch sử”, chúng ta có thể nói đây là cuộc hội ngộ mang tầm kích lịch sử.
Chúng ta biết rằng Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI mệnh danh ngày 27-10-2011 tại thành phố quê nhà của Thánh Phanxicô là “Ngày đối thoại suy tư và cầu nguyện cho hòa bình và công lý trên thế giới” (a Day of reflection dialogue and prayer for peace and justice in the world). Vì thế, tất cả những đại biểu cho đạo đức chân tu, trí tuệ lỗi lạc và lương tâm trong sáng của thời đại chúng ta, dù có tín ngưỡng hay chưa tín ngưỡng, một khi đồng thuận và hưởng ứng lời mời gọi của Đức Thánh Cha và hoan hỷ tháp tùng với Ngài đáp xe lửa từ Rôma đi Átxidi, thì tất cả đều là đồng hành của Ngài để làm “những khách hành hương tìm chân lý, những khách hành hương tìm hòa bình – pilgrims of truth, pilgrims of peace”, và như thế tức là cùng hiệp thông với Ngài, chia sẻ với Ngài cuộc hành hương tâm linh (spiritual pilgrimage) vì tương lai nhân loại.
Loài người chúng ta đang sống ở đầu một kỷ nguyên mà những từ ngữ như dối trá, bất công, bạo hành, vô trách nhiệm, khủng bố, chiến tranh hủy diệt, v.v… có lẽ không thể diễn tả hết hiểm họa tận diệt cận kề của nhân loại. Trước thực trạng đau buồn này, người tu hành chân chính và có ý thức khắp nơi trên thế giới chỉ còn biết đoàn kết với nhau dốc lòng cầu nguyện, dùng tâm thiền tập thể chuyển hóa lời cầu nguyện và ý chí thiện hảo của chúng ta biến thành những đợt sóng đại dương từ ái liên tục vỗ vào bãi bờ tham dục của các thế lực cường quyền trên hành tinh sắp hấp hối này – ấy cũng là cách chúng ta hiệp nhất cùng Ý Chúa, Ý Phật, Ý Trời mà hoán cải họ, để phục hồi văn hóa sự sống và văn minh tình thương.
Vì thế, cuộc hành hương tâm linh như Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã đề xướng và đang dang rộng đôi tay mời gọi thế giới nhập cuộc thật sự rất cần thiết cho con người thời đại đang đói khát hòa bình và công lý. Chúng ta tha thiết cầu nguyện cho chương trình làm việc của Đức Thánh Cha và những vị đồng hành với Ngài ở Átxidi được thành tựu mỹ mãn trong kế hoạch của Thiên Chúa.
Hết