Làm hang đá

Noel, mùa của hang đá! Ít ra chúng ta có thể tạm gọi như vậy ở Việt Nam. Trong các xứ đạo ở nước ta, từ nông thôn cho tới thành thị, đâu đâu người ta cũng làm hang đá. Có những hang đá làm từ các vật dụng đơn giản như giấy, bìa các-tông; và cũng có những hang đá kiểu ‘sơn son thếp vàng’. Có hang đá chỉ nhỏ bằng bàn tay, và cũng có hang đá lớn bằng một toà nhà. Hang đá có thể được dựng nơi một cánh đồng hoang vắng, và cũng có thể được đặt trong một trung tâm thương mại sầm uất.

Chiêm ngắm hang đá, người ta có thể trầm trồ trước những nét đẹp mang tính nghệ thuật, hay trước những vật dụng trang trí đắt tiền. Nhưng hẳn những hang đá làm chúng ta rung động, đụng chạm nhất, phải là những hang đá khiến mỗi người cảm nhận được nét thân thuộc, gần gũi nhất. Vì thế, người Việt Nam thích thiết kế các hang đá theo mô hình những căn nhà nhỏ với mái tranh, vách nứa, bên cạnh là lu nước, đôi quang gánh, cái cày,… Chúng ta cũng thích lót máng bằng rơm cho Chúa nằm, và đặt cạnh Ngài cái đèn dầu nho nhỏ, chèn vài bức tượng chú bé chăn trâu thổi sáo thay cho mấy ‘mục đồng’ Phương Tây. Có thể ý tưởng cơ bản của loại khung cảnh này là để làm nổi bật nét nghèo hèn, đơn sơ theo bối cảnh của người Việt Nam. Nhưng có một điểm quan trọng ở đây: những vật dụng đó không chỉ quen thuộc, mà còn là thân thuộc với từng người chúng ta, như thể chính chúng ta đang sống trong khung cảnh đó. Chúng ta muốn góp phần của mình, muốn đặt những gì rất thân thuộc trong đời sống người Việt Nam kề cận với Hài Nhi Giê-su.
Tâm thức bình dân và đơn sơ như vậy hoá ra lại đặc biệt thích hợp để đón Giáng Sinh, ngay cả theo nghĩa thần học. Ngôi Lời nhập thể không phải để xây dựng một trật tự thế giới mới theo nghĩa chính trị hay xã hội. Ngài cũng không đến thế gian để chứng tỏ uy quyền của Thượng Đế trên loài người. Ngược lại, Ngài làm người để thắt chặt tương quan với ta. Ngài đến để ‘bắt tay’ với nhân loại, để cho con người nhận biết được một Thiên Chúa gần gũi và yêu thương, để cho chúng ta có thể cảm nhận được sự thân thuộc mà gọi Ngài là ‘Cha’. Thiên Chúa đến để ôm ấp con người, và để con người có thể ôm ấp Thiên Chúa.
Vì thế, tâm tình thiêng liêng thích hợp nhất để đón Giáng Sinh cũng phải tương tự như cách chúng ta làm hang đá vậy. Nói khác đi, chúng ta cũng phải làm những ‘hang đá tâm hồn’ để đón Chúa ngự đến. Tuỳ hoàn cảnh từng người mà ta sẽ thiết kế những ‘hang đá thiêng liêng’ theo cách của riêng mình. Nhưng trong hang đá đó, ta nhất thiết phải dùng những gì ‘thân thuộc’ nhất của đời sống mình để làm ‘vật liệu’ thiết kế, trang hoàng, để làm ‘máng cỏ’ cho Hài Nhi Giê-su nằm. Các ‘vật liệu’ như thế thường là những thứ ta bận lòng nhiều nhất. Chúng có thể là những lo âu về công ăn việc làm, những trăn trở về tương lai, những thành công – thất bại, những thao thức về xã hội, về Giáo hội. Chúng là những niềm vui nỗi buồn cụ thể trong đời sống hằng ngày. Chúng cũng có thể là những tình cảm cho bạn đời hay tình cảm gia đình. Và chúng cũng có thể là những mối bất hoà, những yếu đuối, sa ngã ta hay mắc phải.
Ta hãy đặt những gì thân thuộc nhất của tâm trí mình vào gần Hài Nhi Giê-su, thay vì những lời nguyện ‘sáo rỗng’! Ngài sẽ đặc biệt yêu thích nếu được ngự nơi ‘hang đá tâm hồn’ nào được trang hoàng bởi những điều đó. Chúng sẽ được thánh hoá, vì đã được Thiên Chúa hiện diện, được Ngài ôm ấp. Và đó cũng là mong ước của Ngài khi nhập thế: trở nên con người, để con người được thánh hoá, được kết hợp gần gũi, thân tình với Thiên Chúa.

Khắc Bá, sj.

Kiểm tra tương tự

Bố ơi, ai vậy?

Ông đang nằm nghiêng mình trên chiếc ghế sofa, vừa xem ti-vi vừa thưởng thức …

Có Chúa luôn bên ta – Lời nhắc nhở mỗi ngày

  Có cám dỗ cho rằng Thiên Chúa không ở gần ta, hoặc làm ta …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *