[Mở lòng]-Chúa Nhật thứ III mùa Chay

„Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người“(1Cor 1, 22-25).

„Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi„(Phil 3, 8).

 

Đầu tiên, tôi chuẩn bị một Thánh Giá với hình chịu nạn và đặt Thánh Giá trên bàn thờ.

Tuần trước, chúng ta đã dành giờ để chiêm ngắm tình yêu thương của Thiên Chúa, và trong tình yêu của Ngài, chúng ta quyết tâm bước ra khỏi thế giới của tội lỗi, để đi vào cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, bằng cách chúng ta dâng hiến bản thân cho Thiên Chúa như những người sống, từ cõi chết trở về, và dâng các chi thể của anh em cho Thiên Chúa như những dụng cụ công chính. Thái độ dâng hiến đó cũng thúc giục chúng ta đi tìm gặp Đức Kitô, thúc giục chúng ta bỏ lại „con đường cũ“, để mặc lấy tinh thần mới mẻ, nghĩa là chúng ta hãy quy chiếu tất cả vào Đức Kitô.

 

Phao-lô một người Do-thái đạo đức, giữ luật thì đúng như một người Pha-ri-sêu, còn sống công chính theo Lề Luật, thì chẳng ai trách được. Nhưng khi Phao-lô gặp được Đức Kitô, thì ông bỏ đi tất cả mọi sự, như chính ông nói: „Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi „ (Phil 3, 8). Sau đó, cả cuộc đời ông rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Cái điên rồ và ô nhục đó làm cho con người sợ hãi và lánh xa, nhưng vẫn được Thiên Chúa nói lời xin vâng đón nhận và Ngài chết trên cây thập tự.

 

Hình thức bị đóng định và chết trên thập giá ngày xưa là một hình phạt tệ hại nhất dành cho những người bị xã hội coi thường. Đóng đinh thập giá cũng là hình thức hành hạ con người cách tàn nhẫn nhất và đó cũng là hình phạt dành cho những kẻ ngoại giáo, cho những tên tội phạm hình sự nguy hiểm và những tên cướp. Chúa Giê-su chẳng làm gì nên tội, nhưng đã đón nhận hình phạt đó.

 

Hôm nay, trong giờ cầu nguyện, chúng ta đi vào trong thinh lặng và đặc biệt chiêm ngắm Chúa Giê-su bị đóng đinh trên Thánh Giá. Chúng ta tự hỏi mình xem, tôi có thể chấp nhận hình ảnh Chúa chết một cách dã man như vậy hay không? Tôi có thể chấp nhận được một nghịch lý không lý giải được? Đó là một Thiên Chúa quyền năng lại bị con người bé nhỏ kết án chết như một tên tội phạm nghiêm trọng. Đâu là ý nghĩa của cái chết trên thập giá của Đức Kitô đối với cá nhân tôi? Song song, chúng ta cũng đọc lời thánh Phao-lô: „Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi“. Một lần nữa chiêm ngắm Chúa Giê-su chết trên Thánh Giá, chúng ta nhủ thầm trong lòng mình: „Dù vậy Ngài là mối lợi tuyệt vời nhất.“ Chúng ta hãy tự hỏi mình xem, tôi có muốn chọn Chúa Kitô chết trên thập giá, mối lợi tuyệt hảo này không? Kết thúc, chúng ta tâm tình với Chúa và đọc kinh Lạy Cha.

 

  • Bài tập trong tuần – Thánh Giá mối lợi của tôi : Tôi hãy đi kiếm cho mình một cây Thánh Giá nhỏ có hình chịu nạn. Tôi mang Thánh Giá này bên mình trong suốt mấy tuần này một cách thật ý thức. Trong ngày sống, tôi luôn dừng lại trong một khoảnh khắc ngắn ngủi nào đó, đưa tay cầm Thánh và thầm nói: „Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi“.

Kiểm tra tương tự

Năm mới, tâm hồn mới: Cảm hứng từ Giáo lý Hội thánh Công giáo

Ký ức là một phần không thể thiếu đối với bản sắc con người. Sách …

Giáo hội và Thuyết Tiến hóa: Câu chuyện về cuốn sách bị lên án

  Trong loạt bài về Giáo hội và Khoa học, chúng ta sẽ xem xét …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *