[Mở lòng]-Thứ Năm sau Chúa Nhật III mùa Chay

 

 

“Lập tức, Đức Giê-su bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia về phía thành Bết-xai-đa trước, trong lúc Người giải tán đám đông. Sau khi từ biệt các ông, Người lên núi cầu nguyện. Chiều đến, chiếc thuyền đang ở giữa biển hồ, chỉ còn một mình Người ở trên đất. Người thấy các ông phải vất vả chèo chống vì gió ngược, nên vào khoảng canh tư đêm ấy, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông và Người định vượt các ông. Nhưng khi các ông thấy Người đi trên mặt biển, lại tưởng là ma, thì la lên. Quả thế, tất cả các ông đều nhìn thấy Người và đều hoảng hốt. Lập tức, Người bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ! ” Người lên thuyền với các ông, và gió lặng. Các ông cảm thấy bàng hoàng sửng sốt, vì các ông đã không hiểu ý nghĩa phép lạ bánh hoá nhiều: lòng trí các ông còn ngu muội!” (Mc 6, 45-52).

Tiếp tục cuộc hành trình chiêm ngắm Đức Kitô. Hôm nay, chúng ta cùng lên thuyền với Đức Kitô. Đầu tiên, chúng ta biết rằng, câu chuyện này tiếp nối câu chuyện phép lạ hóa bánh ra nhiều (x.Mc 6, 30-44). Sau phép lạ hóa bánh, Đức Giê-su bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia về phía thành Bết-xai-đa trước, trong lúc Người giải tán đám đông. Sau khi từ biệt các ông, Người lên núi cầu nguyện, và Ngài cầu nguyện lâu giờ trong đêm thanh vắng. Nhưng tại sao Chúa Giê-su lại cần phải cầu nguyện như vậy? Phải chăng Ngài muốn trở về với tương quan thân tình với Cha trên trời, phải chăng Ngài cần kín múc tình yêu của Cha, để Ngài có thể tiếp tục thi hành sứ mạng mà Cha đã trao cho Ngài trên trần gian?

Hình ảnh cầu nguyện của Chúa Giê-su là một bài học rất sâu sắc cho chúng ta.

Mác-cô kể tiếp rằng, chiều đến, chiếc thuyền đang ở giữa biển hồ, chỉ còn một mình Người ở trên đất. Như vậy, khung cảnh của câu chuyện là trên biển hồ Ga-li-lê, và theo các nhà chú giải, thì “chiều đến” ở đây chỉ thời gian vào lúc khoảng từ 18-21 giờ. Như vậy là chiếc thuyền của các môn đệ vắng bóng Thầy từ từ đi vào trong đêm đen và lênh đênh một mình trên biển hồ. Hơn nữa, đêm đen và biển hồ là hai biểu tượng gây sợ hãi trong Kinh Thánh. Trong đêm đen thì có nhiều sự đe dọa ập tới, mà con người không ngờ và không thể kịp trở tay. Biển hồ lại tượng trưng cho sự hỗn mang với sức mạnh luôn đe dọa con người. Ngoài ra, thầy lại không có mặt trên thuyền nữa chứ. Vắng bóng thầy, lênh đênh trên mặt biển hồ, giữa bóng đêm u tối và còn vất vả chèo chống nữa. Tội nghiệp thật! Thầy đâu rồi? Thầy có đến hay không?

Có lẽ chúng ta cũng đã có những kinh nghiệm như các môn đệ khi xưa. Một mình lênh đênh trên biển đời trong đêm đen chứa đựng biết bao đe dọa, hiểm nguy, và hãi sợ. Lúc đó, chúng ta cần phải làm gì? Niềm tin của chúng ta vào Chúa có còn mạnh mẽ nữa không? Chúng ta hãy để kinh nghiệm đó trở lại trong giây phút này và “nếm cảm” lại sự sợ hãi và khổ đau khi bị biển đời và bóng đêm đe dọa. Dù thế nào chúng ta vẫn hy vọng vào Thầy, Đấng là Thiên Chúa nhân hậu không bao giờ bỏ rơi chúng ta.

Thật vậy, Người thấy các ông phải vất vả chèo chống vì gió ngược, nên vào khoảng canh tư đêm ấy, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông và Người định vượt các ông. Chúa Giêsu đã thấy sự vất vả của các ông và Ngài đã tới. Chúng ta chú ý đến việc “Chúa thấy”. “Chúa thấy” không chỉ là cái nhìn thấy suông suông, sau đó thì chẳng màng tới, ngược lại khi Chúa thấy là Chúa thấy với tất cả tấm lòng thương xót của mình. Đôi mắt Chúa thực là đôi mắt của một mục tử nhân lành: #Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt” (Mc 6, 34). Vì vậy, Giêsu đã lên đường để đến với các môn đệ của mình. Lúc đó là vào canh tư, nghĩa là vào khoảng 3-6 giờ sáng. Thời gian sáng sớm này, tương hợp với thời gian cứu rỗi của Gia-vê Thiên Chúa vào buổi sáng sớm: “Vào lúc gần sáng, từ cột lửa và mây, ĐỨC CHÚA nhìn xuống hàng ngũ Ai-cập, Người gây rối loạn trong hàng ngũ chúng” (Xh 14,24). Cũng thế, Chúa Giêsu đến vào rạng đông, để cứu rỗi mọi người. Thật vậy, như mặt trời công chính mọc lên vào sáng sớm, Chúa Giêsu cũng đến vào lúc bình minh để sưởi ấm muôn người, để đem ánh sáng đến cho tất cả những ai đang bị bóng đêm bao phủ. Như vậy, việc Chúa Giêsu thấy và đến với các môn đệ của mình, có ý nghĩa là Chúa muốn chia sẻ với các môn đệ của mình những lúc vất vả chèo chống, những khi các ông một mình ở trong bóng đêm, và lúc các ông đang lênh đênh một mình trên biển khơi. Tinh thần chia sẻ của người Bạn tri kỷ, của người Thầy luôn thương yêu học trò mình. Điều này thật là một an ủi lớn lao! Hơn nữa, cách thức đến của Chúa Giêsu cũng thật khác. Ngài đi trên mặt biển. Hình ảnh này tương hợp sách Gióp 9,8: “Duy mình Người trải rộng các tầng trời, đạp lên trên ba đào biển cả”.

Tiếp đến, Mác-cô kể rằng: “Nhưng khi các ông thấy Người đi trên mặt biển, lại tưởng là ma, thì la lên. Quả thế, tất cả các ông đều nhìn thấy Người và đều hoảng hốt. Lập tức, Người bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ! ” Người lên thuyền với các ông, và gió lặng”. Chúng ta cùng suy gẫm những lời của Đức Kitô.

Cứ yên tâm”. Lời nói của Giêsu muốn trấn an các môn đệ, muốn đưa các ông ra khỏi sự sợ hãi và lời này cũng là lời dẫn vào cho lời tỏ mình của Giêsu: “Chính Thầy đây” .Thực là chính Ngài rồi và Ngài chính là như vậy đó. Vâng, với tất cả những gì Ngài có, Ngài ban cho, Ngài muốn, Ngài hứa và Ngài làm. Qua đó, chúng ta có thể nói trong ý nghĩa thiêng liêng, là Chúa Giê-su tỏ mình và ở đó với chúng ta và cho chúng ta. Thực vậy, khi nào chúng ta cần đến bánh ăn, thì Ngài ban. Khi nào chúng ta cần được Ngài chữa lành, thì Ngài sẵn sàng giang tay cầm lấy và nâng dậy. Khi nào chúng ta muốn được nghe lời giảng dạy tốt lành, thì Ngài với ta ngồi xuống trên thảm cỏ xanh, hay tại bãi biển, và Ngài mở lời trìu mến dạy dỗ. Trước mặt Ngài chúng ta được phép sống và sống dồi dào.

“Đừng sợ!” Một lời an ủi và trấn an thật cần thiết. Khi đứng trước tôn nhan Thiên Chúa, thì ai lại không sợ. Nỗi sợ này cũng là tự nhiên. Nhưng nỗi sợ này không như nỗi sợ ma đẩy con người vào đường cùng, mà nỗi sợ này cần phải thúc đẩy con người biết thờ lạy Chúa, biết chạy đến với Người, biết ở lại trong tình yêu của Ngài. Thật là tuyệt vời, khi chính Đấng tỏ mình đã lên tiếng “đừng sợ”, là lúc Ngài mở rộng cánh cửa nhà mình, cánh cửa lòng mình để đón con cái vào nương ẩn. Nơi đó, chỉ có Ngài và con cái mà thôi.

Sau đó, Giêsu lên thuyền với các môn đệ nghĩa là Giêsu trở về lại với tương quan thầy với trò, trở về với tổ ấm yêu thương. Và chính lúc Giêsu lên thuyền, là lúc gió lặng, là lúc các môn đệ được giải thoát. Ngồi chung một xuồng với Giêsu thì còn gì bằng nữa. Có Giêsu thì có tất cả. Dù cho con thuyền của cuộc đời có gặp sóng to bão lớn, thì cũng chẳng sao.

Qua lời nói thân thương và với thái độ lên thuyền, Giê-su đã hóa giải tất cả sợ hãi, xua đi tất cả bóng đêm, các môn đệ giờ đây không còn lẻ loi một mình. Nình an đã trở về, “Vì chính Người là sự bình an của chúng ta” (Ep 2, 14) giờ đây đang hiện diện.

Đức Kitô, kho tàng cho đời sống chúng ta, mối lợi tuyệt hảo của chúng ta. Ngài không chỉ cho chúng ta nghỉ ngơi bồi dưỡng, Ngài không chỉ kề vai gánh vác thập giá với chúng ta, mà Đức Kitô còn trao ban cho chúng ta chính sự bình an. Sự bình an qua lời Ngài nói: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ! ” Sự bình an con thuyền mà Ngài chia sẻ với chúng ta trên biển đời.

Vâng, có Ngài trên thuyền đời chúng ta, chúng ta sẽ có được bình an. Có Ngài trên thuyền đời chúng ta, thì gió cần phải im tiếng, để nhường lại cho tiếng nói thân thương của Thầy.

Tiếng nói đem lại bình an. Tiếng nói thân thương phát xuất từ chính Đấng là sự bình an.

Hôm nay, chúng ta cùng ý thức về món quà quý báu này! Hãy để sự bình an của Đức Kitô chiếm ngự tâm hồn chúng ta! Chúng ta hãy ôm ấp sự bình an vào lòng!

Chúng ta hãy ôm ấp cây thánh giá có Chúa Giê-su đang chết trên đó vào lòng.

Kiểm tra tương tự

Chúa ơi, bây giờ con phải làm gì ?

  “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” (Lc3,10-18)   Trong đoạn Tin Mừng …

Món Quà Giáng Sinh – Suy tư Tin Mừng CN 4 Mùa Vọng năm C

  Giáng sinh là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong năm đối với phần …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *