[Mở lòng] – Thứ Tư sau Chúa Nhật I mùa Chay

“CHÚA nhân ái đối với mọi người,
tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên.” (Tv 145, 9).

Hôm qua chúng ta suy niệm câu 8 của thánh vịnh 145 là sự tổng hợp về bức chân dung của Thiên Chúa, Đấng giàu lòng xót thương. Hôm nay, chúng ta cầu nguyện câu thánh vịnh trên.

Khi suy niệm về câu thánh vịnh này, Đức Benedicto XVI, đã trích dẫn lời của Thánh Phêrô Chrysologus (sinh khoảng năm 380 và chết vào khoảng năm 450), viết trong “Bài Diễn Thuyết Thứ Hai về sự Ăn Chay”: ‘Những công trình của Thiên Chúa thật vĩ đại’: Nhưng sự cao cả mà chúng ta thấy trong sự vĩ đại của Tạo Vật, quyền năng này thua xa sự cao cả của lòng thương xót.“ (Bài huấn đức của Đức Benedicto XVI về thánh vịnh 145,1-13).

Như vậy, lòng thương xót của Chúa lớn hơn tất cả mọi công trình mà Chúa tạo dựng trên trần gian này. Đức Benedicto XVI đã cảm nghiệm rất sâu sa về lòng thương xót vĩ đại này. Ngài nói tiếp: “Hỡi anh em, lòng thương xót đầy tràn thiên đàng, ngập đầy mặt đất. Vì lẽ này, lòng thương xót vĩ đại, quảng đại, độc đáo của Chúa Kitô đã đặt tất cả đời sống của con người vào việc bình lặng để sám hối. Và Chúa Kitô đã dành một ngày duy nhất cho việc phán xét một cách hoàn toàn. Vì lẽ này, (người) không tin tưởng vào chính sự công bình, thì đã hoàn toàn tin tưởng vào lòng thương xót: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm.” (Tv 50,3). Và chúng ta cũng thưa với Chúa: “Lạy Chúa của con, xin thương xót con, vì lòng thương xót của Chúa thật vĩ đại.”

Lòng thương xót của Thiên Chúa vĩ đại và tràn đầy trên trời cũng như dưới đất. Hôm nay, tôi dừng bước và chiêm ngắm lòng thương xót của Chúa đang trải rộng khắp mặt đất, trong đời sống xung quanh tôi. Bước ra khỏi chính mình, tôi nhìn vào cuộc đời, tôi đã gặp được lòng thương xót của Chúa đang “nở hoa” ở nơi đâu vậy? Ở đây, tôi có thể nhớ lại một kinh nghiệm được Chúa xót thương của một ai đó, và họ đã kể lại cho tôi nghe. Ngoài ra, nếu nhìn vào cuộc đời xung quanh, tôi có thể nhận ra lòng thương xót của Chúa hiện diện ở khắp mọi nơi:

Kìa trong một trại mồ côi, những em bé không cha không mẹ đang được Chúa, qua nhiều bàn tay nhân ái, an ủi chở che và đỡ nâng. Cụ già kia nghèo nàn và cô đơn trong giáo xứ đang được anh chị em khác quan tâm, đến nâng đỡ, chia sẻ và đồng hành. Chỗ khác là sự trở về của một người lầm lỡ. Qua sự cảm thông của những người Mục Tử, và qua chính sự tha thứ của Chúa trong bí tích Hòa Giải, anh được giải phóng khỏi thế giới của bóng đêm tràn đầy sợ hãi.

Càng nhìn, tôi càng thấy tình yêu và lòng thương xót của Chúa đang hiện diện rất rõ ràng trong thế giới. Đúng như lời của thánh vịnh gia nói: “CHÚA nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên” (Tv 145,9). Cuối cùng, với tất cả tâm tình tôi nguyện cầu cùng Chúa: Lạy Chúa, mỗi ngày chúng con vẫn nhận được rất nhiều thông tin làm cho chúng con buồn bã. Đó là chiến tranh chỗ này,  khủng bố chỗ kia. Đó là sự tàn nhẫn bóc lột của người giàu với người nghèo, là sự bần cùng nghèo khổ trong cô đơn của những kẻ bé mọn. Ít khi chúng con tìm thấy và nghe được những tâm tình quý báu, những tin làm lòng người mừng vui. Tuy nhiên, khi chúng con biết để cho Thần Khí Chúa biến đổi cái nhìn của chúng con, thì chúng con sẽ nhìn thấy những nét đẹp đang có trong cuộc đời. Đặc biệt là chính lòng thương xót của Chúa đang trải dài, đang hiện diện khắp mọi nơi. Qua đó, chúng con được phép vui mừng và hy vọng. Xin Chúa hãy giúp chúng con đừng bao giờ đánh mất đi sự lạc quan tin tưởng này. Xin cho đôi mắt chúng con luôn luôn nhận ra, và lòng chúng con luôn luôn cảm được tình yêu của Chúa đang “nở hoa” giữa cuộc đời của chúng con. 

Muôn ngàn đời chúng con xin cảm tạ tri ân Chúa. Amen. Cuối cùng, tôi tâm sự với Chúa và đọc Kinh Lạy Cha để kết thúc giờ cầu nguyện. Tôi cũng nhớ tới bài tập sống trong tuần.

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế, S.J.

Kiểm tra tương tự

Giáng Sinh trong Nghệ Thuật – Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem

Các mục đồng thờ lạy Chúa (1622). Hoạ Sĩ Gerrit van Honthorst (1592-1656). Tranh được …

Phép màu Giáng Sinh: Cuộc hoán cải của thi hào Paul Claudel

  Vì sao thi sĩ nổi tiếng ấy trở lại đạo Công giáo vào đúng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *