Ý cầu nguyện chung của tháng 8 trong Năm Phụng Vụ 2013 là “Cầu cho các cha mẹ và các nhà giáo dục giúp đỡ các thế hệ trẻ lớn lên với một lương tâm và một đời sống ngay thẳng.”
Thực trạng của nền giáo dục Việt Nam trong thời gian gần đây được đánh giá như sau: “Giáo dục – đào tạo còn nhiều hạn chế, yếu kém, bất cập chậm được khắc phục; chất lượng giáo dục còn thấp, quan tâm đến phát triển số lượng nhiều hơn chất lượng; so với yêu cầu phát triển của đất nước còn nhiều nội dung chưa đạt; chưa thực sự là quốc sách hàng đầu.”
Nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm (Học viện Cảnh sát Nhân dân) ghi nhận “những đối tượng vi phạm tệ nạn, phạm tội ngày càng trẻ hóa và hành vi phạm tội, cũng như mức độ phạm tội ngày càng phức tạp, nghiêm trọng.”
Một trong những nguyên nhân khiến tệ nạn xã hôi trong giới trẻ gia tăng chính là nhiều bãn trẻ chỉ coi trọng vật chất, chạy theo giá trị của đồng tiền. Từ đó, đạo đức xuống cấp và nảy sinh những thủ đoạn làm ăn bất chính, phạm tội để thỏa mãn lòng tham.
Có lẽ hơn bao giờ hết, ngay lúc này, cha mẹ và các nhà giáo dục cần phải thay đổi quan điểm và phương pháp để chấn chỉnh tình trạng giáo dục khi mà đa số các bạn trẻ, ngay cả các bạn trẻ Công Giáo thiếu định hướng, lệch lạch trong suy nghĩ và hành vi của mình.
Trong Tuyên Ngôn về Giáo Dục Kitô Giáo, Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II khẳng định “ Tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, giai cấp và tuổi tác, do phẩm giá con người, đều có một quyền bất khả nhượng là phải được hưởng một nền giáo dục đáp ứng với sứ mệnh riêng, phù hợp với cá tính của từng phái, thích nghi với văn hoá và truyền thống dân tộc, đồng thời mở rộng sự hợp tác huynh đệ với các dân tộc khác, để hỗ trợ công cuộc hợp nhất chân chính và hoà bình trên mặt đất.”
Cha mẹ cần ý thức hơn nữa vai trò tối quan trọng khi là những nhà giáo dục về nhân bản và đức tin đầu tiên của con cái mình. Việc giáo dục đó khởi đi từ những tiếng bi bô đầu tiên, những bước đi chập chững của con trẻ. Yếu tố kiên nhẫn của cha mẹ là hết sức cần thiết để giúp con mình rèn luyện nên những hành vi đúng chuẩn mực. Tôi đã có kinh nghiệm khi tiếp xúc với một số phụ huynh, vì thiếu kiên trì giúp con mình nên các em có những thói quen xấu thể hiện trong khi sống chung trong một cộng đồng như nhóm, lớp học… rất khó điều chỉnh. Hơn nữa, cha mẹ sẽ là một nhà giáo dục đức tin tuyệt vời nhất bằng chính đời sống thực hành đức tin của mình hàng ngày.
Trong thánh lễ ban Bí tích Thêm sức và Rước lễ lần đầu cho các em dịp hè vừa qua, cha sở Tôma Vũ Quang Trung, S.J. có nhắn gửi tâm tình với phụ huynh phải khuyến khích con em mình, sau khi lãnh nhận bí tích Thêm sức, phải tiếp tục tham dự các lớp giáo lý thiếu niên. Đây cũng là một thực trạng phổ biến ở đa số các giáo xứ, khi gần như rất ít các em ở độ tuổi này tiếp tục tìm hiểu giáo lý ở các lớp “Vào đời”, “Dấn thân”… Thay vào đó là những lớp học thêm kiểu “Học ngày không đủ, tranh thủ học đêm, học thêm Chúa Nhật”.
Người lớn chúng ta cần phải đấm ngực thật sự khi làm cho con em mình trở thành những con người “khập khiễng”. Nhiều phụ huynh chỉ chăm chăm chú chú lo cho việc học hành của con em mình để mong kiếm được mảnh bằng mà coi nhẹ việc giáo dục đức tin, nhằm giúp các em có một hướng đi và lẽ sống đúng với phẩm giá con người mà Thiên Chúa đã tạo dựng.
Những ngày hè của các em đã hết. Mọi người đang hướng về việc chăm lo cho một năm học mới ở các giáo xứ và trường học.
Xin dâng lên Chúa những cố gắng của các bạn nhỏ, những hy sinh thầm lặng của biết bao người thành tâm thiện chí, mong muốn góp phần đào tạo một thế hệ tương lai tốt đẹp hơn cho Giáo hội và xã hội.
Ban truyền thông Gx.Hiển Linh
21.08.2013