Một vài đặc nét của dòng Tên

Dòng Tên hiện nay được biết đến là một trong số những dòng tu nam có số lượng thành viên đông và có sức ảnh hưởng lớn trong cũng như ngoài Giáo Hội. Người ta biết đến dòng Tên qua các hoạt động của các tu sĩ dòng này trong nhiều lĩnh vực khác nhau như mục vụ các nhóm và giáo xứ, truyền giáo, đồng hành thiêng liêng, nghiên cứu, đặc biệt là hơn cả qua việc giúp Linh Thao và giảng dạy tại các trường thuộc các cấp độ khác nhau, từ trung học cho đến Đại Học. Người ta nói nhiều về dòng Tên, nghe nhiều về dòng Tên, tiếp xúc nhiều với các tu sĩ dòng Tên, nhưng cũng có khá nhiều điều, tạm gọi là đặc nét, về Dòng này mà không phải ai cũng biết. Đó là những điều nào?

 

  1. Cái tên khác lạ: dòng Tên

Điểm khác lạ và cũng rất thú vị này chỉ có ở Việt Nam. Người ta hay thắc mắc tại sao lại có một dòng tu mang cái tên kỳ lạ đến như vậy. “Dòng Tên” nghĩa là sao? Sao không phải là “tên gì đó”, mà chỉ là “Tên” mà thôi? Thông thường, các dòng tu thường lấy tên của vị sáng lập, ví dụ: dòng Đa Minh (do thánh Đa Minh sáng lập), hay dòng Phanxicô (do thánh Phanxicô sáng lập); hoặc ít ra cũng lấy một danh xưng nào đó nói lên căn tính của mình, ví dụ: dòng Thừa Sai Thánh Tâm, dòng Nữ Tỳ Đức Mẹ… “Dòng Tên”, đọc lên, chẳng ai hiểu nó muốn nói về cái gì.

Thật ra, ngay từ đầu, để diễn tả ý nghĩa một nhóm bạn có cùng chí hướng phục vụ Giáo Hội của Đức Giêsu, thánh Inhaxio Loyola và các bạn đầu tiên đã tự gọi mình là “những người bạn của Chúa Giêsu” (tiếng Anh: The Society of Jesus; tiếng Ý: La compagnia di Gesù; tiếng Tây Ban Nha” La compañía de Jesús). Chính xác mà nói, “dòng Tên” có tên đầy đủ là “dòng Chúa Giêsu”, vì với thánh Inhaxio, chính Đức Giêsu mới là Đấng sáng lập Dòng và là thủ lãnh tối cao của Dòng.

Khi mới đến Việt Nam để truyền giáo, có lẽ các nhà truyền giáo vẫn dùng là “dòng Chúa Giêsu”, khiến nhiều người tưởng rằng đây là một dòng tu của Chúa Giêsu, do Chúa Giêsu đích thân lập nên. Mãi cho đến khi dòng Tên bị giải thể trên toàn thế giới vào năm 1773, người ta mới thắc mắc là người nào trên trái đất này có thể giải thể được dòng của chính Chúa Giêsu. Sau đó, họ mới được giải thích rằng dòng này do ông Inhaxio Loyola sáng lập, còn “dòng Chúa Giêsu” chỉ là cái tên gọi mà thôi. Từ đó, xuất phát từ việc văn hoá Việt Nam không cho phép gọi tên của một bậc vị vọng, nên thay vì gọi là “dòng Chúa Giêsu”, người Việt chúng ta gọi là dòng Tên. “Tên” [viết hoa] là có ý nói đến Danh Chúa Giêsu, Đấng là khi nghe đến, “cả trên trời dưới đất, và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ” (Pl 2,10). Tên là người. Khi nhắc đến tên, cũng là nhắc đến người. “Dòng Tên” chính là “dòng Chúa Giêsu” là vì vậy.

 

  1. Không có tu phục

Các tu sĩ thường xuất hiện trước mắt người khác với những bộ tu phục. Tu phục mà người tu sĩ khoác trên mình chính là để diễn tả sự từ bỏ của mình dành cho thế gian và tự hiến mình cho Chúa. Dẫu “tu phục không làm nên thầy tu”, nhưng nó cũng là một dấu chỉ cho thấy một chọn lựa muốn dứt bỏ hồng trần để chỉ chăm lo việc nhà Chúa. Giây phút được mặc tu phục có lẽ là khoảnh khắc tuyệt vời nhất của bất cứ tu sĩ nào.  Mỗi dòng tu có kiểu tu phục và màu sắc khác nhau. Người ta có thể căn cứ vào tu phục mà biết được vị tu sĩ ấy thuộc về hội dòng nào.

Chẳng bao giờ người ta thấy một tu sĩ dòng Tên mặc tu phục. Lúc thì thấy họ chỉ mặc áo sơ-mi, lúc thì áo thun. Khi nào trịnh trọng lắm thì thấy họ mặc áo có cổ côn, hoặc áo chùng thâm. Mỗi người mỗi kiểu, chẳng ai giống ai. Bởi vậy, có khi phải đến cuối cuộc nói chuyện, ta mới biết mình đang nói chuyện với một “ông dòng Tên”.

Sở dĩ thánh Inhaxio không muốn có áo dòng là vì mục đích tông đồ. Trong môi trường truyền giáo, đôi khi chiếc áo dòng trở thành một rảo cản. Những người bình dân thấp kém sẽ ngại tiếp xúc với một tu sĩ mặc áo dòng trịnh trọng, vì với họ, người mặc áo dòng thuộc về một tầng lớp khác. Không có áo dòng, các tu sĩ dòng Tên sẽ phá vỡ được khoảng cách với người khác, và sẽ giúp họ hiệu quả hơn.

Thánh Inhaxio cũng không quên dặn dò con cái mình rằng chiếc áo dòng đích thực mà mỗi tu sĩ dòng Tên phải khoác trên người chính là “thân phận tôi đòi của Đức Giêsu”. Về mặc thực tiễn, các tu sĩ dòng Tên phải ăn mặc và nói năng giống như người đạo đức thánh thiện ở nơi mình phục vụ. Đây là một kiểu “nhập thể” vào môi trường, để không tạo nên một sự khác biệt mà cũng không trở nên quá bê bối, làm gương xấu cho người khác.

 

  1. Liên quan đến lời khấn

Các dòng tu khác thường cho các tập sinh, sau khi kết thúc giai đoạn nhà Tập, được khấn tạm. Mỗi năm đều phải khấn lại. Rồi sau vài năm mới được khấn trọn. Đối với các dòng nam, các tu sĩ phải khấn trọn rồi mới được thụ phong linh mục.

Với dòng Tên thì khác. Ngay sau thời gian nhà Tập, các tập sinh sẽ tuyên ba lời khấn khó nghèo, khiết tịnh, vâng phục, và đây đã là lời khấn trọn rồi, chứ không phải khấn tạm. Hàng năm, họ lặp lại lời khấn nhưng chỉ mang hình thức thiêng liêng, một kiểu “làm mới” lại những gì đã cam kết trước Chúa. Không lặp lại thì lời khấn đó vẫn còn giá trị. Đặc biệt, khi khấn, tu sĩ dòng Tên khấn trước Thánh Thể, chứ không phải khấn với bề trên.

Khi đã hoàn tất việc học tập (và đã thụ phong linh mục rồi, ngoại trừ tu huynh), họ sẽ phải làm thêm một năm nhà Tập nữa, mà thánh Inhaxio gọi là trường đào tạo con tim. Sau đó, Dòng sẽ mời gọi họ tuyên khấn lời khấn cuối, và chính lúc này, họ mới chính thức trở thành thành viên của dòng Tên.

Khi khấn cuối, ngoại trừ ba lời khấn (khó nghèo, vâng phục, khiết tịnh), một số người sẽ được mời gọi để khấn thêm lời khấn thứ tư: vâng phục Đức Giáo Hoàng liên quan đến sứ mạng. Đi kèm với lời khấn thứ tư này là một số “lời khấn phụ” khác mà đương sự sẽ khấn trước mặt Bề Trên trong phòng thánh. Đây sẽ là bước ngoặc trong cuộc đời họ. Họ được xem như là “chết với đời”, đã “đóng đinh chính mình vào cây thập giá”.

 

  1. “Cởi mở lương tâm”

Cởi mở lương tâm chỉ có nơi linh đạo Dòng Tên, xuất phát từ nhu cầu quản trị và thực thi sứ mạng của Dòng. Đó là việc các bề dưới chia sẻ cho bề trên nhà và bề trên Giám Tỉnh (ít là một năm một lần) những chuyển biến nội tâm của mình. Nói rõ hơn, đây là việc bề dưới “phơi bày” cho bề trên biết trọn vẹn con người của mình: những điều gặp phải, những điểm mạnh, điểm yếu, cám dỗ, an ủi, lời mời gọi nghe được từ Chúa… Dĩ nhiên, nội dung của những chia sẻ này phải được giữ kín cách tuyệt đối.

Ngoài ý hướng đào luyện, cởi mở lương tâm còn nhắm đến một mục đích rộng hơn: sứ mạng. Bề Trên Giám Tỉnh là người phải nghe cởi mở lương tâm của tất cả thành viên trong tỉnh Dòng, để từ những hiểu biết về đương sự mà ngài có thể sai họ đến những vùng sứ mạng thích hợp, vừa không làm thiệt hại đến ơn gọi và đời sống của họ, vừa giúp ích cho người mà họ được sai đến để phục vụ. Tương tự, các Giám Tỉnh cũng phải cởi mở lương tâm với Bề Trên Cả. Tất cả đều nhằm giúp cho việc quản trị Dòng được tốt đẹp.

 

  1. Cách thức bầu Bề Trên Cả và nhiệm kỳ của Bề trên Cả

Bề Trên Cả dòng Tên được bầu trong một cuộc Tổng Công Hội của toàn Dòng. Không hề có một danh sách ứng cử cho vị trí này. Các đại biểu sẽ cùng nhau tìm ra vị Bề Trên Cả trong cầu nguyện và trong những cuộc “thì thầm” (mormoratio). Các đại biểu bắt cặp với nhau, trao đổi với nhau, thu thập thông tin, rồi cầu nguyện. Sau một khoảng thời gian, trong âm thầm và cá vị, tất cả sẽ bỏ phiếu, trên đó ghi tên người mà mình cho là phù hợp với vị trí lãnh đạo toàn Dòng.

Hệt như một phép lạ, ban đầu có thể sẽ có nhiều người được nhắc đến, nhưng dần dần, sẽ có một vài người được chú ý hơn cả. Những mormoratio lại tiếp tục được thực thi giữa các đại biểu cho đến khi tìm ra được người nhận được đủ số lượng phiếu ủng hộ theo quy định của luật Dòng.

Nhiệm kỳ của Bề Trên Cả dòng Tên là suốt đời. Như thế, cứ sự thường, ngài sẽ thực thi cương vị lãnh đạo toàn Dòng cho đến khi qua đời. Ngài chỉ thôi cương vị này trong một số trường hợp do luật Dòng quy định.

Trên đây chỉ là một vài đặc nét nhỏ bé của Dòng Tên mà thiết nghĩ nhiều người rất quan tâm. Vẫn còn nhiều điều thú vị khác, chúng tôi xin chừa một khoảng trống để các bạn tiếp tục khám phá nhé!

 

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Kiểm tra tương tự

Đừng ngại rao giảng Tin Mừng

Một trong những thách đố khi là một người Ki-tô hữu là việc ra đi …

Sức mạnh của thinh lặng

Đối với những người phấn đấu sống một cuộc sống đức hạnh, việc học cách …

2 Bình luận

  1. Con đã tốt nghiệp cấp 3.
    Vì kinh tế gia đình con không học được đại học.
    Con là người mới vào đạo được 1 năm.
    Vì tình yêu của Chúa đã thấm nhầm trong con nên con muốn dấn cả cuộc đời này cho Chúa và phục vụ giáo hội. Con mong bề trên hội dòng chấp nhận con.

  2. Bạn liên hệ với Linh mục phụ trách ơn gọi: Đaminh Nguyễn Quốc Kính, S.J SĐT: 0344.702.046
    Điện thoại: (028) 3744-4766
    Website Nhà Ứng Sinh: ungsinhdongten.net

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *