Nhật ký KAKUMA (8): Những cuộc đời đốt cháy

Một buổi họp mặt
Một buổi họp mặt

Một sơ y tá nhờ tôi đến sửa giúp máy tính của bệnh viện ở ngoài thị trấn, không xa trại tị nạn mấy. “Đây là bệnh viện lớn nhất của vùng này phủ bán kính 120km”, tôi đã nghe người ta nói về bệnh viện này như thế. Khi vào bệnh viện, dĩ nhiên tôi không ngạc nhiên về cơ sở vật chất, vì những gì tôi đã thấy suốt tháng qua ở những nơi “trọng điểm” khác cũng cho tôi mường tượng được phần nào đó cơ sở của nơi này. Nhưng điều khiến tôi ngạc nhiên là bệnh viện trung tâm nhưng không có bác sĩ thường trú. Họ có phòng phẩu thuật nhưng không có bác sĩ, còn trại tị nạn thì có bác sĩ nhưng không có phòng phẩu thuật. Vì thế, họ cộng tác với nhau khá “ăn rơ”. Nếu bệnh viện có bệnh nhân nặng thì họ kêu bác sĩ từ trại tị nạn đến. Còn ở trại tị nạn, nếu cần phẩu thuật thì cả bệnh nhân lẫn bác sĩ lên xe cứu thương chạy ra bệnh viện để phẩu thuật.

Tôi không biết các bác sĩ đã học về chuyên khoa gì nhưng chỉ cần danh xưng bác sĩ thôi thì cũng đủ để họ làm mọi sự liên quan đến ngành y, từ việc chẩn đoán đến phẩu thuật, mọi phần trên cơ thể từ đầu đến chân chứ không chỉ chuyên khoa của họ. Không phải vì họ “đá lộn sân” nhưng vì không có người khác chuyên hơn thì thà họ “lấn tuyến” còn hơn là để bệnh nhân phải ra đi. Tình cờ khi tôi viết những dòng này, hôm nay trên báo Kenya có đăng một tin về việc chăm sóc y tế ở một trạm xá của người Turkana, vùng tôi đang đề cập đến. Trạm xá chỉ có một y tá, nhưng anh cũng kiêm nhiệm vụ của một bác sĩ, đồng thời là điều dưỡng, dược sĩ, hộ sinh và ngay cả hộ lý. Anh làm việc tuần 7 ngày và lúc nào bệnh nhân cũng tấp nập. Anh nói, có những trường hợp buộc anh phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, nhưng không phải ai cũng có thể đi được.

Khi đi từ bệnh viện trở về, một chiếc xe đã dừng lại và cho tôi đi nhờ. Lên xe mới biết họ là những người Israel, tôi buộc miệng khoe: “Tôi mới đến Israel tháng trước.” Họ ngạc nhiên và vui như gặp người thân, vì có người đến thăm và yêu thích đất nước của họ. Chúng tôi trò chuyện như những người đã quen nhau từ lâu. Cuối cùng mới biết họ cũng là những người đang phục vụ ở trại tị nạn về giáo dục. Dường như giữa chúng tôi không còn khoảng cách về dân tộc và ngôn ngữ, vì chúng tôi có một ngôn ngữ chung: phục vụ.

Tại đây, tôi cảm nhận sự dấn thân không mệt mỏi của nhiều người thiện chí. Họ là những bác sĩ, những giáo viên, nữ tu, mục tử, ngay cả những nhà làm phim… Hiện tại, với dịch Ebola, người ta có thể dễ dàng tìm thấy những thông tin về các bác sĩ tình nguyện đến những vùng dịch, bất chấp nguy hiểm đến tính mạng. Đó là điều bạn có thể tin. Tôi đã và đang gặp họ, không phải là những bác sĩ Ebola, nhưng những người dấn thân ở trại tị nạn này. Về bản chất họ không khác nhau là mấy. Họ đến đây vì tiếng gọi của đồng loại.

Trên cùng chuyến bay đến trại tị nạn, tôi gặp hai cô gái người Mỹ, một người chuẩn bị tốt nghiệp thạc sĩ về giáo dục của Đại Học Harvard, và một đang làm tiến sĩ về những người bị gạt ra ngoài lề của Đại Học San Francisco. Khi tôi hỏi tại sao bạn đến đây thì nhận được câu trả lời rất đơn sơ: “vì đây là nghề tôi chọn.” Nói đến nghề, tôi liên tưởng đến chuyện ở trung tâm SIDA giai đoạn cuối Mai Hoà, nơi các sơ Dòng Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn đang phụ trách. Các sơ tiếp xúc với bệnh nhân hằng ngày nên việc sơ suất bị kim đâm phải là điều khó tránh khỏi; không phải là kim thường nhưng là kim nhiễm HIV của bệnh nhân; hay đơn giản là tiếp xúc với các vết trầy xước. Khi tôi hỏi một sơ trẻ: “sơ không sợ lây HIV sao”. Sơ trả lời ngọt sớt: “sinh nghề tử nghiệp rồi thầy ơi”. Họ đã chọn “nghề” này và sẵn sàng chết vì nghề ấy! Và không ít người đã hy sinh vì những nghề như thế. Đức cha Jean Cassaigne người Pháp đã đến Việt Nam, dấn thân cho người phong cùi Việt và đã chết khi mắc bệnh cùi.

Các bạn trẻ đang bước vào tương lai, họ cần những hướng dẫn từ các bậc phụ huynh và thầy cô giáo. Ước gì tiêu chuẩn phục vụ cộng đồng có chỗ đứng đặc biệt trong việc tư vấn và chuyện trò của họ. Thánh Anphong Rodriguez, một tu huynh Dòng Tên, đã chẳng bao giờ rời khỏi nhiệm vụ gác cổng trường học suốt 40 năm. Nhưng nhờ việc trò chuyện và “hướng nghiệp” với ngài, nhiều người đã nên thánh và có những đóng góp vĩ đại cho thế giới. Hẳn nhiên, phục vụ không có nghĩa là phải dấn thân vào những nơi nguy hiểm. Mỗi người tuỳ khả năng đều có thể đóng góp cho xã hội những điều rất tốt đẹp. Cũng chẳng cần phải học cao hiểu rộng mới có thể đóng góp điều gì đó cho xã hội. Khi còn là tập sinh, tôi đi bán hàng rong và gặp nhiều người bạn cùng bán hàng rong. Không ít người trong số họ đã để lại nơi tôi những ấn tượng khó quên về gương sáng cho đời.

Trong một xã hội mà những chia sẻ thật đáng buồn thường xuất hiện trên Facebook: “thời nay muốn làm người tốt cũng khó”, bạn có dám lội ngược dòng để làm người tốt? Lội ngược dòng chẳng bao giờ dễ. Mà dòng đời lại lắm ngoặc ngoèo hơn dòng nước gấp bội lần. Nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ cùng với ước mơ góp chút gì đó cho đời, tôi tin các bạn trẻ chẳng những không chùn bước mà còn trở nên nguồn cảm hứng cho nhiều người khác cùng dấn thân với họ!

Tôi đã từng đặt câu hỏi về thời gian học quá dài với nhiều môn học có vẻ chẳng bao giờ mình cần đến, nhưng tại đây không một chuẩn bị nào lại trở nên vô ích. Khi mới đến, người ta chuẩn bị ngay cho tôi những workshop về đức tin. Rồi với lý do “thầy đi nhiều nơi chắc biết về lãnh đạo, nhờ thầy làm một khoá về leadership cho các lãnh đạo của các nhóm”. Không dừng lại ở đó, với lý do “khi học về mục vụ chắc thầy đụng đến tâm lý, nhờ thầy giúp một workshop về tâm lý cho những người tư vấn tâm lý.” Dĩ nhiên tôi biết khả năng của mình, những điều này vượt quá xa sức tôi, nhưng sau những lần từ chối không được tôi cũng nhắm mắt làm liều. Nhưng với họ, thà nhận được ai đó liều, còn hơn chẳng có ai. Khi vào Dòng tôi nghĩ những gì mình học trước đó chẳng ăn nhập gì với đời mục vụ. Nhưng tại đây, chính những kiến thức về máy móc, điện đóm lại mang tôi lại gần những người tôi muốn gặp. Và cũng giống như vai trò của bác sĩ, nếu người ta thấy anh sửa được máy tính thì giả thiết là anh có thể sửa được mọi thứ liên quan đến điện. Người ta mang đến cho tôi máy tính từ cổ chí kim, ti vi, điện thoại, máy quạt, loa, bếp và ngay cả ắc quy và điện mặt trời. Không phải thứ gì người ta đem đến tôi cũng sửa được, nhưng ít nhất tôi có cơ hội để gặp gỡ và trò chuyện về cuộc sống của họ.

Trở lại với chuyện những người làm việc nơi đây. Tôi không chắc mọi người đều dấn thân hết mình, vì cũng có những người tham nhũng trên sự khốn khổ của người khác. Nhưng không ít người đã và đang ngày đêm đốt cháy cuộc sống của họ cho những người tị nạn với sự nhiệt tình và vui tươi khó tả. Một khi họ dấn thân, họ dấn thân hết mình, chẳng cần phải so đo với chuyện người khác có làm hay không; và họ cũng chẳng ngại bất cứ một trở ngại nào, ngay cả sự đe doạ đến an ninh và mạng sống của họ. Quả thật, Trịnh Công Sơn rất hữu lý khi xin một tấm lòng: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng…. để gió cuốn đi.” Không biết tấm lòng của mình sẽ bị cuốn đi đâu, nhưng chắc chắn, ở một nơi nào đó trên mặt đất này, tấm lòng ấy sẽ trổ sinh hoa trái.

Văn Yên, SJ

Kiểm tra tương tự

Chúa ơi, bây giờ con phải làm gì ?

  “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” (Lc3,10-18)   Trong đoạn Tin Mừng …

Sinh Nhật Chúa Giêsu và câu chuyện Giáng Sinh

  Tại sao Sinh Nhật của Chúa Giêsu được gọi là Giáng Sinh?   Thuật …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *