Ơn gọi
Mt 10, 1-7
Bài Tin Mừng nói về ơn gọi của các tông đồ. Chiêm ngắm ơn gọi của các ngài, sẽ làm cho chúng ta hiểu sâu xa hơn ơn gọi tu trì của chính chúng ta. Có thể nói, ơn gọi của các Tông Đồ là kiểu mẫu của mọi ơn gọi.
1. Chúa muốn
– Ơn gọi của các tông đồ phát xuất từ chính ý muốn của Chúa: “Đức Giêsu gọi 12 môn đệ lại”. Tin Mừng Maccô còn nói rõ hơn: “Đức Giêsu gọi đến với Người những ai Người muốn” (Mc 3, 13).
– Cũng thế, ơn gọi của chúng ta đến từ chính ý muốn của Chúa: Chúa gọi đích danh từng người chúng ta – và chúng ta đáp lại. Cho dù khi đến với đời tu, chúng ta có nhiều động lực hay lí do khác nhau. Nhưng với thời gian, nhất là trong thời gian huấn luyện, chúng ta được mời gọi đặt đời tu của mình trên nền tảng tận cùng là “Ơn Được Gọi”, nghĩa là chính ý muốn của Chúa. Nếu ơn gọi của chúng ta đặt trên một nền tảng khác, thì chắc chắn sẽ sụp đổ, không sớm thì muộn; và sụp đổ ngay từ bên trong.
– Nhưng Chúa muốn gọi chúng ta từ khi nào? Chúng ta nghe được tiếng gọi của Chúa vào một lúc nào đó trong cuộc đời, nhưng theo Thánh Phaolô, Chúa đã gọi và chọn chúng ta ngay từ trong bụng mẹ và từ trước muôn đời.
– Xác tín được Chúa gọi, không chỉ một lần là xong, nhưng phải được xác tín lại hằng ngày; chúng ta cần làm mới lại ơn được gọi mỗi ngày, như thể ngày nào chúng ta cũng nghe được tiếng Chúa gọi.
2. Chúa muốn gọi ai?
– Con số được gọi là 12. Điều này có nghĩa là số người được gọi là xác định, không có may rủi. Mỗi lớp tập hay mỗi lớp khấn, chúng ta thường so sánh hơn kém, nhiều ít. Nhưng trong Chúa, số người được gọi là xác định từ trước muôn đời.
– Và Chúa gọi đích danh từng người: Phêrô, Giacôbê, Gioan… Cũng vậy, Chúa cũng đã gọi tên từng người chúng ta. Các môn đệ được Chúa gọi, khi các ông vẫn còn đang “lôm côm”, giới hạn, bất toàn như chúng ta, có khi còn kém hơn. Và thực sự là như thế!
3. Chúa gọi để làm gì?
– Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Ngài gọi các tông đồ, Ngài gọi chúng ta chính là để cùng với Ngài chạnh lòng thương đám đông. Chúng ta có thể tự hỏi, những ai hôm nay là “đám đông” như thế, là đối tượng mà Đức Giêsu chạnh lòng thương?
– Chúa bảo các môn đệ “xin chủ mùa gặt sai thợ đi gặt lúa về”, nhưng rốt cuộc Chúa chẳng đợi ai xin. Chính Chúa chọn và sai các tông đồ, và hôm nay chọn và sai chúng ta.
– “Anh em đừng đi về phía các dân ngoại…”. Như thế, Chúa muốn chúng ta làm chứng và rao giảng Nước Trời trước tiên với những người thân cận lạc loài, chưa cần phải đi đâu xa xôi.
– “Đám đông lầm than vất vưởng” ngày nay là những ai? Đó là những người, nhất là những người trẻ mất hướng đi, mất niềm tin, chạy theo những mục đích chóng qua, bề ngoài, không có giá trị nhân bản, truyền thống bền vững, chạy theo các ngẫu tượng; đám đông cũng có khi là cả một xã hội!
Giuse Nguyễn Văn Lộc