Thầy Ở Cùng Anh Em (23.10.2011 – Chúa Nhật Truyền Giáo)

“Truyền giáo là hát lên niềm vui chất chứa nơi lòng mình, là tỏa hương tự nhiên như đoá hoa.

[youtube]http://www.youtube.com/watch?v=n5R0Uucr4_I&feature=player_detailpage[/youtube]

Lời Chúa: (Mt 28, 16-20)

16 Khi ấy, mười một môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Ðức Giêsu đã truyền cho các ông đến. 17 Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. 18 Ðức Giêsu đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. 19 Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, 20 dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.

 

Suy Niệm

Truyền giáo là một mệnh lệnh
và cũng là một ước mơ của Chúa Phục Sinh:
“Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ.”
Ngài đòi ta phải ra đi loan báo Tin Mừng,
nhưng cuối cùng là phải giúp người khác
trở thành môn đệ của Chúa Giêsu,
nghĩa là có tương quan thân thiết với Ngài,
dám sống như Ngài, sống cho Cha và con người.
Ðấng Phục Sinh nắm quyền trên cả thế giới,
nên Ngài sai chúng ta đến với mọi dân tộc.
Tin Mừng không còn bị giới hạn trong mảnh đất Israel,
nhưng lan rộng khắp trái đất (x. Mt 10,5).
Ngày nào còn một người chưa trở thành môn đệ,
ngày ấy trách nhiệm chúng ta vẫn còn.

“Bằng cách làm phép Rửa cho họ
nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”
Phép Rửa khiến người ta trở thành môn đệ Ðức Kitô,
và đi vào tương quan với Ba Ngôi Thiên Chúa.
“Bằng cách dạy bảo họ tuân giữ
mọi điều Thầy truyền cho anh em”
như thế các môn đệ thuộc bất cứ thời đại nào
đều có một điểm chung,
đó là cùng tuân giữ toàn bộ giáo huấn của Chúa.
“Và đây Thầy ở cùng anh em
mọi ngày cho đến tận thế”
Ðây không phải là một lời hứa cho tương lai,
nhưng là một điều đang xảy ra trong hiện tại.
Chúa Giêsu thật là Emmanuel (Mt 1,23),
Ngài ở cùng Giáo Hội, ở cùng các môn đệ,
Ngài ở bên họ trong mọi bước đường rao giảng (Mc 16,20).

Khi nhìn đến quê hương Việt Nam,
chúng ta thấy hơn 70 triệu người chưa biết Chúa.
Chúng ta có trách nhiệm loan báo Tin Mừng,
có bổn phận nói về Chúa cho họ,
nói bằng lời và nói bằng cuộc sống cụ thể.
Làm sao qua cuộc sống của tôi:
yêu thương, tha thứ, hy sinh phục vụ, bình an vui tươi,
người ta gặp được Ðấng Vô Hình mà gần gũi?
Làm sao tôi có thể trả lời được những câu hỏi,
soi sáng được những vấn đề nhức nhối của họ
bằng ánh sáng Tin Mừng?

Truyền giáo không phải là tuyên truyền hay mua chuộc,
cũng không phải là áp đặt một cách tinh vi,
Truyền giáo là hát lên niềm vui chất chứa nơi lòng mình,
là tỏa hương tự nhiên như đoá hoa.
Truyền giáo là hơi thở
của một Giáo Hội đầy sức sống Thánh Thần.

Chúng ta phải biếu Chúa Giêsu cho con người hôm nay.
Nhưng trước hết chúng ta phải có Chúa Giêsu,
và phải biết lắng nghe con người.

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa,
Chúa đã muốn trở nên con của loài người,
con của trái đất, con của một dân tộc.
Chúa vẫn yêu mến dân tộc của Chúa
dù họ từ khước Tin Mừng
và đóng đinh Chúa vào thập giá.

Xin cho chúng con biết yêu mến quê hương,
một quê hương còn nghèo nàn lạc hậu
sau những năm dài chiến tranh,
một quê hương đang mở ra trước thế giới
nhưng lại muốn giữ gìn bản sắc dân tộc
và bảo vệ nền đạo lý của cha ông.

Xin cho chúng con đừng nhắm mắt ngủ yên
trong sự an toàn và tiện nghi vật chất,
nhưng biết trăn trở trước nỗi khổ đau,
và làm một điều gì đó thật cụ thể
cho những đồng bào quanh chúng con.

Ước gì chúng con biết phục vụ đất nước
bằng khối óc, quả tim và đôi tay.
Và ước gì chúng con biết khiêm tốn
cộng tác với muôn người thiện chí.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Kiểm tra tương tự

Manna: Không được phân ly (Chúa Nhật 27 Thường Niên, năm B)

Lắng nghe Lời Chúa và Suy niệm https://phutcaunguyen.net/pcnapp/audio/CN27TNB_MC10_2_16.mp3   Lời Chúa Mc 10:2-16 2 Khi ấy, …

Tìm lại nền tảng hạnh phúc gia đình | Suy tư Tin Mừng CN 27 Thường niên – năm B

Chúa Nhật Tuần XXVII – Mùa Thường Niên TÌM LẠI NỀN TẢNG HẠNH PHÚC GIA …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *