Thánh I-nhã : Tự do để yêu mến và phục vụ (kết)

Phụ trang 28

 

Danh hiệu Dòng Tên

 

            Giả như được phép diễn tả đúng ý thánh I-nhã, hình như thay vì Dòng Tên, chúng ta phải gọi là Đoàn Giêsu. Vì sao? Trước hết vì lúc nhận danh hiệu Compagnia di Gesù, tại Vicenza năm 1537, nhóm Những người bạn trong Chúa của thánh I-nhã chưa phải là một dòng tu. Nhưng quan trọng hơn, đối với thánh I-nhã, điều chính yếu là nhóm của ngài được gọi bằng tên của Chúa Giêsu. Ở Paris vào năm 1534, thánh I-nhã tập họp một nhóm bạn cùng chí hướng mà ngài gọi là Những người bạn trong Chúa. Năm 1537, tại Vicenza, đang lúc chờ tàu đi Giêrusalem, cả nhóm chia nhau đến các đại học hi vọng chiêu mộ thêm được những bạn mới. Một câu hỏi được đặt ra: Nếu người ta hỏi chúng ta là ai thì trả lời thế nào? Cả nhóm nhanh chóng đồng ý với câu trả lời: Chúng tôi thuộc Đoàn Giêsu. Có lẽ thánh I-nhã và các bạn ngài không nặn óc để nghĩ ra một tên, nhưng từ Đoàn đến dễ dàng từ ngôn ngữ phổ thông thời ấy, và từ Giêsu xuất phát từ trái tim của cả nhóm.

            Polanco viết vào khoảng năm 1547-1548:

            Danh hiệu này do các bạn đầu tiên chọn trước khi đến Rôma. Họ trao đổi với nhau về việc người ta hỏi họ thuộc về hội nào hay nhóm nào (họ có 9 hay 10 người), thì phải trả lời thế nào. Họ bắt đầu cầu nguyện và suy nghĩ xem danh hiệu nào thích hợp nhất. Vì thấy ngoài Đức Giêsu Kitô, giữa họ không có đầu hay trưởng nào khác, và họ chỉ phục vụ một mình Người thôi, nên họ thấy nhận tên của Đấng là đầu của nhóm là đúng, và họ tự xưng là Đoàn Giêsu. Về điều này, Cha I-nhã đã được Đấng mà các bạn đầu tiên đã nhận tên đến thăm viếng thiêng liêng rất nhiều lần, và ra nhiều tín hiệu cho biết Người phê chuẩn và chuẩn y danh hiệu ấy, đến nỗi tôi đã nghe chính Cha I-nhã nói nếu nghĩ là danh hiệu ấy không phù hợp, cha tin rằng cha chống lại Thiên Chúa. Và vì người ta nói cha và viết thư cho cha để yêu cầu đổi tên Đoàn Giêsu – có người cho rằng chúng ta đang tự tôn mình lên ngang hàng với Chúa Giêsu, và người khác đưa ra những lý lẽ khác – cha nói với tôi , tôi nhớ, nếu mọi người trong Dòng Tên cùng với mọi người khác, những người không bị buộc phải tin, mà nếu không tin thì có tội, nghĩ là phải đổi tên, thì một mình cha vẫn không bao giờ đồng ý. Ngoài ra, vì Hiến Chương] định rằng không được quyết định gì nếu chỉ một trong các bạn đầu tiên không đồng ý, nên bao lâu ngài còn sống, danh hiệu này sẽ không bao giờ thay đổi. Cha I-nhã thường có lập trường sắt đá như vậy trong những điều mà ngài biết được do những cách thức vượt trên sự hiểu biết của loài người. Và trong những vấn đề như vậy, ngài không chịu khuất phục bất kỳ lý lẽ nào.

            Trong bài huấn dụ ngày 2.7.1559 giải thích nguồn gốc phát sinh Dòng Tên, cha Láinez gắn danh hiệu Đoàn Giêsu với thị kiến La Storta:

            Nền tảng đầu tiên của danh hiệu này là Cha I-nhã…

            Và sau khi đã thuật lại các điều xảy ra cho thánh I-nhã ở La Storta, cha Lainez kết luận:

            Vì thế, Cha rất sùng kính thánh danh cực trọng, và ước mong đặt tên cho nhóm là Đoàn Giêsu.[139]

            Ribadeneira giải thích:

Khi Cha I-nhã và các bạn quyết định thành lập một dòng tu, và tìm một tên cho dòng…, Cha I-nhã đề nghị các bạn để ngài lo việc đó, để ngài muốn đặt tên nào cho dòng tùy ý. Tất cả các bạn đều sẵn sàng chấp thuận; và cha cho biết phải gọi là Đoàn Giêsu, vì với thị kiến kỳ diệu ấy, và nhiều thị kiến khác cũng như những soi sáng phi thường khác, Chúa Giêsu đã trồng cấy, đã ghi khắc thánh danh cực trọng vào tâm hồn cha, nên cha không thể quên mà tìm tên nào khác được… Vì thế, những ai được Thiên Chúa gọi vào Đoàn Giêsu phải hiểu rằng mình không ở trong Dòng I-nhã, nhưng thuộc về Đoàn của Con Thiên Chúa, là Đức Giêsu Kitô; và vì thế phải theo cờ hiệu của Người và hân hoan vác Thánh Giá của Người, mắt hướng về Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin, Đấng đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục[140].

Tại sao Đoàn? Cần nhớ lúc ấy thánh I-nhã và các bạn muốn trả lời cho người Ý, nên dùng một từ phổ thông trong tiếng Ý thời ấy.

Theo Gervais Dumeige, S.J., Compagnia là từ thường được dùng ở Ý trong thế kỷ XVI để chỉ những hội đoàn thường họp nhau cầu nguyện chung và làm việc từ thiện, chẳng hạn Compagnia del Santo Salvatore ad Sancta Sanctorum, Compagnia della Nunziata alla Minerva, Compagnia del Santissimo Crocefisso, Compagnia della Madonna del Pianto. Có một số hội đoàn như vậy ở Rôma, cũng như ở các thành phố khác trong nước Ý như ở Modena, Firenze, Venezia và Napoli. Có cả một hội đoàn tên là Compagnia del nome di Gesu (Hội thánh danh Chúa Giêsu) ở Parma. Như vậy, nghĩa gốc của compagnia là một hội, một đoàn, một nhóm. (Trong tiếng Latinh, hai từ societas [hội] socius [hội viên] cùng gốc; socius được dịch sang tiếng Pháp là compagnon và tiếng Anh là companion, cùng gốc với compagnia, compagnie, company). Như thế, từ compagnia thích hợp để áp dụng vào một nhóm linh mục có những ước nguyện thánh thiện và kế hoạch chung, cho dù lúc ấy chưa đông. Từ Đoàn được chọn ở Vicenza có nghĩa khá rộng rãi và uyển chuyển: lúc các bạn đầu tiên chưa biết nhóm sau này có biến thành một tập thể ổn định và cố định không. Danh hiệu ấy chỉ được Đức Thánh Cha phê chuẩn sau khi các cha đầu tiên đệ trình dự án vừa mới mẻ vừa táo bạo lên Tòa Thánh vào năm 1539. Thực ra từ Đoàn mang ý nghĩa đơn sơ và rộng rãi đến nỗi vào năm 1549, tức là Đoàn Giêsu đã được Tòa Thánh phê chuẩn 9 năm rồi, cha Simão Rodrigues còn đề nghị nên đổi thành Religio hay Ordo (Dòng), vì những từ này có ý nghĩa pháp lý chính xác hơn. Có thể nói khi thánh I-nhã khi tập họp các bạn cùng chí hướng trước đó, ngài chưa nghĩ đến một tổ chức qui củ. Cha Nadal nói: “Ngài được Thiên Chúa dẫn dắt nhẹ nhàng, chính ngài không biết sẽ đi đâu.”[141]

Compagnia có hàm ý quân sự không? Vào thời thánh I-nhã, compagnia không bao hàm một ý nghĩa quân sự nào. Về sau, một số tác giả nghĩ rằng thánh I-nhã từng là một quân nhân và dựa vào một số từ ngữ ngài sử dụng trong Linh Thao và Hiến Chương Dòng Tên như chinh phục, cờ hiệu, chiến đấu dưới cờ Thánh Giá… để cắt nghĩa compagnia theo nghĩa quân sự. Tuy nhiên, chúng ta đã biết thánh I-nhã chưa bao giờ là một quân nhân. Ricardo García-Villoslada nhấn mạnh: “Phải nhắc lại một lần và một ngàn lần điều này: thánh I-nhã không bao giờ là quân nhân trong quân đội Tây Ban Nha, không bao giờ là cấp chỉ huy hay có một cấp bậc nào trong quân đội, không bao giờ được hưởng một đồng lương hay trợ cấp vì hoạt động quân sự nào.”[142]

Về các từ có vẻ quân sự ngài dùng đều lấy từ Kinh Thánh và nền tu đức đương thời[143]. Chính thánh I-nhã và các bạn của ngài cũng như những người đương thời, không ai hiểu compagnia theo nghĩa quân sự. Có một số người phản đối danh hiệu Đoàn Giêsu, nhưng tất cả tập trung vào danh hiệu Giêsu chứ không một ai thắc mắc về Đoàn. Theo Dominique Bertrand, thánh I-nhã ít dùng các từ “nhà đạo”, nhưng thích dùng các từ thông dụng trong xã hội. Compagnia là một từ như vậy[144].

Điều thánh I-nhã và các bạn nhất quyết giữ là chữ Giêsu, còn về chữ Đoàn ai cũng coi là bình thường, không thắc mắc chi hết.

           

 

Kiểm tra tương tự

Giới thiệu sách mới: VÂNG PHỤC TRONG ĐỜI TU – MỘT ĐÓNG GÓP CỦA LINH ĐẠO I-NHÃ

Sự vâng phục là một trong ba lời khấn mà các tu sĩ phải tuân …

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *