Từ Azpeitia đến Valencia
Ra khỏi ranh giới tỉnh, kẻ ấy xuống ngựa, không đem theo gì, hướng về Pamplona, rồi đi Almazán, quê của cha Laínez, rồi đi Siguenza và Toledo; rồi từ Toledo đi Valencia. Tại quê của các bạn cùng chí hướng, kẻ ấy không nhận gì, mặc dầu được cho rất nhiều, mà người ta còn năn nỉ nữa. Tại Valencia, kẻ ấy gặp được Castro, đan sĩ dòng Xitô [43].
Thánh I-nhã không nói gì về mùa hè ở Tây Ban Nha thường rất nóng nực. Một trong những mục đích thánh I-nhã nhắm đến khi về quê là đến gặp gia đình các bạn người Tây Ban Nha. Có lẽ các bạn muốn nhờ ngài giải thích với gia đình về quyết định hiến thân phục vụ Chúa, để gia đình yên tâm.
Thánh I-nhã có ghé Pamplona không? Chúng ta không có bằng chứng nào. Hình như ngài không thiết tha gì với những kỷ niệm thời “phù phiếm”. Vả lại, ngài phải đến thăm gia đình các bạn, rồi phải lo học cho xong chương trình thần học. Trước hết ngài đến gặp người anh trưởng tộc của thánh Phanxicô Xavier tại Obanos, cách Pamplona hơn 10 km về phía đông nam[44]. Anh ngài nghe đồn thánh I-nhã theo lạc giáo và gây rối ở Paris, lại tụ tập một nhóm, trong đó có cả thánh Phanxicô Xavier, nên hết sức tức giận và hình như vì thế không gởi trợ cấp cho em nữa. Điều đầu tiên Thánh I-nhã làm là trao thư của người em cho người anh[45]. Thánh Phanxicô Xavier cho biết: “Chắc anh biết là nếu quả ngài Inigo đúng như anh nói, chắc ngài không ngu gì đến gặp anh: một tên bất hảo đời nào lại dẫn xác đến trước người hắn đã xúc phạm… Em tha thiết xin anh đừng ngại gặp và nói chuyện với ngài, cứ tin những điều ngài nói. Tiếp xúc với ngài và nghe lời khuyên của ngài, anh sẽ được giúp đỡ rất nhiều… Một lần nữa, em xin anh đừng bỏ lỡ dịp tốt.” García-Villoslada cho rằng gặp thánh I-nhã, một người toát ra sự thánh thiện, nhỏ nhẹ, khiêm tốn, bác ái và khôn ngoan, người anh trưởng tộc đã hết thành kiến và giao cho thánh I-nhã số tiền thánh Phanxicô Xavier cần để đi hành hương Giêrusalem[46]. Năm 1531, thánh Phanxicô Xavier đã nhờ anh xin giấy chứng nhận gia đình quý tộc, nhưng có lẽ vì giận, anh ngài không xin. Sau khi gặp thánh I-nhã, anh ngài gởi giấy chứng nhận đến Paris năm 1536, kèm theo cả việc ngài được dành cho một ghế kinh sĩ tại nhà thờ chính tòa Pamplona. Tuy nhiên, lúc ấy ngài không cần đến nữa.
Rồi thánh I-nhã vượt 130 km đến Almazán, để gặp gia đình của Diego Laínez. Ở đây mọi sự dễ dàng hơn nhiều. Đó là một gia đình gốc Do Thái, khá giả và rất đạo đức, rất vui mừng được biết tin tức của người nhà, đặc biệt việc Diego muốn hiến thân phục vụ Chúa và đi hành hương Giêrusalem. Theo James Brodrick, gia đình cha Laínez muốn tặng thánh I-nhã một con ngựa và tiền bạc để đi đường, nhưng ngài không nhận[47].
Trên đường đến Toledo, ngài ghé Siguenza, không biết để gặp ai hay có việc gì. Có thể ngài đến gặp một người quen nào đó và muốn mời người ấy gia nhập nhóm bạn chăng? Qua Alcalá, ngài đến Toledo. Đó là thành phố có nhiều đền đài rất đẹp, giàu truyền thống và truyền thuyết nhất ở Tây Ban Nha[48]. Tuy nhiên, đối với thánh I-nhã, đơn giản đó là quê của Alfonso Salmeron. Ngài cho gia đình biết tin tức, đặc biệt về việc Alfonso muốn hiến thân phục vụ Chúa và sắp đi hành hương Giêrusalem. Cũng như gia đình Laínez, gia đình Salmeron hết sức vui mừng. García-Villoslada nói thánh I-nhã dùng dầu thơm và mật ngọt đổ vào lòng người nhà để họ đón nhận hi sinh khi chia sẻ thập giá của Đức Kitô[49].
Thánh I-nhã không đến gia đình Nicolas Bobadilla. Đó là một gia đình rất nghèo và rất đạo đức. Ông thân sinh của Nicolas đã mất năm 1517, thân mẫu qua đời năm 1535. Có lẽ Nicolas không gởi thư, vì không có vấn đề gì đặc biệt, nên thánh I-nhã thấy không cần đến.
Thánh I-nhã cũng ghé thăm mấy người bạn cũ. Trước khi đi Paris, ngài đã có 4 người bạn cùng chí hướng ở Tây Ban Nha.
Như họ đã thỏa thuận trước, từ Paris, kẻ hành hương thường xuyên viết thư cho họ về việc khó đem họ đến Paris học được. Kẻ ấy có viết thư cho Dona Leonor Mascarenhas, xin bà viết thư cho triều đình vua Bồ Đào Nha để xin một suất học bổng tại Paris do nhà vua ban. Bà có gởi thư cho Calixto, tặng một con la để đi đường và tiền để chi tiêu. Calixto đến triều đình Bồ Đào Nha, nhưng cuối cùng không đi Paris. Anh ấy về lại Tây Ban Nha rồi đến Ấn Độ của hoàng đế cùng với một phụ nữ đạo đức. Sau đó, anh về lại Tây Ban Nha, rồi đi Ấn độ nữa. Cuối cùng, anh ấy quay về Tây Ban Nha, lần này đã giàu có, làm cho mọi người từng quen biết anh ấy ở Salamanca trước kia đều ngạc nhiên. Caceres về quê ở Segovia sống như thể đã quên mất ý định ban đầu. Arteaga được phong làm nghĩa sĩ. Sau đó, khi Dòng Tên đã được thành lập ở Rôma, anh ấy được đề cử làm giám mục ở Ấn Độ. Anh ấy viết thư cho kẻ hành hương để nhường chức vụ ấy cho một anh em trong Dòng. Khi kẻ ấy từ chối, anh ấy thụ phong giám mục, rồi sang Ấn Độ của hoàng đế, nhưng chết trong hoàn cảnh khá lạ thường. Lúc bị bệnh, anh ấy có hai chai để đựng nước giải khát, một chai nước do thầy thuốc chỉ định, chai kia đựng nước có chất độc. Người ta cho anh ấy uống lộn chai có chất độc, thế là anh ấy chết[50].
Khi thánh I-nhã về lại Tây Ban Nha, cả 4 người bạn cũ đều đã chọn hướng đi riêng. Theo Nadal, Gioan Nhỏ đã vào dòng Thánh Phanxicô[51]. Calixtô và Caceres đã quay về với lối sống ‘phù phiếm’. Chỉ còn Arteaga xem ra chưa dứt khoát. Theo Tellechea, ngài đến gặp, có lẽ hy vọng thuyết phục vào nhóm mới, nhưng không thành công[52].
Ở Paris, nhóm 3 người Tây Ban Nha tập Linh Thao đã gây chấn động đại học.
Castro sau đó về Tây Ban Nha, giảng thuyết tại Burgos một thời gian, rồi vào dòng Chartreux tại Valencia. Peralta đi hành hương Giêrusalem, đi bộ[53], nhưng đến Ý thì bị một người bà con làm sĩ quan giữ lại, dẫn đến gặp Đức Giáo Hoàng và được Đức Giáo Hoàng khuyên nên trở về Tây Ban Nha.
Thánh I-nhã đến thăm Pedro de Peralta, kinh sĩ, nhà thần học và nhà giảng thuyết nổi tiếng ở nhà thờ chính tòa Toledo. Chắc ngài không có ý thuyết phục Peralta quay lại với nhóm, chỉ thăm thân hữu thôi. Sau này Peralta nói với Ribadeneira là chỉ nguyên những gì Peralta thấy nơi thánh I-nhã cũng đủ để phong thánh cho ngài[54]. Cuối cùng ngài đến thăm Juan Castro lúc ấy là đan sĩ tại đan viện Vall Cristo ở Segorbe gần Valencia. Ngài ở đó 8 ngày: hưởng bầu khí yên tĩnh và thanh bình, hát kinh thần vụ với cộng đoàn, gặp gỡ các đan sĩ. Đó là điều ngài mong ước từ lâu, và giả như không xác tín được gọi phục vụ Chúa cách khác, chắc ngài ở lại đó luôn!
Có một cuộc gặp gỡ mà thánh I-nhã không nhắc đến, nhưng khá thú vị. Lúc ở Alcalá thánh I-nhã có quen một phụ nữ quý phái và đạo đức: bà Leonor de Mascarenas, người Bồ Đào Nha (1503-1584). Khi đi Paris, ngài nhờ bà xin cho Calixto một học bổng của vua Bồ Đào Nha[55]. Vào tháng 4 năm 1535, bà đang coi sóc các hoàng tử và công chúa tại Madrid. Chắc ngài đã đến thăm bà, và nhân dịp ấy, người sau này sẽ là vua Felipe II đã gặp ngài. Năm 1556, Ribadeneira cho biết nhà vua biết rõ thánh I-nhã khi ngài gặp bà Leonor mấy lần, trong thời gian bà coi sóc nhà vua lúc ấy là thái tử[56]. Năm 1586, họa sĩ Alonso Sánchez Coello tặng nhà vua một số bức tranh mới vẽ, trong đó có bức chân dung thánh I-nhã[57]. Nhìn bức chân dung, nhà vua khen: “Tốt lắm! Giống lắm. Tôi biết cha Ignacio và đây đúng là gương mặt ngài. Tuy nhiên, khi tôi gặp, ngài để râu nhiều hơn.” Tu huynh López thuật chuyện này cho biết thêm: nhà vua gặp thánh I-nhã lúc bà Leonor coi sóc; bà giới thiệu ngài với thái tử: “Đây là người người thánh thiện, thái tử nên xin ngài cầu nguyện cho.”[58] Năm 1594, cha José de Acosta cho biết trong buổi tiếp kiến, nhà vua nói đã gặp thánh I-nhã ở Madrid[59]. Riêng bà Leonor luôn luôn cảm phục thánh I-nhã như một vị thánh và sau này rất quý mến Dòng Tên. Có lần bà viết thư cho chân phước Phêrô Favre: “Giả như là người nam thì chắc chắn tôi muốn theo cha và cha Inigo, nhưng vì là phụ nữ, nhiều tội lỗi và chẳng có công trạng gì…”[60] Điều chúng ta muốn lưu ý ở đây là chẳng những thánh I-nhã để lại ấn tượng sâu đậm nơi một phụ nữ mà ngay cả một em bé 8 tuổi, nhưng 51 năm lúc đã làm vua một cường quốc hàng đầu thời ấy, vẫn nhớ đã gặp ngài và nhớ cả khuôn mặt ngài.
Đến Valencia, theo lời giới thiệu của Juan, ngài ở nhà ông Martín Pérez de Almazán (thân sinh của Cristobal Pérez, sau này làm linh mục Dòng Tên). Ông là người rất đạo đức. Ông cho thánh I-nhã 4 đồng ducado vàng để đi đường.
Mặc dầu sức khỏe chưa bảo đảm lắm, thánh I-nhã đã đi bộ, vừa đi vừa xin ăn, vượt qua 650 km, để gặp gỡ gia đình của các bạn cùng chí hướng người Tây Ban Nha, vừa báo tin cho gia đình, vừa thu xếp những điều cần thiết để các bạn yên tâm đi Giêrusalem.
Kẻ ấy muốn đáp tàu đi Genova, nhưng bạn bè xin đừng đi, vì họ nói tên Râu Đỏ đang ở trên biển cùng với nhiều tàu chiến… Mặc dầu họ nói đủ điều để làm cho kẻ ấy sợ, nhưng không gì làm cho kẻ ấy thay đổi ý định[61].
Râu Đỏ là biệt danh người Châu Âu dùng để gọi chung hai anh em Arudj (1474-1518) và Khizr ed-Din (biệt danh tự xưng, nghĩa đen là Tốt Cho Đạo; 1476-1546). Hai anh em cùng sinh tại Sicilia, nhưng lớn lên theo Hồi Giáo và trở thành giang hồ trên biển. Arudj lần lượt phục vụ Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ rồi Tunisie, và gây kinh hoàng cho người Tây Ban Nha ở phía tây Địa Trung Hải, nhưng chết trong một trận đánh với người Tây Ban Nha tại Alger. Kế nghịệp anh, Khizr ed-Din phục vụ đế quốc Ottoman vào lúc hùng mạnh nhất, được hoàng đế Soliman II phong làm Beylerbey (Đệ nhất lãnh chúa), chỉ huy hạm đội 6000 quân trên Địa Trung Hải, chống lại hoàng đế Karl V. Năm 1529, Khizr ed-Din đánh đuổi quân Tây Ban Nha khỏi đảo Penon ở Châu Phi; năm 1534 chiếm Tunis, rồi cướp phá bờ biển Nam Ý và Silicia… Mặc dầu người ta can ngăn, nhưng thánh I-nhã cứ đi: ngài phải tiếp tục chương trình thần học và có hẹn với các bạn.
Kẻ ấy xuống một chiếc tàu lớn và gặp bão lớn[62]. Gặp cơn bão lớn, bánh lái tàu bị gãy. Tình trạng nguy kịch đến nỗi kẻ ấy cũng như nhiều người khác trên tàu cho rằng chỉ với những phương tiện tự nhiên thì không sao thoát chết được. Chính lúc ấy, khi xét mình cẩn thận để dọn mình chết, kẻ ấy không cảm thấy sợ vì tội lỗi hay hình phạt, nhưng cảm thấy hối tiếc và đau đớn nhiều vì thấy mình đã không sử dụng các tặng phẩm và ân huệ Chúa ban[63].
Thánh I-nhã không cho biết rõ thời gian. Ngài rời Valencia trong tháng 10. Ngài có ghé lại Barcelona không? Chúng ta không có bằng chứng. Điều ngài nhớ nhất là trong chuyến đi ấy ngài tưởng không sao thoát chết được.
Đến Genova, kẻ ấy lên đường đi Bologna. Trên đường, kẻ ấy khổ cực trăm bề, nhất là có lần bị lạc và phải đi bộ dọc theo bờ sông. Nước chảy mãi dưới sâu, đường đi tít trên cao. Càng đi xa, đường càng hẹp, hẹp đến nỗi tiến không được mà lùi cũng không được. Kẻ ấy bắt đầu phải bò, và tiến được khá xa, nhưng rất sợ, vì hễ nhúc nhích là thấy như sắp lăn tòm xuống sông. Chưa bao giờ kẻ ấy gặp khó khăn phần xác và phải gắng sức đến như vậy. Nhưng cuối cùng cũng thoát nạn. Ngay cửa ngõ Bologna, lúc đi qua một chiếc cầu gỗ nhỏ, kẻ ấy ngã xuống nước. Đứng lên được thì người ướt nhem và dính đầy bùn, làm cho những người gần đó phá ra cười. Vào Bologna, kẻ ấy đi xin bố thí, nhưng không được một xu nào, mặc dầu đã đi khắp nơi[64].
Bologna cách Genova hơn 200 km về hướng đông. Thánh I-nhã vẫn đi bộ và ăn xin ngang đường. Giữa mùa thu thời tiết dễ chịu, nhưng ngài có ba kỷ niệm đáng nhớ cho thấy những nhọc nhằn và bất trắc của cuộc sống theo kiểu hành hương. Riêng về việc ngài không xin được gì ở Bologna, Ribadeneira ngạc nhiên: một thành phố giàu thế, lớn thế, bác ái thế![65] Sau đó, thánh I-nhã đến Học viện Tây Ban Nha, tên chính thức là San Clemente, và được đồng hương cho ăn ở ít lâu, khoảng 11 đến 18 tháng 12[66]. Ngài dự tính ở lại đó để hoàn tất chương trình thần học ở đại học, nhưng thấy khí hậu Bologna làm cho ngài không được khỏe mạnh, nên quyết định đi Venezia, có lẽ sau lễ Giáng Sinh năm 1535.